Một ngày làm việc thường ngày của nghệ nhân Nguyễn Văn Túc - làng nghề điêu khắc Dư Dụ (Thanh Thùy, Thanh Oai) bắt đầu bằng công việc quen thuộc là đục đẽo, chạm khắc các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ cho khách hàng. Ngoài ra, anh còn dành thời gian kiểm tra tin nhắn và tư vấn online cho khách hàng. Nhờ chuyển hướng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và livestream đã giúp doanh thu của gia đình anh Túc tăng thêm 20-30%. Tại làng nghề lụa Vạn Phúc, phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử, livetreams cũng đang khá thịnh hành.
Chia sẻ về xu hướng bán hàng của các làng nghề hiện nay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Đào tạo Phát triển Làng nghề Cao Bích Thủy cho biết, những năm qua, thương mại điện tử phát triển rất nhanh chóng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm sản phẩm trên các nền tảng số, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, việc chuyển mình trong hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề truyền thống là xu thế tất yếu.
Nói về những rào cản marketing hiện đại của làng nghề, bà Cao Bích Thủy cho rằng, làm marketing truyền thống đã khó đối với các làng nghề truyền thống. Làm marketing hiện đại càng khiến làng nghề lúng túng, khó khăn nhiều hơn. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn nhân lực số. Mặt khác, trên các kênh tiêu thụ online sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề còn yếu so với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác. Nguyên do, bởi làng nghề chậm đổi mới mẫu mã, thiếu tính sáng tạo, thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt.
Việc giúp các nghệ nhân và cơ sở thực hiện bán hàng online đang trở thành nhu cầu thiết thực, góp phần đắc lực phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Theo bà Cao Bích Thủy, cần có các hình thức phổ biến cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hiểu về bán hàng online, biết các kỹ năng cần thiết. Nếu các nghệ nhân, cơ sở không tự thực hiện được thì nên có các hình thức trợ giúp cụ thể, hoặc mở địa chỉ bán hàng online chung cho nhiều nghệ nhân, cơ sở cùng tham gia.
Song song với đó, người bán cũng cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, phương thức tốt nhất là phát triển thị trường ngách. Để tìm được thị trường ngách, người dân làng nghề có thể sử dụng một số công cụ như: tra cứu về xu hướng trên google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường, kiểm tra sự cạnh tranh của sản phẩm.
Còn theo TS. Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.
Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn/KhaoSatCDS/...MucDoCDS.