Góc nhìn chung đối với vấn đề hạ tầng giao thông và khả năng tiếp cận điểm đến của du khách

PGS. TS. BÙI VĂN TRỊNH (Trường Đại học Cần Thơ) và ĐOÀN TUẤN PHONG (Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Giao thông vận tải là một phần không thể thiếu của ngành Du lịch. Phần lớn là do sự cải thiện của giao thông vận tải mà du lịch được mở rộng [11]. Trong lĩnh vực Du lịch, mặc dù ngành Giao thông Vận tải là đầu mối liên kết giữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, du lịch và điểm đến… là tác nhân trong việc phát triển tổng thể, nhưng dường như ngành Giao thông Vận tải chưa được đánh giá đúng vai trò của nó trong việc phát triển du lịch. Hiệu suất của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông về phát triển du lịch tại các điểm đến cần thiết phải tiếp tục được nghiên cứu và đánh giá của Nhà nước. Nếu việc du lịch đến các điểm đến ưa thích, mới lạ của du khách bị hạn chế bởi các thành phần trong lĩnh vực du lịch (trong đó có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông) thì họ sẽ tìm kiếm các điểm đến thay thế khác có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để viếng thăm. Do đó, bài viết này thảo luận, đề xuất phát triển giao thông nhằm hỗ trợ phát triển du lịch nói chung.

Từ khóa: hạ tầng giao thông, giao thông vận tải, điểm đến, du khách, phát triển du lịch.

1. Đặt vấn đề

Giao thông vận tải có vai trò kết nối không gian giữa các khu vực và hỗ trợ sự phát triển của một khu vực. Sự phát triển nói chung sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi vai trò của giao thông vận tải, như: huyết mạch về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và quốc phòng, an ninh, trong đó có lĩnh vực du lịch. Tầm quan trọng của giao thông vận tải được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận cả trong lí thuyết và thực tiễn. Mục tiêu của bài viết này là thảo luận vấn đề về hệ thống hạ tầng giao thông như một yếu tố trong sự phát triển của các điểm đến du lịch.

2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu

 2.1. Một số khái niệm liên quan du lịch

2.1.1. Khái niệm du lịch

Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành tạm trú với mục đích tham quan, khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm hoặc với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác trong thời gian liên tục nhưng không quá 1 năm ở bên ngoài môi trường sống định cư, nhưng loại trừ người du hành có mục đích chính là kiếm tiền [13].

Nhìn từ góc độ không gian du lịch, du lịch là hình thức di chuyển tạm thời từ vùng này sang vùng khác, từ nước này sang nước khác mà không thay đổi nơi cư trú hay nơi làm việc. Từ góc độ kinh tế, du lịch hoạt động phục vụ cho nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ ngơi, có hoặc không kết hợp với các hoạt động chữa bệnh, thể thao, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác. Có thể nói, du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, bao gồm nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể hết sức phức tạp, vừa mang đặc điểm của ngành Kinh tế vừa có đặc điểm của ngành Văn hóa - Xã hội.

2.1.2. Sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch cũng có nhiều khái niệm, do có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Sản phẩm du lịch bao gồm các dịch vụ du lịch, hàng hóa và tiện nghi cung ứng cho du khách, được tạo nên bởi sự kết hợp các yếu tố tự nhiên, cơ sở vật chất kĩ thuật lao động du lịch tại một vùng hay một địa phương nào đó. Trong phạm vi bài viết này, thuật ngữ điểm đến du lịch chính là sản phẩm du lịch được các đơn vị khai thác du lịch phục vụ cho du khách trên cơ sở quản lí của Nhà nước.

2.1.3. Điểm đến du lịch

Điểm đến du lịch là một trong những khái niệm rất rộng và đa dạng. Du lịch là hoạt động có hướng đến yếu tố không gian. Người đi du lịch rời khỏi nơi cư trú thường xuyên để đến một địa điểm cụ thể. Điểm đến du lịch như một sản phẩm gồm hai phần “có sẵn” và “nhân tạo”. Trong đó, phần “có sẵn” đề cập đến các tính năng tự nhiên của các điểm đến du lịch như khí hậu, cảnh quan, bãi biển, núi… và phần “nhân tạo” đề cập đến các tính năng như khách sạn, phương tiện vận tải và cơ sở vật chất cho thể thao và vui chơi giải trí [12]... Điểm đến du lịch một mặt được xem như là một tập hợp các nguồn lực tự nhiên, văn hóa, nghệ thuật, môi trường khác biệt; mặt khác, nó còn là một sản phẩm hấp dẫn, tổng thể phức tạp nhằm cung cấp một trải nghiệm kì nghỉ đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch [8].

2.1.4. Các thành phần du lịch

Du lịch là một ngành công nghiệp tổng hợp nhiều mặt với nhiều thành phần bao gồm phân phối du lịch, giao thông và cơ sở hạ tầng, các cơ sở du lịch như nhà ở, cơ sở thực phẩm, đồ uống và các dịch vụ hỗ trợ. Cả khu vực tư nhân và nhà nước đều tham gia vào ngành. Hệ thống vận tải du lịch được coi là hoạt động tương tác giữa các phương thức vận tải, nhà ga, bến cảng… hỗ trợ các khu du lịch trong việc vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa luồng vào và ra khỏi địa điểm nào đó. Thách thức đối với các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lí du lịch là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của du khách, cân bằng các nguồn tài nguyên, văn hóa bản địa… Đối với ngành Du lịch, ngành Vận tải là yếu tố mũi nhọn tạo điều kiện cho du khách có thể viếng thăm một điểm đến du lịch nào đó. Du lịch khi được lên kế hoạch và quản lí hợp lí cũng mang lại những lợi ích khác ngoài kinh tế như duy trì văn hóa, giữ gìn môi trường và đóng góp cho các nỗ lực hòa bình của các quốc gia [13].

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài viết là phương pháp phân tích thực trạng nhằm để khám phá được chủ đề nghiên cứu đã nêu ra. Do đó, thông tin sử dụng trong bài tham luận chủ yếu là dữ liệu thứ cấp đã được xuất bản hoặc công bố bởi các cơ quan nhà nước hoặc báo chí. Đây là nguồn thông tin chính thức và mang tính thời sự nên đã gợi mở được nhiều nội dung có liên quan đến chủ đề nghiên cứu đối với nhóm tác giả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một số ý kiến đề xuất nhằm làm cơ sở cho việc thảo luận và đóng góp ý kiến của các chuyên gia.

3. Phân tích và thảo luận

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và đặc biệt trong vòng 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, hệ thống hạ thầng giao thông Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ và “lột xác” để phát triển theo cấp số nhân. Các tuyến quốc lộ được làm mới, hoặc mở rộng lên gấp nhiều lần so với trước. Từ lúc không có tuyến đường cao tốc, đến nay cả nước đã có gần 1.800 km đường cao tốc [6]. Qua tổng quan các nghiên cứu về mối quan hệ giữa hạ tầng giao thông và khả năng tiếp cận điểm đến du lịch của du khách, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập một số vấn đề phát sinh trong việc phát triển hạ tầng giao thông và khả năng tiếp cận điểm đến du lịch của du khách, cụ thể là:

Thứ nhất, vấn đề quy hoạch giao thông vận tải.

Việc quy hoạch giao thông vận tải cần phải được thực hiện để đáp ứng nhu cầu đi lại, chất lượng phù hợp với nguồn lực hạn chế. Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng các chính sách và kế hoạch chiến lược giao thông vận tải. Sự phát triển của giao thông vận tải liên quan chặt chẽ đến các vấn đề kinh tế, địa lí, chính trị, quân sự, công nghệ, cạnh tranh, đô thị hóa và sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan [9]. Nhìn chung, Nhà nước cần có sự phối hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ địa phương và gắn kết với quy hoạch giao thông của khu vực, quốc gia có sự tham gia của các ngành khác nhau. Mặc dù thời gian qua, việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại kì họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: “trong lĩnh vực giao thông, vận tải tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Đáng chú ý là hạ tầng giao thông phát triển chưa mạnh, thiếu đồng bộ; hệ thống sân bay quá tải; hệ thống đường sắt đã cũ và lạc hậu; giao thông đường thủy nội địa chưa được khai thác hiệu quả; việc kết nối các loại hình giao thông, các khu vực giao thông còn nhiều khó khăn; công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế… Đặc biệt, tình trạng các công trình, dự án tăng vốn, đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng thấp; dự án BOT nảy sinh nhiều vấn đề bất cập; các nhà thầu kém năng lực… đã gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội, có nơi tạo thành điểm nóng” [1].

Thứ hai, về tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông và du lịch.

Qua nghiên cứu sơ bộ, nhìn chung hiệu suất của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông về phát triển du lịch của Việt Nam có thể được đánh giá khá tốt, mặc dù vẫn cần phải tiếp tục cải thiện, cụ thể: “Nếu như năm 2004, Việt Nam chỉ có hơn 223.000 km đường bộ, thì đến năm 2018 đã phát triển trên 668.000 km, trong đó đường cao tốc có xuất phát điểm bằng 0, đến nay đã có trên 900 km” [2].

Hệ thống giao thông vận tải của Việt Nam đã có sự liên kết bằng nhiều phương thức như: đường hàng không, đường biển và đường thủy - bộ, cũng như sự sẵn có của các dịch vụ hỗ trợ như: cung cấp nhiên liệu, nhà ga, bảo trì - sửa chữa phương tiện, trạm dừng chân... Các điều kiện này tương đối quan trọng để hệ thống giao thông vận tải có thể liên kết với các điểm đến du lịch tại các địa phương. Qua đó, có thể thấy, từ sự cải thiện của ngành Giao thông vận tải mà ngành Du lịch ngày càng được mở rộng, càng thể hiện được vai trò hỗ trợ lẫn nhau của hai ngành này trong phát triển kinh tế.

Thứ ba, tầm nhìn của cơ quan quản lí.

Trong quản lí giao thông vận tải, các chính sách chuyên ngành cũng có tác động đến luồng giao thông (sử dụng đất, đầu tư hạ tầng, quản lí phương tiện). Như vậy, từ góc độ của du lịch, các cơ quan quản lí nhà nước cần thiết quan tâm đến một số vấn đề cơ bản như: hệ thống biển báo giao thông đến từng điểm du lịch, thiết kế xây dựng các đầu mối hoặc tuyến giao thông công cộng đi qua các khu du lịch đó hoặc hệ thống thông tin liên quan đến giao thông vận tải và du lịch, hoặc quảng bá chéo tuyến du lịch giữa các địa phương. Chẳng hạn, về biển báo giao thông thì nhìn chung đã có, tuy nhiên biển chỉ dẫn đến các điểm tham quan du lịch trong hệ thống giao thông vẫn chưa hoàn chỉnh. Dựa trên nhận thức của du khách, biển báo du lịch trên tuyến đường giao thông có mục đích tiếp thị và hướng du khách đến các địa điểm du lịch, chẳng hạn như các công trình lịch sử, khu du lịch, địa điểm cắm trại, khu dã ngoại, cơ sở thể thao hoặc bảo tàng. Sự hoàn chỉnh của trung tâm giao thông này là một trong những chỉ số về khả năng tiếp cận của một khu vực [9].

Mặt khác, Nhà nước cần dự báo được vấn đề của giao thông vận tải có khả năng tác động bất lợi đến hệ sinh thái môi trường hoặc tại các điểm đến du lịch. Đối với các khu vực đa dạng sinh học, sự phát triển của du lịch với việc tìm kiếm các điểm đến thay thế đã tạo ra một thị trường mới cho các khu bảo tồn thiên nhiên. Du lịch thiên nhiên được các chính phủ xem là một chiến lược kinh tế và bảo tồn được kết hợp chặt chẽ. Mặc dù các điểm đến du lịch được quy hoạch một cách cẩn thận, tuy nhiên, giao thông vận tải hiếm khi được xem xét trong quá trình này vì đôi khi chính Chính phủ kí các kế hoạch phát triển khai thác tài nguyên, môi trường [11]. Do đó, các nhà làm luật cần thiết phải nghiên cứu và ban hành các quy định để đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách hài hòa trong từng lĩnh vực. Ngoài ra, phản biện của các chuyên gia và cả xã hội cũng có vai trò rất quan trọng để các cơ quan nhà nước có cách nhìn tổng thể hơn.

Thứ tư, đã có nhà nghiên cứu hết sức chỉ trích việc hoạt động du lịch sai cách, đó là thuật ngữ “bóng ma du lịch”. Trong thuật ngữ này, hoạt động du lịch sai cách đang dần phá hủy những cảnh quan nguyên sơ trước đây, những cộng đồng cổ kính, sự ô nhiễm không khí, nước… hoặc làm suy thoái cuộc sống. Việc quản lí du lịch/du khách kém hoặc mức độ tiếp cận đến khu vực điểm đến. Khả năng tiếp cận có thể tạo ra hoặc phá vỡ một điểm đến du lịch. Chẳng hạn, việc tiếp cận quá nhiều sẽ mang lại lượng quá tải du khách tại các điểm du lịch, có thể làm tăng mức độ suy thoái, giảm trải nghiệm và ảnh hưởng đến trạng thái tự nhiên của tài nguyên [7]. Trước thời điểm xuất hiện dịch bệnh Covid-19, “việc phát triển nhanh chóng các điểm du lịch, ngành Du lịch đã thu hút được du khách với con số bùng nổ tại nhiều điểm du lịch Việt Nam như Phú Quốc, Phan Thiết, vịnh Hạ Long... đang phải đối mặt với vấn đề sức chứa, phát triển thiếu bền vững” [3]. Mặt khác, việc xung đột lợi ích giữa người dân địa phương và du khách cũng là điều đáng quan tâm. Chẳng hạn, chiếm dụng bãi biển, ồn ào, ô nhiễm. Du lịch và khả năng tiếp cận có thể liên quan đến mức độ xuống cấp của điểm đến. Hoặc những vấn đề mang tính toàn cầu như: dịch bệnh, khủng bố.

4. Kết luận

Phát triển kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng tiếp tục là mục tiêu chiến lược của Nhà nước. Do đó, vấn đề này phải được thực hiện thông qua hoạt động có ý thức của nhà nước, các chủ thể kinh tế xã hội và cả người dân địa phương. Trong đó, vai trò Nhà nước là vô cùng quan trọng để định hướng phát triển hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế du lịch.

Giả thuyết rằng có một cơ sở hạ tầng giao thông đáng tin cậy và hiệu quả là yếu tố then chốt trong phúc lợi kinh tế của một khu vực. Chẳng hạn, đảm bảo hiệu quả hoạt động của thị trường sản xuất, bán lẻ, lao động và nhà ở. Mối quan hệ giữa thành công kinh tế và khả năng tiếp cận hợp lí theo nghĩa là luồng hàng hóa và dịch vụ không bị cản trở. Tuy nhiên, logic này có thể bị lạm dụng bởi các chính phủ sẵn sàng hi sinh môi trường để có dòng tiền ổn định. Câu hỏi về tính bền vững và các vấn đề kinh tế một lần nữa xuất hiện trong bức tranh tổng thể phát triển về kinh tế. Đánh đổi giữa kinh tế và môi trường sẽ vẫn là một vấn đề vì nó sẽ phụ thuộc vào các biến số như tầm nhìn của cộng đồng liên quan, các chính sách hiện có hoặc thông lệ chung [11].

Vấn đề nghiên cứu thu hút du khách và công tác quản lí trong du lịch là trọng tâm của các nhà khoa học trong quá khứ và gần đây. Bên cạnh mặt tích cực, cũng còn nhiều hạn chế, trong đó có vấn đề về hoạt động du lịch ảnh hưởng đến một số khía cạnh của môi trường tự nhiên. Hoặc là vấn đề tiến bộ trong giao thông vận tải đã giúp việc đi lại trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng du khách đến những nơi từng là vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự suy thoái các nguồn tài nguyên, cần phải đánh giá lại vai trò của giao thông vận tải trong quá trình thực hiện. Do đó, đề xuất các cơ quan quản lí của nhà nước cần quan tâm vấn đề quy hoạch và khả năng dự báo hoạt động du lịch và giao thông. Phát triển giao thông - du lịch tập trung vào các khu vực nhạy cảm và mong manh cần phải được đánh giá kĩ lưỡng về mức độ bền vững trong tương lai.

Trên thế giới, một số điểm đến du lịch đã phát triển thành hoạt động kinh doanh gần như hoàn hảo. Ở nhiều quốc gia, các điểm đến du lịch là nguồn đem lại sự giàu có và là điểm thu hút lớn đối với công nghiệp giải trí và du lịch. Có lẽ, nếu không có những điểm đến du lịch, nhiều địa phương sẽ không có gì hấp dẫn thu hút mọi người đến thăm quan, trải nghiệm và khám phá vùng đất của mình. Du lịch với tư cách là một ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều khi nó được vận hành một cách bền vững. Vai trò của các nước trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng là rất quan trọng để sử dụng các nguồn lực một cách thích hợp. Do đó, qua những kết quả phân tích trên, hoạt động quản lí du lịch nói chung, đầu tư và quản lí hiệu quả tuyến giao thông du lịch nói riêng cần phải được chú ý cải thiện liên tục của cơ quan quản lí nhà nước và các bên liên quan.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo Nhân dân điện tử (2019). Giải quyết những bất cập trong giao thông, vận tải, văn hóa và du lịch. Truy cập từ https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/giai-quyet-nhung-bat-cap-trong-giao-thong-van-tai-va-van-hoa-du-lich-360875.
  2. Báo điện tử VietNamPlus (2020). Giao thông đường bộ Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp. Truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/giao-thong-duong-bo-o-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-giai-phap/666369.vnp.
  3. Bình (2019). Nhiều điểm đến du lịch Việt Nam quá tải. Truy cập từ https://dulich.tuoitre.vn/nhieu-diem-den-du-lich-cua-viet-nam-bat-dau-qua-tai-20191029092516404.htm.
  4. Duyên Duyên (2019). Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, thu về 726.000 tỷ. Truy cập từ http://vneconomy.vn/viet-nam-don-18-trieu-luot-khach-quoc-te-nam-2019-thu-ve-726000-ty-0191229214417225.htm.

5.      Trang Linh (2021). Du lịch Việt Nam 2020: phát huy nội lực trong “bão Covid-19”. Truy cập từ http://nhandan.com.vn/dien-dan-dulich/du-lich-viet-nam-2020-phat-huy-noi-luc-trong-bao-covid-19-630469/.

6.      Văn Nguyễn (2021). Hạ tầng giao thông Việt Nam sau 35 năm đổi mới: Đi trước một bước để phát triển kinh tế. Truy cập từ  https://laodong.vn/xa-hoi/ha-tang-giao-thong-viet-nam-sau-35-nam-doi-moi-di-truoc-mot-buoc-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te-871977.ldo.

  1. Croall, J. (1995). Preserve or destroy: tourism and the environment. London: Calouste Gulbenkian Foundation.
  2. Cracolici, M. F., Nijkamp, P., & Rietveld, P. (2008). Assessment of tourism competitiveness by analysing destination efficiency. Tourism economics14(2), 325-342.
  3. Marlina, E., & Natalia, D. A. (2017). Land Transportation and Tourism Development. International Journal of Economic Perspectives, 11(2).
  4. Martin, C. A., & Witt, S. F. (1988). Substitute prices in models of tourism demand. Annals of Tourism Research15(2), 255-268.
  5. Sorupia, E. (2005). Rethinking the role of transportation in tourism. In Proceedings of the Eastern Asia Society for Transportation Studies, 5, pp. 1767-1777.
  6. Van Raaij, W. F. (1986). Consumer research on tourism mental and behavioral constructs. Annals of Tourism Research13(1), 1-9.
  7. World Tourism Organization. (1996). Tourism education quality: Results of WTO’s global survey, WTO News Newsletter, 2, 18.

 

A GENERAL PERSPECTIVE ON THE ROLE OF

TRANSPORT INFRASTRUCTURE IN THE ACCESSIBILITY OF VISITORS

Assoc.Prof. BUI VAN TRINH 1

DOAN TUAN PHONG 2

1 Can Tho University

2 Tra Vinh University

ABSTRACT:

Transportation is an integral part of the tourism industry. The improvement of  transportation has significantly supported the growth of tourism industry. In the tourism field, the transportation works as a link which connects production, tourism, destination, etc. However, the role of transportation in the tourism development has not been properly evaluated. It is necessary for the government to conduct further research and evaluation about the role of transport infrastructure in the tourism development of destinations. If tourists cannot travel to new destinations due to limits in components of tourism (including the transport infrastructure system), they will look for alternative tourism destinations which have more favorable conditions for them to make their trips. This paper discusses and proposes some solutions to develop the transportation infrastructure to support the tourism growth in general.    

Keywords: transportation infrastructure, destination, traveller, tourism development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 14, tháng 6 năm 2021]