Nâng chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường
Vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 98,3 nghìn ha; chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền. Trong đó, vải 58,8 nghìn ha, nhãn 39,5 nghìn ha, tập trung tại một số tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng.
Đây là sản phẩm nông sản chủ lực của một số địa phương trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng đặc biệt, vải và nhãn là sinh kế lâu dài của nhiều bà con nông dân, mang lại nguồn thu quan trọng cho các địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La,… tạo nên thương hiệu, góp phần thu hút đầu tư du lịch không chỉ cho địa phương mà còn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Vải tươi của Việt Nam đã có mặt tại 30 thị trường khác nhau như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Đông,… và đang tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Đối với sản phẩm nhãn cũng đã từng bước được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và EU.
Nhằm nâng cao chất lượng mặt hàng này, những năm gần đây, người nông dân các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La đã dần thay đổi thói quen sản xuất, đổi mới tư duy làm thương hiệu mẫu mã, bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc; tuân thủ nghiêm các quy trình, tiêu chuẩn an toàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các thị trường khó tính.
Đồng thời, triển khai nhiều dự án ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu. Nhờ vậy, sản lượng thu hoạch vải và nhãn được duy trì hoặc tăng đều qua các năm.
Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt là mặt hàng vải và nhãn cũng được các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, ngành hàng rất quan tâm, chú trọng. Ngay từ đầu vụ, các cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch thống nhất, bài bản như tổ chức các hội chợ, triển lãm, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với các sự kiện kinh tế - văn hóa - du lịch lớn, các chương trình giao dịch thương mại, kết nối giao thương, truyền thông thương hiệu, phát triển thương mại đa kênh trong đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, tăng cường hoạt động thương mại điện tử với nhiều sàn giao dịch lớn trong và ngoài nước, đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam…
Đáng chú ý, mới đây Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 với chủ đề “Xúc tiến thương mại với mặt hàng quả vải và nhãn” nhằm thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu nhanh chóng, hiệu quả những mặt hàng này khi vào vụ thu hoạch.
Nhận diện rủi ro
“Bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường suy giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Thị trường xuất khẩu luôn biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với mặt hàng có sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn như vải và nhãn.” - Bộ Công Thương nhận định.
Việc vận chuyển bằng đường hàng không chi phí cao còn vận chuyển bằng đường biển lại mất nhiều thời gian (30-35 ngày), gây áp lực cho công nghệ bảo quản sản phẩm nông sản tươi.
Mặt khác, chi phí chiếu xạ cũng là rào cản xuất khẩu bởi nông sản phải vận chuyển từ 2 đến 3 ngày vào miền Nam mới có cơ sở đủ điều kiện chiếu xạ rồi sau đó mới đóng gói và xuất khẩu được.
Ở thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn như Trung Quốc đang ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan đến truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán,…
Đối với các thị trường khác, bên cạnh nhiều rào cản phi thương mại khắt khe, tình hình lạm phát cao và nỗ lực giảm giá thành sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được xu hướng khả năng chi trả của người tiêu dùng, vì vậy sức mua tại các thị trường này cũng chưa cao.
Đồng bộ giải pháp để phát triển thị trường
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước đã tích cực cùng các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường.
Trong năm 2023, để góp phần tạo nên một niên vụ vải, nhãn thành công, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và Hiệp hội, ngành hàng chung tay góp sức cùng các địa phương xúc tiến tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu như sau:
Thứ nhất, đa dạng hoá thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, đây là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài. Duy trì phát triển thị trường truyền thống là Trung Quốc không chỉ các vùng giáp biên giới mà tiếp cận các tỉnh/thành sâu trong nội địa còn nhiều dư địa để khai thác.
Đồng thời, nỗ lực tối đa để phát triển thị trường gần trong khối ASEAN, tận dụng lợi thế về chi phí và thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp, gia tăng thị phần. Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc… lại cần cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và câu chuyện thương hiệu.
Thứ hai, hoạt động hỗ trợ xuất khẩu cần kịp thời và đi vào thực chất. Theo đó, tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm quả vải, nhãn Việt Nam.
Cần tăng cường, đổi mới công tác xúc tiến xuất khẩu, có kế hoạch thực hiện gắn với chuỗi giá trị từ phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu đến phát triển thị trường. Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại ở khâu trực tiếp kết nối giao thương, phát triển thị trường, ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu ở khâu phát triển sản phẩm, xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu sản phẩm, có chiến lược truyền thông phù hợp với từng đối tượng, thị trường mục tiêu cũng rất quan trọng và cần được chú trọng để nâng cao giá trị bền vững cho sản phẩm của địa phương.
Trong thời gian tới, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản.
Tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút sự tham gia của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, để góp phần đưa quả vải, nhãn nói riêng và nông sản của Việt Nam đi được xa hơn và bền vững hơn.