Giảm tác động của cước vận tải biển tăng cao

Đến những ngày cuối tháng 7 này, giá cước vận tải biển quốc tế đã có dấu hiệu "hạ nhiệt", tuy nhiên vẫn ở mức cao. Các Bộ, ngành, hiệp hội và chính doanh nghiệp đã, đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó với tình trạng giá cước vận tải biển tăng cao, qua đó tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thời gian qua, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động, ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo thống kê về chỉ số giá vận chuyển container của Trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải Drewry, giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ bắt đầu tăng cao từ đầu năm 2024, đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2024. Sang tháng 2/2024, giá cước đã giảm dần và đạt mức giá thấp nhất vào ngày 25/4/2024, mức giá giảm 32% so với tháng 1/2024. Tuy nhiên, từ tháng 5/2024 đến nay, mức giá lại tiếp tục tăng nhanh trở lại.

Đến thời điểm những ngày cuối tháng 7 này, theo dữ liệu tổng hợp từ sàn giao dịch logistics Phaata, các tuyến vận tải từ Đông sang Tây đã ghi nhận mức giá cước giảm 1% - 4%; tuyến vận chuyển từ châu Á đến Bắc Mỹ hiện ở mức 7.746 USD/FEU (đối với loại container 40 feet), tương đương giảm 2% so với tuần trước đó.

Mặc dù giá cước đã có sự giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi dự báo tình trạng ùn tắc cảng biển các cảng biển châu Á sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết tháng 8 năm nay. Bên cạnh đó là những thách thức khác đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các Bộ, ngành sát sao "vào cuộc"

Trước tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng tác động đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, ngày 12/7/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi Thư cho ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội giao nhận Quốc tế (FIATA) đề nghị có sự hợp tác, hỗ trợ.

Bộ trưởng mong muốn, với vai trò cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia, Chủ tịch FIATA và FIATA có thể hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng hiện nay.

Bộ trưởng cũng đề nghị ông Chủ tịch và FIATA chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng. Đồng thời, trong phạm vi ảnh hưởng của mình với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng
Các doanh nghiệp kỳ vọng Liên đoàn các hiệp hội giao nhận Quốc tế (FIATA) sẽ có những tháo gỡ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã có Văn bản đề nghị các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu; các hiệp hội lĩnh vực logistics và các doanh nghiệp phối hợp triển khai một số giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.

Trong đó, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí cao hiện nay. Đồng thời phân luồng hàng hóa và thay đổi tuyến đường vận tải, bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu...

Các doanh nghiệp kỳ vọng Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA) sẽ những tháo gỡ theo đề nghị của Bộ Công Thương Việt Nam.

Bộ Công Thương đã có sự làm việc quốc tế như vậy thì thể tác động làm giảm giá cước xuống. Thứ nhất giá cước thứ hai vấn đề tắc nghẽn cảng biển, chỉ cần giải quyết được hai vấn đề này thì gần như vấn đề xuất nhập khẩu thể trở lại như thời điểm trước đây”, bà Trần Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần giao nhận vận tải APS nhận định.

Các chuyên gia logistics cho rằng, với trên 40.000 doanh nghiệp dịch vụ giao nhận vận tải quốc tế là thành viên thì tiếng nói tác động của Liên đoàn FIATA đối với các hãng tàu, chủ tàu quốc tế để ổn định được giá cước một điều rất quan trọng.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải để kiểm soát giá dịch vụ hàng hải trong nước và đẩy nhanh luân chuyển container rỗng, từ đó góp phần "hạ nhiệt" giá cước vận tải biển.

Trước những biến động của thị trường vận tải biển, thời gian qua Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp cảng biển container, các hãng tàu, đại lý tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam để thực hiện việc kiểm tra, giám sát giá dịch vụ tại cảng biển, giá vận tải hàng hoá container bằng đường biển, phụ thu ngoài giá dịch vụ tại cảng; đánh giá tình hình vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu, thị trường container rỗng tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cảng biển, hãng tàu hoạt động để đáp ứng được 100% sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải thông suốt.

cước vận tải
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam kiểm tra thực tế bãi container tại cảng Cát Lái, tháng 6/2024 (Ảnh: Cục Hàng hải Việt Nam)

Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp hoạt động tại các cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các chi cục hàng hải tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển. Các đơn vị của ngành hàng hải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp cảng biển, các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giám sát chặt chẽ tình hình tắc nghẽn tại các bến cảng, tình hình cung cấp vỏ container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo định kỳ Cục Hàng hải Việt Nam để đưa ra các giải pháp kịp thời.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển. Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hiệp hội ngành hàng nâng cao vai trò, tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thấp nhất tác động của giá cước nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Doanh nghiệp chủ động ứng phó và chuyển đổi

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành, sự chủ động ứng phó của chính các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn về chi phí vận tải hàng hóa quốc tế, giảm áp lực về dòng tiền, lãi vay tín dụng...

Đối với các doanh nghiệp ngành hàng xuất nhập khẩu, những giải pháp đang được các doanh nghiệp ưu tiên triển khai hiện nay là: (i) Đàm phán, thương lượng với khách hàng đối tác để chia sẻ rủi ro, giải phóng đơn hàng sớm; (ii) Sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, khai thác thị trường hợp lý hơn.

Đàm phán thương lượng với khách hàng, hỗ trợ khách hàng về cước tàu, cùng một số chính sách khác để cho khách hàng có thể lấy hàng sớm”, bà Phạm Thị Hải Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần HAPLAST - nhà sản xuất, xuất khẩu bao bì hàng đầu đi nhiều thị trường Hoa Kỳ, EU… chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, mặc dù các Bộ, ngành, hiệp hội đã có hỗ trợ tác động nhưng việc ký đơn hàng dài hạn với các hãng tàu và thay đổi tuyến vận tải còn phụ thuộc vào các yếu tố quốc tế như hãng tàu, luồng vận tải quốc tế… nên việc đàm phán, thương lượng với đối tác không phải lúc nào cũng thành công.

Mặt khác, theo thống kê của Drewry, giá cước vận chuyển hàng hóa container tuyến đi từ châu Á đi châu Âu và Mỹ có mức tăng lớn nhất. Tuy nhiên, chiều từ châu Mỹ, châu Âu về châu Á và các tuyến vận tải nội Á không biến động nhiều.

Trong tình hình này, doanh nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Nhiều doanh nghiệp tại các địa phương như: TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… sớm linh hoạt tìm kiếm thị trường mới, trong đó tập trung vào các thị trường gần như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Từ cuối quý I năm nay, Công ty TNHH May mặc DONY (TP.HCM) đã chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á với các nước như Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia. “Đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh rất dữ dội nhưng lại thuận lợi về logistics. Chi phí và thời gian vận chuyển rất phù hợp, thậm chí có nơi còn rẻ hơn trong nước. Đây là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh hiện nay”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc DONY chia sẻ với báo chí.

Công ty DONY
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc DONY (TP.HCM) chia sẻ với báo chí. (Ảnh: DONY)

Đặc biệt, với những mặt hàng nông sản mùa vụ, thực phẩm tươi dễ hư hỏng thường ký hợp đồng ngắn hạn bị tác động lớn khi giá cước vận tải tăng, việc các doanh nghiệp chuyển hướng từ các thị trường xa với giá cước vận tải cao sang tiếp cận xúc tiến xuất khẩu thêm nhiều thị trường khác gần hơn trong khu vực sẽ giúp hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp logistics, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) cho biết, các doanh nghiệp logistics đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị nhằm tiết kiệm chi phí trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là trong hoạt động vận tải nội địa, hay tìm ra một số phương thức vận chuyển khác như vận tải đường sắt, đường hàng không kết hợp đa phương thức.

Đồng thời các doanh nghiệp logistics tiếp tục đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ các ngành hàng chuyên biệt, đặc thù...

Việt Hằng