EVFTA , IPA và những cam kết mạnh mẽ
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet, Đại sứ Rumani tại Việt Nam Emil Ghitulescu, Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU đã chính thức được diễn ra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani Stefan-Radu Oprea và Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstrom đã cùng ký Hiệp định EVFTA.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani Stefan-Radu Oprea, Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstrom đã cùng ký Hiệp định IPA.
Hiệp định EVFTA và IPA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như củng cố quan hệ thương mại và đầu tư, từ đó tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Hiệp định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU ký với một nền kinh tế mới nổi. Hiệp định EVFTA và IPA được xây dựng dựa trên cam kết chung của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế theo hướng mở cửa, công bằng và tuân thủ luật lệ.
Các Hiệp định này cũng sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia của EU với khu vực Đông Nam Á, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và EU nhằm hướng tới quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn giữa hai khu vực.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh rằng, việc hai bên ký kết các hiệp định EVFTA và IPA sẽ mở ra một giai đoạn mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
“Đó là giai đoạn của quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi, dựa trên một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Sau khi ký kết, về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn; còn về phía EU thì sẽ trình Nghị viện Châu Âu thông qua. Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU.
Chúng tôi hy vọng các Hiệp định này sẽ được các cơ quan lập pháp nhanh chóng phê chuẩn trong những tháng tới để cho phép các doanh nghiệp, công nhân, nông dân và người tiêu dùng của Việt Nam và EU gặt hái lợi ích của các Hiệp định trong thời gian sớm nhất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, bước ký kết mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là phê chuẩn cả 2 Hiệp định này và chuẩn bị ngay các bước để có thể triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Chặng đường tới đây đòi hỏi rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Tôi mong rằng với tinh thần và nỗ lực như đã thể hiện trong quá trình đàm phán, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Liên minh Châu Âu sẽ hoàn tất quy trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để các Hiệp định này sớm đi vào hiệu lực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc ký kết hai Hiệp định ngày hôm nay đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.
Hiệp định IPA, với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của EVFTA, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Giai đoạn hợp tác toàn diện và phát triển mạnh mẽ
Bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy thương mại của Liên minh châu Âu khẳng định, sẽ sớm thôi, người dân và doanh nghiệp hai nước sẽ được hưởng lợi từ sự ký kết hai hiệp định EVFTA và IPA.
Bên cạnh thúc đẩy thương mại, bà Cecilia Malmstrom đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy dòng đầu tư EU - Việt Nam. Với sự bảo hộ đầu tư tốt hơn, nhà đầu tư EU sẽ có thêm lòng tin để đầu tư vào Việt Nam.
“Tôi mong muốn hai bên sẽ sớm phê chuẩn các Hiệp định này. Càng phê chuẩn sớm, chúng ta càng sớm hưởng được các lợi ích do cao nhất do Hiệp định mang lại”, bà Cecilia Malmstrom nói.
Tại Lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngày 30/6/2019 là ngày có ý nghĩa lịch sử, trọng đại giữa hai nước Việt Nam - EU. Hai Hiệp định này sẽ mở ra chân trời mới, hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp 2 bên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, việc ký hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược.
Đặc biệt hai nền kinh tế mang tính bổ sung, cùng hợp tác, cùng có lợi và phát triển, hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp vào sự phát triển bền vững và phát triển của các bên.
Hiệp định EVFTA và IPA là phần không thể thiếu trong khung khổ được thiết lập bởi Hiệp định PCA - Hiệp định điều chỉnh mối quan hệ song phương tổng thể giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm hợp tác phát triển, hòa bình và an ninh, thương mại và đầu tư, hợp tác tư pháp, các vấn đề xã hội, quản trị tốt, thượng tôn pháp luật và các vấn đề mà hai bên có lợi ích chung khác.
EU và Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác để đảm bảo các Hiệp định đầy tham vọng này có thể phát huy hết tiềm năng của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới(WTO).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Đối với Hiệp định IPA, Hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn...
Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.