Thực trạng hoạt động sản xuất - kinh doanh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên

ThS. ĐÀO ANH XUÂN (NCS. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng hoạt động sản xuất - kinh doạnh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) trên địa bàn tỉnh Phú Yên; từ đó xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTXDVNN trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Từ khóa: sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã, dịch vụ nông nghiệp, tỉnh Phú Yên.

1. Đặt vấn đề

Hợp tác xã (HTX) nói chung, hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) nói riêng là một tổ chức kinh tế phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới từ cách đây khoảng 200 năm. Mô hình hợp tác xã không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia (Suwanna, 2011). Sự ra đời Luật Hợp tác xã, cùng với nhiều Nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước đã giúp cho HTXNN có sự chuyển đổi tích cực, thực sự là chỗ dựa cho kinh tế hộ thành viên, giúp nông dân khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới (Nguyễn Văn Biên và Nguyễn Đắc Thắng, 2004).

Hoạt động của HTXNN ở giai đoạn này chủ yếu là làm dịch vụ cho kinh tế hộ (gọi là HTXDVNN). So với mục tiêu và đòi hỏi thực tế, nhìn chung, HTXDVNN hoạt động kém hiệu quả, một số hợp tác xã sản xuất - kinh doanh thua lỗ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (Trần Đức Viên và Nguyễn Việt Long, n.d.). Trong đó, hạn chế lớn nhất là các HTXDVNN tại Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng sau khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, không còn bao cấp của Nhà nước là sức cạnh tranh thấp, hiệu quả chưa cao (Chu Thị Hảo và Naoto, 2003; Hoàng Vũ Quang, 2016). Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 78 HTXDVNN đang hoạt động, chiếm hơn 50% số lượng hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhưng số lượng HTXDVNN hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả chiếm tỷ lệ lớn, có hơn 40% số HTXDVNN được xếp loại trung bình và yếu.

Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu trực tiếp, toàn diện về kết quả kinh doanh của HTXDVNN trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm hệ thống hóa các cơ sở lý luận liên quan đến hoạt động kinh doanh của HTXDVNN, xác định nguyên nhân nào ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTXDVNN trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

2. Kết quả hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên

2.1. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTXDVNN

Qua kết quả khảo sát cho thấy, hơn 98,72% HTXDVNN trên địa bàn tỉnh Phú Yên có hoạt động sản xuất -kinh doanh. Các hoạt động dịch vụ sản xuất - kinh doanh của HTXDVNN chủ yếu gồm: cung ứng vật tư đầu vào; tổ chức cung ứng dịch vụ làm đất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cung cấp dịch vụ điện, tín dụng nội bộ, kinh doanh xăng dầu, xây dựng cơ bản,... Những dịch vụ kinh doanh mang lại doanh thu và lợi nhuận cho HTXDVNN.

Hình 1: HTXDVNN tỉnh Phú Yên thực hiện các dịch vụ kinh doanh

hợp tác xã

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Hình 1 cho thấy, dịch vụ kinh doanh HTXDVNN thực hiện nhiều nhất là dịch vụ cày đất với 49 HTX chiếm tỷ lệ 62,82%. Nhằm tạo sự đồng bộ trong các khâu sản xuất, từ làm đất đến gieo sạ điều tiết nước và thu hoạch, qua mỗi mùa vụ, HTXDVNN hợp đồng và phân bổ diện tích đất cày cho từng thành viên có máy cày, thống nhất giá và thời gian cày để đảm bảo gieo sạ hết diện tích, đúng thời vụ. Cày theo lịch HTXDVNN đã đưa ra và cày đúng yêu cầu kỹ thuật do HTX quy định, có sự kiểm tra giám sát của thành viên có ruộng và HTXDVNN. Khi thực hiện xong dịch vụ, HTXDVNN thanh toán cho các chủ máy cày, đến vụ mùa HTXDVNN mới thu tiền của thành viên. Hoạt động này mang lại rủi ro cho HTXDVNN, vì đến vụ thu hoạch, nhiều hộ thành viên không có tiền để thanh toán, trong thực tế còn nhiều thành viên nợ tiền làm đất kéo dài từ nhiều năm nay.

2.2. Doanh thu của các HTXDVNN

Bảng 1. Doanh thu của HTXDVNN

hợp tác xã

Nguồn: Số liệu tổng hợp của tác giả

Bảng 1 cho thấy các doanh thu bình quân của hợp tác xã xếp loại yếu là 271 triệu đồng, thấp nhất trong các hợp tác xã. Bởi vì, hợp tác xã xếp loại yếu quản lý diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ thấp nhất, gần 10% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp các hợp tác xã quản lý, nhưng diện tích đất bình quân/HTX lại cao nhất là 642,36ha/hợp tác xã. Điều đó có thể lý giải rằng, tuy chỉ có 5 HTX xếp loại yếu, nhưng có những HTX quản lý đất diện tích nông nghiệp lớn và đây chủ yếu là diện tích đất đồi núi, đất trồng cây lâu năm. Do vậy, các HTX không thực hiện được các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như những HTX có diện tích đất trồng lúa nước. Đó chính là lý do các HTX cung cấp ít dịch vụ nhất (gần 4 dịch vụ/HTX) so với các HTX xếp loại trung bình và loại khá, doanh thu bình quân/HTX cũng thấp, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém. Ngược lại, các HTX xếp loại khá quản lý diện tích đất sản xuất lúa nước lớn (502,48ha/HTX) và cung cấp nhiều dịch vụ cho các hộ thành viên, nên doanh thu cũng tăng theo (HTX loại khá có thu nhập cao nhất là 5.805 triệu đồng/HTX so với 776 triệu đồng/HTX loại khá và 271 triệu đồng/HTX loại yếu).

Các HTXDVNN ở vùng núi có quản lý diện tích đất nông nghiệp 29,13% tổng diện tích các HTX quản lý, thấp hơn các HTXDVNN ở vùng đồng bằng, nhưng bình quân 1 HTXDVNN ở vùng núi có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất là 686,54ha, cao hơn rất nhiều so với các HTXDVNN ở khu vực đô thị, chỉ có 175,39ha. Cũng giống như các HTX loại yếu ở trên, các HTXDVNN ở khu vực miền núi quản lý diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất đồi núi, đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất lúa nước rất hạn chế. Do vậy, các HTXDVNN không cung cấp được các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như những HTX có diện tích đất trồng lúa nước. Đó chính là lý do các HTXDVNN thực hiện ít dịch vụ nhất so với các loại HTXDVNN còn lại (4,2 dịch vụ/HTX), doanh thu bình quân/HTX cũng thấp so với các HTXDVNN ở vùng đồng bằng và khu vực đô thị (Bảng 1) dẫn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh không cao. Ngược lại, các HTXDVNN vùng đồng bằng quản lý diện tích đất sản xuất lúa nước lớn (479,95ha/HTX) và cung cấp nhiều dịch vụ cho các hộ thành viên (bình quân hơn 8 dịch vụ/HTX), do vậy doanh thu cũng tăng theo (bình quân 1 HTXDVNN vùng đồng bằng có doanh thu cao gấp gần 2 lần các HTXDVNN ở khu vực đô thị và gấp gần 4 lần các HTXDVNN ở vùng núi).

Các HTXDVNN thực hiện ít dịch vụ (từ 1-4 dịch vụ) có diện tích đất nông nghiệp HTXDVNN quản lý thấp, chiếm tỷ lệ 13,33% và bình quân mỗi HTXDVNN cũng thấp hơn các HTXDVNN khác, có 277,29ha. Điều đó giải thích rằng, đây là các HTXDVNN mới thành lập, chưa có điều kiện để thực hiện được nhiều dịch vụ cho thành viên. Hơn nữa, có một số HTXDVNN không có hoặc có rất ít đất sản xuất lúa nước, nên hạn chế về dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, các HTXDVNN thực hiện nhiều dịch vụ có diện tích đất nông nghiệp cao lần lượt là 486,55ha/HTX đối với những HTX thực hiện từ 5-9 dịch vụ và cao nhất là các HTX thực hiện trên 10 dịch vụ, với 574,15ha. Nhờ có diện tích đất trồng lúa nước lớn nên các HTXDVNN cung cấp nhiều dịch vụ cho các hộ thành viên và cộng đồng, do vậy thu nhập của HTXDVNN cũng tăng theo.

Tóm lại, các HTXDVNN quản lý diện tích đất nông nghiệp dùng để sản xuất lúa nước lớn sẽ cung cấp nhiều dịch vụ đầu vào, cũng như đầu ra để phục vụ thành viên thì doanh thu của HTXDVNN cũng tăng theo và kết quả sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả hơn và ngược lại.

2.3. Tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của các HTXDVNN

Kết quả khảo sát cho thấy 97,43% HTXDVNN có lợi nhuận trước thuế dương. Năm 2014, doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 2.800 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế bình quân 130 triệu đồng (chiếm 4,64% doanh thu). Năm 2016 doanh thu bình quân tăng 14,12% so với năm 2014; doanh thu năm 2018 giảm 2,38% so với năm 2016 (nguyên nhân chính là do số lượng HTX giảm) và doanh thu bình quân năm 2020 tăng 6,72% so với 2018. Năm 2020, nhiều HTXDVNN có mức doanh thu rất thấp, do hoạt động chủ yếu là cung cấp dịch vụ phục vụ thành viên và các HTX thực hiện rất ít dịch vụ kinh doanh nhằm mang lại doanh thu, cụ thể có 37 HTX có doanh thu trong năm đạt vài chục triệu đồng đến dưới 999 triệu đồng (chiếm 47,44%); có 41,03% số HTX có doanh thu từ 1.000 triệu đồngđến dưới 10.000 triệu đồng; số HTX có doanh thu từ hơn 10.000 triệu đồng chiếm tỷ lệ thấp, gần 12%.

Lợi nhuận của các HTXDVNN có xu hướng tăng dần từ năm 2014 đến năm 2018 là 10,59%. Cụ thể, trong năm 2014 lợi nhuận bình quân/HTX là 130 triệu đồng và tăng lên 140 triệu đồng vào năm 2016 và tiếp tục tăng lên 145 triệu đồng năm 2018. Đến năm 2020, do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX, do vậy lợi nhuận trước thuế bình quân trong năm giảm 8,03% so với năm 2018

Bảng 2. Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh
của các HTXDVNN tỉnh Phú Yên
giai đoạn 2014 - 2020

ĐVT: triệu đồng

hợp tác xã

Nguồn: Số liệu tổng hợp của tác giả

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp

3.1. Phân theo nhóm kinh doanh dịch vụ

Thứ nhất, đối với các dịch vụ phục vụ: Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ thành viên và cộng đồng trong canh tác cây trồng, các HTXDVNN phải làm tốt những nội dung như: thường xuyên kiểm tra tu bổ, nạo vét, bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng cho thông thoáng, đảm bảo đủ nước tưới vào mùa khô cho cây trồng và thoát nước tốt vào mùa mưa, tránh ngập úng làm thiệt hại đến mùa màng. Nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa các tuyến đường giao thông nội đồng đảm bảo vận chuyển nông sản thông suốt.

Ngoài ra, các HTXDVNN chú trọng tổ chức tập huấn, hội thảo, hướng dẫn nông hộ sản xuất lúa theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa những giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ít sâu bệnh vào sản xuất thay dần các giống lúa đã thoái hóa. Hướng dẫn thành viên về quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; tích cực trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất cây trồng và vật nuôi.

Thứ hai, đối với dịch vụ kinh doanh: Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX rất đa dạng, tùy vào đặc điểm của từng vùng mà các HTX có những ngành nghề kinh doanh khác nhau:

+ Dịch vụ vật tư nông nghiệp: hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thành phần kinh tế, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh. Vì vậy, các HTX cần đa dạng phương thức thanh toán và thời gian phục vụ khách hàng, vừa đảm bảo lợi ích cho thành viên, vừa tạo ra thu nhập cho HTX. Hơn nữa, hiện nay, trên thị trường, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều, để đảm bảo lợi ích cho khách hàng, các HTX phải cung cấp sản phẩm cho thành viên đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

+ Dịch vụ cày, tuốt lúa: hiện nay, các HTX thực hiện nhiều nhất là dịch vụ cày đất. Để đảm bảo sự đồng bộ trong các khâu sản xuất, từ làm đất đến gieo sạ điều tiết nước và thu hoạch, HTX hợp đồng và phân bổ diện tích đất cày cho từng thành viên có máy cày, thống nhất giá và thời gian cày để đảm bảo gieo sạ hết diện tích, đúng thời vụ. Nhằm nâng cao chất lượng của dịch vụ này, HTX yêu cầu chủ máy, cày đúng kỹ thuật do HTX quy định, dưới sự kiểm tra giám sát của thành viên và HTX. Dịch vụ thu hoạch lúa, nhằm phục vụ tốt cho công tác thu hoạch lúa được nhanh gọn, tránh thất thoát, đạt năng suất cao, HTX sử dụng máy móc hiện đại vào thu hoạch mùa vụ. Tuy nhiên, các HTX cần chủ động hợp đồng, phân chia diện tích cho các chủ máy gặt đập liên hợp để thực hiện công tác thu hoạch sao cho hợp lý và khoa học, đồng thời có sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện gặt lúa ngoài đồng để tranh thất thoát, mang lại hiệu quả cho các bên.

+ Dịch vụ tín dụng nội bộ: các HTX không ngừng huy động nguồn vốn nhãn rỗi của các hộ thành viên, cho các nông hộ có nhu cầu vay để phát triển sản xuất kinh doanh; HTX cần cải tiến thủ tục, hồ sơ vay nhanh gọn và chặt chẽ hơn, nhằm tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận nguồn vốn của HTX một cách dễ dàng, với mức lãi suất hợp lý; kiểm tra, rà sót, thẩm định hồ sơ vay đúng đối tượng, đúng mục đích và đảm bảo công tác thu hồi nợ.

+ Dịch vụ kinh doanh xăng dầu: đây là dịch vụ kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, giúp HTX có nguồn vốn tích lũy tái đầu tư để mở rộng sản xuất -  kinh doanh. Tuy nhiên, dịch vụ này HTX không chỉ ưu tiên phục vụ thành viên, mà còn phục vụ cộng đồng khu vực nông thôn, do đó HTX phải theo dõi thành viên sử dụng nhiều và có kế hoạch chiết khấu cho thành viên sử dụng nhiều dịch vụ của HTX. Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu của HTX không bị hạn chế bởi quy định của Luật HTX là cung cấp sản phẩm cho các hộ không phải là thành viên không vượt quá 32%, do vậy HTX cần có kế hoạch thành lập doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trực thuộc HTX, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

+ Dịch vụ sản xuất và chế biến nông sản: Hiện nay, các HTXDVNN đã thực hiện sản xuất và chế biến nông sản các loại như: sản xuất dầu đậu phụng, sản xuất rượu tằm, sản xuất gạo chất lượng cao và sản xuất tinh bột sen, bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn, công nghệ, quy mô sản xuất, thiếu kinh nghiệm và năng lực quản lý điều hành trong quá trình sản xuất chế biến sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường của các HTX gặp nhiều khó khăn. Do đó, sản phẩm sản xuất ra chưa được tiêu thụ rộng rãi; doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các HTX là rất thấp. Vì vậy, cần nỗ lực hơn nữa không chỉ từ các HTX, thành viên, mà còn có sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp.

3.2. Phân theo nhóm HTXDVNN

Một là, đối với các HTXDVNN mới thành lập: Các HTX mới thành lập đều thực hiện theo chủ trương của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, hoạt động phải theo nguyên tắc dân chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật HTX quy định. Nhiều HTX chỉ thực hiện một vài dịch vụ mang tính phục vụ nông nghiệp và nông thôn, chưa thực hiện các hoạt động kinh doanh, doanh thu của HTX còn hạn chế. Vì vậy, để tăng khả năng phục vụ rộng rãi cho thành viên và cộng đồng dân cư trong khu vực, thời gian tới các HTX cần nâng cao chất lượng dịch vụ đã có và mở rộng các ngành nghề kinh doanh phù hợp với thị trường, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng, mang lại lợi ích cho thành viên và tạo nguồn thu cho HTX.

Hai là, đối với các HTXDVNN vùng núi và ven biển: Các HTX vùng núi và ven biển chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu doanh thu và thực hiện kinh doanh dịch vụ cũng có tỷ lệ thấp, nguyên nhân là do đặc thù của vùng miền những HTX ở khu vực này có dân cư thưa thớt, không tập trung, hơn nữa diện tích đất sản xuất lúa hạn chế, đã ảnh hưởng đến cơ cấu dịch vụ của HTX. Vì hạn chế trong việc thực hiện các dịch vụ kinh doanh phục vụ thành viên, đã ảnh hưởng đến doanh thu của HTX, khả năng tích lũy vốn thấp, khó khăn trong đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh. Để khắc phục những hạn chế trên đòi hỏi lãnh đạo HTX phải năng động, sáng tạo trong hoạt động của HTX, cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả những dịch vụ đã có, từng bước tích lũy vốn, mở rộng các dịch vụ kinh doanh, đặc biệt là sản xuất, chế biến nông sản, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tăng nguồn thu cho HTX.

Ba là, đối với các HTXDVNN vùng đồng bằng: Đây là những HTX hoạt động lâu năm, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Các HTX đã thực hiện nhiều dịch vụ cả dịch vụ phục vụ và dịch vụ kinh doanh mang lại lợi ích cho thành viên và thu nhập cho HTX. Vì vậy, các HTX cần khắc phục những hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số HTX có tiềm lực, sản xuất - kinh doanh hiệu quả, cần đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng dịch vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên, sản xuất sản phẩm sạch, sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị nông sản, hướng đến thành lập các doanh nghiệp trực thuộc HTX hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Bốn là, đối với các HTXDVNN ở khu vực đô thị: do qua trình đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động của các HTX. Các HTX ngày càng bị thu hẹp dịch vụ phục vụ nông nghiệp, ảnh hưởng đến doanh thu của HTX. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX, cần sáp nhập các HTX có vi mô nhỏ khu vực đô thị và những vùng quen, chuyển hướng kinh doanh từ những dịch vụ phục vụ nông nghiệp sang những dịch vụ phục vụ nhu cầu của thành viên sao cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chu Thị Hảo & Naoto, I. (2003), Lý luận về Hợp tác xã - Quá trình phát triển của hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam. Hà Nội: NXB Nông nghiệp.
  2. Hoàng Vũ Quang (2016). Nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp phát triển hợp tác xã trong nông, lâm ngư nghiệp. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
  3. Quốc hội (2012). Luật số 23/2012/QH13: Luật Hợp tác xã.
  4. Nguyễn Văn Biên & Nguyễn Đắc Thắng (2004), Một số vấn đề cơ bản về Hợp tác xã. Hà Nội: NXB Lao động - Xã hội.
  5. Trần Đức Viên và Nguyễn Việt Long (n.d.), Phát triển kinh tế hợp tác: Trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Truy xuất từ http://www.vacvina.org.vn/xem-tin-tuc/phat-trien-kinh-te-hop-tac-trong-tam-cua-qua-trinh-tai-co-cau-nong-nghiep.html.
  6. Suwanna, T. (2011). Cooperatives and Poverty reduction in Thailand, 2nd International Conference on Economic. [Online] Availabile at http://www.ipedr.com/vol22/1-ICEBM2011-M00003.pdf

THE CURRENT PRODUCTION AND TRADING ACTIVITIES

OF AGRICULTURAL SERVICE COOPERATIVES

IN PHU YEN PROVINCE

Ph.D student, Master. DAO ANH XUAN

University of Economics, Hue University   

ABSTRACT:

This paper analyzes the current production and trading activities of agricultural service cooperatives in Phu Yen province. This paper also determines the factors affecting the business results of these agricultural service cooperatives, and proposes solutions to improve their performance.

Keywords: production and trading, cooperatives, agricultural services, Phu Yen province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]