Giao dịch cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán - nhìn từ các quy định của pháp luật hiện hành

Bài báo Giao dịch cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán - nhìn từ các quy định của pháp luật hiện hành do Nguyễn Thị Thu Phương (Trường Đại học Phenikaa) thực hiện.

TÓM TẮT:

Thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy thị trường kinh tế và đời sống xã hội của người dân, trong đó xác lập và thực hiện các giao dịch cổ phiếu niêm yết luôn được xem là hoạt động cơ bản của thị trường chứng khoán (TTCK). Để đảm bảo cho thị trường này hoạt động hiệu quả, rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ, an toàn. Hiện nay, giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK không chỉ chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật chứng khoán chuyên ngành mà còn chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn pháp luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, bảo đảm cho các hoạt động giao dịch trên TTCK được an toàn, minh bạch và công bằng. Bài viết phân tích hoạt động giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK dưới góc nhìn từ các quy định của pháp luật hiện hành để rút ra đánh giá và đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK, nhằm thúc đẩy sự phát triển không ngừng của TTCK và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Từ khóa: cổ phiếu niêm yết, pháp luật về giao dịch chứng khoán, thọ trường chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hiện nay, TTCK đã dần khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 đạt 116.684 tỷ đồng. Năm 2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn ở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCoM đạt 6.007 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9% so với cuối năm 2022. Thị trường có 741 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 2.060 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% với cuối năm 2022; thị trường có 447 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.960 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 20221. Sự phát triển của TTCK, trong đó hoạt động giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK luôn vận động không ngừng và phát triển, đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường vai trò điều tiết thị trường, pháp luật phải kịp thời ghi nhận và điều chỉnh nhằm đảm bảo đúng định hướng xây dựng và phát triển TTCK tại Việt Nam, để hoạt động này được hiệu quả, thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các NĐT, lợi ích của Nhà nước và các chủ thể khác có liên quan.

2. Đánh giá thực trạng pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam hiện nay

2.1. Khái quát pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK

Giao dịch cổ phiếu niêm yết có bản chất là một loại giao dịch dân sự, trong đó đối tượng giao dịch chính là cổ phiếu đã được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán. Đây là hợp đồng mua bán cổ phiếu niêm yết được thiết lập giữa bên bán và bên mua thông qua phương thức giao dịch trung gian tại một thị trường giao dịch tập trung, thống nhất và có tổ chức. Các chủ thể tham gia vào giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK là những chủ thể được xác định cụ thể với từng tên gọi, chức năng, vai trò riêng biệt khi tiến hành hoạt động mua bán cổ phiếu niêm yết trên TTCK, bao gồm: Nhà đầu tư (đóng vai trò bên bán), Nhà đầu tư (đóng vai trò bên mua) và các tổ chức trung gian (là các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán tức làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng), các tổ chức này được gọi là các công ty chứng khoán, được chấp nhận là thành viên tại các Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK). Với đặc thù của đối tượng giao dịch là cổ phiếu niêm yết - một loại tài sản đặc biệt, khác với những tài sản thông thường được lưu hành tự do trong xã hội dân sự, có những giao dịch cổ phiếu niêm yết có giá trị nhỏ, không ảnh hưởng lớn đến thị trường, nhưng cũng có những giao dịch cổ phiếu niêm yết được thực hiện mang giá trị lớn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường kinh tế của quốc gia, do đó, khi thực hiện các giao dịch này cần được tuân thủ theo đúng quy trình, thủ tục và hình thức mà pháp luật hiện hành quy định.

Pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK được xây dựng và hoàn thiện với vai trò như một hành lang pháp lý vững chắc, nhằm bảo đảm cho các hoạt động giao dịch trên TTCK được an toàn, minh bạch và công bằng. Các chủ thể phát hành, chủ thể tham gia mua bán cổ phiếu, chủ thể là trung gian trong việc mua bán cổ phiếu niêm yết, chủ thể quản lý, điều tiết thị trường chứng khoán, đối tượng và phương thức giao dịch cổ phiếu niêm yết đều phải tuân thủ theo sự quản lý và điều tiết của pháp luật chuyên ngành và các đạo luật có liên quan. Dưới góc độ pháp lý, các giao dịch đối với cổ phiếu niêm yết được xem như hoạt động chuyển dịch quyền sở hữu và các lợi ích liên quan đến cổ phiếu niêm yết là đối tượng được chuyển dịch trong các giao dịch. Sở GDCK chấp nhận cho công ty cổ phần được phép niêm yết cổ phiếu của mình để thực hiện các giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung nếu công ty đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định (hiện nay điều kiện niêm yết cổ phiếu được quy định tại Điều 109 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán).

Thị trường chứng khoán là một thị trường tài chính lớn, các giao dịch diễn ra thường xuyên, liên tục với số lượng lớn, do đó để có thể kiểm soát cũng như nắm bắt được toàn diện thị trường và điều tiết một cách có hệ thống, hiệu quả thì bắt buộc tất cả các giao dịch phải được thực hiện theo các nguyên tắc và phương thức chung. Ngoài các quy định về chủ thể, đối tượng tham gia giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK, pháp luật chuyên ngành cũng quy định về nguyên tắc, phương thức thực hiện giao dịch; quy định về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp phát sinh từ giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK... Các quy định của pháp luật là cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể, đồng thời đảm bảo sự an toàn, ổn định khi thực hiện các giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK.

Bên cạnh các quy phạm pháp luật chứng khoán chuyên ngành, các hoạt động giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK còn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật chung có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của Sở GDCK (ngày 31/3/2022, Sở GDCK Việt Nam ban hành Quyết định số 17/QĐ-HĐTV về việc Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết). Quy chế này quy định về việc đăng ký niêm yết, quản lý đăng ký niêm yết, giao dịch chứng khoán niêm yết; xử lý vi phạm đối với tổ chức niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

2.2. Đánh giá chung thực trạng pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK ở Việt Nam

Theo Luật Chứng khoán năm 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển TTCK nói chung và hoạt động giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK nói riêng. Tiếp đó, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, Thông tư này đã tháo gỡ nhiều “nút thắt” cho các nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK. Đến nay, hệ thống pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK đã quy định rõ các chủ thể tham gia vào giao dịch, quy định các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động giao dịch cổ phiếu trên TTCK phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cũng như xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc thực hiện các biện pháp mang tính phòng ngừa, kịp thời khắc phục, xử lý các sự cố, biến động bất thường của hoạt động giao dịch cổ phiếu. Các quy định của pháp luật đã chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán, tiêu chuẩn công ty đại chúng nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán năm 2019, đã bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý thực hiện tái cấu trúc thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết, mở rộng phạm vi hoạt động, các dịch vụ được cung cấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán2. Các quy định về tiêu chuẩn niêm yết trên thị trường thứ cấp ngày càng hoàn thiện, giúp nâng cao chất lượng niêm yết và công tác giám sát giao dịch. Giám sát tuân thủ được tăng cường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng thị trường. Mô hình giám sát hai cấp gồm đơn vị giám sát cấp 1 là các sở giao dịch chứng khoán thực hiện việc giám sát thông qua hệ thống giám sát, nhận diện các dấu hiệu giao dịch bất thường, xử lý những vi phạm thuộc thẩm quyền và UBCKNN là đơn vị giám sát cấp 2 đã bảo đảm tính chủ động, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, giúp TTCK vận hành an toàn, lành mạnh.

Với hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ đã tạo điều kiện cho các giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK ở Việt Nam diễn ra an toàn, ổn định, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù khung pháp lý và thể chế quản lý TTCK, giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK đã liên tục được sửa đổi, bổ sung, ngày một tiệm cận với xu hướng thế giới nhưng một số quy định của pháp luật chứng khoán vẫn không theo kịp sự phát triển của thị trường, còn nhiều kẽ hở để các đối tượng lợi dụng khai thác trục lợi như:

Thứ nhất, các quy định trong Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP về hồ sơ, điều kiện niêm yết được áp dụng cho tất cả các sàn giao dịch (không tách biệt điều kiện ở sàn Hà Nội và TP.HCM), điều kiện niêm yết chung là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên… Quy định này đã tạo điều kiện cho nhiều công ty dễ dàng hợp thức hóa hồ sơ để niêm yết cổ phiếu lên sàn, như vụ việc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã thực hiện các thủ tục niêm yết cổ phiếu Faros lên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) với hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng, (tương ứng 430 triệu cổ phần), mức vốn điều lệ được nâng khống này gấp khoảng gần 3.000 lần giá trị thực3.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán 2019, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK, như hành vi thao túng TTCK còn hạn chế: Luật Chứng khoán chưa có những quy định cụ thể để xác định và nhận diện hành vi thông đồng trong thao túng TTCK, dẫn tới không có cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm, điều này ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà đầu tư và cả các công ty chứng khoán.

Thứ hai, các quy định của pháp luật về việc công bố thông tin và minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp đã được quy định trong Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK. Tuy nhiên, một số vấn đề về minh bạch thông tin vẫn tồn tại, trên TTCK còn xuất hiện tình trạng các công ty đại chúng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin theo quy định, khiến các nhà đầu tư không có thông tin thậm chí là tiếp nhận thông tin sai sự thật từ đó “mất phương hướng” đầu tư. Đơn cử như sự việc của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, tháng 3/2022, Công ty này bị xử phạt vì công bố sai lệch, không công bố thông tin, công bố không đầy đủ nội dung của thông tin cổ phiếu niêm yết.

Thứ ba, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK ở Việt Nam chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm, như các biện pháp xử phạt đối với hành vi thao túng TTCK. Mặc dù Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều điểm mới và tăng mức xử phạt đối với hành vi thao túng chứng khoán, nhưng so với nguồn lợi từ việc thao túng chứng khoán đem lại thì mức xử phạt vi phạm hành chính vẫn rất thấp, vì thế chưa thực sự ngăn chặn được hành vi vi phạm và đảm bảo tính răn đe. Ngoài ra, pháp luật chứng khoán chưa có chế tài xử lý đối với các công ty có cổ phiếu đang bị thao túng giá, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về thao túng TTCK hoặc vi phạm quy định về giao dịch, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán hoặc đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng TTCK mà không có quy định xử phạt đối với công ty có cổ phần bị thao túng.

Thứ tư, các nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trong hoạt động giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK, dẫn đến giao dịch trên TTCK về cơ bản không ổn định, chủ yếu theo tâm lý nhà đầu tư cá nhân. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, nhận thức còn hạn chế, do đó các nhà đầu tư này dễ ra những quyết định giao dịch chưa sáng suốt, có thể gánh chịu thiệt hại do chính mình gây ra hoặc có những tranh chấp với công ty chứng khoán.

3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK. TTCK là thị trường bậc cao, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nhưng không ít các hoạt động có liên quan đến giao dịch, phát hành chứng khoán, lãi suất, cơ chế xác định giá, cơ chế đấu thầu... lại chưa tuân theo nguyên tắc thị trường. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các nguyên tắc, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy TTCK phát triển một cách sâu, rộng, theo hướng minh bạch, đồng bộ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Cần sửa đổi Luật Chứng khoán trên cơ sở đồng bộ và thống nhất với các luật liên quan nhằm phát triển bền vững TTCK trên các khía cạnh, như:

(i) Sửa đổi, bổ sung các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; về chào bán chứng khoán ra công chúng; về chào bán chứng khoán riêng lẻ để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán;

(ii) Sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ cổ phiếu niêm yết; về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, hủy bỏ đợt chào bán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa và xử lý vi phạm trên TTCK. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 và Điều 109 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP về quy định điều kiện niêm yết cổ phiếu đại chúng lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần chặt chẽ hơn, trong đó đặc biệt chú trọng đến điều kiện quy định về mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán, quy định về quy trình hậu kiểm xác định chính xác số tiền thực tế tại thời điểm đăng ký chào bán; quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp để ngăn chặn hành vi khai khống, hợp thức hóa vốn điều lệ.

(iii) Quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn nhà đầu tư, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi tham gia các giao dịch này theo nguyên tắc quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đều được pháp luật bảo vệ như nhau, bất kỳ chủ thể nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý một cách công minh.

(iv) Hoàn thiện các quy định về chủ thể tham gia vào giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK theo hướng:

- Đối với chủ thể trực tiếp thực hiện giao dịch cố phiếu niêm yết trên TTCK là các tổ chức chứng khoán trung gian, cần hoàn thiện các quy định pháp luật đáp ứng được tiêu chí của Tổ chức Quốc tế của các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động hướng tới mục đích: Bảo vệ nhà đầu tư một cách tối đa; Bảo đảm cho thị trường minh bạch, công bằng và hiệu quả; Giảm thiểu tối đa những rủi ro hệ thống trên thị trường.

- Đối với chủ thể chính của giao dịch cổ phiếu niêm yết bao gồm các nhà phát hành và các nhà đầu tư, cần phải hoàn thiện pháp luật theo hướng tạo điều kiện tối đa giúp các chủ thể này có thể dễ dàng tham gia vào thị trường chứng khoán và nhanh chóng nắm bắt được quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi thực hiện các giao dịch cổ phiếu niêm yết. Pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết cần tạo được một cam kết của các chủ thể khi tham gia vào thị trường này bao gồm, năng lực nhận biết pháp luật chứng khoán cũng như nhu cầu tiến hành giao dịch, giúp cho các đơn vị chủ quản nắm bắt được tình trạng nhà đầu tư, hoạt động của nhà phát hành và đưa ra được phương án điều chỉnh, hỗ trợ giúp cho nhà phát hành, nhà đầu tư có thể có được những giao dịch hiệu quả nhất.

Hai là, pháp luật cần quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung về công bố thông tin trên TTCK trong các văn bản pháp lý. Thông tin được công bố phải đảm bảo tính chính xác, minh bạch, kịp thời, dễ tiếp cận, nội dung thông tin công bố phải rõ ràng, không mập mờ và đa nghĩa, mới giúp cho các quyết định đầu tư của nhà đầu tư được chuẩn xác, tăng tính hiệu quả trong đầu tư chứng khoán, hạn chế được các rủi ro. Ngoài ra, việc công bố thông tin kịp thời giúp cho các quyết định đầu tư được đưa ra một cách nhanh chóng, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư có được những cơ hội đầu tư kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ. Để đảm bảo công bằng trong tiếp cận thông tin, cần có chính sách quy định về công bố thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán là yêu cầu bắt buộc với Sở GDCK. Các thông tin này cần được cập nhật liên tục trong phiên giao dịch, chứ không phải công bố sau khi kết thúc phiên như hiện nay.

Ba là, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK. Xem xét nâng cao khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để đảm bảo tính răn đe hướng tới phát triển thị trường minh bạch, ổn định. Đối với các hành vi thao túng chứng khoán, pháp luật Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong việc nâng cao mức phạt đối với hành vi thao túng chứng khoán, bổ sung một số biện pháp “mạnh tay” với các công ty chứng khoán, công ty tài chính có các hành vi thông đồng hoặc các tổ chức, cá nhân thao túng chứng khoán như tước giấy phép, cấm vĩnh viễn giao dịch chứng khoán…, giúp nâng cao ý thức của các chủ thể khi giao dịch trên TTCK.

Bốn là, nâng cao ý thức pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK cho tất cả các chủ thể tham gia hoạt động này. Cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp để các chủ thể tham gia dễ dàng tiếp cận được quy định của pháp luật, nâng cao hiểu biết và kiến thức của các bên khi tiến hành các giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK. Nếu ý thức pháp luật của các chủ thể tham gia giao dịch cố phiếu được nâng cao thì các giao dịch sẽ được thực hiện một cách an toàn, minh bạch, công bằng, quyền và lợi ích của các bên ít bị xâm hại, các tranh chấp hạn chế xuất hiện, từ đó TTCK sẽ phát triển ổn định hơn, hiệu quả hơn.

4. Kết luận

TTCK Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế, để TTCK Việt Nam thật sự trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế thì hệ thống pháp luật phải luôn kịp thời ghi nhận và điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK để các giao dịch bám sát đúng định hướng xây dựng và phát triển TTCK tại Việt Nam. Thời gian tới, pháp luật về giao dịch cổ phiếu niêm yết trên TTCK cần phải được hoàn thiện hơn nữa cả về hệ thống và nội dung điều chỉnh để tạo sức mạnh pháp lý giải quyết các bất cập, tồn tại trong thực tiễn, đồng thời củng cố được một TTCK Việt Nam an toàn, lớn mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018). Giáo trình Luật Chứng khoán. H. NXB Công an nhân dân.

2. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2012), Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

3. Quốc hội, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; 4. Báo cáo tình hình thị trường chứng khoán; Xem lại ML này

4. Lê Vũ Nam, Lê Hà Diễm Châu (2018), “Phá sản công ty niêm yết và một số vấn đề phát sinh”, Tạp chí Chứng khoán, tr. 6-10.

5. Phan Văn Thường (2021), Tăng tính minh bạch cho TTCK. Bài 1: Khi nào thao túng giá cổ phiếu được kiểm soát, Tạp chí chứng khoán số 313.

6. Bộ Tài chính, Báo cáo Sơ kết 4 năm thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025;

7. Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.

3. TTXVN (2024), "Hành trình" nâng khống vốn góp lên hơn 2.000 lần của FLC, truy cập tại https://vnews.gov.vn/news/hanh-trinh-nang-khong-von-gop-len-hon-2000-lan-cua-flc-126350.htm

Legal framework for listed stock trading: An analysis of current regulations and recommendations

Nguyen Thi Thu Phuong

Phenikaa University

Abstract:

The stock market plays a crucial role in driving economic growth and enhancing social welfare, with listed stock transactions serving as its core activity. Ensuring the efficient operation of this market requires a robust and secure legal framework. Currently, listed stock transactions are governed not only by specialized securities laws but also by broader legal instruments such as the Civil Code, Investment Law, and Enterprise Law. This multi-layered legal system aims to create a transparent, fair, and secure trading environment. This article examines the legal framework regulating listed stock transactions, identifies existing limitations, and proposes legal reforms to enhance market stability, protect investor rights, and promote the sustainable development of the stock market.

Keywords: listed stocks, securities trading law, stock exchange.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 2 năm 2025]

Tạp chí Công Thương