TÓM TẮT:
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động là nhu cầu thiết yếu đối với doanh nghiệp, nhằm mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, doanh nghiệp cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Bài viết này phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động, thực trạng sử dụng vốn lưu động của Công ty Cổ phần Hàng không Hành Tinh Xanh giai đoạn 2019 - 2021 và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động của Công ty trong giai đoạn tiếp theo.
Từ khóa: vốn lưu động, Công ty Cổ phần Hàng không Hành Tinh Xanh.
1. Đặt vấn đề
Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự đột phá của Internet và trí tuệ nhân tạo làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp. Bên cạnh những cơ hội to lớn, cuộc cách mạng này sẽ tạo ra rất nhiều thách thức, tác động đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và quản trị doanh nghiệp nói riêng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần thay đổi và áp dụng giải pháp quản trị doanh nghiệp khác nhau để tận dụng tốt cơ hội và giải quyết những thách thức mới đặt ra. Không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công ty Công ty Cổ phần Hàng không Hành tinh xanh cũng đã và đang chịu những tác động tích cực và không tích cực từ thị trường. Để có thể tồn tại và phát triển, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, vốn của doanh nghiệp là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp đủ quản lý và sử dụng nguồn khả năng cạnh tranh và thúc đẩy phát triển. Công tác vốn một cách hiệu quả bao gồm nhiều khâu, nhiều thành phần khác nhau, nhưng giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ gắn bó tạo thành một hệ thống. Trong đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động là một mắt xích quan trọng không thể thiếu, bởi nó phản ánh toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động là nhu cầu thiết yếu đối với doanh nghiệp, nhằm mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tình trạng sử dụng vốn trong thực tế còn lãng phí, kém hiệu quả đang diễn ra rất phổ biến. Việc tổ chức và sử dụng vốn không hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động là vấn đề được tất cả các doanh nghiệp quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý tài chính doanh nghiệp.
Không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công ty Cổ phần Hàng không Hành Tinh Xanh cũng đã và đang chịu những tác động tích cực và không tích cực từ thị trường. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Chiến lược phát triển của Công ty là chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước tiếp cận các thị trường nước ngoài, trong đó ưu tiên các nước trong khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện được mục tiêu chiến lược này, Công ty cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Nhận thức được vấn đề đó, tác giả đã tìm hiểu và đưa ra một số giải pháp nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động của Công ty trong thời gian tới.
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động
Thứ nhất: Chính sách vĩ mô của Nhà nước về hệ thống chính trị, chế độ, pháp luật, kinh tế của nước ta. Đây là nhân tố rất lớn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động, vì theo từng thời kỳ, tùy vào mục tiêu phát triển mà Nhà nước lại có những chính sách ưu đãi về vốn, về thuế suất, lãi tiền vay với từng ngành nghề cụ thể, có chính sách khuyến khích với ngành nghề này nhưng lại hạn chế với ngành nghề khác. Vì vậy, khi tiến hành sản xuất - kinh doanh, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm và tuân thủ chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai: Sự ảnh hưởng của môi trường kinh tế vĩ mô như lạm phát, giảm phát… có thể gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế như trượt giá đồng tiền, giá nguyên vật liệu tăng, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm xuống, khiến hàng hóa của doanh nghiệp khó tiêu thụ, vốn lưu động bị ứ đọng,…
Thứ ba: Những rủi ro bất thường do thiên tai, địch họa gây ra như lũ lụt, hỏa hoạn… mà doanh nghiệp không thể lường trước được.
Thứ tư: Do tác động của khoa học công nghệ sẽ làm cho giá trị tài sản vật tư bị giảm đi. Do đó, nếu doanh nghiệp không bắt kịp sự phát triển để kịp thời điều chỉnh giá trị của sản phẩm thì hàng hóa bán ra sẽ thiếu tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nói chung và vốn lưu động nói riêng.
Thứ năm: Nhóm nhân tố chủ quan là những nhân tố nằm bên trong doanh nghiệp, có tác động trực tiếp đến việc quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động nói riêng và sản xuất - kinh doanh nói chung. Nó bao gồm các nhân tố bên trong những hoạt động mua sắm, dự trữ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, như: đặc điểm của quá trình sản xuất - kinh doanh, các mối quan hệ của doanh nghiệp (với khách hàng, với nhà cung cấp, chủ nợ,…); công tác tổ chức phân bổ vốn lưu động ở các khâu, các thành phần,… Và bao trùm lên là trình độ tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bởi chỉ có những nhà quản lý mới có thể xác định thời điểm đặt hàng, lượng hàng tồn kho dự trữ, số vốn bằng tiền cần có trong két, số tiền có thể cho khách hàng nợ,… Chính vì thế, trình độ của nhà quản lý rất quan trọng, vì chỉ có một nhà quản lý giỏi mới có thể lựa chọn những thời điểm thích hợp, lượng tồn kho hợp lý và nhất là cách sử dụng đồng vốn của mình vào đâu sao cho hiệu quả nhất với rủi ro thấp nhất.
3. Thực trạng sử dụng vốn lưu động của Công ty Cổ phần Hàng không Hành Tinh Xanh giai đoạn 2019 - 2021 (Bảng 1, 2, 3)
Để đánh giá thực trạng sử dụng vốn lưu động của Công ty có hợp lý hay không, ta đi vào phân tích những nguồn vốn mà Công ty huy động để hình thành nên vốn lưu động. Nguồn vốn lưu động của Công ty bao gồm vốn lưu động thường xuyên và nguồn vốn lưu động tạm thời. Để xác định được nguồn vốn lưu động thường xuyên, ta phải xác định được nguồn vốn thường xuyên của doanh nghệp bằng các công thức:
Nguồn vốn thường xuyên của DN = Vốn chủ sở hữu + Nợ dài hạn
Hoặc:
NV thường xuyên của DN = Giá trị tổng tài sản của DN – Nợ ngắn hạn
Trên cơ sở xác định nguồn vốn thường xuyên của doanh nghiệp, còn có thể xác định vốn lưu động thường xuyên của doanh nghiệp.
Nguồn vốn lưu động thường xuyên là nguồn vốn ổn định có tính chất dài hạn để hình thành hay tài trợ cho tài sản lưu động thường xuyên cần thiết trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguồn vốn lưu động thường xuyên của doanh nghiệp tại một thời điểm có thể xác định theo công thức sau:
Vốn lưu động thường xuyên = NV thường xuyên của DN - GTTS dài hạn
Xem xét nguồn nguồn vốn lưu động thường xuyên tại thời điểm cuối năm trong giai đoạn 2019 - 2021 của Công ty cho thấy, vốn lưu động là 475.736.294.869 đồng, cuối năm 2018 là 376.958.432.097 đồng, cuối năm 2017 là 239.661.053.442 đồng. Với nguồn vốn lưu động thường xuyên tương đối ổn định và an toàn, đây là nguồn quan trọng của doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, thanh toán nợ ngắn hạn. Lợi ích của việc này là mức độ rủi ro sẽ giảm, tuy nhiên chi phí sử dụng vốn sẽ tăng. Nguyên nhân vì trong năm 2021, Công ty tăng tài sản ngắn hạn lên 38,04%, đồng thời tăng nợ ngắn hạn lên 47,46% nhưng do quy mô tài sản ngắn hạn vẫn được tài trợ khá lớn từ nguồn vốn dài hạn, vì vậy vẫn duy trì được hoạt động tài trợ an toàn. Tương tự năm 2020, Công ty tăng tài sản ngắn hạn lên 44,25%, đồng thời tăng nợ ngắn hạn lên 35,32%.
Qua những phân tích ở trên cho thấy Công ty đang theo đuổi chính sách tài trợ vốn an toàn.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động của Công ty Cổ phần Hàng không Hành Tinh Xanh giai đoạn tiếp theo
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Chiến lược phát triển của Công ty là chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước tiếp cận các thị trường nước ngoài trong đó ưu tiên các nước trong khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện được mục tiêu này, Công ty cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy, các khoản phải thu khá lớn và kèm theo đó là các khoản phải thu khó đòi, có nguy cơ bị mất vốn. Do vậy, Công ty nên đưa ra một giải pháp toàn diện từ chính sách, hệ thống, con người, công cụ hỗ trợ, đến kỹ năng, quy trình thu nợ.
Xác định chính sách thanh toán hợp lý với từng khách hàng: Công ty cần có chiến lược riêng đối với từng nhóm đối tượng khách hàng. Ví dụ, với những khách hàng đã có lịch sử trả tiền chậm trễ hoặc có những khoản nợ phải thu khó đòi trong quá khứ thì cần phải có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về thời hạn thanh toán, hình thức phạt vi phạm hợp đồng như lãi suất chậm trả hoặc những khách hàng có khả năng thanh toán thấp, tình hình tài chính yếu kém thì nên có những chính sách rõ ràng đối với họ. Bên cạnh đó, với những khách hàng có uy tín, đã hợp tác lâu năm, cần có chính sách ưu tiên cụ thể. Tỷ lệ chiết khấu là bao nhiêu thì cần linh hoạt trong từng thời kỳ, sao cho sử dụng nguồn tạm ứng do khách hàng cung cấp nhỏ hơn chi phí tín dụng tại ngân hàng là điều rất có lợi, vừa giảm tiền vay nợ và giảm khoản phải thu của Công ty. Công ty cũng cần chú ý giữ gìn quan hệ tốt đối với các khách hàng có mối quan hệ thường xuyên và chấp hành đúng chế độ thanh toán.
Công ty có thể sử dụng các báo cáo tài chính của khách hàng để phân tích khả năng tín dụng của khách hàng. Công ty nên đi thăm cơ sở sản xuất - kinh doanh của khách hàng để kiểm tra thực địa khả năng tín dụng của khách hàng (quy mô sản xuất - kinh doanh, kho hàng,…). Ngoài ra, Công ty cần xem xét khả năng tài chính của khách hàng thông qua hệ số nguy cơ phá sản (Zscore) để cho thấy mức độ rủi ro trong hoạt động của khách hàng.
Công thức xác định hệ số Z như sau:
Z=1,2x(TSNH-nợ ngắn hạn)/Tổng tài sản+1,4 x (Lợi nhuận giữ lại/Tổng tài sản)+3,3x(EBIT/tổng tài sản)+ 0,64 x (Giá trị thị trường cp số lượng cp lưu hành/tổng nợ) + 0,999 x (doanh thu/tổng tài sản)
Ví dụ, một khách hàng X có:
EBIT = 30 tỷ đồng
Tổng tài tài sản = 200 tỷ đồng
TSNH = 140 tỷ đồng
Tổng nợ = 110 tỷ đồng
Nợ ngắn hạn = 100 tỷ đồng
Doanh thu = 150 tỷ đồng
Lợi nhuận giữ lại = 15 tỷ đồng
Công ty X không có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán
VậyZx=1,2x(140-100)/200+1,4x(15/200)+3,3x(30/200)+0,999x(150/200)
Zx = 0,24 + 0,105 + 0,495 + 0,74925
Zx = 1,58925
Z ≤ 1,81 tức là khách hàng có vấn đề về tài chính, nguy cơ vỡ nợ cao
1,81 < Z < 2,99 tức là khách hàng không có vấn đề trong nợ ngắn hạn nhưng điều kiện tài chính chưa được tốt, cần được theo dõi Z ≥ 2,29 tức là khách hàng có tài chính lành mạnh.
Ở đây, ta thấy Zx=1,58925 nhỏ hơn 1,81. Do đó, nếu hợp tác kinh doanh cùng khách hàng X, cần phải chú ý đến vấn đề tài chính và có biện pháp ứng phó với tình huống trả tiền muộn hoặc vỡ nợ như trích lập dự phòng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Vũ Văn Ninh (2008), Hoàn thiện chính sách cổ tức trong các công ty cổ phần niêm yết chứng khoán ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội.
2. Chính phủ (2014), "Nghị định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm".
3. M. Amidu (2007), "Determinants of capital structure of banks in Ghana: An empirical approach", Baltic Journal of Management. 2, tr. 67-69.
4. P Marsh (1982), "The Choice between Equity and Debt: An Empirical Study", The Journal of Finance,, tr. 121-144.
5. Fauziah Mohamad Yunus Mazila Md-Yusuf, and Nur Zahraatul Lail Md Supaat (2013), "Determinants of Capital Structure in Malaysia Electrical and Electronic Sector", World Academy of Science, Engineering and Technology International Journal of Economics and Management Engineering. 7(6), tr. 1514.
6. K. Mazur (2007), "The determinants of capital structure choice: Evidence from Polish companies”", International Advances in Economic Research. 13, tr. 195-514.
Solutions to improve the working capital efficiency of Green Planet Airways Joint Stock Company
Master. Do Van Dat
Green Planet Airways Join Stock Company
ABSTRACT:
Improving the working capital efficiency is essential for enterprises to maximize their bussiness values. To achieve this goal, enterprises need solutions to improve their working capital efficiency. This paper analyzes the factors affecting the working capital efficiency, and assesses the working capital efficiency of Green Planet Airways Join Stock Company in the period from 2019 to 2021. The paper proposes some solutions to help the company improve its working capital efficiency in the coming time.
Keywords: working capital, Green Planet Airways Join Stock Company.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]