Sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, chính quyền non trẻ của chúng ta gặp muôn vàn khó khăn.
Trận lụt lớn hồi tháng 8 làm vỡ đê ở 9 tỉnh Bắc Bộ, khiến 1/3 diện tích không thể canh tác, thiệt hại khoảng 3 triệu tạ gạo; ngân sách quốc gia chỉ có trên 1,2 triệu đồng; hơn 90% dân số mù chữ…
Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của dân tộc.
Để giải quyết nạn đói, Người phát động toàn dân tăng gia sản xuất; diệt giặc dốt, Người đề nghị toàn dân tham gia bình dân học vụ. Để xây dựng nền tài chính, Người viết thư kêu gọi tổ chức “Tuần lễ vàng”. Trong “Tuần lễ vàng”, các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Người đã hoạch định, tổ chức và lãnh đạo quân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Pháp. Đường lối đó được xác định với nội dung cơ bản : “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”.
Để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện nhất quán đường lối toàn diện kháng chiến, Người yêu cầu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều phải cần trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”.
Năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, Người kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trước khi về với thế giới người hiền, Người để lại cho đời những lời minh triết trong bản Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Có thể thấy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ở những thời khắc gay go nhất, Bác đều đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của dân tộc. Thấm nhuần bài học dựa vào sức mình của Bác, các thế thế lãnh đạo nối tiếp nhau luôn quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa sức mạnh dân tộc và dòng chảy thời đại.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường hàng hóa trong nước liên thông, hòa chung vào dòng chảy lớn của thị trường hàng hóa quốc tế. Khi hàng Việt đủ sức chinh phục người Việt, hiện diện trong từng ngôi nhà, ngõ xóm thì hàng Việt cũng đủ bản lĩnh theo chân các con tàu đi khắp các đại dương đến với những thị trường mới, khách hàng mới, chia sẻ những xu hướng tiêu dùng mới. Sự liên thông của dòng chảy trong và ngoài nước đã tạo thế vững chắc cho nền kinh tế nước ta.
Song mỗi khi thị trường thế giới có biến động, như suy giảm nhu cầu trong cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính quốc tế năm 2008, hay bị gián đoạn nguồn cung và nhu cầu do đại dịch Covid-19 như hiện nay, thì ngành Công Thương đã kịp thời cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, kế hoạch hành động qua các chỉ thị, quyết định của ngành ứng phó tác động của dịch Covid-19, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc bộ. Chỉ riêng Quyết định 481 và Chỉ thị 06 của Bộ đã phân giao 127 nhiệm vụ, trong đó tập trung củng cố năng lực sản xuất, tái cơ cấu các lĩnh vực thuộc ngành, huy động sức mạnh của thị trường nội địa.
Trong trong thời gian “vàng” 2 tuần lễ đầu tiên của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã lên kịch bản, thống nhất được nguồn lực theo ngành dọc, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, rà soát khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương. Các Sở Công Thương đều chuẩn bị sẵn “phương án tác chiến”, kết nối giữa sản xuất và phân phối tạo ra thế trận thông suốt theo phương châm “4 tại chỗ” trong bảo đảm hậu cần.
Vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi liên kết cung ứng đã sẵn sàng tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp nhiều lần bình thường; ngay cả trong tình huống phức tạp, khi phải cách ly cả một xã, một khu phố, một tòa nhà, hàng hóa vẫn dồi dào, không có hiện tượng người dân hoảng loạn, rất ít người tích trữ thực phẩm hay găm hàng tăng giá.
Bài học dựa vào sức mình, tự lực cánh sinh là di huấn thiêng liêng, cũng là món quà vô cùng quý giá mà cả cuộc đời hoạt động cách mạng được Bác đúc kết, để lại cho các thế hệ muôn đời sau.