Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người dân trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường Thành phố vẫn giữ ổn định, các cơ sở kinh doanh cung ứng cam kết đảm bảo nguồn cung, không tăng giá và bán đúng giá niêm yết.
Tuy nhiên tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố vẫn còn xảy ra.
Nhiều vụ việc vi phạm điển hình được các lực lượng chức năng của Thành phố phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định, trong đó đáng chú ý các vụ việc về các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, thiết bị y tế giả, kém chất lượng, thuốc điều trị Covid-19, bộ đồ bảo hộ y tế, máy tạo oxy…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 389 của Thành phố luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, qua đó chỉ đạo các lực lượng chức năng của Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật...
Báo cáo Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong 10 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 cho thấy, trong 10 tháng các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 của Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 23.682 vụ, xử lý hành chính 20.702 vụ việc vi phạm. Trong đó khởi tố 72 vụ việc vi phạm đối với 124 đối tượng, tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.515 tỷ 930 triệu đồng.
Cụ thể, hàng cấm, hàng lậu là 2.857 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 865 vụ, gian lận thương mại 16.980 vụ, xử phạt hành chính 699 tỷ 239 triệu đồng, truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra gồm (Công an, Hải quan, Thuế); 1.797 tỷ 650 triệu đồng, tiền bán hàng 19 tỷ 041 triệu đồng.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt những tháng cuối năm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội xác định sẽ tập trung đồng loạt các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ như tiếp tục chỉ đaọ các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường bộ từ biên giới vào nội địa nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, hàng điện tử, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm... Đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tăng cường trao đổi thông tin, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban cũng sẽ chú trọng công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND Thành phố và BCĐ 389/TP Hà Nội; triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, chuẩn bị đến Tết Nguyên đán 2022, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng các phương án, kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết, trong đó xác định mặt hàng, địa bàn trọng điểm. Qua đó, nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đặc biệt đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách, điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.