TÓM TẮT:
Trong công tác đầu tư và quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), Quảng Ninh đã chủ động thực hiện đầu tư cho cơ sở hạ tầng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nhằm đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trong 4 năm vừa qua, toàn Tỉnh đã có hơn 100 dự án được đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư là hơn 2 nghìn tỷ đồng. Tuy vốn đầu tư XDCB cho GD&ĐT đang ngày gia tăng, nhưng điều này lại dẫn đến cơ chế quản lý gặp không ít khó khăn, thử thách.
Bài viết đánh giá thực trạng quản lý vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý hơn nữa về lĩnh vực này.
Từ khóa: Quản lý vốn, vốn đầu tư, đầu tư xây dựng cơ bản, Quảng Ninh.
I. Đặt vấn đề
Đầu tư XDCB là một hoạt động đầu tư vô cùng quan trọng, tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề cơ bản để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động thực hiện đầu tư XDCB cho cơ sở hạ tầng GD&ĐT do Sở GD&ĐT Quảng Ninh làm chủ đầu tư, nhằm đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh. Tổng số dự án đầu tư cho GD&ĐT trong 4 năm vừa qua là hơn 100 dự án được đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư là hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Không những vậy, công tác quản lý vốn đầu tư XDCB của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Sở đã có những nỗ lực trong việc triển khai thực hiện cơ chế chính sách, cải tiến quy trình thủ tục đầu tư, tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra góp phần quan trọng vào việc sử dụng vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh đúng mục đích, đúng luật và có hiệu quả,... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý vốn đầu tư XDCB tại đây vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư XDCB hay tình trạng chi sai nguyên tắc, chi chưa đúng định mức vẫn còn xuất hiện… Do vậy, việc nghiên cứu những giải pháp hoàn thiện quản lý vốn đầu tư XDCB có ý nghĩa mang tính thực tiễn hiện nay.
II. Thực trạng quản lý vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh
1. Phân tích thực trạng quản lý vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2019
Trong giai đoạn 2015 - 2018, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho XDCB tại các đơn vị trực thuộc của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đầu tư cho các công trình, dự án thuộc các cấp học từ mầm non đến các trường trung học phổ thông nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện. Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện quy hoạch hợp lý mạng lưới trường lớp; sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước, địa phương cũng như sự đóng góp, hỗ trợ của phụ huynh học sinh, doanh nghiệp theo tinh thần xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với từng cấp học.
Bảng 1. Thực trạng phân bổ vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2018
Đơn vị tính: Triệu đồng
Nguồn: Ban QLDA, Sở GD&ĐT Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2018
Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng GD&ĐT cho hệ thống trường học các cấp với quy mô ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân cho 3 năm 2016, 2017, 2018 là 46,7%. Trong giai đoạn 2015 -2018, trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây mới, cải tạo khoảng 30 trường học trên địa bàn.
Quản lý đấu thầu và lựa chọn nhà thầu: Khi dự án đầu tư được phê duyệt, Sở GD&ĐT Quảng Ninh sẽ căn cứ theo Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 26/11/2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
Quản lý công tác giải phóng mặt bằng(GPMB): Tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, các dự án xây dựng chủ yếu là trường học các cấp nên số dự án phải GPMB không nhiều. Số dự án phải GPMB trong 3 năm gần đây giảm 9,5%, số dự án chậm do GPMB giảm 22,2%. Những dự án phải GPMB chủ yếu ở các dự án xây dựng mở rộng trường học, do đây là những công trình có phạm vi thu hồi đất ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, đất ở và đất cơ quan… Trước đây, do công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, dẫn đến có hiện tượng sai khác giữa diện tích thực và diện tích đất trên giấy chứng nhận sở hữu nhà đất. Năm 2017, điển hình phải kể đến dự án mở rộng Trường THPT Ba Chẽ.
Quản lý giải ngân, thanh quyết toán vốn đầu tư XDCB: Căn cứ theo giai đoạn đầu tư, vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh được phân thành vốn cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư và vốn cho giai đoạn thực hiện đầu tư. Vốn cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư bao giờ cũng chiếm một tỷ trọng nhỏ, nhưng không thể thiếu vì nó quyết định nhiều đến công trình, như: chất lượng công trình, giá công trình…
Bảng 2. Tình hình giải ngân vốn thực hiện các dự án đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc của Sở GD&ĐT Quảng Ninh
Đơn vị tính: Triệu đồng
Nguồn: Ban QLDA, Sở GD&ĐT Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2018
Bảng 2 cho thấy, vốn giải ngân cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư thường chỉ chiếm dưới 12% tổng vốn giải ngân của các công trình với các tỷ lệ này là tương đối cố định. Vốn đầu tư trong giai đoạn thực hiện đầu tư thường chiếm trên 88% tổng vốn đầu tư giải ngân và có xu hướng tăng tỷ trọng vốn trong giai đoạn đầu tư thực hiện, giảm tỷ trọng vốn đầu tư được giải ngân ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng vốn cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư là 43,5% nhưng cho giai đoạn thực hiện đầu tư là 47,1%. Điều này thể hiện công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh ngày càng có hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Bảng 3. Tình hình thanh quyết toán các dự án đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc của Sở GD&ĐT Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2018
Đơn vị tính: Triệu đồng
Nguồn: Ban QLDA, Sở GD&ĐT Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2018
Vốn đầu tư hàng năm giải ngân có tỷ lệ đạt mức cao - thấp nhất là 70,42% vào năm 2015 và cao nhất là 81,38% vào năm 2018. Tỷ lệ giải ngân không đạt được con số tuyệt đối 100% kế hoạch vốn giao vì phần lớn các dự án thường không thanh toán hết vốn chi GPMB và chi khác.
2. Những tồn tại hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế, cụ thể là:
- Công tác lập kế hoạch trong đầu tư xây dựng tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh còn chậm và thường phải điều chỉnh nhiều lần trong mỗi năm ngân sách.
- Việc phân bổ vốn còn dàn trải, chưa tập trung. Việc đề xuất bố trí vốn của các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh còn chưa sát với thực tế và đúng quy định, việc phân bổ vốn còn chậm.
- Công tác GPMB còn nhiều vướng mắc do người dân kiến nghị về giá bồi thường đất, các khoản hỗ trợ ổn định đời sống, giá bồi thường hoa màu…
- Trong khâu giải ngân, thanh toán vốn đầu tư tại các đơn vị trực thuộc của Sở GD&ĐT Quảng Ninh còn nhiều vướng mắc, quá trình giải ngân gặp nhiều khó khăn, quá trình thi công kéo dài, lãng phí vốn đầu tư.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên liên tục, số lượng dự án, công trình được kiểm tra, thanh tra, kiểm toán so với tổng số công trình được đầu tư xây dựng vẫn còn đạt tỷ lệ thấp.
III. Giải pháp tăng cường quản lý vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh
Theo nhóm tác giả, để hoàn thiện quản lý vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện công tác lập kế hoạch vốn đầu tư XDCB và nâng cao hiệu quả công tác phân bổ vốn:
Kế hoạch vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cần tập trung vào các công trình thực sự bức thiết và có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng GD&ĐT, đồng thời phải đảm bảo các dự án được phê duyệt có thể hoàn thành đúng thời gian theo quy định nhằm tiết kiệm chi phí vốn đầu tư.
Cần có cơ chế gắn người quyết định đầu tư với người quản lý vốn ngân sách đầu tư XDCB theo hai hướng: thứ nhất, người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải biết được nguồn vốn để thực hiện đầu tư, từ đó có kế hoạch phân bổ vốn hợp lý; thứ hai, người quản lý vốn ngân sách phải có trách nhiệm bố trí nguồn vốn trong các dự án được quyết định đầu tư.
Cần thực hiện cơ chế phân bổ vốn theo tiến độ dự án: Do đặc thù của hoạt động đầu tư XDCB là thời gian thi công dài, có khối lượng dở dang, chu kỳ đầu tư không trùng với năm ngân sách nên cần bố trí vốn trung và dài hạn. Vì vậy, việc phân bổ, bố trí vốn cần thực hiện theo tiến độ dự án.
Hai là, hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu:
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh nên khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, chống phá giá trong đấu thầu. Công tác lập hồ sơ mời thầu phải ban hành các tiêu chí chuẩn mực, rõ ràng. Mỗi một dự án đều có những tiêu chí chấm thầu một cách cụ thể và công khai. Cần phải xử lý kiên quyết, thích đáng đối với những trường hợp vi phạm Luật Đấu thầu và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Rà soát lại các nhà thầu có năng lực yếu kém, từ đó có biện pháp chế tài thích hợp. Cần phải xử phạt thật nghiêm các nhà thầu có hình thức gian lận trong đấu thầu, như: mượn pháp nhân, mượn các nguồn năng lực...
Ba là, thực hiện tốt công tác giải ngân, thanh quyết toán vốn đầu tư XDCB:
- Khẩn trương thực hiện công tác GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công, đây là tiền đề cho việc thực hiện dự án. Để giải quyết được vấn đề này, trên cơ sở chế độ chính sách nhà nước, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương - nơi xây dựng công trình, để thực hiện công tác GPMB.
- Chủ động kiện toàn bộ máy thực hiện quy trình thanh toán vốn đầu tư tại Ban Quản lý dự án công trình giáo dục; Phòng Kế hoạch - Tài chính.
- Tạo điều kiện về mặt thời gian và kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho những cán bộ phụ trách công tác thanh toán vốn đầu tư. Đôn đốc các chủ đầu tư, các nhà thầu lập thủ tục thanh toán vào quý I, II, tránh tình trạng thanh toán không đồng đều giữa các quý trong năm và giảm khối lượng thanh toán chuyển giao năm sau.
Bốn là, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, chống thất thoát - lãng phí trong đầu tư XDCB:
- Nâng cao hiệu quả công tác giám sát đầu tư XDCB nội bộ tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh. Tại mỗi bộ phận quản lý vốn, cần có quy trình, quy chế cụ thể để giám sát trong công việc.
- Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra từ bên ngoài (Thanh tra Tài chính; Thanh tra Xây dựng; Thanh tra Nhà nước; Kiểm toán…) và đưa công tác này thực sự trở thành một công cụ đắc lực của Sở trong quản lý đầu tư XDCB.
- Định kỳ kiểm tra, giám sát các chủ thể quản lý vốn đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT và công khai các đánh giá nhằm có sự phân loại và có thái độ rõ ràng với chất lượng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư XDCB.
Năm là, nâng cao năng lực Ban quản lý dự án trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB:
Ban Quản lý dự án công trình giáo dục cần phải vừa giữ vai trò điều phối, vừa giám sát để làm sao có sự kết nối nhịp nhàng giữa tư vấn, nhà thầu thi công và các sở ban ngành liên quan để kịp tiến độ công việc mà chúng ta đặt ra.
Tiếp đó, cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các bên. Việc trao đổi thông tin và cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho tư vấn có ảnh hưởng rất lớn đối với hiệu quả hoạt động và sản phẩm đầu ra của dịch vụ tư vấn. Các chuyên gia tư vấn dù rất giỏi cũng không thể cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất, nếu như họ không có đủ khả năng tiếp cận với các thông tin cần thiết. Các thông tin, dữ liệu này thường do các cơ quan nhà nước nắm giữ.
IV. Kết luận
Với vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đầu tư đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cùng với sự phát triển của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các dự án đầu tư XDCB tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã được thực hiện nhằm trang bị cơ sở vật chất kiên cố và hiện đại, tạo môi trường cho hoạt động dạy và học đạt kết quả và hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, công tác quản lý vốn đầu tư XDCB tại đây vẫn còn tồn tại những hạn chế. Qua đây, tác giả đã đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý vốn tại đơn vị, gồm: Hoàn thiện công tác lập kế hoạch vốn đầu tư XDCB; Hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu; Thực hiện tốt công tác giải ngân, thanh quyết toán; Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, chống thất thoát - lãng phí trong đầu tư XDCB; Giải pháp nâng cao năng lực Ban Quản lý dự án trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB và các giải pháp khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2015). Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
- Quốc hội (2014), Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014.
- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh (2016, 2017,2018, 2019), Báo cáo Quyết toán vốn đầu tư XDCB năm 2015, 2016, 2017, 2018.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2015), Quyết định số 1788/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- UBND Quảng Ninh (2018), Định hướng cơ cấu kinh tế giai đoạn 2020 và 2025.
SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFECTIVENESS
OF MANAGING CAPITAL CONSTRUCTION INVESTMENT
AT UNITS UNDER QUANG NINH PROVINCE’S DEPARTMENT
OF EDUCATION AND TRAINING
● Professor. Ph.D NGUYEN VAN SONG
Vietnam National University of Agriculture
● NGUYEN CAT SANG
Department of Education and Training - Quang Ninh Province
● Master. NGUYEN XUAN DIEP
School of Economics and Business Administration, Thai Nguyen University
ABTRACT:
Quang Ninh province has actively allocated capital construction investment to the province’s Department of Education and Training in order to finance provincial education and training infrastructure projects, contributing to the province’s socio-economic development. In the past 4 years, the capital investment for more than 100 newly projects totalled up over 2 trillion VND. The increase in the capital construction for education and training sector has required more effectively management mechanism.
This paper presents the situation of managing the capital construction investment at units under Quang Ninh province’s Department of Education and Training, thereby proposing solutions to improve the effectiveness of managing the capital construction investment in the education and training field.
Keywords: Capital management, investment capital, capital construction investment, Quang Ninh province.