TÓM TẮT:
Nghiên cứu dự định và quyết định học bậc cao của người học hơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các cơ sở đào tạo sẽ có được thông tin hữu ích trong việc xây dựng các chính sách phát triển đào tạo, cũng như thu hút người học vào các chương trình đào tạo (CTĐT). Trên cơ sở các nghiên cứu được tìm thấy, bài viết này được thực hiện với mục đích nghiên cứu tổng quan về dự định và quyết định học bậc cao hơn của người học. Dựa vào kết quả nghiên cứu này, nghiên cứu thực nghiệm trong tương lai có thể được thực hiện để đánh giá về dự định, quyết định học bậc cao hơn của người học trong những bối cảnh, phạm vi cụ thể.
Từ khóa: người học, dự định học tập, quyết định học tập.
1. Đặt vấn đề
Tiếp tục học những bậc học cao hơn đối với người học, đặc biệt là đối với giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp người học được trang bị năng lực chuyên môn, hướng tới làm chủ những kiến thức chuyên ngành, có thể đảm nhận công việc khó hơn và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực được đào tạo. Học những bậc học cao hơn giúp người trưởng thành có cơ hội nâng cao triển vọng nghề nghiệp, đem đến cho người học ưu thế. Đối với những vị trí cần chuyên môn, cạnh tranh và đòi hỏi bằng cấp, ứng viên có trình độ, bằng cấp cao sẽ dễ dàng tiếp cận nhà tuyển dụng với những kỳ vọng cao hơn về thu nhập hay môi trường làm việc. Bên cạnh đó, tham gia môi trường học tập ở bậc học cao hơn là cơ hội cho người học mở rộng mối quan hệ xã hội của bản thân. Môi trường học tập với mạng lưới học viên đến từ nhiều cơ quan, doanh nghiệp, từ nhiều vùng miền, thậm chí độ tuổi, vị trí công tác cũng đa dạng hơn. Họ sẽ chia sẻ lẫn nhau những kiến thức lý thuyết và thực tiễn, kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu, đa dạng từ những quan điểm khác nhau. Đây là cơ hội giúp người học xây dựng nhiều mối quan hệ hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp bản thân.
Dự định và quyết định về việc tiếp tục học ở trình độ cao hơn của mỗi người có thể được hình thành ngay từ khi còn đang học ở bậc học hiện tại. Dự định thể hiện động lực thực hiện hành vi của họ trong tương lai. Dự định càng lớn sẽ càng thôi thúc quyết định tiếp tục học tập sau này. Vì vậy, việc nghiên cứu dự định và quyết định học bậc cao hơncũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nghiên cứu dự định, quyết định học tập ở bậc cao hơn của người học sẽ làm rõ được mức độ ý định, quyết định của người học, cũng như xem xét các vấn đề về thái độ đối với việc học tập nâng cao, nhận thức về những áp lực xã hội đối với việc học tập hay nhận thức về những khó khăn, thuận lợi của việc học khi tiếp tục học cao hơn sau khi tốt nghiệp. Do đó, nghiên cứu về dự định và quyết định học bậc cao hơn của người học sẽ giúp các nhà quản lý đào tạo có nhiều thông tin trong việc tiếp tục phát triển CTĐT. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo ở các bậc học có thể dự báo nhu cầu học tập và thu hút người học sau khi tốt nghiệp. Các cơ sở giáo dục ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần phải xây dựng các chính sách phát triển đào tạo, cũng như thu hút người học tham gia bậc học cao hơn. Do đó, bài viết này được thực hiện với mục đích nghiên cứu tổng quan về các công trình nghiên cứu về dự định và quyết định học bậc cao hơn của người học.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng nhiều cơ sở dữ liệu khoa học chính thức để truy cập các tài liệu liên quan đến dự định và quyết định lựa chọn học tập. Các cơ sở dữ liệu bao gồm Web of Science (WoS), Google Scholar, ScienceDirect. Cơ sở dữ liệu cho phép tìm kiếm các cấu trúc nâng cao, áp dụng biện pháp tìm kiếm phù hợp nhằm phục vụ cho nghiên cứu này. Một số từ khóa chính đã được sử dụng để tìm kiếm các tài liệu gồm: dự định học tập, quyết định học tập, học tập nâng cao, bậc học cao hơn. Việc tìm kiếm này tạo ra nhiều cơ hội nhất để truy cập các tài liệu toàn văn về dự định, quyết định học tập ở bậc tiếp theo. Các nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về chủ đề này được tổng hợp, phân tích.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Nghiên cứu về quyết định chọn trường cho bậc học cao hơn của người học
Chủ đề dự định, quyết định về học tập của người học đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể trong xã hội gồm cả giới học thuật và người dân, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, các cơ sở đào tạo. Nghiên cứu về tiến trình lựa chọn trường đại học của học sinh, Hossler và Gallgher (1987) đã chia nó thành 3 giai đoạn, gồm: giai đoạn định hình, giai đoạn tìm kiếm và lựa chọn. Trong giai đoạn đầu tiên của tiến trình, học sinh sẽ bộc lộ sự quan tâm đến việc học đại học khi họ có khao khát về học tập và việc làm. Ở giai đoạn thứ hai, học sinh tìm kiếm thông tin về các trường đại học nhằm hình thành nên một nhóm các trường đại học mà sinh viên có thể sẽ tham dự. Trong giai đoạn cuối cùng, sinh viên quyết định ghi danh vào một cơ sở giáo dục cụ thể.
Khi nghiên cứu về quyết định chọn cơ sở đào tạo cho bậc học cao hơn, các học giả tập trung đánh giá các yếu tố liên quan tới quá trình ra quyết định chọn trường của người học. Trong nghiên cứu của mình, Chapman, D. W. (1981) đã chỉ ra quyết định chọn trường học sau bậc trung học là một quá trình phức tạp. Nghiên cứu cũng đã khẳng định những nỗ lực marketing của các cơ sở đào tạo sẽ có ảnh hưởng tới quyết định của người học. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã trình bày mô hình nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn trường đại học của học sinh trong tương lai, đó là: i) đặc điểm của gia đình và cá nhân học sinh; và ii) một số yếu tố bên ngoài ảnh hưởng cụ thể như các cá nhân ảnh hưởng, các đặc điểm cố định của trường đại học và nỗ lực giao tiếp của trường đại học với các học sinh.
Harris, S. M., & Halpin, G. (2002) đã có nghiên cứu nhằm tiếp tục phát triển các thang đo để đo lường ảnh hưởng của các yếu tố có ảnh hưởng đến quyết định theo học của người học. Từ 10 thang đo đề xuất ban đầu, kết quả nghiên cứu đã đưa ra mô hình nghiên cứu gồm 9 yếu tố có ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn trường học của người học. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu thực chứng ở nước ngoài với cùng chủ đề như các nghiên cứu của Joseph, M., & Joseph, B. (2000), Cabrera, A. F., & La Nasa, S. M. (2000), AEI-International Education Network (2003), Sidin, S. M., Hussin, S. R., & Tan, H. S. (2003), Wagner, K., & Fard, P. Y. (2009), Ancheh, K. S. B., Krishnan, A., & Nurtjahja, O. (2007), Fernandez, J. L. (2010), Kusumawati, A., Yanamandram, V. K., & Perera, N. (2010),... Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện với mục đích xác định các yếu tố có ảnh hưởng đến sự lựa chọn trường học của người học trong những bối cảnh cụ thể. Trong các nghiên cứu, việc thực hiện phân tích nhân tố khám phá thường được sử dụng nhằm giảm bớt các thang đo trong mô hình nghiên cứu đề xuất. Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố có ảnh hưởng, có thể bao gồm cá nhân có ảnh hưởng, sự hấp dẫn về học phí, sự phù hợp và mức độ đáp ứng của CTĐT, khả năng tiếp cận cơ sở giáo dục, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, danh tiếng, vị trí của trường học, chất lượng đào tạo của mỗi cơ sở, hay đặc điểm cá nhân của người học.
Ở Việt Nam, chủ đề nghiên cứu về quyết định lựa chọn trong học tập đã nhận được sự quan tâm trong những năm gần đây, nên các công trình nghiên cứu còn ít. Những nghiên cứu đầu tiên phải kể đến công trình của Trần Văn Quý & Cao Hào Thi (2009), Nguyễn Minh Hà & cộng sự (2011) và Nguyễn Phương Toàn (2011).
Trần Văn Quý và Cao Hào Thi (2009) đã đánh giá tác động của các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông (THPT). Kết quả phân tích 227 bảng trả lời của học sinh lớp 12 năm học 2008 - 2009 của 5 trường THPT tại Quảng Ngãi phản ánh cho thấy có 5 yếu tố, bao gồm: yếu tố cơ hội việc làm trong tương lai; yếu tố đặc điểm cố định của trường đại học; yếu tố về bản thân cá nhân học sinh; yếu tố về cá nhân có ảnh hưởng đến quyết định của học sinh và yếu tố về thông tin có sẵn ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh. Từ kết quả nghiên cứu này, các tác giả đã đề xuất một số kiến nghị nhằm giúp đỡ gia đình, nhà trường và các tổ chức giáo dục có biện pháp định hướng và tạo điều kiện để học sinh THPT lựa chọn trường một cách tốt nhất.
Nguyễn Minh Hà và cộng sự (2010) đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc sinh viên chọn Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh qua việc thu thập dữ liệu từ 1.894 sinh viên năm thứ nhất, hệ đại học chính quy. Qua việc phân tích nhân tố khám phá (EFA), 7 yếu tố đã được chỉ ra và khẳng định có ảnh hưởng đến việc sinh viên chọn Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, đó là: (i) Nỗ lực của nhà trường để đưa thông tin đến học sinh sắp tốt nghiệp THPT; (ii) Khả năng vào được trường; (iii) Chất lượng dạy - học; (iv) Công việc trong tương lai; (v) Đặc điểm của bản thân sinh viên; (vi) Người thân trong gia đình và (vii) Người thân ngoài gia đình. Bên cạnh đó, thông qua kết quả kiểm định giả thuyết về giá trị trung bình của 2 tổng thể - trường hợp mẫu độc lập, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sinh viên có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành phố khác đánh giá “việc tham dự các buổi giới thiệu về trường” quan trọng hơn những sinh viên có hộ khẩu thường trú tại TP. Hồ Chí Minh; sinh viên đăng ký thi vào trường nguyện vọng 1 đánh giá “khả năng vào được trường” quan trọng hơn sinh viên đăng ký thi vào trường nguyện vọng 2; sinh viên học khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh đánh giá “công việc trong tương lai” quan trọng hơn sinh viên học 2 khối ngành còn lại là Khoa học Kỹ thuật và Khoa học Xã hội - Nhân văn. Trên cơ sở kết quả thu được, nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị với lãnh đạo nhà trường để xây dựng các chiến lược marketing đúng hướng, nhằm thực thi có hiệu quả chính sách tuyển sinh.
Dựa trên mô hình nghiên cứu, xây dựng và kiểm định thang đo, Nguyễn Phương Toàn (2011) đã xác định và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của học sinh lớp 12 THPT trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Tác giả tiến hành khảo sát đối với học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Nghiên cứu cũng đã phân tích sự khác biệt của các tác động nêu trên giữa các nhóm học sinh khác nhau về đặc điểm cá nhân và gia đình. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đã đề xuất các giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 THPT trong quyết định lựa chọn lựa chọn trường dự thi kỳ thi ĐH, CĐ.
Bên cạnh 3 công trình kể trên, một số công trình khác cũng đã được thực hiện trong thời gian gần đây như nghiên cứu của Nguyễn Thị Ánh Hoa & Nguyễn Thị Hồng Huệ (2019), Phan Thị Thanh Thủy & Nguyễn Minh Hòa (2017). Tựu chung của những nghiên cứu này là vận dụng các mô hình nghiên cứu của các học giả ở nước ngoài về quyết định chọn trường của người học và lựa chọn điểm đến giáo dục. Các tác giả trong nước đã kế thừa và phát triển các thang đo để phù hợp với bối cảnh nghiên cứu ở Việt Nam cũng như đối tượng khảo sát. Các nghiên cứu chủ yếu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT và phạm vi nghiên cứu thường trên địa bàn một tỉnh, hoặc người học lựa chọn một trường đại học cụ thể.
3.2. Nghiên cứu về dự định theo học ở bậc học cao hơn của người học
Bên cạnh các công trình nghiên cứu về quyết định lựa chọn trường học, còn có một số nghiên cứu của các học giả về dự định học bậc cao hơn của người học sau khi tốt nghiệp đại học. Koe, W. L., & Saring, S. N. (2012) đã có nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến dự định theo học cao học tại trường đại học công lập của sinh viên nước ngoài tại Malaysia. Trong bối cảnh giáo dục đại học ở Malaysia cũng phải cạnh tranh gay gắt, kết quả nghiên cứu đã đưa ra những hàm ý trong việc thu hút sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Nghiên cứu đã chỉ ra 6 yếu tố ảnh hưởng đến ý định lên cao học của sinh viên nước ngoài là vị trí, chi phí thấp, danh tiếng của trường đại học, chương trình học, cơ sở học tập và hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng của gia đình/đồng nghiệp không có ý nghĩa thống kê trong việc xem xét sự tác động.
Các tác giả Ng, S. F., Muhd, N. M. N., Ab Rahman, K., & Ismail, N. (2011) đã thực hiện nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến dự định học lên tiến sĩ tại Malaysia. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên, trong đó người trả lời được chọn từ danh sách được cung cấp bởi văn phòng tại tất cả các trường đại học công lập Malaysia. Dữ liệu được thu thập bằng cách xây dựng bảng câu hỏi và kết quả trả lời của 888 người được đưa vào phân tích, thảo luận. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, cơ hội nghề nghiệp, đặc điểm cá nhân, công việc liên quan đến kiến thức, hỗ trợ tài chính, CTĐT, hỗ trợ của xã hội đều có ảnh hưởng đến dự định học lên tiến sĩ của người học.
Trên cơ sở vận dụng lý thuyết hành vi có hoạch định (TPB) của Ajzen (1991), các tác giả Mosbah, A., Al-Jubari, I., & Talib, Z. M. (2019) đã nghiên cứu về dự định học cao học ở các trường đại học của Malaysia. Dữ liệu được thu thập trong nghiên cứu có được từ việc khảo sát 330 sinh viên đang theo học cả trường công lập và tư thục. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thái độ đối với hành vi và nhận thức kiểm soát hành vi có ảnh hưởng tích cực tới dự định học sau đại học của sinh viên. Chuẩn chủ quan không ảnh hưởng tới dự định của người học. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không có sự tác động của yếu tố giới tính, dân tộc và loại hình trường mà sinh viên đang theo học khi xem xét sự điều tiết của nó trong các mối quan hệ.
Ở Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Chi (2017) cũng vận dụng mô hình TPB của Ajzen (1991) thực hiện phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến dự định chọn Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh của học sinh THPT. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu về dự định học cao học còn có nghiên cứu của Hồ Trúc Vi & Phan Trọng Nhân (2017), Phạm Xuân Giang & Nguyễn Thị Phương Thảo (2019), Đoàn Liêng Diễm và cộng sự (2021).
Hồ Trúc Vi & Phan Trọng Nhân (2017) đã có nghiên cứu phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ý định và hành vi tiếp tục theo học cao học của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Dữ liệu được thu thập trong nghiên cứu này được thực hiện dựa trên việc khảo sát 432 sinh viên đang học tại Trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 yếu tố có tác động thuận chiều với ý định hành vi đăng ký học cao học tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cụ thể là: (i) Nhận thức kiểm soát hành vi; (ii) Trung thành thương hiệu; (iii) Thái độ dẫn đến hành vi và (iv) Chuẩn chủ quan. Trong phạm vi nghiên cứu hẹp hơn, Phạm Xuân Giang & Nguyễn Thị Phương Thảo (2019) đã tiến hành khảo sát 270 sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư thuộc khối ngành Kinh tế. Kết quả xử lý dữ liệu điều tra chỉ ra 4 yếu tố ảnh hưởng đến ý định học cao học của sinh viên ngành Kinh tế, đó là: Chuẩn chủ quan, Thái độ đối với học cao học, Danh tiếng của Trường và Sự kiểm soát hành vi được cảm nhận. Tuy nhiên, kích thước mẫu điều tra trong nghiên cứu chưa lớn và mức độ phù hợp của mô hình chưa cao.
Tác giả Đoàn Liêng Diễm và cộng sự (2021) đã đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định học cao học chuyên ngành Quản trị Du lịch của sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Tài chính - Marketing. Dữ liệu sơ cấp dùng để phân tích theo mô hình nghiên cứu được thu thập từ 239 sinh viên năm cuối Khoa Du lịch. Kết quả nghiên cứu này chỉ các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến ý định học cao học chuyên ngành Quản trị du lịch của sinh viên Khoa Du lịch, đó là: thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, trung thành thương hiệu và nhu cầu xã hội.
Tổng quan các công trình nghiên cứu cho thấy, các nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước về quyết định lựa chọn trường học khá phong phú và phát triển trong suốt hàng chục năm qua, với nhiều phạm vi, đối tượng đề cập khác nhau. Các nghiên cứu không chỉ tập trung vào quyết định lựa chọn trường đại học, mà còn tiếp cận theo hướng điểm đến giáo dục trong việc xem xét quyết định du học. Các nghiên cứu về dự định học bậc cao hơn được thực hiện theo hướng tiếp cận nghiên cứu hành vi dự định chủ yếu sử dụng mô hình TPB của Ajzen (1991). Mô hình TPB có thể được phát triển, kết hợp với lý thuyết của Taylor và Todd (1995) hay một số lý thuyết khác. Kết quả nghiên cứu thực chứng trong những phạm vi khác nhau cũng có sự khác biệt. Các nghiên cứu về dự định học bậc cao hơn ở Việt Nam còn ít với quy mô mẫu còn nhỏ, nên cần tiếp tục kiểm chứng sự phù hợp của mô hình nghiên cứu liên quan tới chủ đề này. Việc lựa chọn phạm vi khảo sát phù hợp sẽ tạo ra những thuận lợi trong việc đưa ra những hàm ý quản trị.
4. Kết luận
Các cơ sở giáo dục có nhiều thuận lợi trong hoạt động đào tạo nói riêng và hoạt động của mỗi cơ sở nói chung khi được mở rộng tự chủ. Những thay đổi về quy chế đào tạo ở các bậc học theo quy định của cơ quan chức năng vừa tạo ra những đổi mới tích cực, song cũng đòi hỏi các cơ sở giáo dục - đào tạo phải nỗ lực trong việc khẳng định chất lượng, uy tín để phát triển đào tạo. Nghiên cứu về dự định, quyết định học bậc tiếp theo của người học cần được thực hiện, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hành động để phát triển đào tạo của các cơ sở đào tạo phù hợp với bối cảnh văn hóa, xã hội và các quy định mới trong tuyển sinh và quản lý đào tạo. Nghiên cứu này đã thực hiện đánh giá tích hợp nghiên cứu về dự định và quyết định học bậc cao hơn của người học. Nghiên cứu này đã cung cấp tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan tới chủ đề này. Trong thời gian tới, chúng ta mong chờ các nghiên cứu tiếp theo tiếp cận các khía cạnh ở các công trình nghiên cứu trước đây hoặc những hướng tiếp cận mới khi thực hiện các công trình nghiên cứu liên quan tới chủ đề này. Các nghiên cứu thực nghiệm về dự định, quyết định học bậc cao hơn ở Việt Nam được thực hiện trong các phạm vi khảo sát khác nhau sẽ rất hữu ích trong việc đưa ra các hàm ý quản trị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tài liệu tiếng Việt:
- Chi, N. T. K. (2017). Các yếu tố ảnh hưởng đến dự định chọn Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh của học sinh Trung học Phổ thông. Luận văn thạc sĩ tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- Diễm, Đ. L., Phúc, N. P. H., Ngọc, P. V. B., & Dung, H. Đ. M. (2021). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định học cao học chuyên ngành Quản trị du lịch của sinh viên khoa Du lịch Trường Đại học Tài chính - Marketing. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing, 62(4/2021), 117-126.
- Giang, P. X., & Thảo, N. T. P. (2019). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định học cao học của sinh viên ngành kinh tế tại Trường Đại học học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Journal of Science and Technology-IUH, 41(05).
- Hà, N. M., Xuyên, H. G., & Tuyết, H. T. K. (2011). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc sinh viên chọn trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học xã hội, 6(2), 107-117.
- Hoa, N. T. Á., & Hạnh, N. T. H. Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tạp chí khoa học Yersin - Chuyên đề khoa học và công nghệ, 6(12/2019), 67-76.
- Lành, N. T. (2010). Dự định chọn nghề của học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình: Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học. Luận văn tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Quí, T. V., & Thi, C. H. (2009). Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh phổ thông trung học. Science & Technology, 12(15-2009).
- Thủy, P. T. T., & Hòa, N. T. M. (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn theo học chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài ở Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Hue University Journal of Science: Economics and Development, 126(5A), 29-42.
- Toàn, N. P. (2011). Khảo sát các yếu tố tác động đến việc chọn trường của học sinh lớp 12 trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang(Doctoral dissertation, Luận văn Thạc sĩ Đo lường và Đánh giá trong giáo dục, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội).
- Vi, H. T., & Nhân, P. T. (2018). Các nhân tố tác động đến ý định thực hiện hành vi theo học cao học của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt, 8(1S), 20-33.
Tài liệu tiếng Anh:
- Afful-Broni, A., & Noi-Okwei, C. (2010). Factors influencing the choice of tertiary education in a Sub-Saharan African University. Academic Leadership: The Online Journal, 8(2), 20.
- Ancheh, K. S. B., Krishnan, A., & Nurtjahja, O. (2007). Evaluative criteria for selection of private universities and colleges in Malaysia. Journal of International Management Studies, 2(1), 1-11.
- Chapman, D. W. (1981). A model of student college choice. The Journal of Higher Education, 52(5), 490-505.
- Cabrera, A. F., & La Nasa, S. M. (2000). Understanding the college‐choice process. New directions for institutional research, 2000(107), 5-22.
- Compeau, D. R., & Higgins, C. A. (1991). A social cognitive theory perspective on individual reactions to computing technology. ICIS Proceedings, 187-198.
- Dawes, P. L., & Brown, J. (2005). The composition of consideration and choice sets in undergraduate university choice: An exploratory study. Journal of Marketing for Higher Education, 14(2), 37-59.
- Dawes, P. L., & Brown, J. (2005). The composition of consideration and choice sets in undergraduate university choice: An exploratory study. Journal of Marketing for Higher Education, 14(2), 37-59.
- Fernandez, J. L. (2010). An exploratory study of factors influencing the decision of students to study at university sains Malaysia. Kajian Malaysia: Journal of Malaysian Studies, 28(2).
- Gallagher, K. S., & Hossler, D. (1987). Graduation rates in higher education programs: What enrollment trends show. The Review of Higher Education, 10(4), 369-372.
- Harris, S. M., & Halpin, G. (2002). Development and validation of the factors influencing pursuit of higher education questionnaire. Educational and Psychological Measurement, 62(1), 79-96.
- Hossler, D., & Gallagher, K. S. (1987), Studying student college choice: A three-phasemodel and the implications for policy makers, College and University, 62 (3), 207-
- Hoyt, J. E., & Brown, A. B. (2003). Identifying college choice factors to successfully market your institution. College and University, 78(4), 3-10.
- Joseph, M., Mullen, E. W., & Spake, D. (2012). University branding: Understanding students’ choice of an educational institution. Journal of Brand Management, 20(1), 1-12.
- Joseph, M., & Joseph, B. (2000). Indonesian students’ perceptions of choice criteria in the selection of a tertiary institution: Strategic implications. International Journal of Educational Management, 14(1), 40-44.
- Koe, W. L., & Saring, S. N. (2012). Factors Influencing the Foreign Undergraduate’s Intention to Study at Graduate School of a Public University. Jurnal Kemanusiaan, 10(1), 57-68.
- Kusumawati, A., Yanamandram, V. K., & Perera, N. (2010). Exploring student choice criteria for selecting an Indonesian public university: A preliminary finding. Research Online of University of Wollongong at https://ro.uow.edu.au/chsd/35. .
- Ming, J. S. K. (2010). Institutional factors influencing students' college choice decision in Malaysia: A conceptual framework. International Journal of Business and Social Science, 1(3), 53-58.
- Moore, G. C., & Benbasat, I. (1991). Development of an instrument to measure the perceptions of adopting an information technology innovation. Information systems research, 2(3), 192-222.
- Mosbah, A., Al-Jubari, I., & Talib, Z. M. (2019). Intention to Pursue Postgraduate Studies in Malaysian Universities. International Journal of Innovation, Creativity and Change. Volume 5, Issue 2, Special Edition, 591-609.
- Ng, S. F., Muhd, N. M. N., Ab Rahman, K., & Ismail, N. (2011). Influential factors to pursue doctorate degree in Malaysia. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 15, 2028-2032.
- Pimpa, N., & Suwannapirom, S. (2008). Thai students’ choices of vocational education: marketing factors and reference groups. Educational Research for Policy and Practice, 7(2), 99-107.
- Raposo, M., & Alves, H. (2007). A model of university choice: an exploratory approach. MPRA Paper, No. 5523, posted 31 Oct 2007 UTC, 1-18.
- Bin Yusof, M., Binti Ahmad, S. N. B., Bin Mohamed Tajudin, M., & Ravindran, R. (2008). A study of factors influencing the selection of a higher education institution. UNITAR e-journal, 4(2), 27-40.
- Sidin, S. M., Hussin, S. R., & Tan, H. S. (2003). An exploratory study of factors influencing the college choice decision of undergraduate students in Malaysia. Asia Pacific Management Review, 8(3), 259-280.
- Shanka, T., Quintal, V., & Taylor, R. (2006). Factors influencing international students' choice of an education destination–A correspondence analysis. Journal of Marketing for Higher Education, 15(2), 31-46.
- Veloutsou, C., Lewis, J. W., & Paton, R. A. (2004). University selection: information requirements and importance. International Journal of Educational Management, 8(3), 160-171.
- Wagner, K., & Fard, P. Y. (2009). Factors influencing Malaysian students' intention to study at a higher educational institution. E-Leader Kuala Lumpur.
- Tavares, D., Tavares, O., Justino, E., & Amaral, A. (2008). Students' preferences and needs in Portuguese higher education. European Journal of Education, 43(1), 107-122.
- Whitehead, J. M., Raffan, J., & Deaney, R. (2006). University choice: What influences the decisions of academically successful post‐16 students?Higher Education Quarterly, 60(1), 4-26.
The intention and decision to pursue further study of learners: A literature review
Ph.D. HOANG VAN HAO
Faculty of Business Administration, Trade Union University
ABSTRACT:
Studying the intentions and decisions to learn at higher level is extremely important to learners and educational institutions. Schools will get useful information to develop better training programs and attract more learners. Based on previous researches, this paper provides a literature review on learners' intentions and decisions to pursue futher study. Based on the study’s results, future empirical research can be conducted to evaluate the learners' intentions and decisions to pursue futher study in particular contexts and scopes.
Keywords: learners, intentions to study, decisions to study.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]