Gã tiều phu và hai người lái buôn, hay câu chuyện về bộ lọc thông tin

Có hai người lái buôn cần đi qua một khu rừng để tìm kho báu. Ai đến trước sẽ có chiến lợi phẩm. Trước cửa rừng, họ gặp một tiều phu. Người này chỉ cho họ hai con đường, một rộng rãi nhưng đầy hổ báo,

Sau hành trình đầy gian khó, người chọn con đường phải trèo đèo lội suối đã vượt qua khu rừng. Nhưng anh ta không tìm được kho báu. Anh ta gào lên thống thiết: “Thế là ta chậm chân mất rồi. Tên kia đã đến trước và lấy được kho báu rồi. Biết thế mình đi con đường rộng rãi có hơn không, làm gì có thú dữ nào, có khi gã tiều phu và hắn đã thông đồng để đánh lừa ta. Ước gì ta đã không gặp gã tiều phu và đã không nghe lời hắn”. Tuy thất vọng nhưng anh vẫn phải vượt qua khu rừng để trở về nhà. Lần này rút kinh nghiệm, anh lựa chọn con đường mà người kia đã chọn vì nghĩ rằng nó đi nhanh và đơn giản hơn.

Câu chuyện của người lái buôn cho thấy chúng ta thường hoang mang trước mỗi quyết định, và càng hoang mang hơn khi đã quyết định rồi. Anh ta ước không có thông tin của gã tiều phu kia mà không hề nghĩ rằng chính anh ta mới là người lựa chọn. Dĩ nhiên, trước cùng một thông tin, hai người đã có hai lựa chọn khác nhau, dựa trên cá tính và phán đoán khác nhau về sự việc.

Trong một môi trường kinh doanh đầy biến động thời hội nhập, với sự pha trộn của những luồng thông tin khác nhau, người kinh doanh thành công thường phải có độ nhạy cảm cao với thông tin. Họ cũng đồng thời là những người có bộ lọc thông tin tốt, đủ để tạo ra thế chủ động cho mình trên thương trường sóng gió.

Các nhà kinh doanh thành công thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp phân tích thông tin khác nhau để đánh giá ảnh hưởng của thông tin lên hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ thường cố gắng dự đoán những thông tin sắp có hoặc đánh giá hệ quả của những thông tin mới nhất vừa công bố (từ những thông tin vĩ mô quốc tế như Fed tăng lãi suất, Mỹ xuất khẩu dầu, Nga phát hành trái phiếu đến thông tin về hoạt động kinh doanh của đối tác, đối thủ). Sau đó, họ cần đánh giá được phản ứng của thị trường trước các thông tin mới tốt hơn các nhà kinh doanh, đầu tư khác để ra quyết định.

Phân tích thông tin thị trường còn giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp (DN) đánh giá được giá trị và khả năng huy động vốn của DN, làm cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vai trò quá quan trọng đó, đòi hỏi họ phải lựa chọn và triển khai được các phương pháp và công cụ phân tích thông tin thị trường phù hợp. Mỗi phương pháp và công cụ phân tích đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, các nhà quản trị cần cân nhắc sử dụng một hay nhiều hay kết hợp các phương pháp và công cụ để có được thông tin cần thiết, làm cơ sở cho việc ra các quyết định sản xuất, kinh doanh hay đầu tư của DN.

Một ví dụ rất thực cho vai trò của phân tích thông tin là phân tích ảnh hưởng của giá dầu lên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Khí Việt Nam. Tại Đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty tổ chức ngày 17/04/2015, ban Quản trị công ty đệ trình kế hoạch kinh doanh dựa trên dự đoán giá dầu đạt 100 USD/thùng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo và các cổ đông phân tích và nhận định nếu giá dầu xuống chỉ 60 USD/thùng thì doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm 30%, buộc ban lãnh đạo công ty phải điều chỉnh kế hoạch và tìm các hoạt động sinh lời khác để đảm bảo hoạt động của DN và lợi ích cho cổ đông. Rõ ràng những ý kiến từ bên ngoài đã đúng, giá dầu thậm chí đã giảm xuống quanh ngưỡng 40 USD/thùng và công ty sẽ khó ăn nói với các cổ đông nếu không kịp thời có các giải pháp bổ sung hoạt động sinh lời khác.

Ở chiều ngược lại, khi phải công bố thông tin, họ cũng phải đủ tinh tế để hiểu mức độ và cách thức cung cấp thông tin ra bên ngoài. Không chỉ vì việc cung cấp thông tin mang lại lợi ích cho DN, nó cũng đồng thời là nghĩa vụ. Cùng với những áp lực minh bạch hóa thị trường do hội nhập, DN phải tuân theo các quy định về công bố thông tin rất nghiêm ngặt, đặc biệt là các DN đại chúng, từ các báo cáo về tài chính đến dự án kinh doanh, kế hoạch đầu tư, chất lượng sản phẩm… Đôi khi thông tin họ cung cấp lại trở thành cơ hội cho người khác, tâm lý đó cản trở họ thực hiện các nghĩa vụ về thông tin.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng những tin đồn nhiều khi cũng gây những ảnh hưởng đáng kể đến thị trường nói chung và hoạt động kinh doanh của DN nói riêng, thậm chí còn có tầm ảnh hưởng hơn cả các thông tin chính thức được công bố. Do đó, ở cả chiều nhận, cung cấp và xử lý các thông tin phát sinh đều cần đến nghệ thuật và sự uyển chuyển của nhà kinh doanh.

Quay trở lại câu chuyện của hai người lái buôn và gã tiều phu. Trên đường trở về, người lái buôn bất ngờ nhìn thấy “đối thủ” của mình đang ngồi thu lu trên một cành cây. Thấy vậy anh ta hậm hực nói: “Anh và gã tiều phu thông đồng lừa tôi, anh lấy được kho báu trở về rồi đấy à. Lại còn nấp trên cây để tôi không nhìn thấy mà trách móc”.

Người lái buôn kia mừng rỡ nói: “Anh giúp tôi xuống với. Tôi ở trên cây từ hôm qua rồi. Gã tiều phu nói trước mặt có thú dữ, giúp tôi trèo lên cây. Tôi chờ mãi mà không thấy anh ta quay trở lại”.

Cho đến tận bây giờ, vẫn không ai biết được gã tiều phu đi đâu và kho báu thuộc về ai? Nhưng ngay từ đầu, nó sẽ chỉ thuộc về một người duy nhất có đủ thông tin để hiểu rõ được con đường anh ta sẽ đi và làm chủ cuộc chơi.