Tiếp cận bình đẳng
Thương mại toàn cầu vẫn đang diễn biến khó lường do tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dị biệt, nhất là tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng; lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia khiến xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực tăng chậm lại.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để doanh nghiệp tiếp cận tới mọi thị trường và là con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới.
Chia sẻ về cơ hội xuất khẩu trực tuyến tại một hội thảo cuối năm trước, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cho biết, nếu như trước kia sản lượng xuất khẩu của công ty chỉ chiếm từ 5-7% tổng doanh thu; nhưng kể từ khi áp dụng xuất khẩu trực tuyến, sản lượng xuất khẩu năm 2019 đã tăng 13%, và năm 2020 đã xấp xỉ 20% sản lượng xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyến.
Có thể nói, thương mại điện tử đã hiện thực hóa nền thương mại không biên giới trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian và xã hội. Giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận với khách hàng nước ngoài một cách bình đẳng so với doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính hùng hậu.
Mặc dù lợi ích của xuất khẩu trực tuyến rất rõ ràng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng lên sàn thương mại điện tử thực hiện xuất khẩu, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam lại chỉ ra lý do cơ bản rằng trong số hơn 1.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động về xuất nhập khẩu nhưng mới có 49% doanh nghiệp có website về thương mại điện tử, chỉ 11% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, và 2% doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động.
Nguyên nhân chính là doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không biết làm thương hiệu, chỉ làm gia công cho khách hàng theo kiểu bán trực tiếp cho thương lái hoặc tìm kiếm khách hàng tại các hội chợ triển lãm quốc tế, chưa quan tâm đến Thương mại điện tử hoặc chưa có kiến thức về thương mại điện tử quốc tế. Và như thế đã tước đi cơ hội bình đẳng với doanh nghiệp lớn về tiếp cận khách hàng xuyên biến giới.
Kết nối trực tuyến
Nhận ra điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động giúp các doanh nghiệp kết nối trực tuyến với đối tác nước ngoài. Cục XTTM đã trực tiếp tổ chức và phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm các chương trình giao thương, hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giầy, logistics... tại các thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EVFTA, CPTPP, Nam Á, châu Phi,...
Đồng thời, tổ chức các phiên tư vấn xuất khẩu theo hình thức trực tuyến cung cấp thông tin liên quan đến các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng (lúa gạo, chè, thanh long, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ, sản phẩm công nghiệp…) của các nước/thị trường trên thế giới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thụy Sĩ, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ…).
Bên cạnh đó, tổ chức chuỗi chương trình giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng bắt đầu từ tháng 7/2022 nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường, phục vụ công tác tham mưu, tư vấn chính sách và điều hành hoạt động XTTM, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.
Trước đó, Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp với hai nền tảng thương mại hàng đầu thế giới là Amazon và Alibaba triển khai các chương trình tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thiết lập các gian hàng thông qua mạng lưới bán lẻ của họ.
Với Amazon, 2 bên thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp từ cuối 2019 đến 2021 với các nội dung chính gồm: Chương trình Xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử; Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thương mại điện tử với Amazon; Chương trình Đào tạo về thương mại điện tử.
Với Alibaba, từ cuối năm 2020, hai bên triển khai chương trình gồm chuỗi sự kiện huấn luyện, đào tạo cho doanh nghiệp nhằm tư vấn trực tiếp và kết nối doanh nghiệp với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho chương trình. Hoạt động đã thu được các kết quả đáng khích lệ với hơn 1000 doanh nghiệp đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực TMĐT và hơn 50 doanh nghiệp tiềm năng sẽ lên sàn thành công trong các ngành như nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến đóng gói”
Ngoài việc hỗ trợ tiếp cận khách hàng toàn cầu một cách bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các chuyên gia nhận xét rằng, cách làm của Bộ Công Thương hết sức nhất quán ở chỗ, vừa hỗ trợ trực tiếp, vừa xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Với hàng Việt, Bộ đứng ra tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, nhưng cũng phối hợp với nhiều hệ thống phân phối nước ngoài tại Việt Nam như Lotte, Big C, Aeon… đưa hàng Việt ra nước ngoài. Với xuất khẩu trực tuyến, Bộ cũng đứng ra tổ chức hội nghị kết nối trực tuyến với đối tác nước ngoài, và phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Amazon hat Alibaba để hỗ trợ doanh nghiệp.