Vừa qua, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM do bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, làm trưởng đoàn đã làm việc với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ), những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc, đồng thời đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ hàng Việt trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc SATRA, những năm qua, Satra đã thực hiện nhiều chương trình hành động để thực hiện CVĐ đạt hiệu quả. Hệ thống bán lẻ Satra hiện đang có nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, nổi bật trong số đó chính là chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafoods với khoảng 230 cửa hàng, được phân bố khắp các quận, huyện của TPHCM và một số tỉnh thành khác. Hiện tại, 95% hàng hóa bán trong hệ thống Satra là hàng Việt, khảo sát nội bộ cũng cho thấy người tiêu dùng đã ưu tiên chọn hàng Việt.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhìn nhận sau 10 năm thực hiện CVĐ trên địa bàn thành phố, bước đầu đã đánh động nhận thức và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc của người dân trong lựa chọn, mua sắm và tiêu dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả mới dừng ở mức độ phong trào, vận động, kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, mua sắm các nhóm hàng công nghệ phẩm, mà chưa thực sự đi vào chiều sâu đến khâu sản xuất và mở rộng ra các nhóm hàng khác, đặc biệt là sản phẩm nông sản thực phẩm thiết yếu.
Trong khi đó, TPHCM hiện có hơn 10 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người đứng đầu cả nước, tạo ra nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Theo tính toán, tổng mức bán lẻ hàng hóa gần 500.000 tỷ đồng/năm, trong đó tiêu dùng khoảng 250.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TPHCM còn là đầu mối tập trung phân bổ nguồn hàng đi khắp nơi trên cả nước và xuất khẩu. Với vị trí và vai trò là thị trường lớn, TPHCM có lợi thế và điều kiện để quyết định, định hướng sản xuất thông qua phát tín hiệu thị trường.
Từ thực tế đó, Sở Công thương TPHCM đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện CVĐ, chuyển từ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sang hướng nâng chất, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới “hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”, thông qua cách làm mới với tên gọi dự kiến của chương trình “Chắp cánh hàng Việt”.
Đối tượng và cách làm chính là nhà phân phối và sản xuất. Trong đó, các nhà phân phối thống nhất phát tín hiệu thị trường, chỉ nhận bán những hàng đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc; Hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; Cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và sẽ được TPHCM hỗ trợ quảng bá, qua đó kết nối các địa phương và triển khai “Cuộc vận động liên tỉnh”.
Nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc họp cũng đồng tình với quan điểm này. Theo bà Nguyễn Chí Linh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TPHCM, tùy từng thời điểm, từng giai đoạn, chúng ta có thể chọn từng ngành hàng để hỗ trợ DN nâng cấp chất lượng và xây dựng thương hiệu. Mặt khác, thành phố cũng khuyến khích các DN tập trung nhiều hơn cho thị trường nội địa, thay vì chỉ chú trọng xuất khẩu. Để làm được việc này, cần phải đột phá vào hệ thống phân phối, có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phát triển các điểm bán phù hợp để làm bệ đỡ cho sản xuất.
Tại buổi làm việc, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: CVĐ sắp tới cần phải chuyển qua một giai đoạn mới, hành vi mới, suy nghĩ mới, thì cần dùng từ gì cho phù hợp? Để cạnh tranh công bằng, chúng ta không thể dùng mãi cụm từ “ưu tiên”, nếu chuyển sang giai đoạn “chắp cánh hàng Việt” thì cần những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả?
Cũng cần phải làm rõ nội hàm của từng khái niệm cho giai đoạn mới để hàng Việt Nam có thể chinh phục tốt hơn nữa người tiêu dùng trong nước. “Chỉ khi nào chúng ta đưa ra những giải pháp triển khai thật cụ thể cho từng đối tượng, từng ngành hàng gắn với các cơ chế, chính sách hỗ trợ hữu hiệu thì hàng Việt mới có chỗ đứng vững chắc, cạnh tranh tốt hơn trên thị trường”, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.