Giám đốc KCM Trần Nhật Huy: Muốn thành công trước tiên cần có kiến thức…

"Khi còn trẻ, không nên quá quan trọng yếu tố thu nhập hay địa vị xã hội, mà quan trọng nhất là nên chọn một môi trường làm việc thật tốt, nơi có thể học hỏi tối đa…" - chia sẻ của Giám đốc Công ty Kh

PV: Là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2010, doanh nhân trẻ thành đạt, anh có thể chia sẻ về bí quyết thành công của mình?

Giám đốc KCM Trần Nhật Huy: Thực ra cũng không có bí quyết gì to tát. Tôi nghĩ chỉ có 3 yếu tố quan trọng nhất: Một là luôn cố gắng làm việc với tất cả trách nhiệm và nhiệt huyết của mình với những yêu cầu rất cao để công việc luôn đạt đến mức "hoàn hảo", chủ động tìm việc để làm, để đề xuất cải tiến mà không chờ lãnh đạo giao mới làm. Hai là dám dấn thân vào những nơi khó khăn, nhận những nhiệm vụ khó khăn để xem khả năng của mình tới đâu với quan niệm "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Ba là tập cho mình óc quan sát, phân tích đánh giá các sự việc, con người mọi nơi, mọi lúc. Từ đó áp dụng hoặc rút ra những bài học để điều chỉnh bản thân và tập thể cho phù hợp.

Cá nhân tôi cho rằng, thành công không phải là làm được rất nhiều tiền hay lên được chức vụ gì đó. Thành công với tôi là làm hết sức mình để tạo ra được những sản phẩm thực sự hoàn hảo, thực sự khác biệt, hiếm có và ý nghĩa với cuộc sống.

PV: Cái tên Trần Nhật Huy gắn với biệt danh là "cây sáng kiến", "Huy nghìn tỷ" anh có thể giải thích về các biệt danh của mình?

Giám đốc KCM Trần Nhật Huy: Trong hơn 12 năm hoạt động trong ngành công nghiệp khí, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau từ Kỹ sư vận hành, Trưởng ca vận hành, Trưởng, Phó phòng Kỹ thuật Sản xuất,… Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công ty, tôi đã chủ trì hoặc tham gia hơn 20 sáng kiến. Nhiều sáng kiến có ý nghĩa lớn về mặt khoa học kỹ thuật hoặc mang lại hiệu quả kinh tế cao hàng trăm tỷ đồng đã được áp dụng trong thực tiễn. Trong số đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì Hội thi Sáng tạo ngành Dầu khí, 1 giải nhất cuộc thi "Phần mềm sáng tạo" của Đoàn khối doanh nghiệp TW. Tôi nghĩ đó là lý do mọi người gắn cho tôi biệt danh là "cây sáng kiến".

Còn với biệt danh "Huy nghìn tỷ" gắn với KCM, là doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 1.500 - 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận 400 - 600 tỷ đồng. Và công ty luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu về nộp ngân sách cho tỉnh Cà Mau.

Giám đốc Công ty Khí Cà Mau Trần Nhật Huy

PV: Anh đánh giá như thế nào về vai trò của đoàn viên, thanh niên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?

Giám đốc KCM Trần Nhật Huy: Trong bất cứ một doanh nghiệp nào thì tuổi trẻ luôn là thế hệ tương lai, thậm chí một số nơi như KCM họ là cả hiện tại. Nếu thanh niên được đầu tư, chăm lo đúng cách 1 đồng thì họ sẽ đem lại rất nhiều đồng cho doanh nghiệp.

Bởi vì, tuổi trẻ có rất nhiều ưu điểm như: được đào tạo bài bản và có khả năng tiếp thu kiến thức tốt, dễ cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật mới; dám nghĩ và dám làm (ít sợ rủi ro hơn những người lớn tuổi), tràn trề nhiệt huyết nên tiềm năng sáng tạo cao hơn; chưa vướng bận nhiều nên có thể dành nhiều thời gian cho công việc và sự nghiệp. Chính vì thế nên tôi vẫn ví những thanh niên tốt giống như những hạt giống tốt, chỉ cần được gieo trên những mảnh đất tốt, nghĩa là tạo cho họ một môi trường làm việc tốt, công bằng, cạnh tranh cùng với sự dìu dắt, kèm cặp và sự tin tưởng giao trọng trách của cấp trên thì họ sẽ phát triển rất nhanh.

Tại KCM, trong số 118 CBCNV hiện tại có tới 78 đoàn viên, thanh niên chiếm tỷ lệ 66% với tuổi trung bình của cả công ty chỉ là 30,1 tuổi. Trong 31 đảng viên của Đảng bộ thì có tới 17 đảng viên vẫn còn sinh hoạt Đoàn; 6/13 cán bộ chủ chốt của công ty là đoàn viên. 100% (10/10) các vị trí quản lý cấp thấp khối sản xuất (Đốc công, Trưởng ca) đều là đoàn viên, thanh niên. Hầu như tất cả các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công ty trong nhiều năm qua đều do thanh niên thực hiện. Các hoạt động văn hóa, thể thao, an sinh xã hội được phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế mà KCM luôn là đơn vị dẫn đầu Tổng công ty Khí Việt Nam về phong trào thanh niên và phong trào lao động sáng tạo.

Ngoài ra, Đoàn Thanh niên KCM cũng được giao nhiệm vụ triển khai văn hóa doanh nghiệp trong toàn công ty với nhiều giải pháp cụ thể trên nền tảng 4 giá trị "chuyên nghiệp - trách nhiệm - sáng tạo - kết nối" mà lãnh đạo công ty đã đặt ra.

Từ đó, có thể nói rằng tại KCM thanh niên có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Hay nói cách khác, thanh niên chính là biểu tượng về sức sống mãnh liệt của KCM nơi cực Nam Tổ quốc.

PV: Theo anh, để có thể thành công trong cuộc sống thanh niên cần chuẩn bị những gì?

Giám đốc KCM Trần Nhật Huy: Theo tôi, để thành công trong cuộc sống điều đầu tiên cần có là kiến thức (bao gồm cả kiến thức chuyên môn và hiều biết về xã hội, văn hóa) vì phải "có bột mới gột nên hồ", trong xã hội hiện đại không có kiến thức thì không làm được gì ra hồn cả. Bên cạnh đó, phải dám dấn thân vào những nơi khó khăn về điều kiện sinh hoạt và làm việc miễn là nơi đó có thể phát huy được năng lực của mình, dám đảm nhận những công việc phức tạp, đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao, lành nghề,… bởi vì khó khăn chính là nơi có nhiều cơ hội nhất. Ngoài ra, khả năng giao tiếp, ứng xử tốt, sống chân thành, hòa nhã với mọi người xung quanh là điều rất cần.

PV: Anh có nhắn nhủ gì với lớp trẻ hiện nay trên con đường lập thân, lập nghiệp?

Giám đốc KCM Trần Nhật Huy: Với kinh nghiệm ít ỏi của mình qua hơn 12 năm làm việc, tôi có một số lời khuyên với các bạn trẻ như sau:

Nên thường tự nhìn lại mình, tự đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của bản thân mình (sở trường, sở đoản) để từ đó xác định cái gì phù hợp với mình trong từng giai đoạn và lựa chọn mục tiêu, con đường đi cho phù hợp.

Khi bạn còn trẻ, không nên quá quan trọng yếu tố thu nhập hay địa vị xã hội, mà quan trọng nhất là nên chọn được một môi trường làm việc thật tốt, nơi có thể học hỏi tối đa, phát huy hết khả năng và tố chất của mình. Khi đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm sống, văn hóa và xây dựng được thương hiệu cá nhân thì mọi thứ khác sẽ dần tìm.

Tập khả năng quan sát và chịu khó đọc sách, qua đó phân tích và đánh giá con người, sự việc, cái gì hay thì áp dụng, cái gì xấu, sai lầm của người khác thì cố gắng tránh.

Còn trẻ thì đừng so đo tính toán nhiều, cũng đừng ngại khó, ngại khổ. Không nên tự mãn với những niềm vui, những thành tựu nhỏ bé trước mắt mà lãng quên những giá trị lớn của cả cuộc đời đang chờ ta phía trước.

Cố gắng rèn cho mình những thói quen tốt (thói quen đúng hẹn, đọc sách, giữ lời hứa,…) vì "gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận".

Học cách từ chối và quản lý thời gian để không lãng phí vào những việc không cần thiết.

Cố gắng mở rộng giao tiếp, cải thiện kỹ năng sống, khả năng thích nghi trong xã hội hiện đại đầy biến động. Kiến thức xã hội và văn hóa cá nhân cũng quan trọng không kém kiến thức chuyên môn.

PV: Xin cám ơn những chia sẻ của anh!