Ảnh hưởng năng lực tâm lý đến kết quả học tập: Nghiên cứu trường hợp sinh viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

NGUYỄN VĂN THỤY - ĐOÀN THỊ THANH HẰNG (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm xác định và phân tích ảnh hưởng của năng lực tâm lý (NLTL) đến kết quả học tập (KQHT) của sinh viên (SV) tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tự tin, khả năng tự hồi phục, sự lạc quan, sự hy vọng đều có sự tác động thuận chiều đến KQHT của SV. Trong đó, sự tự tin vào bản thân có tác động mạnh nhất đến KQHT và thấp nhất là hy vọng. Với kết quả này, để nâng cao thành tích học tập, SV nên xác định rõ mục tiêu, điểm mạnh của bản thân để có sự tự tin vào bản thân, tương lai nghề nghiệp, đồng thời các trường đại học cũng nên đẩy mạnh các hoạt động giúp SV tự tin và lạc quan cũng như vượt qua rào cản tâm lý trong quá trình học tập.

Từ khóa: năng lực tâm lý, kết quả học tập, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết số 29-NQ/TW Khóa 8, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu: Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học; hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia.

Như vậy, với việc ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW đã cho thấy, nguồn lực về con người ngày càng được Nhà nước ta quan tâm và chú trọng hơn; là tài sản của mỗi tổ chức, quốc gia; là cơ sở để tạo ra lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững trong thời đại hội nhập. Do đó, việc khám phá và xây dựng mô hình những yếu tố tác động đến KQHT của SV là một điều cần thiết, giúp cho các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo, tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc, đồng thời đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình hội nhập quốc tế. Trên thực tế, có nhiều nghiên cứu về các yếu tố tác động đến KQHT của SV hay các yếu tố tác động đến động lực học tập của SV, nhưng nghiên cứu về các yếu tố NLTL tác động đến KQHT của SV chưa nhiều, đặc biệt là ở Việt Nam.

Trên thế giới, khái niệm “NLTL” đã được các nhà nghiên cứu vận dụng đưa vào nghiên cứu thực tế trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và giáo dục,… Cụ thể: nghiên cứu của Luthans & cộng sự (2007), Nguyen và Nguyen (2012) đã cho thấy sự tác động của NLTL đến hiệu suất, hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống của những người trưởng thành và đi làm. Kappagoda và cộng sự (2014) dựa trên cơ sở lý thuyết tiến hành nghiên cứu định tính 300 bài báo có liên quan nhằm xác định mối quan hệ của NLTL và hiệu suất công việc trong bối cảnh Sri Lanka, kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ giữa NLTL và thái độ làm việc, hiệu suất công việc, giá trị công việc. Hay, Abdullah (2011) điều tra hồ sơ ra trường của 566 SV chuyên ngành kinh doanh tốt nghiệp trong năm học 2009 - 2010, kết quả phân tích hồi quy cho thấy, có 3 yếu tố gồm: tuổi, điểm số ở cấp trung học và quốc tịch có ảnh hưởng đến KQHT của SV và không thấy đề cập đến yếu tố NLTL.

Durrah và cộng sự (2016) nghiên cứu sự tác động của NLTL đối với hiệu suất công việc của đội ngũ giảng viên đang học tập và làm việc trực tiếp trong môi trường giáo dục, kết quả cho thấy các yếu tố thuộc NLTL, như: tự tin, hy vọng, khả năng tự hồi phục có tác động đến tất cả các yếu tố của hiệu suất công việc, còn yếu tố lạc quan không ảnh hưởng tới bất kỳ yếu tố nào của hiệu suất công việc, nhưng đó là đội ngũ giảng viên cao cấp, vì vậy nhận thức về vai trò của NLTL sẽ cao hơn SV.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu liên quan về NLTL như: Nguyễn Văn Thụy (2011), Nguyễn Minh Hà và Ngô Thành Trung (2018), Phan Quốc Tấn và Bùi Thị Thanh (2018),… đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố NLTL trong đội ngũ nhân viên đang đi làm. Nghiên cứu của Trần Thanh Phong và Đỗ Thị Phượng (2017), đã đặt trọng tâm đến sự ảnh hưởng của NLTL đến KQHT của SV, nhưng nghiên cứu chỉ được thực hiện đơn nhất bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu, vì vậy kết quả nghiên cứu có thể không phù hợp với thực tế của SV Việt Nam. Nghiên cứu của Đỗ Hữu Tài và cộng sự (2016) về các yếu tố tác động đến động lực học tập của SV, Phan Hữu Tín và Nguyễn Thúy Quỳnh Loan (2011) về các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ học tập của SV, nhưng sự hiện diện của các yếu tố thuộc NLTL chưa được chú trọng và được đề cập rất ít.

Như vậy, các nghiên cứu về sự ảnh hưởng của NLTL tác động trực tiếp đến KQHT của SV trong các cơ sở giáo dục trên thế giới và Việt Nam chưa nhiều, hoặc có thì cũng chỉ là một yếu tố nhỏ trong nghiên cứu, chưa tập trung chính vào đo lường sự tác động của NLTL đến KQHT của SV. Trong khi đó, đối tượng SV là một trong những đối tượng dễ bị các yếu tố bên ngoài tác động làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như cuộc sống của chính SV, qua đó làm ảnh hưởng đến KQHT của SV. Do vậy, việc tập trung nghiên cứu, tìm hiểu về sự ảnh hưởng của các yếu tố NLTL đến kết quả học tập của SV là điều cần thiết.

2. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Thực tế cho thấy, môi trường học tập ở trường đại học khác với môi trường học tập ở phổ thông. Vì vậy, với tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều, buộc SV cần phải nỗ lực thật nhiều, cố gắng thật nhiều để đạt được những kỳ vọng mà bản thân đặt ra. Song không phải SV nào cũng đạt được những kỳ vọng mà bản thân đề ra và khi không đạt được họ sẽ như thế nào? Do đó, mục đích của nghiên cứu này là xác định các yếu tố NLTL có ảnh hưởng trực tiếp đến KQHT của SV, nhằm đề xuất hàm ý quản trị, cải thiện NLTL cho SV tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, qua đó góp phần nâng cao KQHT cho SV. Trong nghiên cứu này, 4 yếu tố của NLTL đã được chọn là các yếu tố có ảnh hưởng đến KQHT của SV như trong Hình 1. Các giả thuyết được đề xuất như sau:

Giả thuyết 1 (H1): Sự tự tin có tác động tích cực đến KQHT của SV.

Giả thuyết 2 (H2): Sự hy vọng có tác động tích cực đến KQHT của SV.

Giả thuyết 3 (H3): Sự lạc quan có tác động tích cực đến KQHT của SV.

Giả thuyết 4 (H4): Khả năng tự hồi phục có tác động tích cực đến KQHT của SV.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mẫu điều tra

Nghiên cứu tiến hành điều tra trực tiếp 589 SV bằng trả lời bảng câu hỏi, thu được 464 bảng trả lời hợp lệ chiếm tỷ lệ 77.33%, cụ thể:

- Năm đào tạo: Năm thứ nhất có 131 SV (28,2%), năm thứ 2 có 163 SV (35,1%), năm thứ 3 có 123 SV (26,5%), năm thứ 4 có 47 SV (39,4%).

- Ngành học: Tài chính ngân hàng có 183 SV (39,4%), quản trị kinh doanh & Mar có 78 SV (16,8%), kế toán - kiểm toán có 71 SV (15,3%), Luật kinh tế có 21 SV (4,5%), Hệ thống thông tin quản lý có 24 SV (5,2%), Kinh tế quốc tế có 37 SV (8,0%), Ngôn ngữ Anh có 50 SV (10,8%).

- Giới tính: Nam có 62 SV (13,4%), Nữ có 402 SV (86,6%).

3.2. Phương pháp phân tích và xử lý dữ liệu điều tra

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, gồm: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Cụ thể:

- Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng để phát triển các giả thuyết nghiên cứu, mô hình nghiên cứu và các thang đo trong mô hình nghiên cứu.

- Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng như sau: (i) Kiểm định độ tin cậy Cronbach's Alpha để đánh giá độ tin cậy của thang đo và các biến quan sát trong từng thang đo; (ii) Phân tích nhân tố khám phá (EFA) để xác định các nhân tố đại diện cho các biến quan sát của các thang đo trong mô hình; (iii) Phân tích hồi quy bội để xác định các nhân tố ảnh hưởng và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu đã được phát triển.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo

Bảng 1. Bảng đánh giá độ tin cậy thang đo

Bảng đánh giá độ tin cậy thang đo

Nguồn: Kết quả điều tra, nguồn 2020

Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach's Alpha của thang đo thấp nhất là 0.798 và cao nhất là 0.874, hệ số tương quan biến tổng đểu lớn hơn 0.3. Như vậy, tất cả các thang đo đều đạt độ tin cậy cần thiết và được sử dụng cho các nghiên cứu tiếp theo.

3.2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá

Bảng 2. Tổng hợp kết quả phân tích nhân tố EFA đối với biến độc lập

Tổng hợp kết quả phân tích nhân tố EFA đối với biến độc lập

Nguồn: Kết quả điều tra, nguồn 2020

Bảng 2 cho thấy hệ số KMO trong phân tích bằng 0.858 > 0.5 (0.5 < KMO < 1), với mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett's Test có hệ số Sig. = 0.000 < 0.05. Tại mức giá trị Eigenvalues của yếu tố thứ 4 là 1.372 > 1, cho thấy có 4 yếu tố được trích ra từ dữ liệu khảo sát với hệ số phương sai trích = 70.839, thể hiện rằng sự biến thiên của các yếu tố được phân tích có thể giải thích được 70.839 > 50% sự biến thiên của dữ liệu khảo sát ban đầu, đây là mức ý nghĩa ở mức khá. Hệ số tải yếu tố của mỗi biến quan sát thể hiện các yếu tố đều lớn hơn 0.5, cho thấy rằng các biến quan sát đều thể hiện được sự ảnh hưởng với các yếu tố mà các biến này biểu diễn và phân tích EFA là phù hợp.

Bảng 3. Kết quả phân tích nhân tố EFA đối với biến phụ thuộc

Kết quả phân tích nhân tố EFA đối với biến phụ thuộc

Nguồn: Kết quả điều tra, nguồn 2020

Bảng 3 cho thấy, đối với biến phụ thuộc, kết quả phân tích nhân tố đối với 4 biến quan sát đã hội tụ về 1 nhân tố, với hệ số kiểm định KMO = 0.782, Sig. = 0.000, phương sai trích = 62.596%, cho thấy khả năng hội tụ và biểu diễn tốt của các biến quan sát trong thang đo.

4.3. Kết quả phân tích hồi quy và kiểm định mô hình

Bảng 4. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình nghiên cứu

Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình nghiên cứu

Nguồn: Kết quả phân tích dự liệu điều tra, 2019

Bảng 4 cho thấy hệ số R2 hiệu chỉnh = 0.604, có nghĩa là mô hình có thể giải thích được 60.4 % cho tổng thể về mối liên hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng đến KQHT của SV. Điều đó có nghĩa là biến phụ thuộc được biến độc lập giải thích 60.4% và mô hình phù hợp với dữ liệu ở độ tin cậy 95%. Như vậy, mô hình nghiên cứu là phù hợp và tương quan chặt chẽ.

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy

 Kết quả phân tích hồi quy

Nguồn: Kết quả điều tra, nguồn 2020

Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 5) cho thấy cả 4 yếu tố NLTL đều tác động cùng chiều đến KQHT. Cụ thể, 2 nhân tố sự tự tin và khả năng tự hồi phục tác động mạnh nhất đến KQHT với hệ số Beta chuẩn hóa là 0.343 và 0.253, tiếp theo là sự lạc quan (Beta = 0.242), sự hy vọng (Beta = 0.190). Như vậy, các giả thuyết H1, H2, H3 và H4 đều được chấp nhận tại mức ý nghĩa 5%; đồng thời, tất cả 4 biến độc lập trong mô hình nghiên cứu đề xuất đều có tác động đến KQHT. Điều này đồng nghĩa với các giả thuyết H1, H2, H3, H4, được chấp nhận và đều có mức ý nghĩa Sig < 0,05. Phương trình hồi quy tuyến tính theo hệ số Beta chuẩn hóa như sau:

KQHT = 0.343*TT + 0.253*HP + 0.2428LQ + 0.190*HV

5. Kết luận và hàm ý quản trị

5.1. Kết luận

Từ các cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu liên quan đến các yếu tố NLTL và KQHT, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 4 biến độc lập: (1) Sự tự tin, (2) Khả năng tự hồi phục, (3) Sự lạc quan, (4) Sự hy vọng và 1 biến phụ thuộc là KQHT.

Kết quả hồi quy cho thấy cả 4 yếu tố NLTL có tác động cùng chiều đến KQHT, điều đó phù hợp với các giả thuyết ban đầu. Kết quả nghiên cứu giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quan về NLTL, KQHT của SV. Nhà trường cần có phương pháp nhằm tăng KQHT của SV thông qua việc phát triển NLTL cho SV, đồng thời giúp cho SV có cơ hội rèn luyện các giá trị tinh thần để phát huy bản thân và đạt kết quả cao trong học tập.

5.2. Hàm ý quản trị

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tự tin, sự hy vọng, sự lạc quan và khả năng tự hồi phục đều có tác động tích cực đến KQHT của SV Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Do đó, để nâng cao KQHT của SV, Nhà trường cần chú trọng nâng cao NLTL của SV nhằm có những tác động tích cực trong quá trình học tập. Cụ thể:

Thứ nhất, cần nâng cao sự tự tin của SV trong quá trình học tập. Nhà trường cần xây dựng chương trình học tập năng động, sáng tạo, kích thích sự hứng thú học tập của SV; đội ngũ giảng viên chủ động xây dựng nội dung giảng dạy linh hoạt, sáng tạo, nhằm kích thích tính chủ động học tập của SV, tổ chức các buổi học theo hình thức thảo luận, thuyết trình, tạo một không khí dạy và học vui vẻ, thoải mái giúp SV tích cực tham gia trao học tập, tự tin thể hiện bản thân đồng thời mạnh dạn trong việc chia sẻ kinh nghiệm học tập, mục tiêu học tập, phương pháp học tập; tăng cường các hình thức tuyên dương như cộng điểm học phần, điểm kiểm tra, điểm thi, rèn luyện,… đối với những SV có nhiều ý kiến trong quá trình học tập. Điều này vừa giúp SV tự tin hơn trong học tập, chủ động trong học tập cũng như trau dồi thêm nhiều kỹ năng cho bản thân. Kích thích tính chủ động của SV trong tham gia các hoạt động vào quá trình học tập, mạnh dạn tham gia phát biểu ý kiến, tham gia thảo luận trong các chương trình học; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kiến thức, suy nghĩ của cá nhân với thầy cô và bạn bè vừa thiết lập mối quan hệ, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, vừa giúp xây dựng phương pháp học tập phù hợp cho bản thân và trau dồi kỹ năng sống, nâng cao sự thích nghi với môi trường sống; nhiệt tình tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội SV và các Câu lạc bộ, qua đó trau dồi kỹ năng, phẩm chất, nhân cách, giúp hoàn thiện bản thân.

Thứ hai, có những biện pháp để gia tăng khả năng tự hồi phục cho SV, nâng cao sự phối hợp với giảng viên chủ nhiệm lớp, giảng viên cố vấn học tập thường xuyên nắm bắt tình hình học tập của SV để kịp thời có những hỗ trợ đối với SV trong việc học cũng như trong cuộc sống; bố trí lịch học, lịch thi phù hợp với sinh viên; tăng cường tổ chức và đa dạng hóa nội dung, hình thức các lớp học kỹ năng mềm cho SV,… tạo điều kiện để SV chủ động trao đổi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với giảng viên và bạn học; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại của bản thân mỗi SV để kịp thời được hỗ trợ; nâng cao tinh thần tự học, tự trau dồi kỹ năng cho bản thân.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại SVhơn, ngoài quy mô cấp trường có thể tổ chức với quy mô cấp khoa, cấp đơn vị quản lý, từ đó SV có thể thường xuyên bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Bên cạnh đó, các cấp đơn vị chuyên môn giúp lãnh đạo Nhà trường kịp thời nắm bắt được tâm tư của SV, tâm lý của SV, từ đó triển khai những công tác giảng dạy và phục vụ phù hợp và hiệu quả nhất; đồng thời đội ngũ giảng viên cần có sự quan tâm sâu sát hơn nữa đến đặc điểm tâm sinh lý của SV, đặc biệt là SV năm thứ nhất. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do Đoàn Hội tổ chức, nhằm tạo sân chơi tinh thần tươi vui cho SV, đồng thời tạo cơ hội cho SV rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe. Xây dựng một môi trường sống và học tập lành mạnh cho SV, giúp SV suy nghĩ tích cực về bản thân, về môi trường sống, sẵn sàng đón nhận khó khăn,  thử thách và luôn chủ động khắc phục, vượt qua khó khăn; có lối sống, chế độ sống lành mạnh, tổ chức cuộc sống và học tập một cách khoa học; thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe để góp phần gia tăng khả năng tự hồi phục của SV trước những thay đổi, biến cố hay khó khăn trong cuộc sống.

Thứ tư, để gia tăng sự hy vọng cho SV, về phía Nhà trường tổ chức thường xuyên các hoạt động hướng nghiệp, các chương trình giao lưu, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp học tập, từ đó giúp SV xây dựng mục tiêu học tập, tìm ra cho mình một phương pháp học tập phù hợp. Qua đó, giúp SV ý thức được tầm quan trọng của hoạt động học tập, vạch ra mục tiêu rõ ràng trong học tập, xây dựng phương pháp học tập khoa học, phát huy tinh thần chủ động học tập, nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập và không ngừng phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abdullah AL-Mutairi. (2011). Factors affecting business students' performance in Arab Open University: The case of Kuwait. International Journal of Business and Management, 6(5), 146-155.
  2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, (2013). Nghị quyết số 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
  3. Durrah, O., Al-Tobasi, A., Ashraf, A., & Ahmad, M. (2016). The impact of the psychological capital on job performance: A case study on faculty members at Philadelphia University. International Review of Management and Marketing, 6(2), 183-191.
  4. Đỗ Hữu Tài, Lâm Thành Hiển, Nguyễn Thanh Lâm (2016). Các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên - Ví dụ thực hiện tại Trường Đại học Lạc Hồng. Tạp chí Khoa học Lạc Hồng, 5, 1-6.
  5. Sampath Kappagoda, Hohd.Zainul Fithri Othman, Gamini De Alwis. (2014). The impact of psychological capital on job performance: Development of a conceptual framework. European Journal of Business and Management, 6(15), 143-154.
  6. Luthans, F., Avolio, B. J., Avey, J. B., & Norman, S. M. (2007). Positive psychological capital: Measurement and relationship with performance and satisfaction. Personnel psychology, 60(3), 541-572.
  7. Nguyễn Minh Hà và Ngô Thành Trung (2018). Năng lực tâm lý: Lý thuyết và thang đo, Tạp chí Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, 63(6), 30-42.
  8. Nguyễn Văn Thụy (2011). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc và cuộc sống của nhân viên sale/marketing tại TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 169, 61-70.
  9. Nguyen, T. D., & Nguyen, T. T. (2012). Psychological capital, quality of work life, and quality of life of marketers: Evidence from Vietnam. Journal of Macromarketing, 32(1), 87-95.
  10. Phan Quốc Tấn, Bùi Thị Thanh (2018). Ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến cam kết làm việc và kết quả công việc của nhân viên: Trường hợp doanh nghiệp điện - điện tử trong các khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, 29(6), 71-92.
  11. Trần Thanh Phong, Đỗ Thị Phượng (2017). Tác động của năng lực tâm lý đến hiệu quả học tập của sinh viên. Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp, 14, 8.

IMPACTS OF PSYCHOLOGICAL CAPACITY

ON THE LEARNING OUTCOMES OF THE BANKING UNIVERSITY

 OF HO CHI MINH CITY’S STUDENTS

• NGUYEN VAN THUY1

• DOAN THI THANH HANG1

1 Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study determines and analyzes the impacts of psychological capacity on the learning outcomes of the Banking University of Ho Chi Minh City’s students. The study finds out that the confidence, self-healing ability, optimism, and hope all have positive correlations on the learning outcomes of students. In which, the self-confidence is the most influencing factor while the hope has the weakest impact on the learning outcomes of students. These results imply that students should clearly determine their own goals and strengths to improve their learning performance. In addition, universities should have activities to help students gain confidence and optimism as well as overcome psychological barriers during their learning.

Keywords: psychological capacity, learning outcome, the Banking University of Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 202]