TÓM TẮT:
Đứng trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, mô hình kinh tế chia sẻ lại càng được các doanh nghiệp quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới, bởi đó sẽ là giải pháp tối ưu nhất, giúp tồn tại được bằng việc cắt giảm nhiều chi phí. Và mô hình “Bếp trên mây” nổi lên như một giải pháp tốt nhất để giảm bớt khó khăn về chi phí và quá trình vận hành cho các nhà hàng truyền thống cũng như là đáp ứng việc tăng cao nhu cầu đặt thức ăn qua ứng dụng của người tiêu dùng. Bài nghiên cứu tập trung trình bày bức tranh khái quát về ứng dụng mô hình “Bếp trên mây - Cloud Kitchen” trên thế giới để có thêm các bài học kinh nghiệm.
Từ khóa: “Bếp trên mây”, đồ ăn, nhà hàng, F&B,…
1. Cơ sở lý thuyết về mô hình “Bếp trên mây - Cloud Kitchen”
Mô hình “Bếp trên mây” được xem là một xu hướng kinh doanh chuyển đổi số mới trong ngành F&B (ngành Dịch vụ phục vụ nhà hàng và ăn uống, viết tắt của Food and Beverage Service). Đâylà một giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề liên quan đến yếu tố vị trí địa lí, mặt bằng của các nhà hàng truyền thống hiện nay. Trên thế giới, mô hình này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bếp ma, bếp bóng, bếp ảo hay bếp tối. Mô hình “Bếp trên mây” là tập hợp nhà bếp của các nhà hàng khác nhau trong cùng một khu vực, theo đó nhà hàng sẽ không phục vụ khách hàng tại chỗ, mà chủ yếu phục vụ giao đồ ăn về nhà, hoặc đến nơi làm việc của khách hàng.
Cơ sở hình thành mô hình kinh doanh mới này chính là sự kết hợp của các yếu tố khác nhau, bao gồm:
Sự gia tăng số lượng người sử dụng điện thoại thông minh: Theo báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam” của Adsota (2020), tính đến cuối năm 2019, số người sử dụng điện thoại thông minh ở Trung Quốc là 851,2 triệu người, Ấn Độ với 345,9 triệu người, Hoa Kỳ là 260,2 triệu người và Việt Nam cũng lọt vào top 15 thị trường có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, với 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone trên tổng dân số 97,4 triệu dân, đạt tỷ lệ 44,9%.
Sự gia tăng của dịch vụ giao đồ ăn: Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, giá trị thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu đã đạt 84,6 tỷ USD năm 2018. Và theo ước tính của Công ty Adroit Market Research, thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu dự kiến đạt giá trị lên tới 161,74 tỷ USD năm 2023 và lên tới 200 tỷ USD năm 2025. Trong đó, giá trị thị trường giao đồ ăn trực tuyến châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đạt 90,95 tỷ USD năm 2023.
Những thay đổi trong sở thích - hành vi ăn uống của người tiêu dùng: Giới văn phòng và giới trẻ bận rộn hơn, sống trên mạng xã hội nhiều hơn nên muốn có sự tiện dụng và sẵn sàng trả thêm tiền để mua đặt đồ ăn online thay vì mang theo hoặc ra ngoài ăn; có xu hướng ưa thích thanh toán qua ví điện tử, phương thức giao dịch tạo sự tiện lợi hơn cho cả người giao và người mua;…
Các hình thức của mô hình “Bếp trên mây - Cloud Kitchen” bao gồm:
- Mô hình bếp trung tâm: Bếp trung tâm có nhiệm vụ chuẩn bị, làm sạch và sơ chế các thực phẩm tươi sống, nguyên liệu, sau đó sẽ vận chuyển đến các bếp nhỏ để nấu hoàn thiện trước khi vận chuyển đến tay khách hàng. Mô hình này đảm bảo về quy mô và tiêu chuẩn hóa nên sẽ giúp tiết kiệm chi phí.
- Mô hình bếp tổng hợp: Đây là những nhà bếp thuộc sở hữu của bên thứ ba. Nhiều nhà hàng sẽ sử dụng chúng trên cơ sở chung, từ không gian bếp đến không gian tủ lạnh. Nó giống như việc chia sẻ không gian làm việc chung của một số doanh nghiệp hiện nay.
- Mô hình bếp gia công: ở đây tất cả các hoạt động như chuẩn bị thực phẩm và các hoạt động tiếp xúc với khách hàng đều được thuê ngoài. Người đầu bếp chỉ tham gia vào việc chế biến cuối cùng để giao đến tay khách hàng. Đây không phải là một mô hình phổ biến.
- Mô hình bếp độc lập: không có sự hiện diện ngoại tuyến. Họ có thể tự mình phân phối sản phẩm, thông qua bộ phận tổng hợp thực phẩm hoặc qua cả hai.
2. Một số ứng dụng thành công của mô hình “Bếp trên mây” trên thế giới
Theo báo cáo của Goldstein Research (2020), thị trường mô hình “Bếp trên mây” toàn cầu được định giá 700 triệu USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 17,25% đến năm 2030. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Euromonitor International (2019), Công ty ước tính thị trường “Bếp trên mây” tiềm năng trên thế giới có thể trị giá 1.000 tỷ USD năm 2030 và 1.500 tỷ USD năm 2050.
2.1. Kitchen United
Kitchen United được sáng lập bởi ông Michael Montagano - Cựu Giám đốc điều hành tại Taco Bells và McDonalds vào năm 2017. Cuối năm 2018, Google đã đầu tư 10 triệu USD vào Kitchen United và đến tháng 9 năm 2019, Công ty RXR Realty đã đầu tư thêm 40 triệu USD. Kitchen United tự mô tả mình là nhà cung cấp “Giải pháp chìa khóa trao tay để mở rộng nhà hàng tại cơ sở”. Doanh thu của Kitchen United khoảng 22.4 triệu USD năm 2019. Kitchen United áp dụng dữ liệu nhân khẩu học và “bản đồ nhu cầu” đối với từng loại ẩm thực cụ thể. Kitchen United cũng cung cấp các giải pháp phần mềm, hỗ trợ tiếp thị và quảng bá. Các nhà hàng bên trong có thể tận dụng dữ liệu thu thập được để thấu hiểu người tiêu dùng và phát triển kinh doanh.
Trong bài báo cáo tại Hội thảo ICR diễn ra từ ngày 11/1 đến ngày 13/1/2021, ông Michael Montagano - Giám đốc điều hành Kitchen United cho biết, Công ty dự kiến sẽ tăng tổng số trung tâm nhà bếp từ 4 trung tâm hiện tại lên 20 trung tâm vào cuối năm 2021 (tương ứng với mức tăng trưởng 500% trong tổng số đơn vị). Ngoài ra, ông còn cho rằng, các đối tác nhà hàng tại bếp trên mây Kitchen United sẽ dự kiến tăng gấp 2 lần doanh thu tại các thị trường phát triển mạnh như như Chicago, Texas và Los Angeles, New York.
2.2. Virtual Kitchen Co
Virtual Kitchen Co được thành lập vào năm 2018 bởi Ken Chong, Matt Sawchuk và Andro Radonich. Virtual Kitchen Co là một nền tảng nhà hàng phân phối đang phát triển mạnh mẽ dịch vụ giao thức ăn. Thông qua mạng lưới phân phối rộng lớn và hệ thống công nghệ phát triển, Công ty có thể hỗ trợ các đối tác của mình mở rộng phạm vi giao hàng một cách ngoạn mục. Hệ thống Bếp trên mây Virtual Kitchen Co hiện đang có 3 đối tác nhà hàng lớn là Dosa, Poki Time và Big Chef Tom’s Belly Burgers.Virtual Kitchen Co đã nhận tổng cộng 35.3 triệu USD qua 2 vòng góp vốn. Vòng 1, Công ty nhận được 15 triệu USD tài trợ Series A từ nhà đầu tư Andreessen Horowitz và Công ty đầu tư tập trung vào tự động hóa Base10 Partners. Công ty Virtual Kitchen đã vận hành một số nhà bếp chỉ giao hàng ở Mỹ và đang có kế hoạch mở thêm hàng chục nhà hàng nữa ở trong 6 tháng tới. Bếp trên mây Virtual Kitchen Co đã nhận góp vốn vòng 2 vào ngày 25/8/2021 từ Series B với số tiền là 20 triệu USD.
2.3. Rebels Food
Rebel Foods có trụ sở tại Ấn Độ, có hơn 9 thương hiệu và được định giá khoảng 525 triệu USD. Theo Bloomber, vào tháng 8/2019, Rebels Food đã huy động được 125 triệu USD vốn mới từ Coatue Management, Goldman Sachs, dịch vụ giao hàng Indonesia Gojek và các nhà đầu tư khác. Rebels Food đang được xem là “Bếp trên mây” lớn nhất thế giới. Giai đoạn năm 2018 - 2019, doanh thu của Rebel Foods là khoảng 40 triệu USD, tốc độ tăng trưởng là gấp 10 lần so với năm 2015.
Rebel Foods hiện đang vận hành hơn 300 nhà bếp trên mây tại 35 thành phố của Ấn Độ và cho biết họ xử lý hơn 2 triệu đơn đặt hàng mỗi tháng. Khách hàng có thể đặt hàng và thanh toán thức ăn thông qua ứng dụng riêng của Rebel và tất cả các bữa ăn đều được chuẩn bị trong nhà bếp của Rebel và giao tận tay khách hàng.
Toàn bộ dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ hiện đang bị khóa trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu giao thực phẩm đã tăng vọt. Mạng lưới bếp trên mây của Rebel rất phù hợp để đáp ứng nhu cầu đó, vì Rebel không vận hành bất kỳ hoạt động truyền thống nào có không gian ngồi nghỉ thực tế, nên công ty cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc buộc phải đóng cửa doanh nghiệp trên toàn quốc.
3. Xu hướng ứng dụng mô hình “Bếp trên mây” trong ngành F&B Việt Nam
Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam (2020), dựa vào số liệu từ Statista, thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt mức doanh thu lên đến 302 triệu USD vào năm 2020 và được dự đoán sẽ đạt mức 557 triệu USD vào năm 2024. Một ví dụ điển hình đầu tiên cho mô hình “Bếp trên mây - Cloud Kitchen” ở Việt Nam là GrabKitchen với phương thức bếp tập trung giúp khách hàng đặt được nhiều món ăn khác nhau trong cùng một đơn hàng.
Bếp trên mây GrabKitchen
Ưu điểm nổi trội của mô hình GrabKitchen chính là chi phí đầu tư thấp, bởi hầu hết các chi phí như vận hành, nhân viên giao hàng, thanh toán, giữ xe,… đều do Grab thực hiện. Trước lợi thế cạnh tranh nổi bật này, kỳ lân Grab quyết định mở hơn 50 bếp trên mây tại Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Singapore, Philippines và cả Việt Nam.
Tại Việt Nam, tính đến nay, Grab đã cho ra đời 3 hệ thống bếp trên mây GrabKitchen đặt tại quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.
Grab Kitchen đầu tiên của Việt Nam xuất hiện vào tháng 10/2019 tại địa chỉ số 33, đường số 5, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Hiện tại, nơi đây đặt bếp chế biến của 13 thương hiệu nhà hàng, quán ăn. Mỗi đơn vị sẽ có một gian bếp riêng và được trang bị nội thất cơ bản kèm máy nhận đơn. Các dụng cụ chế biến sẽ do nhà hàng tự lắp đặt. Grab không thu tiền thuê mặt bằng mà chỉ lấy tiền điện, nước và ăn chia ‘hoa hồng’ trên đơn hàng. Sự tập trung nhiều nhà hàng trong một địa chỉ Grab Kitchen cho phép khách hàng có thể đặt mua nhiều món đồ ăn thức uống khác nhau trong cùng một đơn hàng, khác hẳn trước đây là phải đặt thành nhiều đơn và tốn nhiều lần tiền ship.
Grab Kitchen thứ 2 Bình Thạnh được đặt tại địa chỉ 454/A15 Nơ Trang Long, phường 13, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Bếp trên mây Grab Kitchen thứ 2 đã quy tụ 15 nhà hàng, quán ăn tại GrabKitchen Bình Thạnh, bao gồm: Say Coffee, Cơm Văn phòng Rio, Bánh mì que Pháp BMQ, Gà bó xôi Yummy, Cháo sườn Chú Chen, Bánh canh cua 91, Dừa sáp Travico, Tiệm ăn Chợ Lớn Cơm & Bánh Canh,...
GrabKitchen thứ 3 Trung Sơn được đặt tại 120 Đường số 9A, KDC Trung Sơn, Bình Chánh, gồm 14 đối tác cửa hàng, quán ăn được người dùng trong khu dân cư yêu thích như Cháo sườn Cô Giang, Bready Bánh mì Tươi, Nâu Sài Gòn, Ivo Deli - Xưởng Kem Ý, Beno Mì Ý, Mì trộn Cơm văn phòng Tên Lửa, House of Chay,…
Dự kiến, GrabKitchen 4 sẽ sớm được ra mắt tại địa chỉ 741 Lý Thường Kiệt, phường 11, quận Tân Bình,, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bếp trên mây Chef Station
“Chef Station” là một điển hình thứ hai cho mô hình “Bếp trên mây” tại thành phố Hồ Chí Minh. Thương hiệu “Bếp trên mây” này do bà Ninh Hoàng Ngân - một nhà sáng lập trẻ người Việt đầu tư đi vào hoạt động vào tháng 11/2020 tại địa điểm đầu tiên ở Nguyễn Gia Trí, Bình Thạnh. Đây là không gian làm việc tập trung của các thương hiệu ngành Ẩm thực đã được chọn lọc, như: bánh canh bột gạo Hai Nhiên, cơm tấm Cô Tấm Quán, Chops, CJ Foods. Khách hàng có thể chọn giao hàng thông qua các ứng dụng đặt thức ăn phổ biến như: Grab, Now-Food Delivery, Beamin,… hoặc trực tiếp đến cửa hàng.
Ở nhà bếp trung tâm này, các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực có thể tập trung vào việc nấu ăn, còn Chef Station sẽ lo việc thiết lập, điều hành nhà hàng cũng như tìm kiếm khách hàng, đối tác. Sản phẩm bếp trên mây này được phân phối qua hình thức giao hàng, hoặc khách mua mang đi với mục tiêu tiết kiệm các chi phí vận hành.
Theo bà Ninh Hoàng Ngân - nhà sáng lập Chef Station (2020), 6 tháng đầu năm 2020, nhiều nhà hàng, quán ăn rơi vào tình trạng doanh thu không đủ bù chi phí như tiền mặt bằng, nhân sự, vận hành,... do tác động của Covid-19. Vì vậy, để giúp họ tiết kiệm chi phí vận hành, bà nghĩ ra ý tưởng làm một nhà bếp trên mây của người Việt. Mô hình này được vận hành theo cơ chế, các nhà hàng, quán ăn, thay vì phải thuê mặt bằng lớn và nhân viên phục vụ thì họ đăng ký bán hàng ở đây chỉ cần thuê bếp theo tháng với diện tích 15-25m2. Mỗi bếp chỉ cần 2-5 nhân sự để phục vụ cho hoạt động chế biến món ăn. Việc nhận đơn và giao hàng sẽ do Chef Station. Nếu bếp trên mây này thành công, bà sẽ mở thêm 1 trạm nữa tại quận 1 và nhiều chi nhánh khác tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Theo ông Mai Trường Giang - đồng sáng lập Chef Station (2020), trong 6 mô hình Bếp trên mây, Chef Station thuộc mô hình xây toàn bộ khu bếp và cho thuê từng gian. Đối tác của Chef Station có thể là chủ nhà hàng, đầu bếp có tay nghề cao, nhưng không đủ vốn để mở cửa hàng riêng.
Để tạo nên cuộc cách mạng này, Chef Station tập trung vào 3 yếu tố chính:
Thứ nhất, họ sẽ tư vấn cho đối tác nên lựa chọn những món ăn nào, cách trưng bày và thiết kế để phù hợp với kênh bán hàng trực tuyến.
Thứ hai, đưa ra mức giá hợp lý, vì người mua không phải trả phí cho không gian vật lý, nhân viên phục vụ, máy lạnh như cửa hàng truyền thống.
Thứ ba, khi các bếp của Chef Station phủ mọi ngóc ngách của TP. Hồ Chí Minh, những nhà sáng lập sẽ nhắm đến mục tiêu phục vụ khách hàng số lượng lớn tại các công ty, tập đoàn.
Bếp trên mây Tasty Kitchen
Dự án bếp trên mây Tasty Kitchen được Đại Việt Group đầu tư xây dựng và phát triển. Đây là tập đoàn đa ngành, tập trung vào các mảng về phần mềm, cổng thông tin điện tử và các dịch vụ trong các lĩnh vực mũi nhọn với hơn 1.000 thành viên tại 7 quốc gia Việt Nam, Indonesia, Thailand, Philippine, India, Mexico, Nigeria. Với định hướng đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động và đầu tư, hiện nay Tập đoàn mở rộng và phát triển ở cả các mảng dịch vụ du lịch, F&B và phát triển dự án bất động sản.
Nếu bếp trên mây Grab Kitchen và Chef Station xuất hiện ở vai trò là bên thứ ba, có trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm và kết nối khách hàng với nhà hàng thì “Tasty Kitchen” định vị là mô hình kinh doanh F&B kiểu mới, nhà hàng trực tuyến, tiên phong trong việc cung cấp giải pháp bữa ăn cao cấp đến bàn ăn gia đình bạn. Với hệ thống bếp không ngừng được đầu tư và mở rộng; cùng những nguyên liệu tự nhiên, tươi ngon được lựa chọn kỹ lưỡng từ các nông trại uy tín hàng đầu Việt Nam; bàn tay sáng tạo, tận tâm của đội ngũ đầu bếp nhiều năm kinh nghiệm, Tasty Kitchen tự hào mang đến cho thực khách những món ăn không chỉ ngon, mà còn đa dạng, tinh tế, đẹp mắt, chất lượng, sức khỏe và ngày càng đáng trải nghiệm hơn. Bên cạnh đó là việc đầu tư phát triển các kênh đặt hàng trực tuyến dễ dàng kết nối đến những khách hàng ở nhiều khu vực khác nhau.
Ông Trần Hữu Thành (2020) cho biết, sau một thời gian hoạt động bếp trên mây, Tasty Kitchen đã nhận được phản hồi tích cực cùng những chia sẻ của các khách hàng xem đây như một giải pháp cho bữa ăn gia đình của họ.
Hiện tại, Tasty Kitchen đã và đang xây dựng, triển khai hàng loạt nhà bếp ở nhiều khu vực tại TP. Hồ Chí Minh. Với mục tiêu là 20 nhà bếp hiện hữu, Tasty Kitchen sẽ phủ mọi ngóc ngách của TP. Hồ Chí Minh. Trong tương lai gần, đối tượng Tasty Kitchen nhắm đến là khách hàng cá nhân tại một số quận của TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, Công ty cũng phát triển đa dạng các kênh đặt hàng trực tuyến để dễ dàng tiếp cận khách hàng. Đi cùng với đó là số lượng cũng như chất lượng món ăn càng được đầu tư nghiên cứu mang đến sự đa dạng lựa chọn cho khách hàng.
4. Một số khác biệt giữa mô hình “Bếp trên mây” tại Việt Nam so với thế giới
Thứ nhất, mô hình “Bếp trên mây” tại Việt Nam mới xuất hiện năm 2019, đây được xem là sự phát triển khá muộn so với thế giới nói chung và châu Á nói riêng. Sau gần 2 năm hoạt động, hiện chỉ có vài thương hiệu tham gia mô hình này như GrabKitchen, Chef Station, Tasty Kitchen,… Bên cạnh đó, số lượng bếp của mỗi doanh nghiệp vẫn còn hạn chế rất nhiều, chỉ từ 5 đến 15 thành viên, trong khi trên thế giới, con số có thể lên vài trăm đến hàng ngàn bếp thành viên.
Thứ hai, mô hình “Bếp trên mây” ở một số nước trên thế giới như Kitchen United, Rebels,… sẽ được tập trung phát triển về số lượng ở nhiều nơi khác nhau, trong khi ở Việt Nam, mô hình này chỉ đang được hình thành tại TP. Hồ Chí Minh ( hơn 90%) và Hà Nội.
Thứ ba, trên thế giới, các mô hình “Bếp trên mây” thường có sự phân tích về nhân khẩu học lấy căn cứ để thiết lập sự ưu tiên hợp tác với các nhà hàng chuyên kinh doanh món ăn phù hợp nhất. Còn đối với các “Bếp trên mây” tại Việt Nam, việc chọn lựa nhà hàng hợp tác chủ yếu thông qua việc đồng ý các thỏa thuận chung về chi phí, cách vận hành,…
Thứ tư, các mô hình “Bếp trên mây” trên thế giới vận hành với nhiều quy mô, thu hút khả năng hợp tác của các thương hiệu nhà hàng từ lớn đến nhỏ. Nhờ đó, mô hình này phát triển rất mạnh mẽ trong một thời gian ngắn vì các thương hiệu nhỏ có thể tận dụng được nguồn khách của các thương hiệu lớn. Trong khi đó, các bếp đối tác trong mô hình “Bếp trên mây” tại Việt Nam chủ yếu là những thương hiệu nhỏ hoặc mới thành lập. Chính vì vậy, việc thu hút sự nhận biết và chú ý của khách hàng là chưa cao.
Thứ năm, hầu hết các “Bếp trên mây” như Rebel, Kitchen United,... đều xây dựng và sử dụng nền tảng công nghệ của mình là chính trong quá trình vận hành, việc sử dụng bên thứ 3 chỉ với mục đích là thêm doanh thu và tận dụng được nhiều khách hàng mới thay vì tốn tiền vào việc chạy quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Facebook, Google,… Trong khi đó, “Bếp trên mây” tại Việt Nam hầu hết đều chưa có nền tảng vận hành của riêng mình, hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị giao hàng như Now Delivery, Baemin, Gojek,…
5. Kết luận
Đứng trước tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành F&B, nhu cầu đặt thức ăn qua ứng dụng dùng tăng cao cũng như sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, cụ thể là việc khách hàng đã có thói quen mua thức ăn online với tần suất nhiều hơn thì mô hình “Bếp trên mây - Cloud Kitchen” được xem như là mô hình mới để phục vụ thói quen mới của người tiêu dùng và là một giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp ngành F&B, bởi mô hình này sẽ giúp cho các thương hiệu nhà hàng, thậm chí những mô hình kinh doanh vừa và nhỏ hoàn toàn có thể tự độc lập kinh doanh khi đang gặp khó khăn hoặc chưa có đủ nguồn lực để thuê mặt bằng, vận hành. Với những thành công của các thương hiệu “Bếp trên mây” trên thế giới như Kitchen United, Virtual Kitchen Co, Rebel Foods, các mô hình này tại Việt Nam cần có những bước xây dựng bài bản để phát triển mô hình bền vững, tránh bị thị trường đào thải trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- (2020). Cloud Kitchen Market will hit big revenues in future. The biggest opportunity by key players - Kitchen United, Rebel Foods, Doordash Kitchen. Retrieve from: https://ipsnews.net/business/2020/09/10/cloud-kitchen-market-will-hit-big-revenues-in-future-biggest-opportunity-by-key-players-kitchen-united-rebel-foods-doordash-kitchen/
- (2020).Báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2019. Truy cập tại: https://blog.adsota.com/adsota-phat-hanh-bao-cao-thi-truong-quang-cao-so-viet-nam-tong-ket-nam-2019-nam-2019/
- Azhar Jafri. (2020). How Rebel is building the world's largest internet restaurant company. Retrieve from: https://www.simplanations.in/p/7-how-rebel-is-building-the-worlds
- Bảo Trung (2021). Bếp trên mây là xu hướng. Truy cập tại: https://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/bep-tren-may-la-xu-huong-3339486/
- Đình Trường (2021). Mô hình "bếp chung", Bếp trên mây trước dịch bệnh. Truy cập tại: https://laodong.vn/kinh-te/mo-hinh-bep-chung-bep-tren-may-truoc-dich-benh-908197.ldo
- Jennifer Marston. (2020). Rebel Foods Raises $50M for Its India-based Cloud Kitchen Network. Retrieve from https://thespoon.tech/rebel-foods-raises-50m-for-its-india-based-cloud-kitchen-network/
- Julie Littman. (2021). Kitchen United to open 16 centers this year. Retrieve from: https://www.restaurantdive.com/news/kitchen-united-to-open-16-centers-this-year/593322/
- Stephanie Bailey. (2020). Cooking food for over 100 restaurants: How a “ghost kitchen” is adjusting to life in a pandemic. Retrieve from: https://edition.cnn.com/travel/article/ghost-kitchens-kitopi-spc-intl/index.html
- Thi Hà (2020). Bếp trên mây - Xu hướng mới ở Việt Nam. Truy cập tại: https://vnexpress.net/bep-tren-may-xu-huong-moi-o-viet-nam-4175529.html
- Q&Me Vietnam Market Research. (2020).Food delivery demand increase after Covid -19. Retrieve from: https://qandme.net/en/report/food-delivey-demand-increase-after-covid-19.html
THE IMPLEMENTATION OF THE CLOUD KITCHEN MODEL IN VIETNAM’S F&B INDUSTRY
Master. Mai Thoai Diem Phuong 1
Master. Ho Thanh Truc 2
2 Faculty of Business Management, University of Finance and Management
1 Faculty of Tourism, University of Finance and Management
Abstract:
During the complicated developments of the COVID-19 pandemic, the sharing economy models have become more attractive to businesses around the world as they are the most optimal solution to help businesses cut costs and survive. The Cloud Kitchen model has emerged as the best solution to help traditional restaurants reduce their costs, tackle operational difficulties and meet the increasing demand of food delivery. This paper presents an overview of the implementation of the Cloud Kitchen model around the world and lessons learnt.
Keywords: Cloud Kitchen, foods, restaurant, F&B.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]