Giao thông Đèo Cả (HHV) hưởng lợi từ tăng giá vé BOT và ngân sách đầu tư công "khủng"

Sau khi ghi nhận lãi ròng nửa đầu năm nay tăng 27%, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm.
Giao thông Đèo Cả
Giao thông Đèo Cả được kỳ vọng sẽ hưởng lợi đáng kể khi Chính phủ thúc đẩy đầu tư công trên toàn quốc ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV - sàn HoSE) vừa có văn bản giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) về việc kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, luỹ kế nửa đầu năm nay, Giao thông Đèo Cả ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 1.503 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 48% kế hoạch cả năm 2024.

Theo ban lãnh đạo Giao thông Đèo Cả, hai hoạt động chính đóng góp phần lớn doanh thu của công ty là hoạt động thu phí tại các dự án BOT (khoảng 64% doanh thu) và hoạt động thi công xây lắp (khoảng 33% doanh thu). Cả hai hoạt động đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu thu phí 6 tháng đầu năm 2024 đạt 962,2 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu xây lắp đạt gần 500 tỷ đồng, cũng tăng gần 52% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu đến từ dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự án hiện đang được công ty gấp rút thi công ở các giai đoạn cuối cùng.

Tương ứng với việc tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 cũng tăng 27% so với cùng kỳ, ghi nhận đạt gần 244 tỷ đồng.

Giao thông Đèo Cả là doanh nghiệp xây dựng hạ tầng và vận hành trạm BOT thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả. Trong đó, mảng thu phí BOT đóng góp khoảng 60% và mảng xây lắp chiếm 37% tổng doanh thu.

Với năng lực thi công cao và áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, Giao thông Đèo Cả được chọn làm nhà thầu nhiều công trình quan trọng như Hầm Đèo Cả, Hầm Cù Mông, Hầm Hải Vân 2. Công ty cũng đang quản lý, vận hành ổn định 9 trạm thu phí BOT, giúp thu về nguồn tiền đều đặn.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phục hồi và được dự báo duy trì mức tăng trưởng cao, Giao thông Đèo Cả được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong dài hạn khi nhu cầu vận chuyển hàng hoá - hành khách tăng lên.

Giá cổ phiếu HHV Giao thông Đèo Cả
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HHV của Giao thông Đèo Cả từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Giao thông Đèo Cả (HHV): Trúng thầu quản lý, vận hành thêm 03 hầm đường bộ lớn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trên thực tế, lưu lượng xe qua các trạm thu phí của Giao thông Đèo Cả trong quý 2/2024 đạt hơn 8,3 triệu lượt xe, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tổng quy mô 8.900 tỷ đồng) chính thức hoàn thành và được thu phí đường bộ từ cuối tháng 5/2024, với lưu lượng xe hơn 9.000 xe/ngày.

Đáng chú ý, vào cuối năm 2023, Giao thông Đèo Cả đã chính thức được chấp thuận tăng giá thu phí tại 4 trạm (trạm Đèo Cả, An Dân, Cù Mông và Ninh Lộc) với mức tăng trung bình khoảng 18%.

Đối với mảng xây lắp, Giao thông Đèo Cả được nhận định sẽ hưởng lợi đáng kể khi Chính phủ thúc đẩy đầu tư công trên toàn quốc ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hiện Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc sẵn sàng hoạt động. Trong nửa đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 6 dự án đường bộ và 1 dự án đường sắt.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị bổ sung gần 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án nhóm B và dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ giao 67.955 tỷ đồng kế hoạch 2024 vốn ngân sách trung ương. Bộ Giao thông Vận tải cũng được kéo dài giải ngân kế hoạch 2023 sang năm 2024 khoảng 3.329 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng kế hoạch đầu tư năm 2024 là 71.284 tỷ đồng.

Duy Quang