Hệ tri thức Việt số hóa là sự tổng hợp, hệ thống hóa, Việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức cho thanh thiếu niên. Hệ tri thức Việt số hóa được tổng hợp từ 2 nguồn. Thứ nhất là nguồn tri thức cơ bản có sẵn gồm: Pháp luật, chính sách Nhà nước; các thông tin công bố công khai của các cơ quan nhà nước; các tri thức trong lĩnh vực giáo dục như sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, các khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), học liệu điện tử; các tri thức từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bài báo khoa học, kết quả nghiên cứu và sáng chế, thông tin sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; các kỹ thuật, công nghệ hữu ích, các bài học về ứng dụng thành công khoa học và công nghệ trong sản suất và đời sống,…
Nguồn thứ hai từ tri thức cộng đồng được thu thập và liên tục cập nhập gồm: các tri thức khoa học thường thức trong đời sống xã hội như chăm sóc sức khỏe, y tế, phòng chống bệnh dịch, trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, khoa học đời sống…
Hệ tri thức Việt số hóa là một trong những động lực thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta. Trong một phát biểu mới đây tại Diễn đàn đối thoại cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Techfest 2018 tổ chức tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định mặc dù việc phát triển cộng đồng start-up, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan của Nhà nước, đặc biệt Chính phủ đã rất quan tâm và mong muốn thúc đẩy cộng đồng này phát triển.
Một số liệu mới được công bố cho thấy, có khoảng 70% dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài; và có đến 39/40 quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam là của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đó chỉ là con số thống kê đơn thuần, không có ý nghĩa về sự lo ngại về số lượng áp đảo của “yếu tố nước ngoài”. Sự thực thì không có sự phân biệt các dự án start-up ở Việt Nam hay nước ngoài. Quan trọng là các start-up có thể tìm thấy cơ hội từ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi và đang tăng trưởng.
Ngoài các vấn đề về vốn, hạ tầng, pháp lý, giáo dục, nguồn nhân lực đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp start-up đã từng nêu lên, điều khó nhất hiện nay vẫn là tạo lập một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng đồng. Nguồn dữ liệu này được đóng góp từ Chính phủ, doanh nghiệp và đặc biệt là từ người dân, trước hết tập trung vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, thanh toán điện từ, nông nghiệp…
Đây cũng là yêu cầu được nêu ra trong đề án xây dựng Hệ tri thức Việt số hoá bên cạnh việc phát triển các cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp. Điểm đáng chú ý trong Đề án Hệ tri thức Việt số hoá là sự đóng góp tri thức của người dân thông qua việc đặt các câu hỏi về những vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống. Khi nhiều người cùng quan tâm về một vấn đề thì đó là cơ hội của các doanh nghiệp start-up. Đây sẽ là quá trình chuyển đối. Đối với người dân đó có thể là chuyển từ thói quen tiết kiệm, gửi tiền vào ngân hàng sang đầu tư, kinh doanh. Còn Nhà nước thì không chỉ là hỗ trợ vốn hay hoàn thiện hành lang pháp lý mà quan trọng nhất là đặt ra những vấn đề để kêu gọi các ý tưởng start-up. Trong đó, việc đưa ý tưởng khởi nghiệp vào giáo dục, đặc biệt trong các trường đại học, là vô cùng quan trọng. Vì sẽ giúp giáo dục vượt qua sự tiếp thu thụ động, thầy nói trò ghi, hướng tới môi trường sư phạm năng động, sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác dựa trên công nghệ, tri thức.
Làm start-up không thể đòi hỏi thuận lợi hay nghĩ thoáng qua là làm start-up phải gắn ngay với thế giới, toàn cầu hay phải trở thành công ty triệu đô, tỷ đô. Trước hết, cần bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực hàng ngày, từ những việc rất nhỏ liên quan đến giáo dục, đi lại, khám chữa bệnh của người dân, nông nghiệp… mà trong đó, Hệ tri thức Việt số hoá vừa đóng vai trò “công cụ” vừa có chức năng truyền cảm hứng tới doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp start-up.