Giải pháp kết hợp sản xuất tinh gọn và cách mạng công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp may công nghiệp

TS. HOÀNG XUÂN HIỆP (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội)

TÓM TẮT:

Các nghiên cứu về mô hình sản xuất tinh gọn Lean và mô hình Lean truyền thống áp dụng cho doanh nghiệp may đã được nhiều tác giả trên thế giới quan tâm, nghiên cứu. Các thành quả của ứng  dụng sản xuất tinh gọn Lean trong các doanh nghiệp may công nghiệp đã được chứng minh là giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất khoảng 15-20% so với trước khi ứng dụng công nghệ sản xuất này. Mặc dù đã đạt được các thành công như vậy nhưng các doanh nghiệp may vẫn luôn tìm cách tiết giảm chi phí sản xuất nhiều hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh bằng giá và một trong những hướng đi để thực hiện mục tiêu này là áp dụng kết hợp công nghệ sản xuất tinh gọn (lean) và những thành quả của công nghiệp 4.0 đồng thời trong các doanh nghiệp may. Tuy vậy, khi đã ứng dụng các thành quả của công nghiệp 4.0 vào doanh nghiệp thì có cần thiết sử dụng Lean nữa không và việc áp dụng đồng thời cả lean và công nghiệp 4.0 có mang lại hiệu quả cao hơn so với việc chỉ ứng dụng một trong hai thành tố trên không vẫn là những câu hỏi chưa có  lời giải đáp thỏa đáng. Những câu hỏi trên cũng là những vấn đề chính mà bài báo này sẽ hướng đến giải quyết để giúp các doanh nghiệp may có hướng đầu tư phát  triển hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Sản xuất tinh gọn, lean, công nghiệp 4.0, may công nghiệp.

1. Thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong công nghiệp may

Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng là công nghệ số đã tạo ra xu hướng kết hợp giữa sản xuất thực và mô hình sản xuất ảo nhờ việc số hóa toàn bộ quy trình sản xuất thực thành dữ liệu để quản lý bằng máy tính. Các công nghệ chủ yếu của cuộc cách mạng này là Internet vạn vật (Internet of things - IoT), nhận dạng vô tuyến (RFID), cảm biến (sensor), sản xuất bồi đắp (additive manufacturing), điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ robot kết nối, phần mềm tương tác qua mạng, dữ liệu lớn (big data). Các giải pháp trên đã và sẽ tạo ra nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất may mặc, đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất trong dây chuyền may.

Internet kết nối vạn vật là công nghệ cho phép kết nối từ xa qua mạng thông tin toàn cầu giữa các thực thể người và máy; để có thể kết nối được với nhau qua Internet thì dữ liệu cần chia sẻ được chuyển lên bộ lưu trữ trong các máy chủ dùng chung thường được gọi là “đám mây”. Cảm biến là bộ phận có nhiệm vụ thu thập thông tin từ môi trường, thông tin này được đưa vào bộ điều khiển để xử lý và xuất ra các lệnh thích hợp quyết định hành vi của hệ thống. Trí tuệ nhân tạo và robot là việc ứng dụng các công nghệ cho phép máy móc có thể thay thế con người trong cả khâu tự suy nghĩ và thực hiện nhiều công việc khác nhau. Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến RFID là công nghệ sử dụng chips điện tử gắn vào sản phẩm hoặc các thiết bị cần thiết khác để theo dõi toàn bộ quá trình di chuyển cũng như thông tin về sản phẩm nhằm phục vụ cho các mục đích quản lý, điều khiển quá trình sản xuất. Sản xuất bồi đắp là việc sử dụng công nghệ in 3D để in sản phẩm theo từng lớp bồi đắp dần nhằm chế tạo sản phẩm. Dữ liệu lớn là những nguồn thông tin có đặc điểm chung là khối lượng lớn, tốc độ nhanh và dữ liệu định dạng dưới nhiều hình thức khác nhau, do đó muốn khai thác được đòi hỏi phải có hình thức xử lý mới để đưa ra quyết định, khám phá và tối ưu hóa quy trình.

Trong sản xuất may công nghiệp, đối với các sản phẩm cơ bản như áo T-Shirt, áo sơ mi cơ bản, quần âu, quần jean thì quá trình sản xuất đã được thay thế bằng robot giúp nâng cao chất lượng và đặc biệt là nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Đối với các sản phẩm thời trang nhưng được chế tạo bằng vật liệu có thể kết dính như plastic hay sợi polyester... thì quá trình sản xuất sản phẩm được thực hiện trên máy in 3D, vừa cho năng suất cao, vừa giảm được giá thành sản phẩm. Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đối với ngành May cũng có nhiều hạn chế. Cụ thể là để sản xuất các sản phẩm có những tính chất đặc biệt như: sản phẩm thời trang được thiết kế thành nhiều lớp, có kiểu dáng và kết cấu phức tạp, thay đổi thường xuyên theo thị trường và được sản xuất bằng vật liệu không kết dính thì việc ứng dụng công nghệ 4.0 rất khó khăn hoặc chi phí đầu tư rất lớn nên chưa mang lại hiệu quả để có thể triển khai ngay trong 10 - 15 năm tới.

Bên cạnh những tiến bộ như trên, việc đưa công nghiệp 4.0 vào ngành May mặc sẽ giúp cải tiến một số nội dung sau: (1) Tăng cường sự tích hợp theo chiều dọc của tất cả các phân khúc trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc và cũng sẽ tăng cường hội nhập theo chiều ngang của tất cả các đối tác trong chuỗi giá trị của nó; (2) Các công nghệ như Internet of Things, dữ liệu lớn,... sẽ phục vụ như những trụ cột chính để đồng bộ hóa yếu tố con người với dây chuyền sản xuất, máy móc thông minh và quy trình trong ngành May mặc nhằm tạo ra một chuỗi giá trị có tinh linh hoạt cao.Công nghiệp 4.0 còn được ứng dụng để thiết  kế và xây dựng các nhà máy may thông minh. Khi thiết kế một nhà máy thông minh để sản xuất trang phục theo yêu cầu của khách hàng, trọng tâm chính là dựa trên Hệ thống sản xuất Volkswagen. Phương pháp được thực hiện như sau: Ban đầu là thu thập kiến thức về sản xuất may mặc theo yêu cầu của khách hàng và hệ thống sản xuất của Volkswagen, sau đó sẽ đưa ra quá trình chuẩn chung. Đồng thời, xem xét quy trình may của một chiếc áo 'T-shirt' thông thường để nghiên cứu phát triển mô hình trong nhà máy thông minh và so sánh kết quả của hai mô hình sản xuất này. Để theo dõi được các yêu cầu của khách hàng và quá trình lắp ráp của sản phẩm, một thẻ RFID đã được gắn vào từng bộ phận của sản phẩm. Hệ thống 3D sẽ cho phép khách hàng theo dõi quá trình từ khi bắt đầu đến đoạn cuối của sản phẩm. Thông qua hệ thống này, sản phẩm quần áo thiết kế có thể được kiểm tra bằng cách sử dụng các mô hình ảo và có thể thu được sản phẩm bằng máy in 3D, nhờ đó doanh nghiệp có thể loại bỏ quá trình tạo mẫu mất nhiều thời gian. Quá trình sản xuất được phát triển và thử nghiệm bằng phần mềm mô phỏng Arena đã cho thấy tính hiệu quả cao hơn so với việc sản xuất được thực hiện theo quy trình thông thường.

2. Công nghệ sản xuất tinh gọn Lean trong doanh nghiệp may công nghiệp

Mô hình sản xuất tinh gọn Lean truyền thống đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Mô hình Lean này được mô tả khá đầy đủ trong “Ngôi nhà TPS” và nó cũng được triển khai tại các doanh nghiệp may công nghiệp Việt Nam bao gồm các thành phần chủ yếu sau:

- Ba giá trị cốt lõi của Lean được triển khai tại doanh nghiệp may: (i) Khách hàng là trên hết: quan niệm này giúp doanh nghiệp may luôn tạo cho khách hàng sản phẩm có chất lượng cao nhất, chi phí thấp nhất và thời gian giao hàng ngắn nhất; (ii) Tôn trọng con người: quan niệm này giúp doanh nghiệp may tạo cho người lao động luôn cảm thấy hài lòng về nơi làm việc; (iii) Loại bỏ các lãng  phí: quan niệm này giúp doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận nhờ giảm chi phí và tạo cho doanh nghiệp tính linh hoạt hơn trong thị trường. Bên cạnh 3 giá trị cốt lõi như trên, tư tưởng có tính định hướng của phương pháp sản xuất Lean còn được xây dựng dựa trên 2 nhân tố là cải tiến liên tục và tôn trọng người lao động. Đây có thể xem là những tư tưởng của sản xuất tinh gọn Lean; tuy những tư tưởng này không nhìn thấy được một cách hữu hình nhưng đó là những tư tưởng chủ đạo để triển khai sản xuất tinh gọn Lean thành công tại một số doanh nghiệp may Việt Nam.

- Dựa trên những tư tưởng có tính cốt lõi như trên, “Ngôi nhà TPS” được xây dựng tiếp bao gồm phần nền móng chứa các công cụ như: tiêu chuẩn hóa công việc, phương pháp giải quyết vấn đề và thực hiện cải tiến liên tục; ngoài ra một số nghiên cứu khác còn đề cập đến việc thực hiện 5S, quản lý trực quan, duy trì năng suất tổng thể, sản xuất cân bằng cũng là những yếu tố nằm trong nền móng để triển khai sản xuất tinh gọn Lean. Những yếu tố có tính nền móng như trên giúp tạo sự ổn định trong quá trình sản xuất may công nghiệp.

- Tiếp theo phần nền móng, các doanh nghiệp may Việt Nam cũng sử dụng hai trụ cột để triển khai sản xuất  tinh gọn Lean. Trụ cột thứ nhất là sản xuất đúng lúc (Just in Time-JIT), nghĩa là đúng chủng loại sản phẩm, đúng số lượng cần thiết và đúng thời điểm cần thiết nhằm đảm bảo năng suất. Trụ cột JIT bao gồm các thành phần như: lập kế hoạch về nhịp sản xuất, tạo dòng sản phẩm liên tục, áp dụng hệ thống sản xuất “kéo”, áp dụng hệ thống chuyển đổi sản phẩm nhanh, lập sơ đồ chuỗi giá trị, cân bằng chuyền, tối ưu hóa mặt bằng theo kiểu tế bào, tích hợp với khâu hậu cần kinh doanh gồm chuỗi cung ứng và khách hàng. Trụ cột thứ hai là nhân tố chất lượng với tư tưởng là chất lượng tại nguồn; trụ cột này bao gồm các thành phần như: kiểm soát chất lượng bằng công cụ thống kê, làm đúng từ đầu (Pokayoke) để ngăn ngừa lỗi, sử dụng tín hiệu báo tình trạng chất lượng để kiểm soát chất lượng trong sản xuất (Andon), dừng chuyền khi phát hiện lỗi, giải quyết vấn đề liên quan đến lỗi phát sinh, tiêu chuẩn hóa công việc theo chiều sâu hướng  tới khách hàng.

Các nghiên cứu cụ thể về ứng dụng Lean trong doanh nghiệp may cho thấy các doanh nghiệp ứng dụng Lean đều đạt các kết quả rất hữu ích như: Giảm lượng lưu kho hơn 80% nhờ sử dụng sơ đồ chuỗi giá trị để tối ưu hóa quá trình cung cấp lượng hàng một cách cân bằng từ máy trước đến máy sau; cải thiện tính linh hoạt của dây chuyền sản xuất do ứng dụng sản xuất tế bào; giảm số công đoạn cần thiết để hoàn thành công việc do loại bỏ được những công đoạn thừa; giảm số người thực hiện công việc vì không cần kiểm tra chất lượng sau từng công đoạn như được sử dụng trong hệ thống hiện có và cũng do loại bỏ được những công đoạn không mang lại giá trị, do vậy chi phí lao động giảm. Bên cạnh đó, việc ứng dụng lean truyền thống tại các doanh nghiệp may còn giúp thúc đẩy sản xuất từ ​​nhu cầu của khách hàng, giúp trao quyền cho người công nhân và tạo ra một nền văn hóa cải tiến liên tục, mang lại nhiều  giá trị cho các doanh nghiệp may [4].

Các thử nghiệm thực tế đã chứng minh rằng sản xuất Lean có thể được áp dụng hiệu quả cho ngành May mặc như là bước quan trọng trong việc xác định và loại bỏ các lãng phí. Cụ thể như: sau khi thực hiện Lean, Công ty BY Garment Industries tại Phillipine sử dụng quy trình sản xuất theo dòng chảy và tính nhịp sản xuất, tiêu chuẩn về thời gian sản xuất đã giúp: các hoạt động không tạo giá trị gia tăng đã giảm và đạt hiệu quả 100%, tỷ lệ hàng không đảm bảo chất lượng được giảm xuống 0,08% và không còn vốn tồn dở dang trong chuyền, năng suất được cải thiện [6].

Bên cạnh đó, tại Ấn độ, việc ứng dụng sơ đồ chuỗi giá trị và sắp xếp lại mặt bằng đã giúp thời gian luân chuyển sản phẩm giảm 18%, khoảng cách di chuyển bán thành phẩm từ khu vực cắt sang khu vực may giảm 85,3%. Việc sử dụng công cụ chuỗi giá trị đồng thời với chuyển đổi sản xuất nhanh đã giúp thời gian chuẩn bị cho mã hàng mới giảm từ 28 phút xuống còn 8 phút 10 giây (giảm 70,84%), góp phần làm tăng năng suất từ 19.600 sản phẩm/ca lên 27.740 sản phẩm /ca (tăng 40%) [5]. Tại Việt Nam, nghiên cứu về Lean cũng cho thấy sau 3 tháng triển khai, năng suất  lao động của các dây chuyền tăng trung bình 23,6%, tỷ lệ hàng lỗi đã giảm từ 12% trước triển khai xuống còn 8% đối với sản phẩm jacket và 5% đối với sản phẩm sơ mi sau khi triển khai [3].

3. Những bất cập tồn tại khi ứng dụng một số công cụ của Lean truyền thống

Như trên đã phân tích, việc nghiên cứu mô hình Lean truyền thống và nghiên cứu về công nghệ số đã được nhiều tác giả thực hiện. Tuy vậy, các công trình nghiên cứu về mô hình sản xuất tinh gọn Lean trong ngành may ứng dụng đồng thời cả Lean và công nghệ số vẫn còn rất hạn chế. Có thể thấy rằng, dù ứng dụng Lean trong doanh nghiệp may đã có hiệu quả, nhưng vẫn tồn tại một số bất cập như sau:

3.1. Việc điều chỉnh máy khi vào chuyền tiêu hao nhiều thời gian

Việc chuyển đổi sản xuất nhanh trong doanh nghiệp may phụ thuộc khá nhiều vào khâu hiệu chỉnh thiết bị may theo đặc thù của sản phẩm. Việc này chỉ được thực hiện khi bán thành phẩm được đưa vào dây chuyền, vì vậy thời gian chờ đợi hiệu chỉnh máy ảnh hưởng rất lớn tới năng suất bình quân của dây chuyền. Thực tế, dây chuyền có thời gian chuyển đổi sản phẩm đơn giản như sơ mi có thể mất 1-2 giờ, thời gian chuyển đổi sản phẩm phức tạp như jacket nhiều lớp có thể tiêu hao 4-8 giờ tùy mức  độ phức tạp của sản phẩm.

3.2. Việc bảo trì thiết bị thiết bị theo phương thức bảo trì dự phòng vẫn tạo ra nhiều lãng phí về thời gian sản xuất

Quá trình bảo trì dự phòng yêu cầu việc bảo trì được tiến hành định kỳ dù máy có thể vẫn trong tình trạng tốt, việc này có thể tiêu hao thời gian không cần thiết cho công tác bảo trì. Bên cạnh đó, có một số thiết bị may dù chưa đến thời gian bảo trì định kỳ nhưng do điều kiện sản xuất nên có thể bị trục trặc kỹ thuật trước thời điểm bảo trì định kỳ, dẫn đến người lao động phải ngừng sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất và tạo ra lãng phí chờ đợi.

3.3. Việc xử lý sai lệch trong sản xuất vẫn còn độ trễ về thời gian

Khi triển khai sản xuất tinh gọn Lean, các doanh nghiệp may thường dùng các công cụ như bố trí mặt bằng nhà máy, bố  trí đường đi của bán thành phẩm… để điều chỉnh sai lệch trong sản xuất, xác định vấn đề và yêu cầu nhân viên thực hiện các thay đổi cần thiết để đảm bảo kế hoạch sản xuất. Một nhược điểm của Lean là các công việc trên không thể thực hiện được theo thời gian thực mà thường có độ trễ, do đó làm giảm hiệu quả của việc lập kế hoạch và kiểm soát sản xuất.

Mặt khác, trong sản xuất, việc xử lý các tình huống phát sinh chủ yếu dựa trên các kết quả thống kê theo giờ hoặc 2 giờ/lần, chưa kể có những doanh nghiệp may có thời gian thu thập dữ liệu sản xuất và chuyển đến các bộ phận liên quan dài hơn, có thể tới 4 giờ/lần. Việc xử lý dựa trên các kết quả thống kê như vậy tạo ra độ trễ tương ứng với thời gian xử lý dữ liệu thống kê, việc này có thể dẫn đến các lãng phí về vận chuyển không hợp lý, bố trí không hợp lý... do thời gian phát hiện các bất hợp lý chậm hơn thời điểm diễn ra các bất hợp lý này.

3.4. Xảy ra tình trạng hàng lỗi cao hơn do có độ trễ khi phát hiện các vấn đề về chất lượng

Mặc dù các doanh nghiệp may có sử dụng cán bộ kiểm tra chất lượng trên chuyền để phát hiện các lỗi về chất lượng sản phẩm ngay trong quá trình may; tuy vậy, do hạn chế về con người nên nhiều doanh nghiệp may chỉ bố trí cán bộ này kiểm tra một số bộ phận chính. Việc kiểm tra trên chuyền này cũng chỉ kiểm tra luân phiên từ công đoạn này sang công đoạn khác mà không thể kiểm tra đồng thời nhiều công đoạn trong cùng một thời điểm nên có thể dẫn đến việc không phát hiện và xử lý kịp thời các lỗi phát sinh tại các công đoạn bị bỏ qua hoặc chưa kiểm tra.

3.5. An toàn lao động vẫn xảy ra do chỉ cảnh báo khu vực nguy hiểm bằng các ký hiệu cảnh báo

Các doanh nghiệp may công nghiệp thường thiết kế và lắp đặt những chỉ dẫn khá cụ thể về các khu vực nguy hiểm trong quá trình lao động; mặt khác doanh nghiệp cũng yêu cầu người lao động phải học đầy đủ các quy tắc an toàn lao động tại doanh nghiệp. Tuy vậy, do tính chất công việc thực hiện chủ yếu bằng thủ công, mặt khác do yếu tố sức khỏe thay đổi trong từng thời điểm của người lao động nên việc vi phạm các nguyên tắc lao động vẫn có thể xảy ra do các ký hiệu cảnh báo chủ yếu là cảnh báo thụ động, chưa tạo được sự chú ý cao đối với người lao động đến các nguyên tắc an toàn.

4. Giải pháp kết hợp công nghệ sản xuất tinh gọn Lean và thành tựu của công nghiệp 4.0 trong doanhg nghiệp may công nghiệp

4.1. Ứng dụng thiết bị kỹ thuật số trong dây chuyền may để rút ngắn thời gian chuyển đổi mã hàng

Để tạo ra tính mềm dẻo cao khi chuyển đổi mã hàng thì có thể ứng dụng kỹ  thuật số trong công nghiệp 4.0 như sau: việc sử dụng cảm biến và phần mềm trong công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sản phẩm khi áp dụng Lean được thực hiện hiệu quả hơn. Lý do là khi sử dụng phần mềm và cảm biến mới sẽ cho phép máy móc tự động nhận dạng sản phẩm và nạp chương trình cũng như công cụ phù hợp để chế tạo sản phẩm mà không cần có sự can thiệp của con người. Chính vì vậy, việc chuẩn bị thiết bị và dụng cụ để chuyển đổi mã hàng được tự động hóa, người vận hành chỉ phải tập trung vào những công việc tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Trong doanh nghiệp may, nếu như bán thành phẩm được gắn các thẻ sử dụng công nghệ RFID thì các thiết bị may kỹ thuật số trong dây chuyền hoàn toàn có thể nhận dạng bán thành phẩm sắp vào chuyền về tính chất nguyên liệu, tính chất của chỉ… để tự động điều chỉnh thiết bị theo yêu cầu may mà không cần có sự can thiệp của kỹ thuật viên cơ điện để chỉnh máy.

4.2. Ứng dụng bảo trì tự động để rút ngắn thời gian ngừng thiết bị

Việc sử dụng các thuật toán dự báo trong công nghiệp 4.0 giúp cho quá trình bảo trì thiết bị được thực hiện tự động, giảm thời gian sửa chữa thiết bị, giúp nâng cao năng suất  lao động. Trong công nghệ Lean thường sử dụng phương pháp bảo trì dự phòng để nâng cao hiệu suất thiết bị. Quá trình bảo trì dự phòng này sẽ được nâng cao hiệu suất khi chuyển thành bảo trì tự động nhờ ứng dụng thuật toán phân tích tiên tiến và máy móc có khả năng tự học. Các công nghệ này sẽ giúp phân tích một số lượng lớn dữ liệu do các cảm biến thu thập được, từ đó có thể xác định được các vấn đề tiềm tàng dẫn đến việc phải ngừng máy trước khi chúng xảy ra. Căn cứ vào vấn đề được phát hiện, kỹ thuật viên bảo trì có thể có sự chuẩn bị trước để giảm thiểu thời gian phải ngừng máy, giúp nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, việc bảo trì nhờ dữ liệu lớn và kỹ thuật phân tích tổng thể trong công nghiệp 4.0 như trên đã nâng cao tính minh bạch của quá trình bảo trì, đóng  góp tích cực vào việc nâng cao hiệu suất của các công cụ trong Lean cũng như thúc đẩy quá trình cải tiến liên tục.

4.3. Ứng dụng hệ thống sản xuất thực-ảo trong công nghiệp 4.0 để giảm thiểu thời gian trễ trong xử lý tình huống sản xuất

Tốc độ sản xuất có thể được gia tăng nhờ khả năng xử lý tình huống theo thời gian thực: việc áp dụng dữ liệu theo thời gian thực sẽ giúp thúc đẩy quá trình quản trị sản xuất. Để quản lý sản xuất theo thời gian thực, công nghiệp 4.0 giúp cung cấp một thuật toán được gọi là “tháp kiểm soát” tập trung để giải quyết hai vấn đề chủ yếu là: thu thập dữ liệu và điều hành nguyên liệu vào, ra nhà máy để tạo ra một chuỗi giá trị được tích hợp theo chiều ngang. Dữ liệu theo thời gian thực sẽ giúp nâng cao và đẩy nhanh những nỗ lực cải tiến liên tục trong nhà máy. Nhân viên tại các dây chuyền may và nhà quản lý có thể chia sẻ với nhau dữ liệu theo thời gian thực để tìm ra nguyên nhân gốc rễ làm giảm hiệu suất thực hiện, từ đó đề xuất giải pháp nhanh hơn để giải quyết vấn đề về sản xuất trong nhà máy may công nghiệp.

4.4. Ứng  dụng công nghệ cảm biến theo thời gian thực để giảm thiểu hàng lỗi

Chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt hơn nhờ ứng dụng hệ thống cảm biến theo thời gian thực và trí tuệ nhân tạo: Kiểm soát chất lượng được định hướng theo dữ liệu thu thập sẽ trợ giúp cho quá trình tự kiểm  tra. Trong Lean đã áp dụng nhiều công cụ để giảm tỷ lệ lỗi và tăng tốc độ dò lỗi, tuy vậy cũng chỉ giúp giảm được khoảng 50%-70% số sản phẩm khuyết tật. Nếu muốn giảm tỷ lệ khuyết tật gần về 0% thì phải trợ giúp cho quá trình tự kiểm tra bằng việc sử dụng cách tiếp cận phân tích dữ liệu định hướng để xác định nguyên nhân gốc rễ của lỗi tạo ra. Công nghiệp 4.0 sẽ trợ giúp cho quá trình này bằng cách cung cấp dữ liệu theo bối cảnh thực và khả năng theo vết sản phẩm một cách chi tiết. Hệ thống camera dò khuyết tập bề mặt được kết nối với hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp phân tích chi tiết về lỗi bề mặt, tạo báo cáo tự động về lỗi, giúp giảm tỷ lệ lỗi một cách đáng  kể.

4.5. Ứng dụng công nghệ cảm biến để nâng cao mức độ an toàn lao động

An toàn lao động sẽ được nâng cao nhờ ứng dụng cảm biến môi trường. Việc sử dụng cảm biến và ứng dụng đào tạo trong môi trường thực tế ảo giúp cải thiện môi trường làm việc. Thay vì việc dùng các ký hiệu cảnh báo hay cảnh báo các khu vực thường xảy ra tai nạn một cách thụ động thì doanh nghiệp có thể lắp các cảm biến vào công cụ bảo hộ cho người vận hành để cảnh báo những khu vực nguy hiểm cho người lao động. Việc này tạo ra các cảnh báo chủ động bằng đèn hay còi khi người lao động tiến gần đến khu vực nguy hiểm, giúp giảm đáng kể các tai nạn lao động do lỗi của con người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. BCG (2017), When Lean meets Insdutry 4.0, The Boston Consulting Group, Inc.
  2. Hoàng Xuân Hiệp (2017), Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Công Thương, số 12, tr 188-192.
  3. [6] Nguyễn Thị Thu Hường (2016), Triển khai thí điểm mô hình sản xuất tinh gọn vào các doanh nghiệp may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Công Thương, Hà Nội.
  4. Rashmi Kumari1, T. Z. Quazi, Rishi Kumar (2015), Application of Lean Manufacturing Tools in Garment Industry, International Journal of Mechanical Engineering and Information Technology, Vol. 03 Issue 01//January//Page No: 976-982//ISSN-2348-196x
  5. Ravikumar Marudhamuthu, Marimuthu krishnaswamyb, Damodaran Moorthy Pillai (2011). The Development and Implementation of Lean Manufacturing Techniques in Indian garment Industry, Jordan Journal of Mechanical and Industrial Engineering, Volume 5, Number 6, Dec. 2011 ISSN 1995-6665 Pages 527 - 532.
  6. Rebecca M. Nunesca, Aile T. Amorado (2015), Application of Lean Manufacturing Tools in a Garment Industry as a Strategy for Productivity Improvement, Asia Pacific Journal of Multidisciplinary Research, Vol. 3, No. 4, November 2015 Part V.

THE COMBINATION OF LEAN MANUFACTURING MODELS AND ACHIEVEMENTS OF THE INDUSTRY 4.0 TO IMPROVE THE EFFECTIVENESS OF GARMENT ENTERPRISES                                        Ph.D Hoang Xuan Hiep

Rector, Hanoi Industrial Textile Garment University

Abstract:

Lean manufacturing models and traditional Lean manufacturing models that are implemented into garment enterprises has drawn many researchers’ attention to study.  The actual results prove that garment enterprises could cut their production costs by 15 – 20% thanks to applying Lean manufacturing models. However, garment enterprises keep looking for cost-reduction solutions in order to improve their price competitiveness. In the context of Industry 4.0, one of these solutions is the combination of Lean manufacturing models and achievements of the Industry 4.0. However, this solution raises questions of the necessity and the effectiveness of implementing both Lean manufacturing models and achievements of the Industry 4.0 into garment enterprises. These two questions have not been answered satisfactorily. This article is going to solve these two questions to help garment enterprises to invest effectively in the coming period.

Keywords: Lean manufacturing, Industry 4.0, industrial sewing.