TÓM TẮT:
Hợp tác xã (HTX) là mô hình kinh tế tập thể quan trọng, có nhiều điều kiện phát triển phù hợp với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Hiện nay, HTX nông nghiệp vẫn đang chiếm số lượng lớn và nắm giữ nguồn lực đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong xu thế sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn. Bài viết phân tích thực trạng hoạt động của mô hình HTX nông nghiệp còn những hạn chế, song đây vẫn là phương thức để bảo đảm lợi ích và xây dựng vị thế của người lao động, nông hộ, những người sản xuất nông nghiệp nhỏ. Do đó, HTX nông nghiệp phải có những giải pháp để phát triển hiệu quả, trong đó trọng tâm phải là những giải pháp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Từ khóa: sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp.
1. Vai trò của mô hình hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp
HTX là một mô hình sản xuất - kinh doanh phù hợp với thể chế chính trị ở Việt Nam, được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung cho đến mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện nay. Dù ở giai đoạn nào, mô hình HTX luôn phát huy vai trò to lớn, được xã hội ghi nhận. Mô hình HTX đang nắm giữ nguồn lực to lớn về đất đai và lao động trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Theo sách trắng về HTX Việt Nam năm 2021, đến thời điểm ngày 31/12/2019, cả nước có 24.204 HTX. Tổng số thành viên trong các HTX hiện có là 5.941.486 thành viên. Đây là nguồn lực to lớn của nền kinh tế.
Là quốc gia có điểm xuất phát từ nền nông nghiệp thuần túy, ban đầu chủ yếu phục vụ sinh kế của nhân dân, khi tiến tới nền kinh tế sản xuất hàng hóa theo quy luật thị trường, mô hình HTX là bước đệm thích hợp, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và thể chế chính trị, đáp ứng những yêu cầu về quyền làm chủ của nhân dân, trong đó có vấn đề sở hữu đất đai trong nông nghiệp. Từ thực tế đó, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác với mô hình HTX không ngừng được củng cố, phát triển. Đây là sự khẳng định chính trị quan trọng cho vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà cụ thể là mô hình HTX. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà trọng tâm là HTX. Các HTX phải làm tốt vai trò liên kết và hỗ trợ kinh tế hộ.
Là quốc gia có điểm xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, lại qua quá trình chuyển đổi từ mô hình nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mô hình HTX, nhất là HTX trong nông nghiệp đã trở nên rất quen thuộc trong xã hội Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, HTX tiếp tục phát huy vai trò liên kết và hỗ trợ, tạo nguồn lực sản xuất to lớn cho nền kinh tế. HTX có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Với mô hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay trong nông nghiệp, vai trò kết nối giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp của HTX trở nên rất quan trọng, đồng thời HTX cũng đảm nhận tốt vai trò hỗ trợ, cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, đảm bảo đầu ra cho các nông sản.
Những năm gần đây, hoạt động hiệu quả của mô hình HTX nông nghiệp, đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương. Đặc biệt, mô hình HTX nông nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp của người dân. Thực tế cho thấy, đối với người dân tham gia mô hình HTX nông nghiệp, tính liên kết sẽ bền vững hơn. Nếu không có HTX, khi thu mua sản phẩm nông nghiệp của nông hộ, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với từng hộ dân, việc ký hợp đồng với cả ngàn nông hộ nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian cho công tác quản lý. Còn khi tham gia vào HTX, nông dân được HTX hướng dẫn tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ký hợp đồng tiêu thụ.
Các HTX nông nghiệp đóng góp vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. HTX nông nghiệp giúp những người lao động, nông hộ, những người sản xuất nhỏ, tự nguyện tập hợp nhau lại trong một tổ chức kinh tế chung để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống. Đồng thời giúp tập thể những con người đó có đủ sức cạnh tranh, có nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với những nhân tố như sự hội nhập sâu rộng, sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện mạnh mẽ cho chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,… đang làm cho người lao động, nông hộ, những người sản xuất nhỏ trong nông nghiệp trở thành yếu thế trong sản xuất - kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường. Sản xuất hàng hóa quy mô lớn trở thành điều kiện cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, mô hình HTX là phương thức để bảo đảm lợi ích và xây dựng vị thế của người lao động, nông hộ, những người sản xuất nông nghiệp nhỏ trong điều kiện của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày nay.
2. Hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp hiện nay
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết tháng 6/2021, cả nước có 17.776 HTX nông nghiệp và 78 Liên hiệp HTX nông nghiệp. So với thời điểm tháng 6/2017 - khi bắt đầu thực hiện Đề án 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả của Chính phủ, số lượng HTX nông nghiệp cả nước đã tăng 6.088 HTX. Như vậy trong 4 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước tăng khoảng 1.500 HTX. Tốc độ tăng về số lượng này cao gấp hơn 3 lần giai đoạn trước đó (2012 - 2016). Tỷ lệ HTX được đánh giá xếp loại khá, tốt hiện nay khoảng 60%; loại trung bình chiếm 30%; còn lại 10% yếu kém.
Mặc dù có sự gia tăng về số lượng, nhưng hoạt động của HTX nông nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhiều HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít. Quá trình mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản diễn ra chậm. Tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp khoảng 15.200 tỷ đồng, trung bình một HTX nông nghiệp chỉ có tổng số vốn, tài sản 871 triệu đồng.
Qua nghiên cứu khảo sát cho thấy, phần lớn HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích giữa HTX với thành viên. Nhiều HTX chỉ thực hiện các dịch vụ đầu vào cho thành viên là chủ yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao. Thiếu kiến thức về thị trường và phải cạnh tranh với các loại hình doanh nghiệp khác nên nhiều HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng nhờ các nguồn hỗ trợ và chương trình kinh tế - xã hội từ Nhà nước. Nhiều HTX phải giải thể là do bị áp đặt, chạy theo phong trào khi thành lập, việc thành lập không dựa vào quyền lợi, lợi ích của thành viên, không trên cơ sở tự nguyện. Chưa làm tốt công tác tiếp thị, quảng bá mở rộng liên doanh liên kết gắn với dịch vụ đầu vào, đầu ra để phục vụ sản xuất, tăng thu nhập thành viên và nâng cao hiệu quả hoạt động HTX.
Về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX nông nghiệp còn yếu kém đang là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của HTX trong quá trình chuyển đổi và xây dựng mới. Các thành viên trong HTX nông nghiệp chủ yếu đóng góp bằng nguồn lực vật chất quy đổi như đất đai, phương tiện sản xuất, cơ sở hạ tầng, rất ít thành viên đóng góp bằng tiền. Do đó, các HTX nông nghiệp rất thiếu vốn. Thực tế, do vốn lưu động ít làm cho hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ gặp nhiều khó khăn. Nếu so với số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp năm 2013 khoảng 702 triệu đồng/HTX thì thấy quá trình tích lũy vốn của HTX nông nghiệp diễn ra còn chậm. Số lượng thành viên trung bình của một HTX nông nghiệp nhỏ và có xu hướng giảm dần. Từ việc quy mô nhỏ, vốn thấp, các HTX gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng hoạt động và phát triển hoạt động mới và trong việc đối ứng để tiếp cận nguồn hỗ trợ của nhà nước. Vốn ít và tích lũy vốn chậm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiếp cận vốn tín dụng của HTX nông nghiệp. Tình trạng đó dẫn đến HTX không mở rộng được hoạt động dịch vụ, hiệu quả hoạt động thấp, khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho thành viên hạn chế. Hơn nữa, trong điều kiện mới khi HTX chuyển sang các hoạt động gắn với cơ chế thị trường, thực hiện liên kết, hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác rất khó khăn.
Trình độ cán bộ quản lý HTX còn bất cập so với cơ chế quản lý mới. Đội ngũ cán bộ HTX không ổn định, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng quản lý, điều hành hoạt động HTX đem lại hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương cũng như chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với HTX. Đội ngũ cán bộ quản lý hầu hết hoạt động theo kinh nghiệm thực tế, không được đào tạo cơ bản, ít được bồi dưỡng, tập huấn.
Hệ thống HTX nông nghiệp trong cùng một địa phương thiếu sự liên kết chặt chẽ khi cùng tham gia một loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ để hỗ trợ lẫn nhau và tăng thêm nguồn lực đồng thời chia sẻ rủi ro, tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Do thiếu sự liên kết nên các HTX hoạt động mang tính đơn lẻ, phạm vi ảnh hưởng nhỏ hẹp, chưa tạo ra sự ảnh hưởng bao trùm trên phạm vi rộng.
Trong quá trình hoạt động, phần lớn các HTX trong nông nghiệp chưa có chiến lược, định hướng kinh doanh, không có lộ trình phát triển cụ thể. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất và cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra chưa vững chắc, còn nhiều bất cập. Nhiều HTX nông nghiệp ở khu vực nông thôn chưa chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, do đó vẫn chưa tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của HTX.
Cùng với đó, mô hình và phương thức sản xuất của HTX nông nghiệp còn chậm đổi mới, chưa tiếp cận được theo mô hình sản xuất chuỗi giá trị và mạng sản xuất. Việc áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bị hạn chế bởi năng lực vốn và khả năng nhận thức và những điều kiện khách quan, chủ quan khác.
Tất cả những điều kiện đó khiến mô hình HTX trong sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả, vai trò, chưa tương xứng với nguồn lực dồi dào của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp. Khi bàn về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trọng tâm là HTX, Văn kiện Đại hội XIII đánh giá mô hình HTX vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy được vai trò liên kết, hỗ trợ hộ trong mô hình sản xuất kinh doanh HTX. Do đó, mô hình HTX trong sản xuất nông nghiệp cần có những đổi mới, tìm ra phương thức sản xuất và vận hành phù hợp với bối cảnh hiện nay.
3. Giải pháp thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong hợp tác xã nông nghiệp
Nằm chung trong xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp mà Đảng đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII, đó là “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao”, HTX nông nghiệp đang có nhiều lợi thế để chuyển đổi, phát triển. Đặc biệt với bối cảnh chung, các xu thế phát triển chung hiện nay, đó là cách mạng khoa học công nghệ, là xu thế chuyển đổi số, là thương mại điện tử và các phương thức sản xuất, giao tiếp thị trường trên không gian mạng,… mô hình HTX càng cần phải có những chuyển đổi thích hợp mới có thể phát triển, thích ứng và đáp ứng được những yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Xuất phát từ nguồn lực và mô hình sản xuất hiện tại, các HTX nông nghiệp cần thiết phải phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn. Đây vừa là yêu cầu của thị trường, là định hướng của Đảng, vừa là giải pháp cơ bản để khắc phục những hạn chế manh mún, nhỏ lẻ tồn tại hàng chục năm qua trong các HTX nông nghiệp. Đồng thời qua đó tạo ra các điều kiện cần thiết để có thể thay đổi phương thức sản xuất, mô hình quản lý, tạo điều kiện áp dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất, đáp ứng tốt những đòi hỏi của thị trường, cuối cùng là mở rộng quy mô, phát triển hiệu quả mô hình kinh tế HTX nông nghiệp, nâng cao đời sống cho thành viên.
Một số giải pháp cơ bản trong giai đoạn hiện nay là:
- Giải pháp trong quản lý nhà nước
Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến mô hình HTX trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù mô hình HTX là mô hình kinh tế tập thể phổ biến ở Việt Nam giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung, song những thất bại của mô hình này đã xóa bỏ đi sự quan tâm, kỳ vọng của các chủ thể vào mô hình này. Để khuyến khích HTX phát triển, Nhà nước cần thực hiện một số giải pháp mang tính hỗ trợ để phát triển HTX, cụ thể:
+ Tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển HTX nói chung, trong đó có HTX sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên tổng kết các mô hình HTX có hiệu quả để phổ biến, nhân rộng, đồng thời mở rộng, phát triển quy mô của những HTX hiệu quả này.
+ Tạo sự thống nhất trong xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Với lợi thế là nước nông nghiệp truyền thống, có nguồn lực đất đai, lao động cơ bản cho phát triển sản xuất nông nghiệp, mô hình HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng, là giải pháp cơ bản trong phát triển kinh tế nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế, dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ và biến đổi khí hậu.
+ Tổ chức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế tập thể trong đó có mô hình HTX. Rà soát, nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện hệ thống lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế tập thể HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và đưa nội dung giảng dạy về kinh tế tập thể vào trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để HTX phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển HTX quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam.
- Giải pháp trong hoạt động của HTX nông nghiệp
Để phát huy các nguồn lực lợi thế, các HTX nông nghiệp cần mạnh dạn cấu trúc lại sản xuất - kinh doanh, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, cụ thể:
+ Về mô hình tổ chức và quản lý, HTX nông nghiệp cần định hướng theo hướng hiện đại, hướng tới mục tiêu sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Để làm được điều đó, HTX nông nghiệp phải đẩy mạnh tích tụ ruộng đất và các nguồn lực vật chất của các thành viên. Đồng thời, cần tăng cường góp vốn để dễ chuyển đổi thành nguồn lực vật chất cũng như các điều kiện khác phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Định hướng này sẽ giúp lực chọn các thành viên trong HTX phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, chú trọng tới phương thức quản lý, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố kế hoạch, các yếu tố quản lý khoa học dựa trên chiến lược phát triển, mục tiêu cốt lõi nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, các HTX nông nghiệp cũng phải quan tâm tới chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong quản lý. Muốn vậy, HTX cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực quản lý điều hành HTX, có chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ tham gia vào quản lý và điều hành hoạt động của HTX.
+ Về mô hình sản xuất kinh doanh, các HTX nông nghiệp cần chuyển đổi theo mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Mô hình nàyy cũng phù hợp với chính vị trí, vai trò, chức năng của kinh tế tập thể. Trong lựa chọn sản phẩm, các HTX cần chú trọng vào giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương. Tăng cường liên doanh, liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp, phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa nhằm tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương phù hợp với tình hình hiện tại của HTX.
Trong sản xuất kinh doanh, các HTX cần có kế hoạch rõ ràng, cụ thể dựa trên thế mạnh nguồn lực các thành viên và yêu cầu của thị trường. Đây cũng là giải pháp mà các HTX nông nghiệp cần thực hiện quyết liệt bởi hiện nay, các HTX chưa thực hiện hiệu quả nội dung này dẫn đến việc sản xuất thiếu kiểm soát, thường bị dẫn dắt, bị tác động bởi các yếu tố thị trường làm phân tán nguồn lực hoặc suy giảm các mục tiêu cốt yêu mà HTX đặt ra ban đầu.
+ Các HTX nông nghiệp cần coi trọng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Khoa học công nghệ tác động tới mọi khâu của quy trình sản xuất nông nghiệp, từ tạo giống, trồng trọt, chăm sóc, nuôi dưỡng, chế biến, bảo quản,… Đây vẫn là điểm yếu của các HTX nông nghiệp bới điều kiện để áp dụng khoa học công nghệ cần nhiều yếu tố như vốn, nhân lực, quy mô. Nhưng muốn sản xuất hàng hóa quy mô lớn, HTX nhất thiết phải coi trọng giải pháp này, từ đó có thể kêu gọi hỗ trợ, phối hợp triển khai, chia sẻ công nghệ,… để tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
+ Các HTX cần tích cực và chủ động hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các triển lãm trong và ngoài nước, các hội chợ, triển lãm dành riêng cho khu vực HTX. Trong sản xuất quy mô lớn, các HTX phải có chiến lược xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2021. Nxb Thống kê, Hà Nội.
- Ngô Hoài Anh, Đặng Thị Thu Hiền (2015). Sự cần thiết phải chuyển kinh tế nông hộ lên sản xuất hàng hóa lớn trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Giáo dục lý luận, 237, 6-62,72.
- Phạm Việt Dũng (2022). Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới: Nhìn từ thực tiễn tỉnh Thái Bình. Tạp chí Cộng Sản, truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825244/phat-trien-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi--nhin-tu-thuc-tien-tinh-thai-binh.aspx.
- Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Tuấn Sơn (2021). Tích tụ và tập trung đất đai cho phát triển hàng hoá nông nghiệp ở tỉnh Đắk Nông. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 19(7).
- Đặng Đình Giang (2019). Phát triển nhanh và bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Tạp chí Thông tin khoa học chính trị, 4(17).
- Nguyễn Thị Huyền (2021). Một số giải pháp nhằm phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Công Thương, truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-giai-phap-nham-phat-trien-hop-tac-xa-nong-nghiep-o-viet-nam-hien-nay-78830.htm.
- BT (2021). Hợp tác xã nông nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, thích ứng thời đại 4.0. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/kinh-te/hop-tac-xa-nong-nghiep-thuc-day-chuyen-doi-so-thich-ung-thoi-dai-40-598343.html
PROMOTING THE LARGE-SCALE AGRICULTURAL PRODUCTION
OF AGRICULTURAL COOPERATIVES
Master. Pham Anh Tuan
Acc Airport Construction Corporation
ABSTRACT:
Cooperatives are an important collective economic model and this model has many suitable development conditions for agricultural production in Vietnam. Currently, agricultural cooperatives are still accounting for a large proportion in the total number of cooperatives in Vietnam. They are also holding significant resources in agricultural production, especially in the development trend of large-scale agricultural production. This paper analyzes the current operation of the agricultural cooperative model. Although this collective economic model has shortcomings, it still ensures the benefits and affirms the position of workers, farmers, and small agricultural producers. Therefore, it is necessary to have solutions to help agricultural cooperatives effectively develop to large-scale agricultural production.
Keywords: commodity production, large-scale, cooperative, agricultural cooperative.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 10, tháng 5 năm 2022]