Chỉ thị của Thủ tướng ngày 31/3 cho biết, từ 0h ngày 1/4 sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày theo nguyên tắc "tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó".
Trước diễn biến này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, Sở và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã xây dựng phương án dự trữ, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường.
Hệ thống Co.opmart tăng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ phục vụ nhân dân. Khẩu trang và nước rửa tay cũng được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn.
"Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày, trị giá lượng hàng hóa dự trữ hiện lên đến 194.000 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng", đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Trước đó, ngày 26/3, ghi nhận diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã điều chỉnh, xây dựng phương án 3 đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với các cấp độ diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, về công tác đảm bảo cung ứng các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thành phố, các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ hàng hóa theo bảng phân bổ của Sở Công Thương, khuyến khích các doanh nghiệp dự trữ số lượng hàng nhiều hơn phương án đã đưa ra. Đồng thời với vai trò đầu tàu kinh tế vùng trọng điểm Bắc bộ, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho các tỉnh có dịch bùng phát.
Các doanh nghiệp chủ động hàng hóa, điều tiết trong hệ thống, chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa tại quầy, kệ, kho trung tâm, kho các tỉnh đảm bảo đủ hàng hóa cho nhân dân.
Các quận, huyện, thị xã đảm bảo đủ lượng hàng hóa 4 tại chỗ trên địa bàn, chủ động điều phối các phường, xã thuộc địa bàn; trong trường hợp thiếu hàng chủ động phối hợp với Sở Công Thương để điều tiết, cung ứng kịp thời.
Trường hợp thiếu hàng cục bộ các doanh nghiệp khẩn trương điều tiết trong hệ thống để chuyển hàng nhanh nhất đến các điểm thiếu hàng.
Trường hợp nhiều điểm bán trên 1 địa bàn phải ngừng kinh doanh, nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50%-100%) so với ngày bình thường thì tổ chức điều động các đơn vị khác hỗ trợ đưa hàng đến khu vực thiếu hoặc tổ chức cung ứng hàng lưu động để đáp ứng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu người dân.
Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp phải điều tiết hàng hóa mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong Thành phố, chỉ đạo DN phải tăng thêm nhiều kho dự trữ hàng hóa tại các quận huyện và điều tiết từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác. Chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.
Mặt khác, thành phố Hà Nội đã xây dựng các kịch bản với 5 cấp độ bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân.
Cụ thể, cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn. Cấp độ 2 là khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Cấp độ 3 là trên địa bàn có từ 20 đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Cấp độ 4 là trên địa bàn có hơn 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh, 30 quận, huyện, thị xã đều có khu cách ly. Cấp độ 5 là trên địa bàn có từ hơn 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao; khi đó người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm, lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến.
Ở cấp độ 1, 2, 3, các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để đưa về Hà Nội.
Đối với cấp độ 4 và 5, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối dồn tổng lực hàng hóa về địa bàn Thủ đô; mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán trên các quận, huyện, thị xã; cần thiết lập thêm các kho dã chiến. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động cùng các doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất.
Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, phân phối nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân Thủ đô theo các kịch bản đã dự tính. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp dự trữ số lượng hàng nhiều hơn phương án đã đưa ra và chủ động điều tiết phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.