Phát triển bền vững xuất khẩu gạo của Việt Nam

TS. TRẦN THỊ HOÀNG HÀ - TS. NGUYỄN THỊ THANH NHÀN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu cơ sở lý luận về phát triển bền vững xuất khẩu nông sản nói chung và đánh giá thực trạng phát triển bền vững xuất khẩu gạo của Việt Nam. Kết quả của nghiên cứuchỉ ra rằng, xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam còn thiếu tính bền vững trên các khía cạnh: giá xuất khẩu bình quân còn thấp, cơ cấu thị trường chưa được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu không duy trì được sự ổn định. Trên cơ  sở đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý khuyến nghị nhằm khắc phục hạn chế trong phát triển bền vững xuất khẩu nông sản.

Từ khóa: phát triển bền vững xuất khẩu, xuất khẩu gạo, xuất khẩu nông sản.

1. Kết quả nghiên cứu

1.1. Khái quát về thực trạng xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Theo ước tính của liên Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho nông dân

1.2. Thực trạng phát triển bền vững xuất khẩu gạo Việt Nam

1.2.1. Về sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu

Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt  Nam giai đoạn 2016-2020

xuất khẩu gạo

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Bảng 1 cho thấy, năm 2018, sản lượng gạo xuất khẩu ước tính đạt 6,1 triệu tấn, gấp 3,8 lần sản lượng gạo xuất khẩu năm 1990; kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, gấp hơn 11 lần, từ 275,4 triệu USD năm 1990 lên 3,0 tỷ USD năm 2018.

1.2.2. Về cơ cấu mặt hàng gạo xuất khẩu

Bảng 2. Tỷ trọng cơ cấu  gạo xuất khẩu của  Việt Nam
giai đoạn 2015-2020

xuất khẩu gạo

Nguồn: Báo cáo thị trường gạo các năm

Số liệu ở Bảng 2 cho thấy, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu các chủng loại gạo chủ yếu gồm: gạo trắng, gao Japonica, gạo Jasmine và gạo thơm, gạo nếp. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã có sự dịch chuyển theo hướng tỷ trọng gạo trắng đang giảm dần, các loại gạo còn lại tăng tỷ trọng khá nhanh trong những năm qua. Các chủng loại gạo giống mới có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường cao cấp. Năm 2015, tỷ trọng gạo trắng là 53%, đến cuối năm 2020 tỷ trọng gạo trắng đã giảm chỉ còn 32,5% (số liệu tổng hợp 11 tháng đầu năm 2020).

Cơ cấu chủng loại xuất khẩu gạo từ năm 2018 đã thay đổi đáng kể. Loại gạo trắng đã giảm còn 51% tổng giá trị gạo xuất khẩu, gạo Jasmine và gạo thơm các loại đã tăng lên 32%, gạo dẻo các loại chiếm 12% và gạo hạt tròn (Japonica) chiếm khoảng 5%. Đặc biệt, các loại gạo chất lượng thấp chỉ chiếm 2%.

1.2.3. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo

Trong những năm gần đây, gạo Việt Nam xuất khẩu tới hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xét về cơ cấu thị trường có thể thấy, gạo của Việt Nam hiện có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm đa dạng như: gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ. Trong đó, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là thị trường cung cấp gạo nhiều nhất cho Trung Quốc (chiếm xấp xỉ 50% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang một số thị trường chính đều có xu hướng giảm trong giai đoạn 2013 - 2018.

Bảng 3. Kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam
sang một số thị trường chính 2019, 2020

xuất khẩu gạo

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tính đến năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường. Các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu. Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2019 được bù đắp từ nhu cầu thị trường Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và một số thị trường châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana. Trong năm 2019, châu Á vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam, đạt 3,68 triệu tấn, chiếm 58% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong đó, Philippines trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 2,13 triệu tấn, chiếm 33,5% trong tổng xuất khẩu cả nước. Nhu cầu từ Philippines đã bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu mạnh của một số thị trường truyền thống của Việt Nam. Châu Phi là thị trường khu vực lớn thứ hai, đạt 1,39 triệu tấn, chiếm 21,9%. Trong đó, Bờ Biển Ngà (583.579 tấn, chiếm 9,2%) và Ghana (427.187 tấn, chiếm 6,7%) là 2 thị trường tiêu biểu.

Xét cả giai đoạn 2011 - 2018, giá gạo xuất khẩu thường có tác động hỗ trợ cho kim ngạch khi thị trường có nhu cầu cao về số lượng. Tuy nhiên, khi nguồn cung thế giới đảm bảo, giá gạo xuất khẩu thậm chí còn tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu, do Việt Nam tập trung vào phân khúc gạo chất lượng trung bình hoặc chất lượng gạo thấp. Tuy nhiên từ năm 2011 đến nay, chủng loại gạo xuất khẩu cũng đã dần có sự dịch chuyển. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gạo cao hơn. Tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu chủ yếu do chất lượng gạo Việt Nam cải thiện tương đối rõ nét, tỷ lệ gạo cao cấp trong sản lượng gạo xuất khẩu ngày càng tăng là nguyên nhân nâng giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam tăng lên. Năm 2018 - 2019, lượng gạo cao cấp và gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu chiếm trên 60%, phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12%. Đây là tỷ lệ “đảo chiều” theo hướng tích cực so với 10 năm trước, khi tỷ lệ xuất khẩu gạo cao cấp và gạo thơm chiếm chưa đến 10%.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng hầu hết sản phẩm gạo không mang thương hiệu Việt Nam. Việt Nam đã có một số thương hiệu gạo trên thị trường nội địa (Điện Biên, Tám xoan Hải Hậu, Sohafarm Nông trường Sông Hậu). Song trên thị trường thế giới chỉ có bao bì mang tên “Gạo trắng Việt Nam”, “Gạo 5% tấm Việt Nam”, “Gạo 25% tấm Việt Nam”. Trong khi Thái Lan có các thương hiệu gạo nổi tiếng như: Khaw Dawk Mali, Thai Hom Mali, Thai Pathumthani, Jasmine 85. Ấn Độ và Pakistan có gạo Basmati.

1.2.4. Về giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn

Theo quan sát thực tiễn tại một số vùng trồng lúa trọng điểm của nước ta hiện nay, do tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất lao động tăng nhanh. Cùng với đó, lượng lao động liên quan trực tiếp tới trồng lúa ở khu vực nông thôn giảm mạnh. Trên phương diện xã hội, mở rộng sản xuất lúa nói chung và sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu nông sản không làm gia tăng việc làm cho khu vực nông thôn.

1.2.5. Về tác động của sản xuất gạo với môi trường

Mặt hàng gạo cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam. Khi đánh giá hoạt động trồng và chế biến gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn phục vụ xuất khẩu gạo của nước ta), Ngân hàng Thế giới cho rằng hoạt động trồng lúa ở nước ta đang gây ra tác động lớn trên các phương diện: thoái hóa đất, ô nhiễm nước và không khí, thiếu nước nhiễm mặn và phát thải khí nhà kính. Quá trình sản xuất lúa gạo, người nông dân đã sử dụng khá nhiều các loại vật tư nông nghiệp gây ra ô nhiễm đất, nước và không khí. Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất của cây lúa, chúng ta sử  dụng nhiều giống lúa mới và gia tăng tần suất trồng và thu hoạch nên hầu như đất không được ”nghỉ ngơi” dẫn đến thoái hóa đất.

2. Hàm ý và khuyến nghị

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy xu hướng dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu gạo theo định hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Để thực hiện định hướng này, quy hoạch sản xuất lúa, chỉ đạo việc cung ứng vật tư, cơ cấu giống, thực hiện kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng gạo đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có giải pháp đảm bảo về chất lượng gạo như quan tâm đầu tư nâng cấp công nghệ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, tăng cường đầu tư cho công nghiệp xay xát, chế biến gạo, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản gạo.

Thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu gạọ chú trọng tìm kiếm khách hàng mới nhằm mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một khu vực thị trường có tính trọng điểm. Điển hình trong năm 2021, khi diễn biến dịch Covid  - 19 phức tạp tại thị trường Trung Quốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề thị trường, các doanh nghiệp phải chủ động tìm bạn hàng và phương thức kinh doanh thích hợp để xâm nhập, duy trì và mở rộng chỗ đứng trên thị trường gạo thế giới. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa khách hàng và tận dụng cả những hợp đồng có khối lượng không lớn nhưng có tiềm năng phát triển.

Thứ ba, thúc đẩy các giải pháp xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại trực tiếp như tham giam hội chợ triển lãm ở nước ngoài, xúc tiến thương mại trực tiếp đến các nhà phân phối lớn tại một số thị trường trọng điểm

Thứ tư, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục cung cấp thông tin về tình hình cung - cầu gạo, thị trường trong và ngoài nước, khách hàng nhập khẩu, giá cả và dự báo thương mại gạo, thông tin về xuất khẩu và tiêu thụ thóc, gạo trên trang thông tin điện tử để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có cơ sở tham khảo, định hướng sản xuất, kinh doanh. Tăng cường nắm sát tình hình thị trường; cập nhật tình hình giá thóc, gạo trong nước; giá thóc, gạo xuất khẩu; lượng gạo tồn kho của hội viên Hiệp hội và kịp thời đề xuất các giải pháp cần thiết trong công tác điều hành để thúc đẩy xuất khẩu, giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.

Thứ năm, các cơ quan chuyên môn của địa phương cần có hướng dẫn để tăng năng suất trồng lúa cân bằng với tình trạng thoái hóa đất, ô nhiễm nước tại khu vực trồng lúa thông qua các giải pháp kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chu Văn Cấp, Nguyễn Đức Hà (2013). Xuất khẩu hàng hóa bền vững: Giải pháp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Tạp chí Hội nhập và Phát triển, 12(22), 3-6.
  2. Võ Hùng Dũng (2011). Cải thiện chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam. VCCI, Tham luận tại Hội nghị toàn thể ISG “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu”.
  3. Nguyễn Thị Đường (2011). Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Luận án tiến sĩ kinh tế - Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương.
  4. Trần Tiến Khải (2010). Chính sách xuất khẩu lúa gạo Việt Nam và những vấn đề cần điều chỉnh. Kỷ yếu Hội thảo Khoa kọc Xã hội và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ.

SUSTAINABLE DEVELOPMENT FOR VIETNAM’S RICE EXPORT

Ph.D TRAN THI HOANG HA

Ph.D NGUYEN THI THANH NHAN

Thuongmai University

ABSTRACT:

This study researches the theoretical basis for sustainable development of agricultural exports in general. The study finds out that Vietnam’s rice exports lack the sustainability with low average export price, small market, and unstable export turnover. Based on the study’s findings, some recommendations are proposed to help Vietnam overcome these shortcomings in order to sustainably export agricultural products.

Keywords: sustainable development, rice export, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]