Đây là chia sẻ của ông Lương Chí Hiếu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) tại Tọa đàm “Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Gia tăng hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp”. Sự kiện do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/6/2025 với sự tham gia của các diễn giả đến từ Cục Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam.

GEPR thúc đẩy ngành Giấy đầu tư công nghệ tái chế tiên tiến, cải thiện công suất, năng suất phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn
Cụ thể theo đại diện VPPA, thực thi EPR giúp tăng cường hoạt động thu gom, tái chế và tiêu thụ sản phẩm từ nguyên liệu tái chế, qua đó thúc đẩy việc các doanh nghiệp trong Ngành đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến, cải thiện công suất, năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đóng góp và tạo ra các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao.
Ngoài ra theo VPPA, việc thu gom, phân loại, xử lý và tái chế trong thực thi EPR còn góp phần tạo ra chuỗi giá trị bền vững, kết nối bên trong hệ sinh thái. Cụ thể như các sản phẩm khi sử dụng xong thì phải được thu gom, phân loại và tái chế, trong đó có sản phẩm giấy. Sản phẩm giấy thu hồi cũng được phân ra nhiều loại cụ thể như là giấy tạp chí cũ (OMG), giấy báo cũ (ONP), giấy văn phòng (OCC) đã qua sử dụng, giấy hỗn hợp Mixed Paper và thùng hộp carton cũ (OCC) - sản phẩm gắn liền với lĩnh vực thương mại và thương mại điện tử. Tuy nhiên do mỗi cái loại giấy có tính chất và ứng dụng khác nhau nên là khi thu gom và phân loại thì phải có phương pháp cụ thể mới đạt được cái hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo chất lượng giấy thu hồi.
Bên cạnh đó thực thi EPR còn giúp nâng cao cho hình ảnh cho doanh nghiệp là những doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, xanh bền vững và bảo vệ môi trường. EPR cũng làm gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp ngành Giấy khi tham gia vào các thị trường quốc tế, nhất là những thị trường mà có yêu cầu cao về môi trường, ví dụ như Châu Âu hay Bắc Mỹ.

Tại Tọa đàm đại diện VPPA – ông Lương Chí Hiếu cũng đã đưa ra nhiều dẫn chứng minh họa cho những lợi ích từ EPR mang lại như việc trước đây doanh nghiệp ngành Giấy - hội viên của Hiệp hội có công suất chỉ khoảng 2000 - 5000 đến 10.000 tấn giấy/năm, nhưng hiện nay công suất của nhiều doanh nghiệp hội viên đã được nâng lên đến trên 100.000 tấn giấy/năm. Hay như hiện nay các doanh nghiệp ngành Giấy tập trung đầu tư các dây chuyền tái chế hiện đại, đảm bảo tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Theo đó nếu như trước đây để sản xuất ra một tấn giấy phải tiêu hao từ 15 - 20 m3 nước, nhưng hiện (sau khi các doanh nghiệp trong Ngành đã nâng cấp công nghệ, đầu tư các dây chuyền hiện đại…)thì lượng nước cần chỉ là 3 - 4 m3 trên một tấn sản phẩm và tiêu hao năng lượng cũng giảm nhiều đến 20 - 30%.
Bên cạnh đó đại diện VPPA cũng cho biết từ việc thúc đẩy hoạt động tái chế từ EPR nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành giấy đã phát huy được hiệu quả khi tham gia vào Liên minh tái chế bao bì (PRO Việt Nam), tạo được mối gắn kết trong thực hiện trách nhiệm thu gom cũng như tái chế bao bì sau khi sử dụng; Việc áp dụng nhiều mô hình sản xuất sạch hơn, cũng như đẩy mạnh các hoạt động thu gom giấy đã qua sử dụng trong nước đã giúp các doanh nghiệp ngành Giấy kiểm soát tốt chất lượng nước thải, khí thải đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này như là nguồn nguyên liệu thứ cấp thiết yếu trong sản xuất của Ngành.
Ngoài ra theo VPPA những hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp ngành Giấy tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thêm được các thị trường quốc tế ( đặc biệt là ở các dòng sản phẩm thân thiện môi trường), ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là trong giai đoạn giá cả thị trường biến động thì nguồn nguyên liệu nội địa rất quan trọng.
Tuy nhiên chia sẻ về cơ hội để phát huy tối đa những chính sách của EPR tại Tọa đàm“Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Gia tăng hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp” đại diện VPPA bày tỏ cũng cần phải có sự đồng hành của Nhà nước, của Chính phủ, của các bộ, ngành và cần một khung pháp lý rõ ràng bởi những năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành giấy đã thể hiện những quyết tâm rất là mạnh mẽ trong việc chuyển dịch mô hình để hướng tới sản xuất xanh, tuần hoàn trong đó thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường được coi là nền tảng để phát triển dài hạn.
Tuy nhiên trong quá triển khai nhiều doanh nghiệp ngành Giấy cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể như những chi phí ký liên quan đến ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu nguyên liệu giấy thu hồi về làm nguyên liệu sản xuất. Theo quy định tại Nghị định 08/2022, nếu nhập khẩu dưới 100 tấn thì ký quỹ 15% từ 100 - 500 tấn là ký quỹ 18%, trên 500 tấn là ký quỹ 20%. Theo VPPA đây là tỉ lệ ký quỹ quá cao và gây áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp bởi từ trước đến ngay Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chưa nhận được phản ánh hay một thông tin nào là đã có doanh nghiệp vi phạm trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo VPPA, là hạn mức nhập khẩu nguyên liệu (giấy thu hồi) phục vụ sản xuất bị chia đều theo từng năm và không linh hoạt theo nhu cầu thị trường đã khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội tận dụng lợi thế về giá từ thị trường để gia tăng hiệu quả kinh tế; ngoài ra hệ thống thu gom nội địa còn chưa chuyên nghiệp và manh mún, thiếu chính sách hỗ trợ cho người thu gom cũng là thách thức không nhỏ. Từ những khó khăn này, VPPA đồng thời đưa ra các đề xuất: nên giảm mức ký quỹ môi trường xuống 5% đối với doanh nghiệp không vi phạm; linh hoạt tỷ lệ là cộng trừ khoảng 20% hạn mức nhập khẩu (phế liệu giấy thu hồi cho sản xuất) trong một năm; cho phép doanh nghiệp nộp thuế thay cho người thu mua và người bán nhỏ lẻ giấy phế liệu…
Cần sớm có những hỗ trợ cụ thể, hiệu quả để thúc đẩy các hoạt động tái chế
Thực tế theo quy định về EPR cho phép các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm này dưới ba hình thức: Thứ nhất là tự tái chế; thứ Hai là thuê một đơn vị mà có chức năng tái chế để tái chế; thứ ba là đóng tiền vào quỹ bảo vệ môi trường (năm 2024, khi EPR có hiệu lực, hầu hết các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện luôn và thường chọn đóng tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam gọi tắt là Quỹ EPR)
Theo chia sẻ của ông Phạm Sinh Thành – Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tại Tọa đàm, để đánh giá hiệu quả triển khai EPR như thế nào thì có hai mảng: Thứ nhất là đối với các doanh nghiệp phải tái chế thực hiện nghĩa vụ tái chế, trách nhiệm mở rộng thì ông Thành đánh giá là các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện dù đa số chọn phương thức đóng tiền vào Quỹ EPR.

Còn mảng thứ hai là đánh giá hiệu quả từ chính sách EPR, giúp thúc đẩy hoạt động tái chế, tức là đối với các doanh nghiệp hoạt động tái chế như ngành Giấy, nhựa... (thuộc đối tượng được hưởng các hỗ trợ cho các hoạt động tái chế) thì hiện do Quỹ EPR chưa có cơ chế quy định để chi tiêu, khiến các doanh nghiệp hoạt động tái chế chưa được hưởng lợi, điều này phần nào giảm đi hiệu quả và mục tiêu ban đầu mà chính sách này hướng tới là khuyến kích thúc đẩy các hoạt động tái chế, giảm rác thải, tiết kiệm tài nguyên. Vì thế việc sớm ban hành các quy định để tháo gỡ các vướng mắc này là cần thiết, qua đó giúp các doanh nghiệp tái chế ( như tái chế giấy của VPPA chẳng hạn) tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Quỹ EPR nâng cao hiệu quả thực thi của chính sách, thúc đẩy các hoạt động tái chế, giảm rác thải ra môi trường…