Giải pháp đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 các dự án giao thông trọng điểm

Đề tài Giải pháp đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 các dự án giao thông trọng điểm do ThS. Nguyễn Thị Thu Hà (Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu quan điểm chỉ đạo, định hướng, mục tiêu kế hoạch và đề xuất các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của Quốc hội giao cho Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, ngành Giao thông phải triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công các công trình giao thông, nhất là công trình trọng điểm ngay từ đầu năm; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khu đổ thải, bảo đảm đủ nguồn vật liệu trong quá trình thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hiệu quả trong việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;...

TỪ KHÓA: giải ngân vốn đầu tư công, dự án giao thông trọng điểm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân cấp quản lý đầu tư công.

1. Đặt vấn đề

Sau 3 năm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành và địa phương, nhằm phát huy vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Mặc dù ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn luôn ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho các dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, hạ tầng kết nối vùng, nhất là khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã được xác định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, gia tăng vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư…

Nguồn lực đầu tư công dành cho ngành Giao thông, đặc biệt tập trung cho các công trình giao thông trọng điểm chiếm 53,4% tổng số kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 13 ngành, lĩnh vực, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình cả nước 02 năm (2021 và 2022) đạt 93,56% kế hoạch, dự kiến năm 2023 ước đạt 95%. Đây luôn là thách thức, áp lực lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương, nhất là ngành Giao thông cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.   

Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị dành 677.349 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, gồm ngân sách trung ương là 245 nghìn tỷ đồng và ngân sách địa phương là 225 nghìn tỷ đồng.

- Số vốn ngân sách trung ương là 245.000 tỷ đồng (vốn trong nước là 225 nghìn tỷ đồng và vốn nước ngoài là 20 nghìn tỷ đồng) sẽ dùng để:

- Chi cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 225.000 tỷ đồng, trong đó: (i) Bố trí đủ theo nhu cầu 26.400 tỷ đồng cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (14.000 tỷ đồng), giảm nghèo bền vững (5.400 tỷ đồng) xây dựng nông thôn mới (7.000 tỷ đồng), chiếm 11,7%; (ii) Bố trí đủ theo nhu cầu là 71.006,952 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và Chương trình phục hồi phát triển KTXH, chiếm 31,6% tổng số vốn ngân sách trung ương.

- Vốn nước ngoài (bao gồm cả nguồn vốn vay và viện trợ) là 20.000 tỷ đồng, trong đó bố trí 820 tỷ đồng để thực hiện CTMTQG nông thôn mới; bố trí 19.180 tỷ đồng cho các nhiệm vụ dự án đầu tư theo ngành, lĩnh vực thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trách nhiệm giải ngân nguồn vốn đầu tư công các dự án giao thông trọng điểm đã được Quốc hội thông qua (71.006,952 tỷ đồng) là rất lớn. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội giao số vốn là 56.666 tỷ đồng, gồm 52.299 tỷ đồng vốn trong nước và 4.367 tỷ đồng vốn nước ngoài. Trong đó, sẽ khởi công xây dựng 3 dự án cao tốc do Bộ làm chủ đầu tư, hỗ trợ các địa phương hoàn thành hồ sơ để khởi công 11 dự án khác.

Các dự án gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Hòa Bình - Mộc Châu và Vành đai 4 TP.HCM.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, như: TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đáng chú ý, trong năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1. Cũng trong năm 2024, Bộ sẽ rà soát sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực…

Quan điểm chỉ đạo, định hướng mục tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2024

Bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm nhiệm vụ, Chính phủ đã xác định vốn đầu tư công là vốn mồi, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đồng thời, tích cực huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Tích cực thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Định hướng đầu tư công năm 2024 sẽ tập trung bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, các tuyến đường đường ven biển, dự án kết nối, có tác động lan tỏa, liên vùng; đầu tư các dự án phục vụ các công trình phòng thủ, chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh -quốc phòng; đầu tư hạ tầng cảng biển, hạ tầng thủy lợi và các công trình phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp học và các cơ sở đào tạo, triển khai Chương trình Đổi mới giáo dục phổ thông để đến năm 2025; đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, các cơ sở dữ liệu quan trọng.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, như: các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vanh đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang; cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; phấn đấu đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Trong năm 2024, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng khoảng 130 km đường bộ cao tốc. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và sớm khởi công các dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng như đường bộ cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng; Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Dầu Giây - Liên Khương và các dự án nối đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Lương, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận; Phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2024 và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng khác, như: Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.

2. Giải pháp cần tập trung thực hiện, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công các công trình giao thông trọng điểm trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư.

Để tiếp tục hoàn thành các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông vận tải theo tiến độ yêu cầu, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra hiện trường, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án; các địa phương tích cực, chủ động, quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; quyết liệt chỉ đạo các Chủ đầu tư/Ban QLDA, nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tăng cường năng lực thi công để bảo đảm tiến độ đã cam kết và đáp ứng kế hoạch giải ngân. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thứ hai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khu đổ thải, bảo đảm đủ nguồn vật liệu trong quá trình thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Công tác giải phóng mặt bằng luôn là “đường găng” của các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Vì vậy, muốn dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng thì công tác giải phóng mặt bằng phải luôn đi trước một bước. Đối với một số dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù xây dựng công trình đường bộ. Thời gian thực hiện thí điểm từ khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2023 và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Các chính sách quan trọng được phép thí điểm gồm:

- Cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 2 dự án, đó là: (1) Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình và Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư.

- Giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 7 dự án tại Phụ lục II kèm theo Nghị quyết này.

Bảng Danh mục dự án đường quốc lộ, đường cao tốc phân cấp địa phương làm cơ quan chủ quản dự án

TT

Tên Dự án

Địa điểm xây dựng

1

Dự án nâng cấp, mở rộng đường QL.14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành

Bình Phước

2

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La

Sơn La

3

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình

4

Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C)

Hậu Giang, Cần Thơ

5

Dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ - Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ).

Cần Thơ

6

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 26B, tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa

7

Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước

Bình Phước

Thứ ba, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Công tác đầu tư các tuyến đường cao tốc để bảo đảm mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã và đang được Bộ Giao thông Vận tải tích cực triển khai thực hiện. Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông vận tải để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng đường bộ cao tốc; tổ chức họp kiểm điểm tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021-2025, các dự án cao tốc khác. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc triển khai các dự án nhằm bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Thứ tư, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tham mưu Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng ban để nghiên cứu, chỉ đạo, giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Hiện nay, Đề án đang tiếp tục được hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, áp dụng đa dạng, kết hợp linh hoạt các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực của ngành. Bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hiệu quả trong việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Để thúc đẩy huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu, các Cục quản lý chuyên ngành phối hợp xây dựng Báo cáo và hoàn thiện các tài liệu xúc tiến đầu tư. Hiện nay, thực hiện quyết định của Hội đồng điều phối vùng các vùng kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án lồng ghép việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2023 - 2030 trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các vùng kinh tế - xã hội.

4. Kết luận

Nhìn chung, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã trải qua hơn một nửa chặng đường. Kết quả thực hiện trong 3 năm (2021 - 2023) ghi nhận sự tiến bộ với kết quả giải ngân năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn khó khăn, mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao, số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn là thách thức rất lớn.

Để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi ngành Giao thông vận tải, các địa phương phải có thêm những cơ chế, chính sách đột phá; tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, nỗ lực hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; phát huy tính tự lực, tự cường; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và có kế hoạch, biện pháp, kiểm tra đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giao thông và Vận tải (2023). Báo cáo số 11677/BC-BGTVT về việc thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 về chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
  2. Chính phủ (2023). Báo cáo số 569/BC-CP kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024.
  3. Quốc hội (2023). Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
  4. Quốc hội (2023). Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Solutions to promote implementation and disbursement of the 2024 public investment capital for key transport projects

Master. Nguyen Thi Thu Ha

Department for National Economic Issues, Ministry of Planning and Investment

Abstract:

This paper studied the direction, orientation, planning objectives, and proposed solutions for the disbursement of public investment capital in 2024 assigned by the National Assembly to the Ministry of Transport. Accordingly, the transport sector must drastically implement solutions to disburse public investment capital for transport projects, especially key transport projects, from the beginning of the year; continue to reform administrative procedures; shorten the time to resolve investment procedures; promptly remove difficulties and obstacles in recovery, compensation, resettlement support, and relocation of technical infrastructure and waste disposal areas; ensure sufficient material sources for transport infrastructure projects, especially important national projects and projects in the Mekong Delta; ensure openness, transparency, feasibility, and efficiency in mobilizing, allocating, and using resources in investing in transport infrastructure construction;...

Keyword: public investment disbursement, key transport projects, medium-term public investment plan, decentralization of public investment management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12 năm 2023]

Tạp chí Công Thương