Phiên đầu tiên của niên vụ mới giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên trầm lắng, giao dịch quanh mức 32.700 – 33.600 đồng/kg. Sang các tuần tiếp theo, giá tuột dốc mạnh khiến các mức lui về 30.700 - 31.000 đồng/kg, mức thấp kỷ lục. Cuối tháng 10, giá đã hồi phục trở lại, chốt ở 31.600 – 32.000 đồng/kg. Tính chung cả tháng, giá mất tới 1.100 – 1.600 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 10/2019 đạt 39,7 nghìn tấn, trị giá 71,88 triệu USD, giảm 24,7% về lượng và giảm 27,2% về trị giá so với nửa cuối tháng 9/2019, so với nửa đầu tháng 10/2018 giảm 37,6% về lượng và giảm 37% về trị giá.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 10/2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,304 triệu tấn, trị giá 2,245 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong nửa đầu tháng 10/2019 đạt mức 1.809 USD/tấn, giảm 3,4% so với nửa cuối tháng 9/2019, nhưng tăng 1,0% so với nửa đầu tháng 10/2018.
Lũy kế từ đầu năm nay đến giữa tháng 10/2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.721 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê toàn cầu giảm do nguồn cung dư thừa, căng thẳng địa chính trị và tồn kho ở mức cao. Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), ước tính sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2018/19 tăng 3,7%, lên 168,87 triệu bao.
Sản lượng tăng ở tất cả khu vực, trừ Mexico và Trung Mỹ. Sản lượng cà phê tại Nam Mỹ ước tăng 4,8% so với niên vụ trước, lên 80,95 triệu bao trong niên vụ 2018/19; sản lượng tại khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 4,6%, lên 48,46 triệu bao; sản lượng tại khu vực Châu Phi tăng 1,9%, lên 17,99 triệu bao.
Dự trữ cà phê ở một số thị trường lớn như Mỹ tiếp tục tăng. Theo Hiệp hội Green Coffee Association, tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tồn kho cà phê trên khắp Mỹ tăng 127.925 bao (bao 60 kg) so với cuối tháng 8/2019, lên 7,4 triệu bao.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam (nguyên liệu chính trong sản xuất cà phê hòa tan) được dự đoán có mức tăng trưởng 0,3% lên 29,1 triệu bao( loại 60 kg) trong niên vụ 2019/20, tăng 10% so với 5 năm trước.
Sản lượng cà phê tại Ấn Độ cũng được dự đoán tăng 8,1% so với niên vụ 2018/19 lên 4 triệu bao trong niên vụ 2019/20, tăng gần 5% so với 5 năm trước; sản lượng cà phê của Brazil cũng được dự báo tăng khoảng 10%, lên 18,3 triệu bao. Việt Nam và Brazil chiếm 40% và 25% sản lượng cà phê robusta trên toàn thế giới.
Niên vụ 2018/19, sản lượng cà phê toàn cầu đạt khoảng 170 triệu bao, cao hơn 10 triệu bao so với lượng tiêu thụ. Trong đó, Brazil đã sản xuất hơn 60 triệu bao.