Đổi mới tư duy và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA thuận lợi hơn

Sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, trong đó có vai trò của các địa phương giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao hiểu biết và tận dụng những lợi ích của các FTA. Tuy nhiên cần đổi mới tư duy và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
hỗ trợ tận dụng FTA
Tọa đàm “Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA”

Việc thực thi và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực với kinh tế Việt Nam. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong 2 năm gần đây. 

Những kết quả này cho thấy Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm thúc đẩy thực thi các FTA. Trong đó có vai trò của các địa phương đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp làm quen và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA. 

Công tác hỗ trợ tận dụng các FTA ngày càng tích cực hơn

Trao đổi tại Tọa đàm “Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA”  do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 02/12, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết việc ban hành kế hoạch thực hiện FTA của các địa phương ngày càng tích cực hơn.

"Đối với Hiệp định CPTPP, sau khoảng độ hơn 8 tháng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực chúng ta mới có đầy đủ các kế hoạch thực hiện của các tỉnh, thành. Đến Hiệp định EVFTA, thời gian này chỉ khoảng 4 tháng và đến Hiệp định UKVFTA chỉ khoảng chưa đến 2 tháng cho thấy rằng việc các tỉnh, thành rất quan tâm và chú ý đến việc ban hành kế hoạch thực hiện, bởi có kế hoạch thực hiện chúng ta mới triển khai cụ thể được", ông Khanh chia sẻ.

ông Khanh Đa biên
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Bên cạnh việc ban hành kế hoạch thực hiện các FTA, theo ông Khanh, nhiều tỉnh thành cũng đưa ra rất chi tiết các hoạt động hỗ trợ đối với từng mặt hàng, từng lĩnh vực. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh, thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể. Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai chữ số so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và có những tỉnh có những mặt hàng chiến lược thúc đẩy xuất khẩu đạt kim ngạch cao.

Điều này cho thấy thời gian qua, nhiều địa phương rất quan tâm, chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới. Hoạt động xuất khẩu sang khu vực thị trường các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA đều tăng trưởng rõ rệt, trong đó có công sức rất lớn từ các tỉnh, thành.

Khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, doanh nghiệp ngày càng đánh giá tích cực hơn về sự hỗ trợ, về các biện pháp mà các cơ quan ban, ngành không chỉ là trung ương mà địa phương đã thực hiện.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, hiện nay Hà Nội có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước ký kết FTA và có khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các Hiệp định FTA.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội sang các thị trường FTA như CPTPP, EVFTA và UKVFTA trong năm 2022 ước đạt khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội sang các nước trong 3 FTA này bao gồm các mặt hàng như: cơ kim khí, dệt may, da giày... Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ các nước trong 3 hiệp định này năm 2022 ước đạt 13,03 tỷ USD. 

bà Oanh SCT Hà Nội
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Nhằm chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu, triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Trong đó đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của Thành phố với các đối tác trong, ngoài nước; Tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình và tìm kiếm đối tác. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các FTA và các thị trường trong các FTA, tổ chức các hội nghị tập huấn liên quan đến nội dung các hiệp định và thông tin thị trường, về các kỹ năng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường FTA.

Ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Từ khi có các FTA thế hệ mới kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã có sự gia tăng đáng kể, đơn cử kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt mức tăng từ 0,75 cho đến 3 lần so với trước đó.

Cường SCT BR-VT
Ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu

Để chủ động thúc đẩy hội nhập sâu rộng và triển khai thực thi các FTA và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sớm phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các Hiệp định FTA khác.

Sở Công Thương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế của tỉnh, đã chủ động phối hợp với các Bộ, Cục thuộc Bộ Công Thương, các thương vụ tại các nước cũng như các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thông tin về thị trường xuất khẩu, các văn bản mà hướng dẫn về thực thi các FTA của các bộ, ngành nhiều hình thức khác nhau. Qua đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hiểu rõ hơn về các FTA thế hệ mới cũng như khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA.

Tuy nhiên, theo ông Cường, bên cạnh những khó khăn, thách thức khách quan, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về khả năng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế về năng lực, về xúc tiến thị trường và tiếp cận các đối tác, khách hàng chưa cao.

Thy Thảo
Dẫn chương trình Tọa đàm - Nhà báo Thy Thảo

Giảm khoảng cách giữa nhu cầu của doanh nghiệp với hỗ trợ từ các cơ quan, địa phương

Đối với các doanh nghiệp Hà Nội, bà Nguyễn Kiều Oanh cho biết, số lượng doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu với các nước ký kết FTA còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường FTA, nhất là những thành viên mới của các hiệp định như Canada, Mexico, Peru. Riêng đối với hàng may mặc là một mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội sang các nước, do các doanh nghiệp chưa chủ động được các nguồn nguyên liệu, nên có những thời điểm bị đứt gãy đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Qua tiếp cận, khảo sát môi trường kinh doanh đối với hoạt động doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhu cầu của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các FTA rất sâu rộng hiện nay. Bởi vì câu chuyện tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp Việt Nam luôn là một trong những mong mỏi rất lớn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy còn cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp với khả năng đáp ứng hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, các địa phương.

Thạch VCCI
Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

"Trong tiến trình này chúng tôi cũng rất hiểu những vấn đề hạn chế về nguồn lực nhưng từ kết quả điều tra, khảo sát chúng tôi thấy các doanh nghiệp đang rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp", ông Thạch chia sẻ.

Ông Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực thì việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA ở các địa phương có thể làm tốt hơn trong bối cảnh dư địa khai thác các thị trường FTA còn rất lớn. Theo thống kê hiện nay mới có 38/63 tỉnh, thành có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP và nếu chỉ tính riêng hoạt động xuất nhập khẩu với các nước mới có FTA khi ký CPTPP như Canada, Mexico hay Peru thì con số có thể còn thấp hơn.

Mặt khác, mặc dù các tỉnh đều có các biện pháp hỗ trợ từ đào tạo, hỗ trợ  chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại hay hỗ trợ về chính sách... tuy nhiên, các hỗ trợ đấy hiện vẫn áp dụng chung cho tất cả các ngành, các doanh nghiệp, chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghề mà chúng ta cần tận dụng FTA, những ngành nghề thực sự là mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược mà chúng ta có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hay là tăng trưởng tỷ lệ tận dụng.

Cần xác định các mặt hàng chiến lược để có cơ chế hỗ trợ tập trung

khách mời

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong những lĩnh vực liên quan đến việc tận dụng các FTA của doanh nghiệp, các địa phương cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.

Trước tiên, câu chuyện tiếp cận thông tin về những lợi ích mà các FTA mang lại đối với các doanh nghiệp cần đi vào những vấn đề chuyên sâu, cụ thể hơn. Cách thức  triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phải xuất phát từ những vấn đề rất thực tế ban đầu của các doanh nghiệp. Các sở, ngành địa phương cũng cần có những nghiên cứu, đánh giá sâu ngay từ đầu về nhu cầu hỗ trợ cụ thể của doanh nghiệp, thậm chí theo từng định hướng của mỗi hiệp định FTA hay từng thị trường, trên cơ sở đó mới có thể thiết kế và triển khai các chương trình hỗ trợ một cách hiệu quả.

Từ góc độ đơn vị phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành trong thực thi các hiệp định FTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng trong bối cảnh nguồn lực có hạn chúng ta không thể hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, tất cả các sản phẩm mà cần phải dồn nguồn lực nhất định, tập trung cho 1-2 mặt hàng chiến lược, thế mạnh của mỗi tỉnh, thành.

"Ví dụ như có những tỉnh, thành mạnh về gạo, chúng ta tập trung phát triển về gạo, có những tỉnh, thành mạnh về liên quan đến rau quả chế biến, chúng ta tập trung cho quả chế biến, có những tỉnh, thành có truyền thống về da giày thì chúng ta tập trung về da giày. Đơn cử Hải Phòng rất mạnh về da giày, họ có truyền thống về da giày bao năm nay, bây giờ không tập trung phát triển ngành da giày sẽ lãng phí những nguồn lực, kỹ thuật, con người như thế", ông Khanh đặt vấn đề.

trao đổi

FTA Index - Đổi mới tư duy và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA thuận lợi hơn

Trong thời gian tới, các FTA sẽ chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu và rộng hơn với những cam kết mạnh mẽ hơn. Đồng thời, những chính sách hội nhập đa phương của các thị trường trong các FTA đã ký kết với chúng ta cũng sẽ thay đổi.

Điều này đặt ra yêu cầu cần có thêm sự quan tâm đủ mạnh cũng như đổi mới cách thức hỗ trợ từ các địa phương để giúp doanh nghiệp có thể yên tâm bước vào giai đoạn hội nhập sâu hơn nữa. Công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA cũng cần hệ thống và kịp thời hơn nữa với các biện pháp hỗ trợ thực chất và hiệu quả hơn.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, cần hình thành hệ sinh thái kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan.

"Một chuỗi sinh thái như vậy cùng ngồi lại với nhau và xác định xem hiện nay để phát triển ngành này thì cần phải làm những cái gì. Chẳng hạn ở Long An có 25 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bây giờ 25 doanh nghiệp đấy ngồi với nhau để cùng bàn ra cần hỗ trợ những gì, cần làm những gì, quan trọng nhất là cần phối hợp chặt chẽ để tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, như vậy  chúng ta sẽ tăng hiệu quả rất lớn", ông Khanh chia sẻ.

Kế hoạch xây dựng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index) là một trong những sáng kiến, ý tưởng nhằm thực hiện đổi mới tư duy và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án.  

Ông Khanh cho biết, mục tiêu hướng tới của Bộ chỉ số FTA Index, theo tư duy của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI Index) mà chúng ta đã thấy có những hiệu quả rất lớn cho các địa phương thời gian qua, đó là giúp cho các tỉnh, thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các FTA.

Hiện nay Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành thành lập một tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành. Tổ công tác này sẽ nghiên cứu phương pháp điều tra, phương pháp tính toán, xây dựng chỉ số như thế nào cho chính xác và công bằng, khách quan, thể hiện được một cách rõ ràng những nỗ lực mà các tỉnh, thành đã và đang làm.

"Bên cạnh việc xây dựng Tổ công tác, chúng tôi cũng bắt tay vào việc chuẩn bị các dữ liệu cũng như phương pháp cần thiết để làm sao khi Tổ công tác được thành lập chúng tôi có điều kiện đưa ra và bắt đầu Tổ công tác họp, trao đổi để có được phương pháp luận trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi hy vọng đầu năm 2023 các công việc sẽ được sẵn sàng để chính thức triển khai liên quan về đánh giá FTA Index", ông Khanh chia sẻ.

Là một trong những đơn vị phối hợp cùng Bộ Công Thương xây dựng triển khai Bộ chỉ số FTA Index, ông Phạm Ngọc Thạch nhận định, Bộ chỉ số này có ý nghĩa rất lớn. Bởi nếu chúng ta không có được những thông tin, định lượng đo đếm, đánh giá được hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ thực thi các FTA như thế nào thì rất khó xác định được đâu là những điểm mạnh cần phải phát huy và những điểm yếu nào các cơ quan, địa phương cần quan tâm khắc phục để thúc đẩy tốt hơn nữa.

Theo ông Thạch, việc xây dựng và phát triển FTA Index sẽ giúp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở nhiều khía cạnh. Đối với các cơ quan Trung ương nói chung, Bộ Công Thương nói riêng sẽ có được một công cụ chỉ đạo điều hành.

Với các địa phương, công cụ này tạo bước chuyển tốt hơn về mặt tư duy trong việc quan tâm thúc đẩy câu chuyện về hội nhập FTA trong thời gian tới, giúp cho các lãnh đạo các tỉnh, thành phố có thêm những thông tin để triển khai những chính sách của Trung ương trong lĩnh vực này.

Một lợi ích rất quan trọng khác, ở góc độ doanh nghiệp, FTA Index được kỳ vọng là kênh hiệu quả truyền tải phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, những người thụ hưởng chính sách về hội nhập FTA, từ đó họ có những kiến nghị chính sách để điều chỉnh giúp tận dụng được những cơ hội từ các FTA hiệu quả hơn.

Nếu tất cả 63 tỉnh, thành ai cũng quan tâm đến việc thực hiện các FTA, ai cũng quan tâm trăn trở làm thế nào để giúp cho các doan nghiệp tận dụng hơn nữa thì Bộ chỉ số FTA Index sẽ là một công cụ giúp cho các tỉnh, thành tận dụng hiệu quả hơn như chúng ta đã đạt được kết quả từ chỉ số PCI và từ đó tổng thể cả đất nước chúng ta tận dụng được FTA tốt hơn.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

tập thể khách mời

Việt Hằng