Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dưới 2%
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu nhiều sức ép. Trước hết là vấn đề lạm phát. Trong kịch bản xấu nhất, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất 3 lần vào tháng 2, tháng 3 và tháng 5. Nếu xảy ra đúng như dự kiến, sẽ đưa toàn cầu vào cuộc đua tăng lãi suất, khiến tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên và tăng trưởng kinh tế thu hẹp lại.
Tiếp theo là cuộc chiến giữa Nga-Ucraina chưa có dấu hiệu dừng lại, và khó dự đoán thời điểm kết thúc. Cả 3 kịch bản cho cuộc xung đột này: Vẫn nhùng nhằng như hiện nay; bùng phát dữ dội hơn; ngồi vào bàn đàm phán đều chưa có tín hiệu rõ ràng nghiêng về phía nào. Và do đó, tất cả các dự báo về sự đứt gãy chuỗi cung ứng cho đến nay vẫn chỉ là những giả thiết mang tính tham khảo.
Thứ ba, cạnh tranh kinh tế giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chưa định hình được. Năm 2022, Mỹ đã nhiều lần cân nhắc dỡ bỏ một phần các trừng phạt thuế quan dưới thời Tổng thống D. Trump nhưng chưa quyết định. Năm 2023 sẽ thế nào, đến nay chưa có gì rõ ràng.
Mặc dù có nhiều nhân tố “chưa rõ ràng”, nhưng một điều chắc chắn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm trong năm nay. Một Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào ngày 10/1 năm nay cho thấy, GDP toàn cầu chỉ đạt 1,7%, mức thấp nhất kể từ năm 1993, không tính giai đoạn 2009 - 2020. Trước đó, ngân hàng này từng dự báo mức tăng trưởng 3%. Theo WB, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nền kinh tế phát triển, như Mỹ hay Eurozone, có thể là chỉ báo cho một cuộc suy thoái toàn cầu mới, chỉ chưa đầy 3 năm so với lần trước.
Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng Tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó. Dự báo cho thấy tình hình kinh tế toàn cầu năm nay vẫn u ám với nguy cơ suy thoái ở nhiều nước.
Fitch Ratings dự báo GDP toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh giảm một lần nữa khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát và triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc xấu đi. Còn Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Georgieva cảnh báo ngày càng có nhiều nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 dưới mức 2% như đã từng xảy ra trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Theo IMF, hơn 33% số nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong năm nay, trong đó hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu bị đình trệ. Bà Georgieva cũng bày tỏ sự lo ngại về “sự sụt giảm đồng thời ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc”, đặc biệt là tình hình tại Trung Quốc bởi thế giới đã phụ thuộc nhiều vào nước này để tăng trưởng.
Một tổ chức quốc tế khác là Công ty dịch vụ tài chính Citigroup đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống mức 2%. Citigroup đã nêu ra những thách thức kéo dài mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt như đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, vốn đã khiến lạm phát tăng phi mã, buộc các nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
3 trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế
Với độ mở kinh tế rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 200% GDP, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động khá mạnh từ những bất ổn toàn cầu. Cả 3 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc và EU (đứng thứ nhất, thứ hai và thứ năm) đều tăng trưởng chậm lại. Điểm tích cực duy nhất ở 3 thị trường này là Trung Quốc sẽ từng bước mở cửa sau khi thay đổi chính sách kiểm soát dịch Covid-19, nhưng theo tính toán của Bloomberg, khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, lạm phát của Mỹ cuối năm 2023 sẽ tăng 5,7%, gây ra làn sóng lan truyền lạm phát trên thế giới, và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách tiền tệ nước ta.
Trong bối cảnh có nhiều thách thức, ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: “Về các động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, tôi cho rằng vẫn là thể chế, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. EU vẫn là thị trường hứa hẹn với Việt Nam năm 2023, chúng ta nên tập trung xuất khẩu vào thị trường này".
Theo đánh giá, kết quả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước năm 2022 đã có những đóng góp quan trọng vào con số tăng trưởng kỷ lục 8,02%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10,6%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 96% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Cùng với đó, hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 19,8 %, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%).
Bước sang năm 2023 này, với sự tăng trưởng chậm lại của những nền kinh tế lớn, cũng là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Bộ Công Thương đã đề ra các giải pháp nhằm hóa giải những tác động bất ổn đến từ bên ngoài, đó là chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Tập trung xây dựng Luật phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.
Song song đó, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng XNK. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Chú trọng quản lý nhập khẩu.
Đồng thời, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, mở rộng thị trường nước ngoài, nhất là thị trường FTAs, khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân sẽ tiếp tục là 3 trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023.