Giao dịch gạo toàn cầu năm 2015 sẽ đạt mức kỷ lục

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2015 được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 41,3 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2014.

Nguyên nhân do dự báo lượng gạo được khu vực Hạ-Sahara Châu Phi và Trung Quốc nhập khẩu tăng lên mức kỷ lục, cùng với đó là mức giá gạo trên toàn cầu giảm xuống và nguồn cung gạo dư thừa từ khu vực Châu Á.

USDA dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu được 10 triệu tấn gạo trong năm 2015, tăng 1 triệu tấn so với năm 2014 và đây cũng là mức cao nhất kể từ mức cao kỷ lục 10,6 triệu tấn trong năm 2011. Qua đó giúp Thái Lan giành lại vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2015.

Lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2015 được dự báo đạt 9 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với năm 2014; nguyên nhân chủ yếu do gạo Ấn Độ chịu sự cạnh tranh mạnh từ gạo Thái Lan. Trong giai đoạn từ năm 2012 – 2014, Ấn Độ đã vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo USDA, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo trong năm 2015, tăng 3% so với năm 2014 do sản lượng lúa gạo đạt mức cao kỷ lục, trong khi đó, mức tiêu thụ gạo của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ. Trong năm 2012, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 7,7 triệu tấn.

Lượng gạo xuất khẩu của Pakistan trong năm 2015 được USDA dự báo sẽ tiếp tục tiệm cận mức cao kỷ lục, đạt 3,9 triệu tấn, không đổi so với năm 2014 do sản lượng gạo tăng cao.

Về phía các nước nhập khẩu gạo, tại khu vực Đông Á, Trung Quốc được dự báo sẽ nhập khẩu lượng gạo kỷ lục với 3,7 triệu tấn trong năm 2015, tăng 0,5 triệu tấn so với năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu sử dụng gạo tại Trung Quốc ở mức cao trong khi đó sản lượng gạo chỉ tăng nhẹ và giá gạo trên thị trường quốc tế thấp hơn so với giá gạo nội địa.

Tại Đông Nam Á, lượng gạo được Indonesia nhập khẩu trong năm 2015 được USDA dự báo đạt 1 triệu tấn, giảm 0,5 triệu tấn so với năm 2014 do nguồn cung gạo tăng lên. Philippines cũng được dự báo chỉ nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo trong năm 2015, giảm 0,2 triệu tấn trong năm 2014. Lượng gạo được Maylasia nhập khẩu trong năm 2015 được dự báo sẽ không đổi so với năm 2014, đạt mức kỷ lục 1,1 triệu tấn. Lượng gạo nhập khẩu đáp ứng đến 40% lượng gạo được tiêu thụ hàng năm tại Malaysia.

Dự báo lượng gạo được khu vực Nam Á nhập khẩu trong năm 2015 sẽ giảm 20% so với năm 2014.

Trong khi đó, khu vực Hạ-Saharra được dự báo sẽ nhập khẩu gạo ở mức kỷ lục trong năm 2015 với 12,75 triệu tấn gạo. Nigeria sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực này và là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Trong năm 2015, USDA dự báo Nigeria sẽ nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo, tăng 17% so với năm 2014 do sản lượng gạo nội địa nước này giảm xuống trong khi đó nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Bờ Biển Ngà sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2015, tăng 4% so với năm 2014. Dự báo lượng gạo được Nam Phi nhập khẩu trong năm 2015 sẽ không đổi so với năm 2014, đạt 1,1 triệu tấn gạo.

Lượng gạo được các nước tại khu vực Trung Đông nhập khẩu như Iran, Iraq, Ả-rập Saudi và UAE dự báo sẽ tăng lên trong năm 2015; gạo nhập khẩu đáp ứng tới 3/4 nhu cầu sử dụng gạo của khu vực này. Khu vực Châu Âu sẽ nhập khẩu 1,4 triệu tấn gạo trong năm 2015, tăng 4% so với năm 2014.

Trong năm 2014, lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu được dự báo đạt 40,7 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2013. Hoạt động giao thương gạo trong năm 2014 chủ yếu chịu ảnh hưởng từ nhu cầu nhập khẩu gạo của khu vực Hạ - Sahara Châu Phi, Đông Nam Á và Trung Quốc tăng mạnh. Trong năm 2014, dự báo Ấn Độ sẽ xuất khẩu được 10 triệu tấn gạo và tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thái Lan được dự báo sẽ xuất khẩu 9,0 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng 2,3 triệu tấn so với năm 2013 do giá gạo giảm thấp khi Chính phủ Thái Lan xả bán kho gạo. Việt Nam được USDA dự báo sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới trong năm 2014 với lượng gạo xuất khẩu đạt 6,5 triệu tấn, giảm 0,2 triệu tấn so với năm 2013. Lượng gạo xuất khẩu của Pakistan được dự báo sẽ tiệm cận mức kỷ lục trong năm 2015, đạt 3,9 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với năm 2013.

Đặng Quang (Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ)