Dự báo lượng đường xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng vọt 22% trong năm nay

Theo Văn phòng Ủy ban Mía và Đường ăn Thái Lan (OCSB), lượng đường được Thái Lan xuất khẩu sẽ tăng mạnh 22% lên mức cao kỷ lục trong năm 2014 do sản lượng đường của nước này đạt mức cao nhất từng được

Ông Somsak Suwattiga, tổng thư ký OCSB đã cho biết, Thái Lan sẽ xuất khẩu được 9 triệu tấn đường trong năm nay, cao hơn mức 8,5 triệu tấn được ước tính trước đó vào tháng 12/2013 và mức 7,4 triệu tấn trong năm 2013. Sản lượng đường của Thái Lan dự kiến sẽ đạt 11,5 triệu tấn, cao hơn mức 11 triệu tấn được dự báo hồi tháng 12/2013. Theo số liệu của OCSB, sản lượng đường của Thái Lan đã đạt 10,02 triệu tấn trong niên vụ 2012/13. Thái Lan hiện là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới.

Sản lượng mía đường Thái Lan sẽ tăng năm thứ năm liên tiếp trong năm nay lên mức 115 triệu tấn nhờ nhiệt độ giảm xuống và nguồn cung nước dồi dào, qua đó gia tăng năng suất cây trồng, theo ông Somsak Suwattiga. Ngoài ra, một số nông dân Thái Lan đã chuyển từ canh tác lúa gạo và gieo trồng sắn sang trồng đường để có mức thu nhập cao hơn.

Giá đường có khả năng giảm

Việc sản lượng đường Thái Lan tăng lên có thể sẽ khiến giá đường trên thế giới giảm xuống. Sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 43 tháng trong tháng 1/2014, giá đường thế giới đã bật tăng trở lại khi mức dư cung đường trên toàn thế giới có khả năng giảm xuống. Nguyên nhân chính, tình trạng hạn hán tại Brazil gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất đường tại quốc gia này và diện tích gieo trồng mia đường tại Ấn Độ cũng bị thu hẹp xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Brazil và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất đường ăn lớn nhất thế giới.

Trong ngày 21/2, giá đường thô giao tháng 5/2014 đã tăng 2,3%, chốt phiên đạt 17,07 cents/pound (0,454 kg); cũng trong phiên giao dịch ngày 21/2, giá đường thô tương lai đã có lúc chạm mốc 17,14 cents/pound – mức cao nhất kể từ ngày 2/12/2013. Tính đến năm 2013, giá đường thô đã giảm năm thứ ba liên tiếp và rơi xuống chỉ còn 14,7 cents/pound vào ngày 28/1/2014.

Trung Quốc

Ông Somsak Suwattiga cho biết việc Ấn Độ có kế hoạch trợ giá hoạt động xuất khẩu đường có thể khiến thị phần xuất khẩu đường của Thái Lan giảm xuống nhưng điều này không phải là mối lo ngại chính với các công ty xuất khẩu Thái Lan. Theo các số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Indonesia và Trung Quốc hiện là hai quốc gia nhập khẩu đường Thái Lan nhiều nhất trong khu vực. Ông Somsak Suwattiga cũng cho biết nhu cầu sử dụng đường tại khu vực Châu Á đang tăng lên sẽ giúp hấp thụ lượng đường gia tăng từ Thái Lan.

Theo tập đoàn tài chính Macquarie Group Ltd., nhu cầu sử dụng đường trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 2,2% lên mức 173,7 tấn trong mùa vụ này nhờ nhu cầu tại các thị trường mới nổi tăng lên. Ngoài ra, các nhà máy tinh luyện đường tại Trung Quốc được tập đoàn Macquarie dự báo sẽ gia tăng nhập khẩu đường để có nguyên liệu hoạt động, qua đó giúp hấp thụ khoảng 4,4 triệu tấn đường dư thừa.

Ông Kona Haque, một nhà phân tích thuộc tập đoàn Macquarie, đã cho biết, Thái Lan là một trong số ít quốc gia trên thế giới mở rộng diện tích trồng mía đường do đó nhìn chung mức dư cung đường trên toàn cầu sẽ giảm xuống bất chấp việc sản lượng đường tại Thái Lan tăng lên. Diện tích trồng mía tại Thái Lan tăng lên do các nhà máy tinh luyện đường tại Thái Lan nâng cao công suất hoạt động và việc nông dân Thái Lan bỏ từ canh tác lúa gạo sang trồng mía.

Sản lượng đường của Ấn Độ được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây do các cơn mưa khiến năng suất trồng mía giảm xuống, theo đánh giá của các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg. Chính phủ Ấn Độ hiện lên kế hoạch trợ giá 4 triệu tấn đường thô xuất khẩu trong vòng 2 năm, quyết định này đã bị các quốc gia sản xuất đường ăn khác như Brazil và Australia phản đối.

USDA dự báo lượng đường được Indonesia nhập khẩu sẽ tăng 3,6% lên mức 3,7 triệu tấn trong niên vụ 2013/14; Trung Quốc và Malaysia được USDA dự báo sẽ lần lượt nhập 2,8 triệu tấn và 1,9 triệu tấn đường.