Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình triển khai năm 2020 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong báo cáo này, Chính phủ dự báo một số xu hướng thay đổi trên thế giới và cả Việt Nam trong thời gian tới, nhất là sau khi trải qua dịch Covid-19.
Theo đó, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến các quan điểm giữa toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập với chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ, biệt lập.
Do đó, Việt Nam sẽ hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động bên trong và bên ngoài của nền kinh tế.
Đây cũng là lý do để trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, trong 8 nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thì nhiệm vụ đầu tiên là “Tập trung rà soát, có giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển bền vững thị trường trong nước”.
Và như thế, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại cần phải có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Được biết, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện đề án Chiến lược phát triển thương mại nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035, trong đó, phần hạ tầng thương mại đưa ra 4 đề xuất:
Thứ nhất, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan và các địa phương rà soát, triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại, trong đó chú trọng tới các hạ tầng chợ (chợ đầu mối, chợ du lịch mang tính truyền thống, văn hóa); trung tâm logistics...
Thứ hai, phối hợp với các bộ ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…) nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích công tác đầu tư, ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại.
Trước mắt là sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ.
Phối hợp hoàn thiện, bổ sung các chính sách về đầu tư công theo hướng tạo điều kiện để ngân sách nhà nước đặc biệt là ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo nâng cấp các chợ hiện có đã xuống cấp.
+ Đối với loại hình chợ đầu mối: đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển chợ đầu mối theo tiêu chuẩn quốc tế, xúc tiến các chương trình khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về xây dựng và phát triển chợ đầu mối.
+ Đối với loại hình chợ truyền thống: tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cấp, cải tạo, phát triển chợ truyền thống, kết hợp với việc nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ theo hướng chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
Tiếp tục nhân rộng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm (trong khuôn khổ chương trình mục tiêu Y tế - Dân số) trên cơ sở Tiêu chuẩn Việt Nam về Chợ kinh doanh thực phẩm.
Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn;
Rà soát, đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phát triển chợ nông thôn theo mục tiêu đề ra.
+ Đối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động: xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, phân hạng nhằm tạo cơ sở để hướng dẫn các địa phương trong việc phát triển cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên cả nước một cách đồng bộ, chuyên nghiệp.
+ Khuyến khích xây dựng hệ thống kho lạnh, kho dự trữ, trung tâm logistics, đặc biệt là kho dành cho hàng hóa nông sản và đưa vào danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Thứ ba, cần xây dựng một chương trình riêng về phát triển hạ tầng thương mại, trong đó tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển một số loại hình có tính chất trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời có chính sách phát triển riêng hoặc bố trí nguồn lực phát triển riêng đối với các chợ truyền thống mang tính văn hóa cần bảo tồn, phát triển và các chợ biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và triển khai các Chương trình phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030;
Đảm bảo đủ nguồn kinh phí để thực hiện các Chương trình một cách hiệu quả, đồng bộ, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.
Nếu thực hiện đồng bộ 4 đề xuất này sẽ góp phần đưa thị trường nội địa trở thành một trụ cột quan trọng trong “Xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động bên trong và bên ngoài của nền kinh tế” như định hướng của Chính phủ.