Gần 50.000 bộ C/O được cấp
Đây là số liệu được Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác cấp C/O năm 2020. Hội nghị diễn ra sáng nay (7/12) tại Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều đại biểu, cùng các doanh nghiệp liên quan.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, sau 35 năm hội nhập kinh tế quốc tế, hiện nay Việt Nam đã là “bạn hàng” với hầu hết tất cả các quốc gia thành viên WTO. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế rất rộng với việc tham gia vào 16 FTA, 13/16 FTA đã có hiệu lực.
“Càng hội nhập thì công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa càng quan trọng. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa như là một visa, giấy thông hành để phân biệt giữa doanh nghiệp, các nước trong và ngoài khối tham gia vào tiến trình hội nhập này”, Cục trưởng Phan Văn Chinh nhận định.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, số lượng C/O ưu đãi được cấp trong giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 20-25%/năm. Năm 2015 là 525 nghìn bộ, đến năm 2019 là hơn 1 triệu bộ.
Trong năm 2020, mặc dù tình hình xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng hồ sơ C/O được xử lý và cấp cho hàng hóa xuất khẩu vẫn có sự gia tăng đều đặn. Kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA 10 tháng năm 2020 chiếm 28,67% trong 147,6 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Dự kiến đến hết năm 2020, tổng C/O ưu đãi sẽ cấp là khoảng 1,3 triệu bộ.
Đặc biệt, ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ được những ưu đãi từ hiệp định thông qua việc thực hiện các hồ sơ chứng nhận xuất xứ theo mẫu EUR.1 - mẫu C/O để hưởng ưu đãi theo EVFTA.
Từ ngày 1/8 - 20/11/2020, các cơ quan, tổ chức ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 49.495 bộ C/O với kim ngạch gần 1,9 tỷ USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng được cấp C/O ưu đãi chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử…
Cục trưởng Phan Văn Chinh cho biết, hiện tỷ lệ C/O tăng trung bình 20-25%/năm đang cao hơn so với bình quân tỷ lệ tăng kim ngạch xuất khẩu (17,3%/năm), điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã dần tham gia tích cực và có ý thức, chủ động tận dụng tốt các lợi thế trong xuất xứ hàng hóa mà các FTA mang lại.
Chất lượng xử lý hồ sơ tốt, tỷ lệ yêu cầu xác minh C/O thấp
Đáng chú ý, Cục trưởng Phan Văn Chinh còn cho biết, trong công tác cấp C/O năm 2020 chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hồ sơ C/O ưu đãi bị cơ quan hải quan trong nước và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu xác minh lại.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, các phòng quản lý xuất nhập khẩu trong cả nước đã cấp gần 930.000 C/O ưu đãi.
Trong đó, cơ quan hải quan trong nước và các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chỉ yêu cầu xác minh lại khoảng 1.000 hồ sơ, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 1%. “Tỷ lệ xác minh lại C/O ưu đãi thấp thể hiện chất lượng khi xử lý hồ sơ của các phòng chứng nhận hàng hóa đảm bảo”, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Phan Văn Chinh cũng cho rằng, đi cùng với các FTA có hiệu lực, đặc biệt doanh nghiệp ngày càng chủ động quan tâm và tận dụng các ưu đãi của CPTPP, EVFTA thì khối lượng các C/O ưu đãi phải xử lý cũng tăng cả về số lượng và yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng để chống gian lận xuất xứ.
Trong những năm gần đây, các vụ việc về gian lận xuất xứ hàng hóa có chiều hướng gia tăng và mang tính chất phức tạp. Một số hình thức gian lận có thể thấy như làm giả giấy xác nhận của địa phương, nhà sản xuất; làm giả xác nhận của người bán; xoay vòng, làm giả, tẩy xóa chứng từ nguyên liệu đầu vào nhằm giảm trị giá chi phí đầu vào để đạt tỉ lệ Hàm lượng giá trị khu vực; tẩy xóa, sửa mã HS để HS nguyên liệu khác với HS của sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chí xuất xứ.
Trước thực trạng này, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Nổi bật như ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương để triển khai Quyết định 824/QĐ-TTg về tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ và lập tổ công tác liên ngành về vấn đề này; tăng cường hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp trong nước chủ động tìm hiểu, tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa, phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất quy chế, quy trình tác nghiệp chung giữa các đơn vị để đảm bảo chống gian lận xuất xứ. Trong đó, vừa gắn được trách nhiệm của người xử lý hồ sơ nhưng đồng thời giảm tải được thời gian, cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng trao đổi các biện pháp phối hợp giữa các phòng, các đơn vị cấp C/O ưu đãi để chống gian lận xuất xứ.
Cũng tại chương trình, Cục Xuất nhập khẩu cập nhật quy định mới liên quan đến quy tắc xuất xứ trong các FTA như vấn đề ủy quyền cấp C/O ưu đãi, việc thực thi quy tắc xuất xứ của EVFTA trong thời gian qua, quy định về tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN tại Thông tư số 19/2020/TT-BCT và quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định RCEP.
[Quảng cáo]