Hà Nam: Thị trường khởi sắc, doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh sản xuất

Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Nam tích cực đẩy nhanh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đã ký kết để kịp thời xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, các hoạt động thương mại, dịch vụ ghi nhận tăng trưởng ổn định.

Theo Chi cục Thống kê tỉnh Hà Nam, tháng 4/2025 trên địa bàn tỉnh ghi nhận giá cả hàng hóa ít biến động, mức tăng nằm trong tầm kiểm soát. Các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống tại tỉnh Hà Nam duy trì hoạt động ổn định phục vụ tốt nhu cầu của khách trong dịp nghỉ lễ. Hoạt động du lịch lữ hành ngày được nâng cao về chất lượng. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng và trung tâm mua sắm đang được phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời, các loại hình du lịch mới như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch thể thao cũng được đầu tư mạnh mẽ nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho khách du lịch.

Trong những tháng gần đây, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tích cực khẩn trương, đẩy nhanh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đã ký kết để kịp thời xuất khẩu hàng hóa; đồng thời thúc đẩy việc tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới trong tình hình mới.

20/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng

Số liệu của Chi cục Thống kê tỉnh Hà Nam, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2025 ước tính tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,4% và giảm 16,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8% và tăng 29%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,8% và tăng 9,2%; cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải giảm 0,1% và tăng 3,8%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, IIP ước tính tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 15,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%.

Có 20/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành chủ lực như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, tăng 31%; sản xuất thiết bị điện, tăng 28,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tăng 51,3%; sản xuất xe có động cơ, tăng 13,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, tăng 65,9%; sản xuất trang phục, tăng 6,3%; dệt vải, tăng 7%.

Có 6/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản xuất đồ uống, giảm 3,1%; khai khoáng, giảm 15,2%; sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 19,1%; sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, lứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 10,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác, giảm 28,6%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Hà Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dây điện các loại, tăng 29,3%; linh kiện, thiết bị điện tử, tăng 31%; bia các loại, tăng 47,7%; xe gắn máy, tăng 25,4%; quần áo may sẵn, tăng 6,3%; xi măng, clanke, tăng 7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Nước giải khát, giảm 14,4%; vải các loại, giảm 4%; đá khai thác, giảm 15,2%; đồ chơi trẻ em, giảm 32,9%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ước tính đến cuối tháng 4/2025 tăng 1,86% so với cuối tháng trước và giảm 0,03% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,08% và giảm 0,45%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,6% và giảm 0,27%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 2,43% và tăng 0,08%.

Phân theo ngành công nghiệp cấp I, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,35% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 21,19% so với cùng thời điểm năm trước; tỷ lệ tương ứng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 1,9% và tăng 0,22%; sản xuất và phân phối điện, giảm 0,16% và tăng 0,64%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải không thay đổi và giảm 1,43%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sử dụng lao động giảm 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm nhiều nhất ở ngành khai khoáng, giảm 15,94%; công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm 1,24%; sản xuất và phân phối điện, giảm 0,94%; cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải, tăng 1,21%.

Thị trường hàng hóa sôi động

Tháng 4/2025, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ổn định, thị trường hàng hoá diễn biến sôi động, tích cực ở nhiều nhóm hàng, nhất là trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tương đối dồi dào đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2025 ước đạt 5.270,95 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sức mua của người tiêu dùng ổn định. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.171,98 tỷ đồng, tăng 0,2% và tăng 17,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 316,53 tỷ đồng, giảm 1,7% và tăng 30,7%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 185,78 tỷ đồng, giảm 5,3% và tăng 26,6%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 596,67 tỷ đồng, tăng 4,6% và tăng 39,9%.

Các nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng so với tháng trước: Gỗ và vật liệu xây dựng (+2,18%); ô tô con dưới 9 chỗ ngồi (+0,52%); phương tiện đi lại (trừ ô tô con kể cả phụ tùng) (+3,64%); dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+2,16%). Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu giảm so với tháng trước: Lương thực, thực phẩm (-0,37%); hàng may mặc (-0,89%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (-2,09); vật phẩm, văn hóa giáo dục (-2,77%); xăng, dầu các loại (-0,05%); nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) (-0,05%); hàng hóa khác (-4,13%).

Hà Nam
Theo số liệu của Chi cục Thống kê tỉnh Hà Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2025 ước đạt 5.270,95 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sức mua của người tiêu dùng ổn định. (Ảnh minh hoạ: Báo Hà Nam)

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 21.137,3 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 16.930,6 tỷ đồng, tăng 19,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.261,4 tỷ đồng, tăng 28,5%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 666,2 tỷ đồng, tăng 16,7%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.279,1 tỷ đồng, tăng 34,8%.

Có 10/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có mức doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Lương thực, thực phẩm (+40,41%); hàng may mặc (+9,43%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+0,05%); vật phẩm, văn hóa giáo dục (+57,07%); gỗ và vật liệu xây dựng (+1,36%); xăng, dầu các loại (+11,7%); nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) (+7,37%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+5,95%); hàng hóa khác (+9,45%); dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+6,72%). Ở chiều ngược lại, có 2/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có mức doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô con dưới 9 chỗ ngồi (-18%); phương tiện đi lại (trừ ô tô con kể cả phụ tùng) (-3,29%).

Hà Nam tiếp tục kiểm soát tốt giá cả trong tháng 4, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, cung - cầu hàng hóa cân đối, các biện pháp quản lý thị trường được thực hiện kịp thời và hiệu quả.

Giá của các mặt hàng thực phẩm như thịt gia súc, rau củ… được ghi nhận tăng; tuy nhiên sự giảm giá của mặt hàng xăng dầu đã có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn tỉnh, kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 chỉ tăng ở mức 0,07% so với tháng trước, tăng 1,69% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,81% so với cùng tháng năm trước. 

Trong đó, có 5/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,19%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,47%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,36%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,06%).

Có 4/11 nhóm hàng có chỉ số giảm so với tháng trước: Đồ uống và thuốc lá (-0,06%); may mặc, mũ nón và giày dép (-0,12%); giao thông (-1,23%); văn hóa, giải trí và du lịch (-0,09%). Có 2/11 nhóm hàng giữ ở mức ổn định so với tháng trước: Bưu chính viễn thông; giáo dục.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, CPI trên địa bàn tỉnh Hà Nam tăng 2,98% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Tiến Thành