TÓM TẮT:
Là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa hàng đầu của cả nước, với số dân trên 10 triệu người, thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số phát triển kinh tế cao nhất nước, hàng năm đóng góp trên 30% GDP, thu hút đầu tư nước ngoài và cư dân các địa phương khác đến sinh sống, lập nghiệp, tạo nên một nhịp sống sinh động, tấp nập. Bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, tiêu cực, những tệ nạn xã hội như cướp gật, mại dâm, ma túy... Bài viết quan tâm đến vấn nạn người chưa thành niên phạm tội xâm phạm sở hữu, suy nghĩ tìm giải pháp phòng ngừa vấn nạn này.
Từ khóa: Người chưa thành niên, xâm phạm sở hữu, phòng ngừa tội phạm, thành phố Hồ Chí Minh.
1. Sơ nét tình hình người chưa thành niên phạm tội xâm phạm sở hữu ở thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có diện tích tự nhiên 2.095 km2 với 24 quận, huyện, 322 xã, phường, thị trấn; dân số khoảng 10 triệu người, là một trong những địa bàn trọng điểm về kinh tế, chính trị của cả nước. Trong những năm qua, kinh tế của Thành phố luôn phát triển, chính trị ổn định. Song song cùng với sự phát triển ấy, tình hình dân nhập cư vào Thành phố ngày càng cao, hệ luỵ của nó là các loại tội phạm cũng gia tăng đáng kể. Hàng năm có hàng ngàn vụ phạm tội hình sự xảy ra trên địa bàn TP.HCM. Tội phạm băng, nhóm ngày càng có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thách thức các cơ quan chức năng. Đáng chú ý là tình hình người chưa thành niên phạm tội (người chưa thành niên phạm tội) xâm phạm sở hữu có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Theo thống kê của các cơ quan bảo vệ pháp luật, từ năm 2009 đến năm 2013 trên địa bàn TP.HCM đã có 28.835 số vụ phạm pháp hình sự, đã khám phá 18.915 vụ, bắt giữ 24.597 bị can trong đó người chưa thành niên là 5.786 bị can chiếm tỉ lệ 23,5%; trong đó người chưa thành niên bị cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an TP.HCM bắt giữ về các tội xâm phạm sở hữu là 4.704 đối tượng, chiếm 19,12% trong tổng số bị can phạm tội và 81,3% số bị can là người chưa thành niên phạm tội xâm phạm sở hữu [1].
Tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM, cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ trợ giúp pháp lý miễn phí mà người chưa thành niên là một trong những đối tượng được trợ giúp; qua nghiên cứu tình hình xâm phạm sở hữu trong năm năm từ 2009 - 2013 có bảy nhóm khách thể bị người chưa thành niên xâm hại, với 1.927 bị cáo được trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bào chữa, trong đó nhóm khách thể xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên thực hiện là 1.433 bị cáo cho thấy: tội danh phổ biến mà người chưa thành niên thực hiện là cướp tài sản, cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về địa bàn hoạt động phạm tội, tập trung chủ yếu ở những nơi tối vắng, cư trú phức tạp, đông đúc người dân nhập cư, tạm trú tại các khu trung tâm, không rõ ràng về nhân thân. Số bị can là người chưa thành niên phạm tội phần lớn là phạm tội lần đầu. Số lượng có tiền án, tiền sự rất thấp chiếm tỷ lệ (9,3%) so với tổng số bị can. Riêng những bị can không có nghề nghiệp tăng đột biến từ 12,9% (năm 2007) đến 79,2% (6 tháng đầu năm 2011). Tội phạm là người chưa thành niên thực hiện tập trung vào chủ thể là nam giới chiếm 94,5%. Tội phạm là nữ giới thường tham gia thực hiện với vai trò hạn chế, giúp sức, ít giữ vị trí thực hành. Tuy nhiên theo thống kê trong giai đoạn này, nữ giới phạm tội ngày càng tăng, năm 2007, chỉ có 01 nữ là người chưa thành niên phạm tội, nhưng đến năm 2012 có 22 nữ giới bị khởi tố hình sự.[2]. Những con số về người chưa thành niên phạm tội xâm phạm sở hữu nêu trên, phần nào nói lên sự nghiêm trọng của tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên gây ra, đồng thời đề xuất giải pháp phòng ngừa nhóm tội phạm này.
2. Khái niệm về người chưa thành niên phạm tội xâm phạm sở hữu
+ Người chưa thành niên:
Theo từ điển Tiếng Việt: "Vị thành niên là người chưa đến tuổi được pháp luật công nhận là công dân với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hay là người chưa đủ 18 tuổi". Cũng theo Từ điển Tiếng Việt thì: "Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, tinh thần cũng như chưa có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân" [5].
+ Tội xâm phạm sở hữu:
- Khái niệm chung các tội xâm phạm sở hữu:
Bộ Luật Hình sự năm 2015, tại chương 16, các tội xâm phạm sở hữu, được quy định từ điều 168 đến điều 180, được phân loại thành ba nhóm, các tội bằng hành vi chiếm đoạt; các tội không có tính chất chiếm đoạt; các tội không có tính vụ lợi, không chiếm đoạt, qua đó cho thấy, quan hệ sở hữu là quan hệ xã hội đặc biệt, liên quan mật thiết tới các quan hệ xã hội khác, xâm hại quan hệ sở hữu sẽ cùng lúc xâm hại nhiều quan hệ xã hội. Do đó, có thể định nghĩa về các tội xâm phạm sở hữu như sau:
Các tội xâm phạm sở hữu là các hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu và sự gây thiệt hại này thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội và hành vi phạm tội.
3. Một số giải pháp cơ bản phòng ngừa tội xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
+ Tăng cường hoàn thiện cơ sở lý luận, cơ sở chính trị - pháp lý của hoạt động phòng ngừa tội xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên thực hiện
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những Chính sách, Nghị quyết, Chỉ thị trong việc phòng ngừa tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu nói chung, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện nói riêng. Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm sở hữu (trong đó có tội phạm là người người chưa thành niên phạm tội) trên địa bàn TP.HCM đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra. Để hoàn thiện các giải pháp đó, trước hết phải hoàn thiện các quan điểm pháp luật về quyền của người chưa thành niên phạm tội và các điều luật đối với tội xâm phạm sở hữu ở nước ta hiện nay.
+ Tăng cường lực lượng phòng ngừa tội xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên thực hiện
Nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn cho cán bộ là một trong những biện pháp nâng cao nguồn lực quan trọng nhất; biết luật, hiểu luật sẽ giúp cho việc tuyên truyền, phòng ngừa được tốt hơn. Vì vậy, đòi hỏi các chủ thể phải chú ý quan tâm và thường xuyên thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả trên thực tế và trong lĩnh vực công tác của mình. Viện Kiểm sát và Tòa án là những chủ thể được trao thẩm quyền thay mặt Nhà nước thực hiện các hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm phải thường xuyên trau dồi tri thức của bản thân, tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Ngoài trách nhiệm chứng minh tội phạm thì hai chủ thể này còn có trách nhiệm trong việc phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội.
Việc tuyên truyền pháp luật rộng rãi cho mọi người (đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên, các bậc làm cha làm mẹ, người thân, những người có uy tín), cụ thể ở đây là pháp luật có liên quan đến phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội để mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng ngừa, từ đó tích cực tham gia vào công tác phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội. Đối với học sinh, tổ chức các buổi ngoại khóa về luật pháp Việt Nam tại trường, nên tổ chức mỗi năm 2 lần để các em nắm bắt được tốt hơn tình hình những người chưa thành niên như các em vi phạm pháp luật như thế nào, nguyên nhân từ đâu, giúp các em mở mang kiến thức, nhận thức để có những biện pháp tự phòng ngừa cho bản thân. Về phía các bậc phụ huynh, người thân, UBND cấp xã, cấp huyện mở các lớp học về pháp luật (luật liên quan đến người chưa thành niên phạm tội) cho các cán bộ ở (ấp, khu phố), những người này sẽ trực tiếp tuyên truyền luật đến với người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh, người thân của các em. Các bậc phụ huynh nhận thức được những nguyên nhân nào dẫn đến việc con em mình phạm tội, những đối tượng nào gây ra nguy hiểm cho các em để có những biện pháp ngăn chặn tốt nhất, dạy dỗ, chăm sóc các em tốt hơn, không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm xâm phạm sở hữu nhất là phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…, đặc biệt là những phương thức, thủ đoạn mới cho người dân, các cơ quan, doanh nghiệp, các điểm kinh doanh… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp tổ dân phố, phát tờ rơi, tờ bướm… và thông báo bằng văn bản các thủ đoạn mới cho Công an các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa; tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, phòng tội phạm xâm phạm sở hữu, củng cố, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự. Đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào phòng chống tội phạm, tích cực tố giác tội phạm.
+ Tăng cường triển khai, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên thực hiện
Phòng ngừa tội phạm là hoạt động sử dụng các biện pháp xã hội và nhà nước tác động vào nguyên nhân và điều kiện của tội phạm nhằm ngăn ngừa trước không để cho tội phạm xảy ra và tiến hành những biện pháp kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm nhằm tiếp tục phòng ngừa tội phạm. Phòng ngừa các tội xâm phạm sở hữu có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ con người, bảo vệ quyền sở hữu và mang tính nhân đạo sâu sắc. Phòng ngừa các tội xâm phạm sở hữu còn mang ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo uy tín của Đảng và Nhà nước. Chính quyền TP.HCM mặc dù đã có những chủ trương, chính sách mang tính đột phá trong hoạt động phòng ngừa các tội phạm về xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên phạm tội nhưng để tạo cơ sở cho các chủ thể chuyên trách tiến hành các hoạt động phòng ngừa các tội xâm phạm sở hữu này Thành ủy, UBND TP.HCM cần chủ động hơn nữa trong việc ban hành các chủ trương chính sách phòng ngừa các tội phạm xâm phạm sở hữu, đặc biệt là có chỉ đạo, quy định trực tiếp về phòng ngừa các tội xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên phạm tội. Với những đặc thù về dân cư, xã hội của một thành phố lớn nhất cả nước, TP.HCM có thể linh hoạt ban hành các chủ trương, chính sách nhằm phòng ngừa các tội xâm phạm sở hữu thực hiện đề án “Đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên”; trang bị lắp đặt camera an ninh, trên địa bàn thành phố, tích hợp về công an thành phố và công an quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
+ Các biện pháp mang tính kinh tế - xã hội
Trong công cuộc CNH,HĐH đất nước, sự giao thương về văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội giúp nâng cao đời sống của người dân, tạo ra môi trường sống tốt đẹp hơn, hệ thống giáo dục cải thiện, mọi người đều có học thức nên tạo ra ứng xử có văn hóa giữa người với người. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái, bởi vì phát triển kinh tế - xã hội cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tệ nạn xã hội, tội phạm ngày càng tinh vi và phức tạp, phạm vi phạm tôi xuyên quốc gia gây rất nhiều khó khăn trong việc phòng ngừa. Vậy nên, vai trò của các cơ quan, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp là vô cùng lớn. Các giải pháp loại trừ các tội xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên thực hiện của chủ thể này như sau:
- Rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm dân cư. Người chưa thành niên phạm tội xâm phạm sở hữu ở địa bàn TP.HCM đa số là những em có hoàn cảnh khó khăn, không có đủ điều kiện về vật chất, nảy sinh ganh tị với các bạn cùng trang lứa khác nên dẫn đến hành vi phạm tội. Vì vậy, giải pháp này rất cấp thiết hiện nay, khoảng cách giàu nghèo ở nước ta đã và đang được rút ngắn lại giúp các em đều được đến trường, không có tình trạng thất học, bỏ học giữa chừng, điều kiện vật chất đầy đủ để các em có thể phát triền toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
- Đối với những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình thì tạo công ăn việc làm, cho các em học tại các lớp dạy nghề tại các Trung tâm không thu học phí, tạo việc làm sau khi thành nghề nhằm giúp phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống cho các em.
- Mật độ dân số ở TP.HCM ngày một tăng, số lượng người từ các tỉnh, thành khác đến ngày một nhiều, tạo cơ hội cho các tội cướp giật, móc túi trên địa bàn thành phố. Vì vậy, phải đưa ra các chủ trươơng, chính sách, các kế hoạch để làm giãn mật độ dân số ở khu vực trung tâm này. Tránh gia tăng dân số về cơ học, hạn chế căn bệnh “to đầu” ở đô thị.
- Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được đảm bảo, tạo công ăn việc làm để nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa.
- Phải có các biện pháp đảm bảo cho người chưa thành niên được đến trường.
+ Các biện pháp mang tính văn hóa, giáo dục, tâm lý - xã hội
- Nhóm thứ nhất: Các biện pháp mang tính văn hóa, giáo dục, tâm lý - xã hội hướng đến các cá nhân nói chung.
Đoàn thanh niên thành phố, Hội liên hiệp phụ nữ thành phố, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi phải thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật, đạo đức cho người chưa thành niên. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình hành động như: Thanh niên làm theo lời Bác, Thanh niên tình nguyện, Thanh niên với pháp luật, Thanh niên TP.HCM trong công tác phòng chống tội phạm… Những hoạt động này giúp cho đoàn viên có những trải nghiệm sống tốt hơn, lối sống lành mạnh, biết giúp đỡ mọi người, hiểu luật và áp dụng luật, tạo ra ý tưởng thanh niên vững vàng. Hội liên hiệp phụ nữ có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Khi trẻ em có những hành vi đáng ngờ Hội có trách nhiệm ngăn cản, khuyên can, khuyến khích các em hoàn lương, giáo dục đạo đức và cách ứng xử cho các em. Hội Cựu chiến binh và người cao tuổi là những tấm gương sáng cho các em noi theo.
- Nhóm thứ hai: Các biện pháp mang tính văn hóa, giáo dục, tâm lý xã hội hướng đến các đối tượng có nguy cơ cao
Nhà trường cần có các biện pháp nâng cao và phát triển nhân cách, tài năng cũng như các khả năng về vật chất và tinh thần của người chưa thành niên. Cung cấp những thông tin và hướng dẫn về dạy nghề, tìm việc làm phát triển nghề nghiệp. Tích cực giúp đỡ về tình cảm, tránh ngược đãi về tâm lý đối với người chưa thành niên. [4, tr.82]
Đưa các nội dung về pháp luật vào chương trình giảng dạy của bậc THPT. Ngày nay, các trường đã và đang thực hiện các chương trình tuyên truyền pháp luật, nhưng không thường xuyên nên hiệu quả và mức độ tiếp thu của học sinh không cao. Chính vì vậy, ngành Giáo dục và nhà trường phải xây dựng một nội dung giáo dục pháp luật như là một môn học, tổ chức giảng dạy ở mọi cấp học, chú ý nội dung pháp luật phải phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học và lớp học, Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Trường Đại học Luật… tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật, các phiên tòa giả định để các em ý thức pháp luật, tuân thủ pháp luật.
Nhà trường và gia đình cần kết hợp chặt chẽ với nhau để giáo dục con em mình tốt hơn. Gia đình là một tế bào của xã hội, tế bào này phải phát triển lành mạnh thì toàn xã hội mới lành mạnh. Muốn gia đình có lối sống lành mạnh thì các thành viên trong gia đình đều có đạo đức tốt, lối sống tốt. Các bậc phụ huynh, ông bà, người thân phải trở thành tấm gương sáng cho con em mình học tập; giành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc tâm sự với các em để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn mà các em đang gặp phải, giúp các em giải quyết vấn đề để tạo cho các em cảm giác an toàn, tin cậy, hạnh phúc.
Ở nhà trường, thầy cô quan tâm đến học sinh, bạn bè hòa đồng, cùng nhau phấn đấu học tập. Đối với những em có những hành vi khả nghi, nhà trường cần có biện pháp để chấn chỉnh ngay, có thể nói chuyện cùng các em, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động đó của các em, phối hợp với lực lượng công an để giúp các em trở lại với cuộc sống hằng ngày, cùng vui chơi, giải trí, hòa đồng với các bạn đồng trang lứa. Đối với những em nằm trong danh sách tái hòa nhập với cộng đồng, nhà trường cần có những giải pháp để tránh tình trạng các em bị thầy cô, bạn bè xa lánh, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của các em. Phải làm sao tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, thầy cô hết lòng vì học sinh, bạn bè vui vẻ với nhau đó là mục tiêu lớn nhất mà nhà trường cần thực hiện. Nhà trường cần nâng cao nhận thức cho các em về pháp luật, về vấn đề tái hòa nhập của người chưa thành niên giúp các em hiểu rõ hơn về công tác này và hợp tác với nhà trường để mang lại hiệu quả tốt.
+ Các biện pháp tổ chức, quản lý xã hội
- Là những chủ thể trong đấu tranh chống tội phạm, giữ vai trò trọng yếu trong tham mưu, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức hoạt động phòng ngừa tội phạm (trong đó có tội phạm là người chưa thành niên). Những chủ thể này có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của người chưa thành niên để áp dụng các biện pháp cần thiết trong tố tụng, xét xử hoặc đưa vào các trường giáo dưỡng để cải tạo, giáo dục, rèn luyện, thể hiện các biện pháp riêng có của mình để phòng ngừa chung và phòng ngừa cá biệt. Cụ thể như sau:
- Hoàn thiện các hệ thống pháp luật về thi hành án nói chung và đối với người chưa thành niên nói riêng.
- Quy định các thủ tục tố tụng đối với nạn nhân, nhân chứng là trẻ em trong BLTTHS, chẳng hạn như: Khi tiến hành lấy lời khai phải có người thân của các em bên cạnh, tạo được tâm lý thoải mái nhất cho các em…
- Thành lập tòa án chuyên biệt để xét xử những vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Chủ thể này phải có chuyên môn chuyên sâu chỉ riêng về đối tượng là người chưa thành niên nên khi xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội sẽ dễ dàng hơn và có độ chính xác cao hơn. [4, tr.87]
- Quy định người từ 14 tuổi trở lên phải được cấp Chứng minh nhân dân (thẻ căn cước công dân), phù hợp với độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo BLHS năm 2015 mà không bị lệ thuộc vào hộ khẩu.
- Lực lượng công an, dân quân, dân phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên, đột xuất để giữ gìn trật tự ở các khu vực.
Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân, tổ chức tốt công tác xét xử đối với tội phạm do người chưa thành niên thực hiện và triển khai thực hiện có hiệu quả biện pháp đưa vao trại giáo dưỡng áp dụng đối với người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật. [3, tr.127-128]
+ Các biện pháp phát hiện, xử lý tội phạm nhằm phòng ngừa tội xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên thực hiện
Các biện pháp phát hiện tội phạm là giải pháp thực hiện kịp thời việc ngăn chặn, cản trở không cho tội phạm thực hiện đến cùng. Thường các tội về xâm phạm sở hữu diễn ra rất nhanh chóng, nên các giải pháp ngăn chặn không cho tội phạm thực hiện đến cùng là rất khó, nhưng giai đoạn này đóng vai trò hết sức quan trọng, vì nếu thực hiện được giải pháp thì sẽ giảm được mức thiệt hại về tài sản, bắt được tại trận nên không mất thời gian trong việc tìm kiếm tội phạm. Cụ thể đối với các chủ thể phải có những hành động như sau:
- Về phía gia đình, khi thấy con em mình có những hành động khả nghi, lén lút hay tàng trữ vũ khí thì phải tra hỏi ngay để chặn đứng hành vi phạm tội. Tuy nhiên, hiện nay các bậc phụ huynh giành quá ít thời gian để chăm sóc con cái nên không thể quan sát, giám sát con mình kỹ càng, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật của các em. Cũng vì lẽ đó mà công tác tuyên truyền cần được thực hiện nhanh chóng để các bậc phụ huynh giác ngộ và kịp thời giáo dục, quan tâm con em mình.
- Lực lượng công an, dân quân tự vệ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi các đối tượng có những hành động khả nghi, mang theo vũ khí để kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Ngoài ra, lực lượng này phải đi đầu trong công tác hướng dẫn người dân về pháp luật, giúp họ nâng cao ý thức cảnh giác, khi phát hiện có những hành vi đáng ngờ phải báo ngay cho cơ quan công an.
- UBND cấp xã thành lập các mô hình tự quản (xe ôm tự quản, thanh niên xung kích…); đồng thời, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người tham gia mô hình đó để phối hợp cùng với lực lượng công an thực hiện công tác ngăn chặn kịp thời không cho hành vi vi phạm xảy ra đến cùng.
+ Các biện pháp xử lý sau khi tội phạm xảy ra nhằm tiếp tục phòng ngừa tội xâm phạm sở hữu do người chưa thành niên thực hiện
Là giải pháp thực hiện kịp thời việc ngăn chặn, cản trở không cho tội phạm thực hiện đến cùng. Thường các tội về xâm phạm sở hữu diễn ra rất nhanh chóng, nên các giải pháp ngăn chặn không cho tội phạm thực hiện đến cùng là rất khó, nhưng giai đoạn này đóng vai trò hết sức quan trọng, vì nếu thực hiện được giải pháp thì sẽ giảm được mức thiệt hại về tài sản, bắt được tại trận nên không mất thời gian trong việc tìm kiếm tội phạm. Cụ thể đối với các chủ thể phải có những hoạt động như sau:
- Về phía gia đình, khi thấy con em mình có những hành động khả nghi, lén lút hay tàng trữ vũ khí thì phải tìm hiểu ngay để chặn đứng hành vi phạm tội. Tuy nhiên, hiện nay các bậc phụ huynh giành quá ít thời gian để chăm sóc con cái nên không thể quan sát, giám sát con mình kỹ càng, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật của các em. Cũng vì lẽ đó mà công tác tuyên truyền cần được thực hiện nhanh chóng để các bậc phụ huynh giác ngộ và kịp thời giáo dục, quan tâm con em mình.
- Lực lượng công an, dân quân tự vệ tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra giám sát, theo dõi các đối tượng có những hành động khả nghi, mang theo vũ khí để kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Ngoài ra, lực lượng này phải đi đầu trong công tác hướng dẫn người dân về pháp luật, giúp họ nâng cao ý thức cảnh giác, khi phát hiện có những hành vi đáng ngờ phải báo ngay cho cơ quan công an.
- UBND cấp xã thành lập các mô hình tự quản (xe ôm tự quản, thanh niên xung kích), đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người tham gia mô hình đó để phối hợp cùng với lực lượng công an thực hiện công tác ngăn chặn kịp thời không cho hành vi phạm tội đến cùng.
+ Các biện pháp quản lý, giáo dục, cải tạo người mãn hạn tù trở về địa phương, tù hưởng án treo, người vi phạm pháp luật khác
Theo nghiên cứu, đối với người chưa thành niên phạm tội có rất ít trường hợp tái phạm nhưng vẫn phải đưa ra các giải pháp ngăn ngừa để tạo ra một hệ thống đồng bộ, thống nhất của các giải pháp ngăn chặn.
- Về cơ quan tố tụng: Viện Kiểm sát, Tòa án, Lực lượng công an, Sở Tư pháp là những cơ quan có vai trò quan trọng trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Việc xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội phải đặt mục đích giáo dục lên hàng đầu, các cơ quan này ngoài việc tuân thủ pháp luật còn phải thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục giúp các em nhận thức được hành vi sai trái, thấy được tính nghiêm minh và khoan hồng của pháp luật. Do đó, bản án phải công tâm, áng văn trong sáng, dễ hiểu, thấu tình đạt lý để các em thấy được hành vi phạm tội và hậu quả phải gánh chịu là tương xứng; thấy được chính sách pháp luật nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người chưa thành niên. Bên cạnh đó, phải hướng dẫn rõ cho các em biết nếu tái phạm thì mức án phạt sẽ như thế nào đối với hành vi sai trái đó. Đối với các em ở trong trại giáo dưỡng cần giáo dục đạo đức, điều chỉnh hành vi xử sự của các em, dạy học, dạy nghề giúp các em nhận thức được những điều tốt đẹp trong xã hội để trở thành công dân tốt.
- Về chính quyền các cấp: Phải tạo điều kiện tốt nhất cho các em trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Chính quyền các cấp phải xem công tác này là quan trọng và là mục tiêu để hoàn thiện giải pháp ngăn chặn không cho tái phạm. Ở địa phương, các cấp phải ban hành các chương trình hành động, hội thảo, chuyên đề, để người dân địa phương hiểu không phân biệt đối xử các em, để các em không cảm thấy mặc cảm với xã hội. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia để giải pháp đạt được hiệu quả tốt. Thành lập trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp dành riêng cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.
- Đối với gia đình, các tổ chức xã hội và cộng đồng: Những chủ thể trực tiếp giúp đỡ, quản lý và giám sát người chưa thành niên sau khi thực hiện xong hình phạt. Sự phối hợp giữa các chủ thể giữ vai trò hết sức quan trọng, gia đình cần quan tâm hơn nữa đến các em, chăm sóc các em, tạo cho các em lối sống lành mạnh để các em không tự ti sau khi thi hành án. Xã hội là cái nôi lớn, đóng vai trò thiết yếu trong vấn đề giáo dục con người, phải tạo ra môi trường thân thiện, không nên chỉ trích quá gay gắt những hành vi sai trái khi người chưa thành niên phạm tội nhằm giúp các em hòa nhập với mọi người xung quanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Công an (Báo cáo số 676/C45, 2013), Báo cáo đánh giá luật pháp và thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý chuyển hướng, tư pháp phục hồi đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm, Cục Cảnh sát hình sự.
2. Công an Thành phố Hồ Chí Minh (Báo cáo số 04/BCTK-PC14(TM), 2011), Báo cáo tổng kết công tác năm 2011 của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.
3. Trần Hữu Quân (2014), Hoạt động của tòa án nhân dân trong phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên thực hiện, Tóm tắt Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Cảnh sát nhân dân.
4. Bùi Thới Vinh (2013), Các tội chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống, Học viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
5. Nguyễn Như Ý (chủ biên) Nguyễn Văn Khang - Phan Xuân Thành, (1996), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
SOLUTIONS TO PREVENT TEENAGERS COMMITTING PROPERTY INFRINGEMENT IN HO CHI MINH CITY
MA. HUYNH TAN DAT
Legal advisor, Vice Director, National Legal Aid Agency
Department of Justice of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
With a population of over 10 million, Ho Chi Minh City which is considered the leading economic, political and cultural center of Vietnam has the highest economic development index among regions of Vietnam and annually accounts for more than 30% of the country’s GDP. Ho Chi Minh City is a lively city as it is an attractive destination for people from the rest of Vietnam and also foreign investors to do business and settle down. However, the city has to face rising social evils, such as robberies, prostitution, and drugs. This paper focuses on the property infringement issue committed by teenagers and solutions to this issue.
Keywords: Teenagers, property infringements, crime prevention, Ho Chi Minh City.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.