Dự thảo Nghị định Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Ưu điểm và hạn chế

LÊ ANH TUẤN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân)

TÓM TẮT:
Dự thảo Nghị định Phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Bộ Tài chính đưa ra nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót của Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, tuy có nhiều điểm tiến bộ, như: Thống nhất hóa quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn như cho doanh nghiệp huy động vốn thành nhiều đợt theo phương thức phát hành trái phiếu làm nhiều đợt; Sửa đổi quy định về báo cáo tài chính trong hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho phù hợp hơn; Sửa đổi quy định về công bố thông tin để tăng cường tính công khai, minh bạch… nhưng còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định. Thông qua bài báo, tác giả chỉ rõ và đưa ra một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn Nghị định khi được ban hành.
Từ khóa: Trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.

I. Đặt vấn đề
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, từ khi được ban hành tới nay, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP đã tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường trái phiếu và nâng cao tính chủ động cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn trái phiếu. Theo đó, kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu ngày càng mang tính chuyên nghiệp, được các doanh nghiệp quan tâm, lựa chọn.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự tăng trưởng, phát triển so với giai đoạn trước cả về quy mô huy động vốn và số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Từ khi Nghị định số 90/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến cuối năm 2016, đã có 367 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ tại thị trường trong nước với khối lượng đăng ký phát hành là 183.550 tỷ đồng, trong đó có 359 đợt phát hành với khối lượng phát hành thực tế là 129.636 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước đến cuối năm 2016 là 237.421 tỷ đồng, tương đương 5,27% GDP.
Tuy có được những kết quả bước đầu, song về tổng thể quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhỏ so với tiềm năng của nền kinh tế và quy mô thị trường của các nước trong khu vực cũng như nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 5,27% GDP, trong khi quy mô của kênh tín dụng ngân hàng tương đương 116% GDP. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 22% GDP của các nước trong khu vực, trong đó 99% khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ.
Bộ Tài chính đã công khai lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định Phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn cần thiết bởi Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã lỗi thời và không còn phù hợp khi Luật Doanh nghiệp mới 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 với những quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó. Nghị định số 90/2011/NĐ-CP mặc dù có những tác động tích cực nhưng vẫn tồn tại không ít hạn chế, bất cập nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung như những hạn chế, bất cập về phạm vi phát hành trái phiếu riêng lẻ, về điều kiện phát hành trái phiếu…
II. Môt số ưu điểm trong dự thảo
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định thay thế đã kế thừa phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 90, điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp tại thị trường trong nước. Riêng đối với thị trường quốc tế, căn cứ vào nhu cầu huy động vốn và tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường phát hành, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu cho phù hợp.
Cùng với đó, dự thảo cũng đã có nhiều bổ sung, sửa đổi một số quy định về điều kiện phát hành trái phiếu. Theo đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với tiến độ giải ngân và đầu tư dự án, dự thảo bổ sung quy định về điều kiện phát hành trái phiếu làm nhiều đợt, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi theo hướng, ngoài việc đáp ứng các điều kiện phát hành trái phiếu, doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu làm nhiều đợt phải đáp ứng được điều kiện: Có nhu cầu huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án phát hành trái phiếu nêu rõ số lượng đợt phát hành, dự kiến khối lượng, thời điểm phát hành và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt phát hành, đảm bảo thời gian phát hành của từng đợt không được kéo dài quá 90 ngày theo quy định của pháp luật chứng khoán; đồng thời, thực hiện công bố thông tin theo quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định còn quy định về điều kiện phát hành TPDN ra thị trường quốc tế thống nhất với quy định hiện hành về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh tại Nghị định số 219/2013/NĐ-CP. Cụ thể như, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu của thị trường phát hành; phương án phát hành phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận; có văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về khối lượng trái phiếu phát hành nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của quốc gia và đáp ứng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, dự thảo còn có nhiều quy định cụ thể về báo cáo tài chính trong hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cũng như cơ chế công bố thông tin, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu nhằm bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời đổi mới cơ chế và phương thức công bố thông tin theo thông lệ quốc tế.
III. Một số điểm hạn chế trong dự thảo
Bên cạnh các ưu điểm, vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như sau:
Thứ nhất, về khái niệm
Vẫn còn thiếu tính thống nhất giữa quy định tại dự thảo Nghị định, không phù hợp với quy định của luật liên quan. Chẳng hạn, định nghĩa về trái phiếu. Theo khoản 1 Điều 4 Dự thảo nghị định:“Trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn từ một năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu”, trong khi đó khoản 3 Điều 6, Luật Chứng khoán lại quy định như sau:“Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành”.Vấn đề ở đây là quy định thời hạn một năm trở lên của trái phiếu trong dự thảo, vậy còn đối với các giấy tờ có giá kỳ hạn dưới 1 năm do doanh nghiệp phát hành có được điều chỉnh bằng Nghị định này không hay điều chỉnh bằng quy định nào.
Thứ hai, về điều kiện phát hành
Tại khoản 8 Điều 4 Dự thảo Nghị định giải thích:“Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành”cũng không thật sự chuẩn xác và điểm b khoản 1 Điều 11 Dự thảo Nghị định về điều kiện phát hành trái phiếu yêu cầu doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động tối thiểu từ một (01) năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy phép kinh doanh là không phù hợp, chỉ cần quy định theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho thống nhất hoặc không cần quy định này vì đã có điều kiện kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành phải có lãi theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định.
Điểm c khoản 1 Điều 11 có yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành phải có lãi. Quy định này chưa thực sự hợp lý, bởi những lý do sau:
+ Quy định có lãi được suy đoán rằng để bảo đảm tín nhiệm tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện nay, yếu tố có lãi trong một năm không có ý nghĩa đáng kể trong việc bảo đảm tín nhiệm tài chính. Trong khi đó, quy định này có thể loại một số lớn các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu, đặc biệt là trong những trường hợp doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu kinh doanh, cần đầu tư mạnh để mở rộng quy mô.
+ Nghị định đã xác định nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, miễn là phải công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời. Do đó, việc đặt điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi không thực sự phản ánh nguyên tắc này.
+ Về mặt kế toán, trong một mức độ nhất định, doanh nghiệp có thể biến lỗ thành lãi và ngược lại. Nếu đặt ra điều kiện này thì sẽ tạo áp lực khiến các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu sẽ tìm cách can thiệp vào số liệu kế toán để có thể đáp ứng điều kiện. Việc này lại trái với nguyên tắc công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, tự chịu trách nhiệm.
Thứ ba, về mệnh giá trái phiếu phát hành
Tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định: Mệnh giá trái phiếu là một tỷ (1.000.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một tỷ (1.000.000.000) đồng Việt Nam. So với quy định cũ tại Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, mệnh giá tối thiểu của trái phiếu là một trăm nghìn (100.000) đồng, các mệnh giá khác là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng(Điều 9)là một sự thay đổi quá lớn và mệnh giá trái phiếu quá lớn. Mệnh giá quá lớn sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán hiện hành cũng chỉ quy định: “Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là một trăm nghìn đồng Việt Nam và bội số của một trăm nghìn đồng Việt Nam”(khoản 2 Điều 10).
Thứ tư, trái phiếu chuyển đổi
Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu có thể chuyển thành cổ phiếu thường vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai. Loại trái phiếu này có đặc điểm là lãi suất cố định và tương đối thấp so với các loại trái phiếu khác, song trái phiếu chuyển đổi hứa hẹn đem lại cho nhà đầu tư lợi nhuận lớn hơn khi chuyển đổi thành loại cổ phiếu thường của công ty và đây cũng chính là điểm hấp dẫn của trái phiếu chuyển đổi.
Về bản chất kinh tế, trái phiếu chuyển đổi được coi là một sản phẩm lồng ghép giữa trái phiếu DN và quyền mua cổ phiếu do chính DN phát hành. Quyền mua cổ phiếu cho phép người nắm giữ có quyền, mà không có nghĩa vụ mua cổ phiếu tại một thời điểm trong tương lai với một mức giá xác định trước.
Sẽ có một số bất cập khi doanh nghiệp phát hành lựa chọn hính thức trái phiếu chuyển đổi:
+ Khi trái phiếu được chuyển đổi, vốn chủ sở hữu bị "pha loãng" do tăng số cổ phiếu lưu hành nên mỗi cổ phần bây giờ đại diện cho một tỷ lệ thấp hơn của quyền sở hữu trong công ty.
+ Do các cổ đông thường tham gia vào việc quản lý công ty nên khi chuyển đổi có thể gây ra một sự thay đổi trong việc kiểm soát công ty, có thể số lượng cổ đông từ việc chuyển đổi trái phiếu sẽ nắm giữ cổ phần lớn hơn những cổ đông cũ.
+ Bản chất của trái phiếu là một khoản nợ phải trả nhưng khi chuyển đổi thì sẽ giảm khoản nợ này và tăng vốn chủ sở hữu. Sự giảm nợ công ty thông qua chuyển đổi cũng có nghĩa là mất đi sự cân bằng của cán cân nợ vốn.
+ Kết quả chuyển đổi sẽ làm giảm chi phí trả lãi, tức là làm tăng thu nhập chịu thuế của công ty. Do đó, công ty phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn khi chuyển đổi, sẽ có những đối tượng bên trong doanh nghiệp sẽ cố tình khai báo không trung thực về các khoản trái phiếu chuyển đổi này.
IV. Ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo
Thứ nhất, Bộ Tài chính cần thống nhất khái niệm về trái phiếu doanh nghiêp được quy định trong dự thảo nên bỏ kỳ hạn là phải trên một năm. Nên có khái niệm như sau: “Trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu”.
Thứ hai, về điều kiện phát hành trái phiếu.
Bộ Tài chính chỉ nên giữ một trong hai điều kiện: kinh doanh có lãi hoặc theo thời hạn hoạt động. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảobỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi, chỉ cần có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập là đủ. Nhà đầu tư sẽ nghiên cứu báo cáo tài chính để tự quyết định việc mua hay không mua trái phiếu của doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc lại quy định về mệnh giá trái phiếu vì mệnh giá tối thiểu là 1 tỉ đồng là quá cao, khó đáp ứng được mục tiêu huy động vốn; đồng thời cũng không phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán hiện hành. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản vốn nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường vốn.
Thứ ba, hoàn thiện về trái phiếu chuyển đổi.
Ở các thị trường khác, Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Chứng khoán có những quy định về “chống pha loãng” sở hữu, nhằm bảo vệ lợi ích của công chúng. Theo đó, khi phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải tuân thủ các quy định này thông qua việc nêu rõ trong thông cáo phát hành những điều khoản cụ thể về chống pha loãng cổ phiếu lưu hành. Cụ thể, trong trường hợp có thay đổi về khối lượng cổ phiếu lưu hành sau khi đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải có những điều chỉnh tương ứng về các điều kiện chuyển đổi (giá hoặc tỷ lệ chuyển đổi) của trái phiếu. Mặt khác, tại các thị trường phát triển, tổ chức phát hành rất khó bán trái phiếu chuyển đổi cho công chúng đầu tư khi không đưa ra những điều khoản “chống pha loãng” này.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật và hướng dẫn kịp thời với hoạt động phát hành của các doanh nghiệp. Trong Thông tư số 200/2014 và Dự thảo chưa thật sự đưa ra nhiều ví dụ và trường hợp cụ thể để hướng dẫn đối với hoạt động này, Đồng thời, phổ cập kiến thức cho công chúng về loại công cụ này, giúp cho nhà đầu tư giảm bớt và loại trừ rủi ro.
Công ty và các cổ đông hiện hữu nên có những cam kết nhất định ngay cả khi luật pháp chưa quy định rõ ràng. Có như thế các nhà đầu tư mới mạnh dạn bỏ vốn ra mua trái phiếu và góp phần nâng cao tính thanh khoản cho TPCĐ, đồng thời nhà đầu tư có thể định giá trái phiếu này một cách chính xác và rõ ràng. Nhà đầu tư cần chủ động thu thập thông tin từ các doanh nghiệp thực hiện những điều khoản hạn chế nào đó trong thời gian trái phiếu chưa được chuyển đổi.
V. Kết luận
Rõ ràng nếu quy định của pháp luật còn những hạn chế, bất cập thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi trên thực tế. Các doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, không đạt được mục đích sửa đổi, bổ sung Nghị định và không đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng của doanh nghiệp trong việc huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu. Thông qua việc công bố dự thảo về phát hành trài phiếu, Bộ Tài chính và các cơ quan chủ quản cũng muốn lắng nghe và hoàn thiện cơ chế nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng trong việc thực hiện huy động vốn trên thị trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dự thảo Nghị định phát hành trái phiếu doanh nghiệp (2017), Bộ Tài chính.
2.https://baomoi.com/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-nhieu-ban-khoan-can-duoc-lam-ro/c/24280742.epi , Truy cập ngày 06/03/2018.
3. http://enternews.vn/du-thao-nghi-dinh-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-han-che-bat-cap-thieu-tinh-thong-nhat-122765.html, Truy cập ngày 06/03/2018.
4. http://sotrans.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1021&Itemid=296&lang=vi, Truy cập ngày 06/03/2018.
5. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2017-11-07/them-co-hoi-cho-doanh-nghiep-huy-dong-von-trung-dai-han-50090.aspx, Truy cập ngày 24/04/2018.

DRAFT DECREE ON ISSUANCE OF CORPORATE BONDS: ADVANTAGES AND DISADVANTAGES

LE ANH TUAN

Faculty of Accounting, Duy Tan University

ABSTRACT:

The draft decree on issuance of corporate bonds is proposed by the Ministry of Finance to overcome the limitations and shortcomings of Decree No. 90/2011 / ND-CP. Although there are many progresses, such as: issuing corporate bonds in accordance with the provisions of the Law on Securities and the Law on Enterprises; creating conditions for enterprises to issue bonds to mobilize capital, such as allowing enterprises to mobilize capital in several installments by issuing bonds in several installments; amending the provisions on financial statements in the enterprise bond issue dossier to be more appropriate; modifying information disclosure regulations to enhance transparency and transparency, there are certain shortcomings and limitations. Through the article, the author clearly identifies and gives some ideas to improve the decree when it is issued.

Keywords: Corporate Bonds, Decree No. 90/2011 / ND-CP, Securities Law, Enterprise Law.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây