Sáng ngày 16/8/2023 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Điền Trì, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7 và Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27. Hội chợ do Chính phủ Trung Quốc giao Bộ Thương mại Trung Quốc và Chính quyền Nhân dân tỉnh Vân Nam phối hợp tổ chức.
Nhận lời mời của Chính quyền tỉnh Vân Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, cùng Lãnh đạo Bộ/ngành và địa phương Việt Nam tham dự Lễ khai mạc Hội chợ.
Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại
Hội chợ là sự kiện có ý nghĩa kinh tế chính trị quan trọng nhất vùng Tây Nam Trung Quốc được Chính phủ Trung Quốc chú trọng đầu tư nhằm tăng cường hợp tác sâu rộng với các quốc gia Nam Á và ASEAN.
Với chủ đề “Đoàn kết hợp tác, cùng phát triển", Hội chợ năm nay có quy mô 15 khu trưng bày trên diện tích 150.000m2 với khoảng 8.000 gian hàng tiêu chuẩn. Hội chợ thu hút sự tham gia của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng doanh nghiệp của trên 20 tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết: Hội chợ là hành động thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp các nước trong khu vực mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư, tăng cường trao đổi thương mại; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn trước mắt và từng bước khôi phục sau đại dịch.
Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm các khả năng hợp tác, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, vượt thách thức để cùng phát triển thịnh vượng.
Đề nghị Trung Quốc đẩy mạnh mở cửa thị trường đối với nông sản
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư với Trung Quốc và các nước khu vực Nam Á.
Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm qua, đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam. Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước trong khu vực tăng cường hợp tác toàn diện, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng giao thông… Theo đó, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Hội chợ Trung Quốc – Nam Á, làm phong phú và đa dạng hơn nữa hình thức hợp tác trong khuôn khổ Hội chợ để đưa diễn đàn này thực sự trở thành một kênh hợp tác hiệu quả giữa Trung Quốc và tỉnh Vân Nam với các nước trong khu vực, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa.
Để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp các nước tham gia xúc tiến thương mại đầu tư vào khu vực Tây Nam Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề xuất Chính phủ Trung Quốc và chính quyền tỉnh Vân Nam tiếp tục tạo thuận lợi hóa thương mại, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thông quan.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện thương mại, đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó cộng đồng doanh nghiệp các nước cần chủ động tìm kiếm cơ hội, phát huy tối đa khả năng, lợi thế, sự năng động, sáng tạo, đưa quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất hơn nữa.
Khu gian hàng Việt Nam quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN
Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ có quy mô 150 gian hàng của gần 80 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh… trưng bày sản phẩm tại Khu gian hàng thương mại Việt Nam (Nhà triển lãm số 6).
Khu gian hàng Việt Nam có quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN. Các ngành hàng của doanh nghiệp Việt Nam trưng bày tại Hội chợ bao gồm: nông sản, thực phẩm chế biến, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thanh long, sắn lát, sản phẩm được chế biến từ dừa Bến Tre, giầy dép, nước hoa, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ…
Trong khuôn khổ Hội chợ còn diễn ra một số hoạt động bên lề khác: Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Nam Á lần thứ 4; Diễn đàn thương mại Trung Quốc - Nam Á lần thứ 16; Diễn đàn thương mại Trung Quốc - Đông Nam Á lần thứ 5; Diễn đàn tỉnh trưởng các nước hành lang kinh tế khu vực sông Mê Kông (GMS) 2023...
Vân Nam - địa điểm tổ chức Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7 và Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27 là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nam, Trung Quốc, có diện tích hơn 394 nghìn km2 (chiếm 4,1% diện tích toàn Trung Quốc), dân số 47 triệu người với 26 dân tộc khác nhau.
Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền tỉnh Vân Nam đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại ký tháng 10/2022. Để triển khai cụ thể hóa những nội dung hợp tác tại Bản ghi nhớ, Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Nhân dân tỉnh Vân Nam đã trao đổi Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026. Hiện nay hai bên đã sẵn sàng ký kết trong dịp phù hợp.
Theo Hải quan Côn Minh, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Vân Nam với thế giới đạt 50 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 24,1 tỷ USD, giảm 11,7%, nhập khẩu đạt 25,9 tỷ USD, tăng 21,4%. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Vân Nam với khu vực ASEAN đạt 19 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021, trong đó nhập khẩu đạt 8,8 tỷ USD, tăng 9,1%, xuất khẩu đạt 10,2 tỷ USD, giảm 8,7%. Các đối tác thương mại chính của Vân Nam gồm có Myanmar, Ả Rập Xê Út, Việt Nam, Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Cô-oét, Brazil, Lào.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Vân Nam với thế giới đạt khoảng 18,16 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 6,34 tỷ USD, giảm 29,7%, nhập khẩu đạt 11,82 tỷ USD), tăng 1,7%. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Vân Nam với khu vực ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 6 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Vân Nam - Việt Nam đạt gần 1,1 tỷUSD), giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu của Vân Nam sang Việt Nam là 638 triệu USD, giảm 35,5%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 441 triệu USD, tăng 107,6%.
Vân Nam nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là nông sản và quặng kim loại. 6 tháng năm 2023, Vân Nam đã nhập khẩu 141,9 triệu USD nông sản từ Việt Nam, tăng 449,6%, chiếm 32,2% tổng giá trị nhập khẩu của Vân Nam từ Việt Nam. Trong cùng thời gian, giá trị quặng kim loại nhập khẩu là 32 triệu USD, giảm 32,8%, chiếm 7,2% tổng giá trị nhập khẩu. Ngoài ra, nhập khẩu đồng chưa gia công và các sản phẩm từ đồng là 15,3 triệu USD), tăng 921,5%, chiếm 3,6%.
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Vân Nam sang Việt Nam là nông sản và hàng cơ điện. 6 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu nông sản của Vân Nam sang Việt Nam đạt 313 triệu USD, tăng 23,2%, chiếm 49,1% tổng giá trị xuất khẩu của Vân Nam sang Việt Nam. Trong cùng kỳ, xuất khẩu các sản phẩm cơ điện đạt 30,6 triệu USD, giảm 83,6%, chiếm 4,7%.
Là cửa ngõ quan trọng khu vực Tây Nam, có vị trí địa lý chính trị quan trọng của Trung Quốc, Vân Nam là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội để doanh nghiệp Việt không chỉ tiến vào thị trường Vân Nam mà còn tiến sâu vào thị trường Trung Quốc, cũng như tăng cường hợp tác sâu rộng với các quốc gia Nam Á và ASEAN.