Nông sản xuất khẩu là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 22,6 tỷ USD, chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và yêu cầu nâng cao năng lực chuỗi giá trị.
Hiệu quả logistics giúp tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu
Trong Báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam” công bố năm 2022, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, bên cạnh những giải pháp về xúc tiến thương mại, marketing, quảng bá tiếp cận thị trường quốc tế, thì hệ thống logistics và lưu trữ bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam.
Tại Tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống Logistics’’ do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) phối hợp tổ chức ngày 23/6 tại TP.HCM, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ những đánh giá và giải pháp thúc đẩy sự gắn kết của hệ thống logistics với ngành hàng nông sản nói chung và nông sản xuất khẩu nói riêng, nhằm góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam để thích ứng trước xu thế phát triển mới trong nước và quốc tế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết: Hệ thống logistics với một số yếu tố về thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, yêu cầu cấp thiết cần đạt những tiêu chuẩn quốc tế như ISO-HACCP-BRC-Global G.A.P. nhằm đáp ứng hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu quan trọng trên thế giới chính là động lực có ý nghĩa thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa hệ thống logistics với lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhằm nâng cao hiệu quả đối với khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch qua đó góp phần quan trọng gia tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường khu vực và quốc tế hướng tới nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thông tin: Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng chuỗi cung ứng xoài đồng bằng sông Cửu Long” do UNIDO phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện, thời gian qua đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao hạ tầng chất lượng, xây dựng phần mềm đăng ký mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, hệ thống truy xuất nguồn gốc, các bộ tài liệu Quy trình thao tác chuẩn trong toàn chuỗi và áp dụng tại một số mô hình xuất khẩu để duy trì chất lượng, tăng thời gian bảo quản, giá trị xoài với hơn 1500 tấn xoài đã được xuất khẩu sang các thị trường như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…. Dự án cũng phối hợp với Hiệp hội Rau quả cũng như các cơ quan liên quan thuộc các tỉnh trong vùng dự án tại ĐBSCL tổ chức nhiều buổi đào tạo, tập huấn hội thảo cho các thành viên trong chuỗi.
Tuy nhiên, với thách thức về cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt, biến đổi khí hậu và tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng rất lớn, nhất là bảo đảm sự tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản- một mặt hàng đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hơn các hàng hóa tiêu dùng thông thường khác, trong đó vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu phải được kết nối chặt chẽ hơn với hệ thống logistics được coi không chỉ là cầu nối, mà còn phải được xem như đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt.
Đồng bộ hạ tầng logistics và tăng liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng nông sản
Để thúc đẩy sự gắn kết hiệu quả hơn giữa lĩnh vực xuất khẩu nông sản và hệ thống logistics, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hoạt động tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác cũng như thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Đây cũng là hai trong 61 nhiệm vụ cụ thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Hiệp hội Rau quả Việt Nam cần phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để có đánh giá, nhận định chính xác về thực trạng và dự báo nhu cầu phát triển hệ thống logistics đối hàng nông sản tại Việt Nam.
“Chúng ta phải đánh giá chính xác được những thông tin như trên mới có thể xây dựng được chiến lược phát triển hệ thống logistics phù hợp, sát thực tiễn và tối ưu nhất”, ông Hải nhấn mạnh.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, Phó Chủ tịch VINAFRUIT cho rằng, để hoạt động chuỗi cung ứng nông sản đạt hiệu quả hơn cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nông sản: Vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn – Trạm sơ chế - Nhà máy – Kho lạnh – Hệ thống vận tải – Chiếu xạ – Cảng biển/hàng không. Liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics.
Theo PGS.TS.Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI-VLA); Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, các mô hình sản xuất và xuất khẩu nông sản đến từ Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan rất gần gũi với Việt Nam và sẽ là các mô hình đáng chú ý mà các doanh nghiệp có thể tham khảo trong việc phát triển hiệu quả hệ thống logistics đối với nông sản xuất khẩu.
PGS.TS.Hồ Thị Thu Hòa khuyến nghị, để nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam trong thời gian sắp tới, cần thực hiện các gói giải pháp đồng bộ về hạ tầng, thể chế chính sách, nguồn nhân lực và đặc biệt là phát triển mô hình liên kết.
Trong đó, về hạ tầng, cần tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics chuỗi lạnh (Cold Chain) về kho bãi và vận chuyển hướng tới kết nối khu vực, tăng cường vận tải đa phương thức, phát triển dịch vụ vận tải hàng không để tăng hạn sử dụng cho hàng nông sản xuất khẩu; xây dựng các kho thông minh kết hợp công nghệ bảo quản hiện đại; áp dụng các ứng dụng kiểm soát khí quyển trong quá trình vận chuyển để tăng hiệu quả toàn chuỗi đối với hàng rau quả tươi…
Về thể chế chính sách và nguồn nhân lực, cần thiết lập hệ sinh thái logistics chuỗi lạnh: sản xuất-chế biến-thương mại; quy hoạch đất cho các trung tâm/cụm logistics và trung tâm chế biến sau thu hoạch; phát triển nguồn nhân lực và nền tảng điện tử cho logistics chuỗi lạnh…
Đặc biệt, cần chú trọng phát triển các mô hình liên kết như: mô hình 2 nhà giữa Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), mô hình 4 nhà giữa các hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cơ quan đơn vị tư vấn-nghiên cứu-đào tạo trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ Tọa đàm cũng đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) về việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác sâu rộng góp phần nâng cao nhận thức và vai trò của việc phát triển hệ thống logistics hướng đến lĩnh vực nông sản, cũng như nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.