Giải ngân đầu tư công với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

ThS. VÕ THANH TUẤN - NCS. LÊ THỊ THANH HUYỀN - NCS. LÊ THỊ HÂN (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Kết thúc năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,91%, là một “điểm sáng” trong bối cảnh suy thoái của kinh tế toàn cầu. Thành quả này có sự đóng góp rất rõ nét của giải ngân vốn đầu tư công - từ nguồn “vốn mồi" trở thành nguồn vốn quan trọng, giúp nền kinh tế tăng trưởng. Trong thời gian tới, đầu tư công sẽ tiếp tục giữ vai trò là một động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Để thực hiện được điều đó cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong: tăng cường quản lý đầu tư công, thông quan việc nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan quản lý; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong triển khai thực hiện; tạo lập cơ chế và chính sách phù hợp trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Từ khoá: giải ngân đầu tư công, đầu tư công, tăng trưởng kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư công là đầu tư của nhà nước, của chính phủ, là hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn do nhà nước quản lý. Các cơ quan nhà nước, của chính phủ sẽ sử dụng nguồn vốn này hoặc nhà nước giao cho các chủ thể khác trong nền kinh tế sử dụng nguồn vốn này cho các hoạt động đầu tư. Đầu tư công đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững ở các quốc gia. Đầu tư công được đầu tư tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội. Tại Việt Nam, theo Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, quy định: đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công là cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Vốn đầu tư công bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Như vậy, tại Việt Nam, vốn đầu tư công bao gồm: vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước; vốn vay từ các nguồn khác của khu vực Nhà nước và vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng lớn và quan trọng nhất.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm, đầu tư công đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp kinh tế tránh được nguy cơ suy thoái. Tại Việt Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, tăng 14.5% so với năm 2019 với số tiền giải ngân ước đạt 466.6 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Nguồn vốn đầu tư công đã góp phần tạo công ăn việc và tạo ra sức cầu của nền kinh tế, giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Không những thế, hiệu ứng từ kết quả của các dự án đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.

2. Giải ngân đầu tư công với kinh tế Việt Nam năm 2020

Chưa có năm nào câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công trở nên quan trọng như năm 2020, bởi đây là nguồn vốn góp phần tạo nên sự tăng trưởng 2,91% của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Đại dịch Covid-19 bùng phát gây nhiều khó khăn và thách thức cho mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh trên cả nước, làm cho hoạt động kinh tế bị đình trệ, tổng cầu giảm sút nghiêm trọng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm, do đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong dịch bệnh. Năm 2020, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thường xuyên chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là một giải pháp hết sức cần thiết, trước mắt, góp phần kích cầu thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để đáp ứng những nhu cầu cho hoạt động đầu tư công, và tiếp theo là tạo sự lan tỏa “niềm tin” trong toàn bộ nền kinh tế. Đầu tư công năm 2020 đã từ nguồn vốn “mồi” chuyển thành nguồn lực chính để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong đại dịch Covid -19. Trong năm 2020, nhiều dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn, đượctập trung giải ngân được và thực hiện không chỉ làm tăng tổng cầu xã hội mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, năm 2020, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn theo hình thức xã hội hóa hoặc hợp tác đầu tư công - tư (PPP), đã được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công hoặc tăng cường tỷ lệ vốn đầu tư công. Thúc đẩy đầu tư công không chỉ đóng vai trò kích cầu trong ngắn hạn, mà còn giúp cải thiện nhịp độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế. Nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ triển khai nhằm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 tăng 5,7% so với năm 2019, mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2011 - 2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 14.50%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới.

Bảng 1. Vốn đầu tư khu vực nhà nước thực hiện theo giá hiện hành năm 2020

Vốn đầu tư khu vực nhà nước thực hiện theo giá hiện hành năm 2020

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến hết niên độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 (đến ngày 31/1/2021), giải ngân đầu tư công năm 2020 ước đạt trên 90% so với kế hoạch. Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2020 (năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%). Theo đó, có 17 bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/12/2020 ước đạt trên 80%; trong đó có 10 Bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%.

Đầu tư công đã phát huy vai trò trong giai đoạn kinh tế khó khăn và là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cơ cấu đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong tổng mức đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng chiếm một tỷ lệ khá lớn, bình quân chiếm trên 90% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Năm 2020, đầu tư công chiếm 25% của tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP, là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP chưa tính đến tác động lan tỏa từ hiệu quả của các dự án đấu tư công cho phát triểm cơ sở hạ tầng.

3. Những vấn đề đặt ra đối với công tác đầu tư công trong thời gian tới

Thành quả của đầu tư công và giải ngân đầu tư công thời gian qua và nhất là trong năm 2020 đã được ghi nhận, trong những năm tiếp theo, đầu tư công vẫn được xác định là nguồn lực quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới. Để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới, cần: (1) Tăng cường quản lý đầu tư công, thông quan việc nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan quản lý nhằm kiểm tra, giám sát kết quả quản lý và sử dụng đầu tư công; (2) Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện nhất là công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nhất là trong khâu trong giải phóng mặt bằng; (3) Có cơ chế và chính sách phù hợp trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong đó, đối với vốn đầu tư công cần tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

4. Kết luận

Với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, cũng như các bộ, ngành và địa phương, năm 2020, kết quả tích cực trong công tác giải ngân đầu tư công không những góp phần quan trọng đối với ổn định và tăng trưởng kinh tế trước mắt mà còn giúp cải thiện nhịp độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế thời đại dịch Covid. Trong thời gian tới, với việc triển khai Luật Đầu tư công số 39 cùng với hàng loạt các giải pháp của các Bộ, ngành, địa phương, đầu tư công không chỉ giúp kinh tế phục hội sau đại dịch mà sẽ là nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Bên cạnh đó, kết cấu cơ sở hạ tầng từ các dự án đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế có thêm cơ hội tiếp nhận dòng chảy thương mại đầu tư đang đảo chiều của sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (2020), Báo cáo số 7907/BC-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2020, Báo cáo tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 11 tháng, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong tháng còn lại của năm 2020.
  2. Bộ Tài chính, (2021), Báo cáo số 1023/BC-ĐT, ngày 29/01/2021 về Tình hình thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 lũy kế 12 tháng, ước 13 tháng và tình hình triển khai, thanh toán tháng 01 kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021.
  3. Lê Anh (2021). Giải ngân đầu tư công - Điểm sáng của kinh tế 2020. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, truy cập tại https://dangcongsan.vn/kinh-te/giai-ngan-dau-tu-cong-diem-sang-cua-kinh-te-2020-572445.html
  4. Quốc hội (2019), Luật số 39/2019/QH14: Luật Đầu tư công, ban hành ngày 13 tháng 6 năm 2019.
  5. Quốc hội (2014), Luật số 49/2014/QH13: Luật Đầu tư công, ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2014.
  6. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo số: 245/BC-TCTK, ngày 27/12/2020, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020.

THE DISBURSEMENT OF PUBLIC INVESTMENT

AND VIETNAM’S ECONOMIC GROWTH IN 2020

• Master. VO THANH TUAN

• PhD student LE THI THANH HUYEN

• PhD student LE THI HAN

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

With the GDP growth rate of 2.9%, Vietnam was one of the few countries in the world to maintain a positive economic growth in 2020. This achievement is partly thanks to the disbursement of public investment - an important capital source to support the national economic growth. In the coming time, public investment will still play an important role in promoting the countrys economy. It will contribute to supporting the national economic structure transformation and have a great spillover effect, especially for transport infrastructure development projects. It is necessary to have synchronous and drastic solutions for strengthening public investment management. These solutions are improving the capacity and effectiveness of management agencies, enhancing the coordination among agencies, branches and localities in the implementation of public investment projects, and creating appropriate mechanisms and policies on mobilizing and efficiently using investment capital sources.

Keywords: disbursement of public investment, public investment, economic growth.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]