Dòng sông và những phận người

Những ngày giêng hai này, bên cạnh những háo hức, nhộn nhịp kinh doanh của một năm mới, thì đây đó trên vỉa hè đường phố Hà Nội, có những người thể hiện sự mong ngóng những nguồn lợi nhỏ nhoi bằng các

Lặng lẽ, âm thầm bày vẻn vẹn nải chuối, vài quả bóng bay, hay 1-2 thứ đồ nhựa vớ vẩn, ngồi trùm khăn bịt mặt thu lu giữa mưa phùn gió bấc với phong cách bán buôn khá ơ hờ. Cách đây mấy năm, ở vỉa hè đường Trương Định (đoạn đối diện cổng chùa Linh Ứng) có ông cụ cứ giáp Tết là đem bày ra vỉa hè bán cặp lồng nhôm từ thời bao cấp còn khắc hình đôi chim bồ câu và những cuốn sách cũ kỹ kiểu “Sống để mà nhớ lấy”, “Bút ký người đi săn”... từ thời Xô-viết tài trợ hay những quyển tạp chí in ảnh Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương từ hơn 20 năm trước. Mà kiên nhẫn lắm, dù không ai mua, gió mưa rét mướt cũng cứ phải chiều 30 mới dọn về. Cứ vậy rồi không thấy cụ xuất hiện nữa. Các mảnh đời tình cờ được gặp ấy thường khiến tôi liên tưởng đến những dòng sông. Trên thế giới này có dòng sông vĩ đại như Amazôn, Volga, Đanuyp. Lại cũng có sông như ở Hà Nội đã từng đi vào lịch sử nay chỉ còn lại cái tên như Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Tôi vẫn hay nghĩ tếu táo mỗi khi đi qua sông Kim Ngưu, thật khó mà hình dung gần 2 ngàn năm trước, con sông này cùng với phân lưu của nó như sông Lừ, sông Sét đã từng được ngài Nguyễn Tam Trinh dùng để luyện thủy quân theo Hai Bà Trưng đánh giặc Hán. Quay trở lại với câu chuyện kể trên tôi thấy họ gần gũi vô cùng với số phận của những con sông nhỏ, chảy bên lề cuộc sống với tất cả sự lầm lũi, cô quạnh nhưng cũng vẫn đủ hết những ước muốn cuộc đời.

Tôi có người bạn vong niên nước ngoài. Số phận run rủi đưa ông đến Hà Nội khi đã ngoài 60 tuổi. Theo những gì ít ỏi tôi thu lượm được thì trước đây ông là một trí thức được đào tạo bài bản, khá giàu có, từng sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, có 2 con với người vợ là người Hàn Quốc (hoặc Triều Tiên). Tôi nói vậy là vì ông thường nổi giận, thậm chí trở nên rất khó chịu mỗi khi có ai hỏi kỹ quá về đời tư. Chỉ biết rằng ông đặt chân đến Hà Nội khi đã chán chường, đổ vỡ rất nhiều trong cuộc sống và chỉ còn nuôi dưỡng ước mơ duy nhất trở thành họa sĩ. Ông thuê nhà ở khu lao động, sống đạm bạc bằng việc đi dạy tiếng Anh tại một trung tâm luyện thi IELTS và hàng ngày chăm chỉ vẽ tranh. Nhưng hóa ra mơ ước trở thành họa sĩ của ông lại bị hai vấn đề trêu ngươi, một là mắt ông bị một bệnh gì đó nên rối loạn cảm nhận màu sắc. Và hai là, tréo ngoe hơn, bất thình lình có con với một cô gái nhận lời làm người mẫu cho ông. Mặc dù cô gái đó (xuất thân từ một gia đình nền nếp) không yêu cầu ông cưới hỏi hay danh phận gì. Nhưng cái sai lầm cuối đời này khiến ông trở nên vất vả và cau có hơn trước vì hàng tháng phải có tiền để chu cấp cho đứa bé. Rồi cuối cùng, ông buộc phải về nước mặc dù không muốn. Hà Nội không đủ sức để níu chân ông nữa, khí hậu khắc nghiệt ở đây trở thành gánh nặng với tuổi tác của ông, và quan trọng là ông không chịu nổi sự cô đơn khi không thể chia sẻ với ai về những vui buồn của mình. Vì cô gái kia và đứa bé con ông không biết tiếng Anh, còn tiếng Việt của ông thì quá tệ. So sánh ông với những người Việt tôi đã gặp ở phần đầu bài viết này, liệu rằng có quá lời khi ví ông với số phận của những con sông tên tuổi một thời.

Mới Tết đấy đã sang tháng 3. Năm nào lần đầu tiên được nghỉ Tết liền 5 ngày đã “choáng”, dân tình nghĩ ra đủ thứ kế hoạch vui chơi cho đã. Thoáng cái hết, ai cũng chép miệng giá được thêm vài ngày nghỉ. Tới năm nay, được nghỉ liền 9 ngày cũng đánh vèo lại hết. Truyện ngắn “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có câu đúc kết cảm khái: “Ba ngày Tết trôi nhanh, lòng đường đầy xác pháo. Mà ngày nào mà chẳng trôi nhanh. Hở giời!”. Đại khái hiểu rằng sự luân chuyển trong cái vô thường của trời đất (như thời gian trôi đi) đã mang một ý nghĩa mất mát nào đó mà con người dù muốn dù không vẫn cảm thấy. Mà đúng là nhanh thật, mới đấy đã chuẩn bị hết quý I, suy bì chút nữa là coi như 1/4 của 12 tháng. Các chuyên gia dự báo rằng nền kinh tế năm 2014 hứa hẹn sẽ bớt khó khăn hơn. Giới đầu tư, kinh doanh cũng có thêm lý do trông đợi. Còn trên các nẻo đường, vỉa hè, góc phố, vẫn thấy không ít người tảo tần, lam lũ chỉ có gánh hàng rong, mẹt rau quả... để kiếm chút thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Làm sao có thể so sánh sự sướng khổ giữa họ và những vị doanh nhân đang tồn đọng hàng chục, hàng trăm tỷ hoặc nhiều hơn thế ở các dự án. Và tôi nghĩ sông to hay sông bé, mang trong lòng nó phù sa, tôm cá hay chỉ là dòng chảy thì cũng vẫn mang số phận của một dòng sông, chỉ trừ khi bị vùi lấp hoàn toàn. Tự điều đó đã mang lại cho mỗi chúng ta niềm hy vọng.

Thái Anh