Gắn kết thương hiệu quốc gia tích cực với hoạt động thu hút đầu tư

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ đẩy mạnh gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam hấp dẫn trên thị trường quốc tế.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện từ năm 2003.

Đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam, được triển khai với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019 là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu quốc gia năm nay, cũng là nơi các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, định hướng xây dựng phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, gắn với hình ảnh quốc gia có hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú, với chất lượng cao, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trải qua 12 năm tổ chức thường niên, Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam đã và đang trở thành cầu nối chuyển tải những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tới các cơ quan Chính phủ nhằm đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định vai trò cầu nối quan trọng của Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam đối với doanh nghiệp và Chính phủ

 

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong thời gian tới, Bộ Công Thương, với vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, định hướng sẽ nâng tầm hoạt động của Diễn đàn, phát huy sự lan tỏa, khơi dậy sự nỗ lực của các ngành, các cấp và nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng và phát triển thương hiệu theo hướng bền vững.

Thứ trưởng cũng cho rằng, chủ đề của Diễn đàn ngày hôm nay - “Định hướng Chiến lược Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” - được đưa ra kịp thời, trong bối cảnh đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Do vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết.

Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019 được kỳ vọng là nơi trao đổi và thảo luận, đối thoại thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng, thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia.

“Trao đổi để thấy rõ những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam, hàng Việt Nam trong việc tạo dựng hình ảnh Việt Nam trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam cũng như nhà nhập khẩu, người tiêu dùng quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019

Toàn cảnh Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019

 

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.

Do đó, số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng đều qua các thời kỳ (cụ thể: năm 2008: 30 doanh nghiệp; 2010: 43 doanh nghiệp; 2012: 54 doanh nghiệp; 2014: 63 doanh nghiệp; 2016: 88 doanh nghiệp và tại Lễ công bố lần thứ 6 diễn ra vào năm 2018, đã có 97 doanh nghiệp được công nhận).

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết các doanh nghiệp Việt đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước

 

Đến nay, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, Chương trình đã góp phần tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam và tăng cường nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. 

Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, để nâng cao thế mạnh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, thực hiện theo Nghị định số 28/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng. quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Cùng với đó, năm 2018, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các chuyên gia về thương hiệu thực hiện một số cuộc khảo sát và nghiên cứu như: khảo sát về thực trạng nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về Chương trình Thương hiệu quốc gia và phân tích kinh nghiệm của một số nước trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, đồng thời sử dụng kết quả các cuộc nghiên cứu này để tổng hợp và soạn thảo các bản dự thảo Đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Các đại biểu thăm quan Triển lãm ảnh thành tựu của Chương trình Thương hiệu Quốc gia
Các đại biểu thăm quan Triển lãm ảnh thành tựu của Chương trình Thương hiệu Quốc gia

 

Nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doạnh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đang cân nhắc, bên cạnh việc công nhận các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, trong giai đoạn mới, Chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này.

Theo đó, Đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trên phạm vi cả nước, từ trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.

Thy Thảo