Có diện tích nhỏ nhất nước (822 km2), nhưng Bắc Ninh có những con số mà nhiều tỉnh, thành phố mơ ước: quy mô nền kinh tế đạt gần 200.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2 cả nước với 6.219 USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 80,6 triệu đồng/người, đứng thứ 5 cả nước.
Quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước, với giá trị 1,3 triệu tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách hơn 30.400 tỷ đồng, đứng thứ 9 và FDI đứng thứ 6 cả nước...
Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng GRDP bình quân đầu người của tỉnh rất cao, lên đến 145 triệu đồng/người/năm, nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ 80,6 triệu đồng (năm 2018), tức chưa được 1/2 GRDP bình quân đầu người.
Do đó, mục tiêu của Bắc Ninh không chỉ tăng trưởng GRDP mà quan trọng hơn là phải tăng thu nhập cho người dân.
Thủ tướng cho rằng, đóng góp lớn nhất vào thành quả của Bắc Ninh là Samsung, do đó Bắc Ninh cần lấy Samsung làm trung tâm trong phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử gắn với các tỉnh lân cận cũng như Vùng Thủ đô.
Theo Thủ tướng, chỉ có phát triển cụm ngành mới làm cho đóng góp của Samsung lớn hơn nữa, lan tỏa hơn nữa các giá trị gia tăng và đặc biệt là giảm rủi ro không bị “bạt gốc” (tức là rời đi) trong bối cảnh dịch chuyển các cơ sở sản xuất toàn cầu mang tính thường xuyên hơn do tính động của các lợi thế so sánh.
Để tận dụng được lợi ích của các hiệp định thương mại tự do (FTA) , ở hướng thứ nhất Bắc Ninh cần có chính sách khuyến khích Samsung chuyển từ sản xuất ở Việt Nam sang sản xuất bởi Việt Nam theo hướng nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.
Hướng thứ hai trong tận dụng cơ hội từ các FTA, Bắc Ninh cần có chính sách đột phá về thể chế và nguồn nhân lực để đảm bảo khả năng học hỏi, tiếp thu và làm chủ công nghệ chuyển giao.
Tỉnh cần phải giữ vai trò quan trọng hơn nữa trong chiến lược công nghiệp hóa của quốc gia. Điều này chỉ thực hiện được khi các doanh nghiệp bản địa tham gia vào chuỗi giá trị ở nấc cao của Samsung.
Nêu một số định hướng lớn, Thủ tướng cho rằng quá trình phát triển luôn phải đặt con người vào vị trí trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển.
Người dân phải được tạo điều kiện về môi trường kinh doanh và cơ hội kinh tế nhiều hơn để tự cải thiện điều kiện kinh tế cũng như cuộc sống của mình.
Đồng thời, chiến lược phát triển trong thập niên tới phải thực sự hướng đến mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững, hài hòa dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Không nghiêng vào một trụ cột nào trong phát triển.
Đặc biệt rất lưu ý về xử lý môi trường ở các làng nghề, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn ở Bắc Ninh. Chúng ta không được để phải trả giá đắt vì phát triển mà đánh đổi môi trường, Thủ tướng nói.
Cuối cùng, cần áp dụng nhiều hơn các thước đo chuẩn mực của thế giới vào việc đo lường và đánh giá các thành quả kinh tế và xã hội của Bắc Ninh.
Trong đó, khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp; khuyến khích phát triển theo hướng lấy cụm ngành làm trung tâm, nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.