Doanh thu và xuất khẩu đều giảm
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2020 đạt 17,04 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giảm gần 7% so với cùng kỳ, khi chỉ đạt 10,7 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, nguyên phụ liệu dệt may đạt gần 6,4 tỷ USD, giảm 9%, bông nguyên liệu giảm 8% khi chỉ đạt 893 triệu USD...
Nguyên nhân tụt dốc được Vitas nhận định do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hầu hết doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí lỗ, chỉ một số ít ngược hướng thị trường nhờ lợi thế về sản phẩm hoặc thị trường xuất khẩu.
Cũng theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT), báo cáo tài chính mới nhất cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu thuần hơn 3.964 tỷ đồng, giảm 12,4% so cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 162,1 tỷ đồng và 156,2 tỷ đồng, giảm 19,6%.
Cổ phiếu vẫn bứt phá
Mặc dù kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 song nhiều cổ phiếu ngành này gần đây bất ngờ tăng trưởng mạnh. Theo đó, kể từ cuối tháng 3, theo đà hồi phục của thị trường, cổ phiếu nhóm dệt may cũng tăng giá mạnh, vượt vùng giá trước dịch.
Cụ thể, từ 30/3 – 17/5, mã TCM của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công tăng 30,9% từ vùng giá 12.300 đồng/cổ phiếu lên 16.100 đồng/cổ phiếu. Mặc dù đơn vị này cho biết doanh thu tháng 4/2020 đạt 409 tỷ đồng, giảm 13,6% cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 59%. Lũy kế 4 tháng, TCM ước doanh thu 993 tỷ đồng, giảm 18% và lợi nhuận 40 tỷ đồng giảm 52%.
Mã MSH của Công ty Cổ phần May Sông Hồng tăng 33,6% từ 26.650 đồng/cổ phiếu lên 35.600 đồng/cổ phiếu. Đơn vị này cũng báo cáo có doanh thu quý I giảm 3,4% so với cùng kỳ, xuống 939,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, giảm 28,6%. Nguyên nhân đến từ biên lợi nhuận gộp giảm từ 20,6% xuống 17,2%.
Mã TNG cũng tăng 54% từ 8.700 đồng/cổ phiếu lên 13.400 đồng/cổ phiếu… Và nhiều mã cổ phiếu còn lại của ngành dệt may như X20, GI, EVE, M10, TDT… cũng đều tăng mạnh.
Nguyên nhân thúc đẩy cổ phiếu dệt may tăng mạnh được cho là xuất phát từ việc EVFTA khả năng sẽ có hiệu lực chính thức vào tháng 7/2020. Theo thông tin từ Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), Quốc hội dự kiến sẽ họp về việc phê chuẩn EVFTA vào ngày 20/5 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
EU hiện là thị trường nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam lớn thứ 2 sau Mỹ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang châu Âu kỳ vọng hưởng lợi.
Tuy vậy, theo SSI Research, hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay mà chỉ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2).
EVFTA cũng yêu cầu các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hoặc Hàn Quốc (quốc gia có FTA với châu Âu) và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), và việc các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước chuyển sang nguồn vải của Hàn Quốc là không kinh tế ngay cả khi được hưởng lợi từ mức thuế suất 0% từ EVFTA.
Do đó, EVFTA không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may. Ngoài ra, việc các công ty dệt may của Việt Nam có thể tận dụng hiệp định này hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của Việt Nam