Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

ThS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT MINH (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Theo GS. Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Industry 4.0 (tiếng Đức là Industrie 4.0) hay Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (FIR), là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. FIR được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet của vạn vật và internet của các dịch vụ.

Từ khóa: Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (FIR), thế giới ảo, thay đổi công nghệ, kinh tế thế giới.

I. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trải dài từ năm 1760 đến khoảng năm 1840, được bắt đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường sắt và phát minh ra động cơ hơi nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại - kỷ nguyên sản xuất cơ khí.

Tiếp theo, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai được bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm thập niên 1960 và thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990).

Ngày nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. FIR đã bắt đầu vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ này và xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo và “học máy”. Các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và vì vậy đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. FIR là sự dung hợp của các công nghệ này và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số và sinh học, làm cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về cơ bản khác với các cuộc cách mạng trước đó.

Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những lần trước. Vậy thực chất Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm những nội dung gì và Việt Nam có thể tận dụng những gì để tạo ra những cơ hội cho con đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

II. Thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cho Việt Nam

Một là, với việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quá trình sản xuất, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông ngày càng mất dần lợi thế; sản xuất chuyển dịch dần sang những nước phát triển, nhiều lao động có kỹ năng và chuyên môn cao. Điều này gây ra hiện trạng khó khăn cho Việt Nam khi chúng ta là nước đang phát triển, trình độ kỹ thuật còn lạc hậu, chủ yếu sản xuất dựa vào nguồn lực lao động dồi dào và nguyên vật liệu truyền thống.

Hai là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - “thông minh”. Các thành tựu mới của khoa học - công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị... Từ góc độ cơ cấu ngành kinh tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm “mờ dần” tính chất giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Từ góc độ tiêu dùng, người dân được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn. Nhưng đồng thời nó cũng gây áp lực lên các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên như Việt Nam trong việc thay đổi vận dụng công nghệ mới.

Ba là, gây ra tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Một thực tế đầy thách thức đối với các quốc gia đang phát triển mà Việt Nam không phải là ngoại lệ, khi nhóm người có thu nhập thấp chiếm đa số và còn chưa được tiếp cận, thụ hưởng các lợi ích trực tiếp từ quá trình tăng trưởng này, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại có thể khiến cho sự bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng khi máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế cho sức người và tạo áp lực lớn lên thị trường lao động. Nhu cầu nhân công giá rẻ kỹ năng thấp sẽ nhường chỗ cho nhu cầu đối với nhân lực trình độ cao và nếu không có giải pháp tổng thể nâng cao kỹ năng của người lao động, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và thất nghiệp. Bên cạnh vấn đề bảo tồn hệ sinh thái và môi trường, sự bất bình đẳng sẽ là vấn đề xã hội lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt trong quá trình khai thác các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp để tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, doanh nghiệp Việt Nam hiện tại chưa thể hoặc chưa sẵn sàng thay đổi để thích ứng công nghệ mới. Vì điều này đòi hỏi chi phí tốn kém, gây khó khăn trong việc sử dụng và quản lý nói chung. Đồng thời, Chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng hoặc quản lý hiệu quả chúng.

Năm là, công nghệ thông tin kết nối chung của Việt Nam còn yếu, việc bảo mật còn kém. Việc này gây khó khăn khi mà cuộc cách mạng lần thứ tư diễn ra đòi hỏi mạng dữ liệu phải có độ trễ thấp hơn và những tính năng bảo mật mạnh mẽ. Vì trong kỷ nguyên mới, doanh nghiệp và dữ liệu quan trọng sẽ dựa nhiều vào sự giao tiếp theo thời gian thực. Riêng dữ liệu sẽ được truyền tải trên cả mạng riêng, mạng công cộng và được lưu trữ trên đám mây.

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội và thách thức rất lớn. Khoa học và công nghệ sẽ biến những điều tưởng chừng không thể trở thành có thể. Năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ tăng; chi phí thương mại giảm sẽ làm tăng doanh thu, thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính tiện ích cho cuộc sống cá nhân. Đối với Việt Nam, cần có những chính sách điều chỉnh về kinh tế - xã hội để hóa giải thách thức và tận dụng cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

III. Giải pháp

1. Biện pháp kinh tế - xã hội

Một là, Việt Nam cần thực hiện một chương trình nghị sự kép: Tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây; nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải bao gồm những nội dung liên quan đến cả hai nhóm này, trong đó cần xác định những cơ hội và thách thức liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư như một nội dung bắt buộc của việc phân tích bối cảnh để điều chỉnh những thông số của các kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn, đặc biệt là chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, trước hết là internet, thông tin, truyền thông…

Hai là, tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như khu vực doanh nghiệp (nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, khai thác tài nguyên, công nghiệp chế tạo do các ngành có khả năng chịu nhiều tác động) và khu vực ngân hàng về cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư, qua đó giúp ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Ba là, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành; dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng internet); phát triển thị trường vốn dài hạn và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo. Thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp để tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ, công nghiệp hỗ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Bốn là, thực hiện cải cách mạnh hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành khoa học và công nghệ bằng các thể chế và chính sách hiệu quả. Tăng cường quảng bá để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ, hướng sinh viên vào học các ngành khoa học và công nghệ; nuôi dưỡng các kỹ năng khoa học và công nghệ. Khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, học tập liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên internet. Có cơ chế để khuyến khích sự gắn kết giữa các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục đào tạo.

2. Biện pháp chính sách khoa học và công nghệ

Một là, xác định các hướng công nghệ, các ngành công nghệ công nghiệp mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển trong trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới (dựa trên trí tuệ ảo, kỷ nguyên số, internet of Things); đổi mới việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển các nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành sinh học, vật lý học và kỹ thuật số.

Hai là, chuyển dịch trọng tâm chính sách khoa học và công nghệ, từ chỗ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu - triển khai (R&D) là chủ yếu sang chú trọng đầu tư cho thương mại hóa kết quả R&D; lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; dành kinh phí thỏa đáng cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Ba là, tiếp tục dành ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; có chính sách khuyến khích chuyển dịch lao động trình độ cao từ các viện nghiên cứu, trường đại học sang khu vực doanh nghiệp; tăng cường chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề, bảo đảm cung cấp đầu vào về lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Bốn là, đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật caođể giảm thiểu thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cần đầu tư tới ngưỡng và kiên quyết triển khai Đề án Chính phủ điện tử để giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Năm là, trong bối cảnh chung của thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần các nỗ lực liên kết tổng thể với sự vào cuộc của tất cả các quốc gia liên quan ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Trong ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần khai thác triệt để kênh hợp tác và hội nhập quốc tế, thống nhất quan điểm và kế hoạch hành động chung với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong khu vực và thế giới, cùng nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận bình đẳng và hưởng lợi từ các thành quả của cách mạng công nghiệp và tăng trưởng bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cafef.vn

2. Dantri.com

3. “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cơ hội và thách thức” - GS.TS. Nguyễn Đình Đức

4. Tạp chí Tài chính.vn

SOLUTIONS FOR VIETNAM TO TAKE ADVANTAGE OF THE INDUSTRY 4.0

Master. NGUYEN THI MINH NGUYET

Faculty of Business Management, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Professor Klaus Schwab, Founder and Executive Chairman of the World Economic Forum, said that Industry 4.0 or the Fourth Industrial Revolution is a trend of automation and data exchange in manufacturing technologies. The Industry 4.0 includes cyber-physical systems, the Internet of things and cloud computing.

Keywords: Virtual world, technology changing, global economics, the Fourth Industrial Revolution.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây