Hiệu quả của việc áp dụng phương pháp học tập chủ động trong giảng dạy kế toán

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Phương pháp truyền thống trong giảng dạy kế toán không còn là phương pháp hiệu quả để giúp người học có thể nắm chắc kiến thức của môn học, cũng như không thể trang bị những kỹ năng cần thiết để giúp người học có được thế mạnh khi tham gia vào thị trường lao động đầy cạnh tranh. Do đó, phương pháp truyền thống này cần được thay thế bởi các phương pháp học tập chủ động để người học có thể tự tin hơn sau khi tốt nghiệp. Từ các kết quả của các nghiên cứu trên thế giới, bài viết tổng hợp lại các bằng chứng về hiệu quả của việc áp dụng các phương pháp học tập chủ động trong giảng dạy kế toán, nhằm gia tăng lượng kiến thức và trang bị các kỹ năng cần thiết cho người học.

Từ khóa: Học tập chủ động, giảng dạy kế toán, hiệu quả.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế tri thức thế giới đang phát triển không ngừng và ngày càng tiến bộ hơn. Nếu phương pháp giảng dạy, đào tạo kế toán không được thay đổi thì sẽ không còn phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ và sự phát triển của kinh tế tri thức. Phương pháp giảng dạy truyền thống, truyền đạt kiến thức qua các bài giảng trên giảng đường, giải bài tập và kiểm tra cuối kỳ không còn là phương pháp hiệu quả để giúp người học có thể nắm chắc kiến thức của môn học. Trong khi đó, phương pháp học tập chủ động đem lại kết quả tốt hơn không chỉ ở khía cạnh làm tăng lượng kiến thức học được mà còn phát triển một số kỹ năng khác của người học, như kỹ năng giải quyết vấn đề, phân tích và phê bình, đánh giá, làm việc nhóm và các kỹ năng mềm khác. Từ đó người học sẽ có kiến thức vững vàng hơn cũng như tự tin hơn về kỹ năng của mình để sẵn sàng bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh.

2. Phương pháp học tập chủ động là gì?

Thuật ngữ “học tập chủ động” không còn là một thuật ngữ mới mẻ, mà đã trở nên ngày càng phổ biến trong các lớp ở các trường đại học trong những năm gần đây. Nhiều nghiên cứu đã ủng hộ các lợi ích của học tập chủ động xét về khía cạnh các ảnh hưởng đến việc dạy của giảng viên và việc học của sinh viên. Prince (2004) đã giải thích “học tập chủ động được thường được định nghĩa là một phương pháp dạy học tạo ra hứng thú cho sinh viên trong quá trình học tập. Nói tóm lại, học tập chủ động đòi hỏi sinh viên thực hiện các hoạt động học tập có ý nghĩa và suy nghĩ về những việc họ đang làm” [18].

3. Hiệu quả của việc áp dụng phương pháp học tập chủ động trong giảng dạy kế toán

Phương pháp học tập chủ động tiếp cận tri thức thông qua việc chủ động khám phá và thông qua quá trình tương tác. Phương pháp này giúp tạo ra môi trường khuyến khích tính tự chủ trong học tập, bởi người học có cơ hội học tập theo nhịp độ của riêng mình và trở nên có trách nhiệm với việc xây dựng kiến thức thay vì chờ sự truyền đạt tri thức của giảng viên. Trong phương pháp này, giai đoạn đầu tiên trong tiến trình học tập của sinh viên là ở bên ngoài lớp học, bắt đầu bằng việc nghiên cứu trước bài học qua việc đọc tài liệu, xem các video hướng dẫn, thực hiện các hoạt động cá nhân hoặc nhóm hoặc kết hợp cả hai. Một số bài kiểm tra đánh giá ngắn được thực hiện trực tuyến để xác định người học có hiểu được bài học sau khi đọc tài liệu và video hướng dẫn. Sau đó trong suốt thời gian trên lớp, thay vì việc chăm chú nghe giảng như trong lớp học truyền thống, tất cả các khoảng thời gian quan trọng được sử dụng trên lớp dành cho việc luyện tập, ứng dụng bài tập, thảo luận, học tập theo nhóm. Sau thời gian trên lớp sẽ là việc thực hành, ứng dụng thêm vào các bài tập trực tuyến khó hơn, hoặc thực hiện các nghiên cứu tình huống theo cá nhân hoặc theo nhóm. Để thực hiện được các công việc trên, giảng viên cần phải ứng dụng kết hợp một số phương pháp và công cụ khác để hỗ trợ cho phương pháp học tập chủ động. Các phương pháp và công cụ đó có thể là phương pháp nghiên cứu tình huống, phương pháp học tập theo nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin. Bảng 1 thể hiện việc áp dụng các phương pháp và công cụ hỗ trợ trong các giai đoạn của học tập chủ động.

Từ các bằng chứng của các nghiên cứu trước đây, bài viết tổng hợp lại hiệu quả của việc áp dụng các phương pháp học tập theo nhóm, phương pháp nghiên cứu tình huống và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện phương pháp học tập chủ động để giảng dạy kế toán.

a. Hiệu quả của việc áp dụng phương pháp học tập theo nhóm

Học tập hợp tác là một trong các phương pháp của học tập chủ động. Theo Johnson và Johnson (1989) học tập hợp tác là việc sử dụng sự hướng dẫn của các nhóm nhỏ trong đó các sinh viên làm việc với nhau để tối đa việc học của mỗi người. Học tập theo nhóm là một loại cụ thể của học tập hợp tác [14]. Cốt lõi của học tập nhóm là sinh viên không chỉ học được từ những trải nghiệm của bản thân mà còn từ trải nghiệm của bạn bè [13].

Đối với phương pháp học tập theo nhóm, sinh viên đòi hỏi phải là người học chủ động. Sinh viên được chia thành các nhóm nhỏ và giảng viên dựa trên lịch trình giảng dạy giao các bài tập bắt buộc cho các nhóm chuẩn bị trước. Sinh viên được yêu cầu phải thảo luận giải pháp của họ với các thành viên nhóm trong các buổi của học tập theo nhóm. Sau mỗi phần thảo luận nhóm thì nhóm được yêu cầu phải hoàn thành một báo cáo về quá trình hợp tác và kiến thức đạt được. Báo cáo của nhóm cũng bao gồm một bảng ghi chép lại những vấn đề khó khăn của bài tập và báo cáo lại với giảng viên. Các thành viên của nhóm phải tự đánh giá tiến trình và cho điểm nhóm; cho nên, bằng việc phản ánh kinh nghiệm nhóm, sinh viên sẽ nhận thức được trách nhiệm đối với tiến trình học tập của chính họ [17].

Ravenscroft (1997) đã chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp dựa vào làm việc nhóm để hoàn thành công việc. Ravenscroft (1997) thực hiện một số nghiên cứu và phát hiện rằng các chủ doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng ít dựa vào điểm số khi tuyển dụng (vì điểm số không phải là dự đoán tốt cho thành công nghề nghiệp), mà thay đổi tiêu chuẩn tuyển dụng sang việc xem xét các kỹ năng. Bằng việc thay đổi tiêu chuẩn tuyển dụng này, chủ doanh nghiệp có khả năng giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo. Đối với sinh viên, Ravenscroft (1997) nhấn mạnh rằng khi sinh viên được tuyển dụng làm việc, họ sẽ đối mặt với vấn đề chia sẻ trách nhiệm và làm việc nhóm với các thành viên khác hoàn toàn về trình độ, kinh nghiệm. Nếu sinh viên đã được đào tạo những kỹ năng này tại các trường đại học thì sẽ dễ thích nghi hơn với điều kiện làm việc này. Ngoài ra, việc sinh viên học để giúp người khác hiểu được kiến thức của bài học, bản thân sinh viên đó sẽ thu thập được nhiều hơn [20].

Để thích nghi với các thay đổi của nghề nghiệp kế toán, việc đào tạo kế toán nên chuyển từ các bài giảng sang học tập hợp tác, giải quyết các tình huống thực tế và các mô hình kỹ thuật [7]. Hơn nữa, khả năng nhân viên kế toán có thể làm việc phối hợp với nhau được nhận thấy là một yếu tố quan trọng của một kế toán trong tương lai và các tổ chức nghề nghiệp đã nhấn mạnh kỹ năng làm việc nhóm là cần thiết để thành công trong công việc kế toán. Từ đó, việc nhận thấy tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm là động lực đầu tiên để thực hiện phương pháp học tập theo nhóm trong việc đào tạo kế toán ở các trường đại học.

b. Hiệu quả của phương pháp nghiên cứu tình huống

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng trong đào tạo kế toán ngày càng được nhấn mạnh. Đặc biệt là, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã làm giảm đi vai trò của kế toán trong việc lập báo cáo tài chính mà vai trò của một kế toán liên quan đến việc giải thích thông tin tài chính nhiều hơn. Theo đó, kế toán cần phải có kỹ năng giao tiếp, phân tích, giải quyết vấn đề và các kỹ năng khác ngoài các kỹ thuật và kiến thức chuyên môn để có thể áp dụng vào công việc hiệu quả. Một trong những kỹ thuật tốt nhất để phát triển các kỹ năng này trong các lớp học kế toán là việc sử dụng các nghiên cứu tình huống [2]. Nghiên cứu tình huống có thể được sử dụng để phát triển các kỹ năng bên cạnh việc giảng dạy kỹ năng chuyên môn thiên về kỹ thuật trong kế toán và kiến thức lý thuyết. Ví dụ, khi học về làm thế nào để lập một báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bên cạnh việc phải có kiến thức kỹ thuật và lý thuyết như phân biệt được sự khác nhau giữa kế toán theo cơ sở tiền và kế toán theo cơ sở dồn tích, sinh viên cần phải khám phá làm thế nào để trình bày thông tin và phát triển kỹ năng giao tiếp. Cũng với ví dụ về báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong nghiên cứu tình huống, sinh viên sẽ xem xét các vấn đề kinh doanh mở rộng hơn và từ đó có được thêm những kỹ năng khác như đánh giá, giải quyết vấn đề và phân tích phản biện [4].

Phương pháp nghiên cứu tình huống yêu cầu sinh viên xác định được các quy định phù hợp, thực hiện được việc tính toán cần thiết từ những thông tin định lượng, tranh luận phù hợp, thực hiện phân tích đánh giá để có thể đi đến kết luận, bảo vệ được quan điểm trước lớp học, đánh giá được quan điểm của sinh viên khác và góp ý quan điểm của sinh viên khác nếu cần thiết [3].

Phương pháp nghiên cứu tình huống cải thiện các kỹ năng của sinh viên như tìm kiếm thông tin tại thư viện, kỹ năng hệ thống dữ liệu, kỹ năng giải thích, kỹ năng trình bày, kỹ năng tóm tắt logic, kỹ năng giao tiếp bằng lời nói, kỹ năng viết và các kỹ năng khác. Boyce và cộng sự (2001) tranh cãi rằng các lợi ích đáng kể của phương pháp nghiên cứu tình huống là bằng việc trình bày các vấn đề về kỹ thuật và lý thuyết trong một ngữ cảnh rất thực tế, việc áp dụng phương pháp này có thể đóng góp vào mức độ hiểu sâu qua việc học tập một cách chủ động [6]. Nghiên cứu tình huống còn cung cấp sự liên kết giữa các khía cạnh lý thuyết và thực hành trong môn học cho nên sẽ rất hiệu quả trong đào tạo kế toán.

Nghiên cứu tình huống là một ví dụ của các hoạt động là cầu nối giúp “việc đào tạo sẽ tiến gần hơn với nhu cầu công việc trong tương lai” [21]. Do đó, phương pháp nghiên cứu tình huống là một trong các phương pháp hiệu quả nhất, giúp kết hợp giữa kiến thức lý thuyết với thực tế và liên quan một cách chủ động đến khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp cho tình huống được phân tích. Để tăng cường khả năng tư duy của sinh viên, giảng viên nên áp dụng phương pháp đào tạo mới như phương pháp tình huống này.

c. Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin

Sự ra đời của công nghệ thông tin đóng một vai trò quan trọng để thực hiện một bước tiến trong việc chuyển đổi từ phương pháp dạy học truyền thống sang cấp độ mới của phương pháp dạy học như học tập trực tuyến (E-learning), ứng dụng trò chơi, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, từ đó giúp các trường đại học có thể tăng sự linh hoạt trong học tập cho sinh viên.

Ứng dụng trò chơi trong giảng dạy kế toán: Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, phương pháp thay thế hiệu quả cho phương pháp dạy học truyền thống đó là phương pháp trò chơi. Với trò chơi, người học đóng một vai trò chủ động trong việc xây dựng kiến thức của họ qua việc giải quyết vấn đề được thiết kế trong trò chơi. Thêm vào đó, trò chơi có mục tiêu, có thách thức, có cạnh tranh. Sinh viên thường là nhóm người trẻ tuổi nên rất có hứng thú với việc chơi trò chơi. Đây là yếu tố then chốt tại sao tiềm năng của trò chơi là phương tiện học tập hiệu quả [11]. Trò chơi có thể tạo ra mối quan hệ làm việc linh hoạt hơn giữa các sinh viên, phá vỡ khoảng cách giữa sinh viên và giảng viên, và huấn luyện kỹ năng tư duy một cách dễ dàng.

Với phương pháp trò chơi, nội dung các môn học kế toán có thể được xem là khó, nghiêm túc và nhàm chán với các khái niệm, các quy định thì trò chơi sẽ có đặc điểm là vui, cởi mở, hòa đồng, không nhàm chán. Từ đó, trò chơi được kỳ vọng là sẽ giúp việc học từ phức tạp, nhàm chán trở nên thú vị và dễ dàng hơn. Các trải nghiệm học tập hợp tác, chủ động có thể xảy ra trong quá trình chơi trò chơi giúp tạo ra môi trường liên kết giúp thông tin trở thành một phần trong đó. Ví dụ, khi so sánh với phương pháp học tập thụ động, chiến lược học tập chủ động, bao gồm chơi trò chơi, được nhận thấy có hiệu quả tích cực đến kết quả học tập của sinh viên [16] bằng việc khuyến khích xem lại các kiến thức đơn giản cũng như phức tạp của nội dung môn học [12].

Nghiên cứu về hiệu quả của việc sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo kế toán của Agnes và Vena (2015) đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm rằng việc sử dụng phương pháp học tập qua trò chơi, cụ thể là phần mềm trò chơi kế toán đã có ảnh hưởng tích cực đến khả năng học thuật và thành tựu của sinh viên [1]. Kết quả nghiên cứu này là nhất quán với các kết quả nghiên cứu trước của các tác giả đề nghị sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy kế toán là Elliot (1992), Pincus (1997), và Goldwater và Fogarty (2007) (trích dẫn từ [1]). Bên cạnh đó, Connolly và cộng sự (2012) đã phát hiện rằng các trò chơi trên máy tính có sự liên quan đến việc đạt được kiến thức một cách tích cực, kỹ năng phê phán và tư duy, thay đổi hành vi, tăng tính tự giác [9].

Bên cạnh các trò chơi, thì các công cụ khác về công nghệ thông tin cũng hỗ trợ tích cực cho học tập chủ động. Các công cụ đó bao gồm: Môi trường học tập ảo, các phương tiện viễn thông tương tác, chương trình phần mềm sử dụng trong kế toán (bảng tính, phần mềm kế toán), hệ thống quản lý khóa học trực tuyến.

Môi trường học tập ảo là nơi mà internet hình thành nên một cầu nối để hỗ trợ và nâng cao việc học. Ngày nay, nó là thiết bị nền tảng trong học tập từ xa hoặc đóng vai trò nguồn cung cấp tài liệu cho phương pháp học tập truyền thống. Môi trường học tập ảo bao gồm các yếu tố sau [5]: (1) Hầu hết tất cả các khóa học đều được dựa trên khả năng tiếp cận chủ yếu với nguồn tài liệu và nhân lực qua Internet; (2) Vì khóa học trên cơ sở internet nên mỗi sinh viên phải có trách nhiệm đối với việc tiếp cận internet và mỗi khóa học có riêng website của mình; (3) Một số khóa học còn khuyến khích sự tương tác giữa các sinh viên với nhau, với giảng viên và với các nguồn khác.

Sự đa dạng của các chương trình phần mềm và internet được sử dụng trong các bài giảng kế toán để đạt được mục tiêu giảng dạy và học tập khác nhau. Theo một nghiên cứu bởi Gujarathi (2005) đã cho thấy kết quả đầu ra khả quan của việc sử dụng một “chương trình bảng tính” để giải quyết và quản lý các vấn đề kế toán (trích dẫn từ [19]). Mục tiêu là cho người học làm quen với hệ thống ghi sổ trong kế toán với những giới hạn cũng như lỗi thường gặp. Sinh viên đánh giá cao việc sử dụng phần mềm và nhận xét rằng phần mềm giúp cho việc học kế toán trở nên dễ dàng hơn so với cách học truyền thống.

Hệ thống quản lý học tập trực tuyến: Là một hệ thống cung cấp trực tuyến cho người học các bài giảng, các hướng dẫn, các bài kiểm tra; đồng thời cho phép nộp bài tập về nhà trực tuyến, chấm điểm và phản hồi ngay lập tức, cho phép tiếp cận mọi lúc và tương tác với giảng viên hoặc bạn học. Jones (2008) đã nghiên cứu về mức độ hiểu các bài tập về nhà dựa trên nền web và nhận thấy rằng việc này giúp nâng cao việc học và hầu hết sinh viên thích làm bài tập về nhà trực tuyến hơn là làm trên giấy [15]. Sinh viên cũng đánh giá cao các yếu tố đa mục tiêu và hệ thống cung cấp phản hồi ngay lập tức. Thêm vào đó, Collins, Deck, và McCricket (2008) nhận thấy rằng sinh viên kế toán sử dụng các hệ thống này có số điểm cuối kỳ cao hơn đáng kể [8].

4. Kết luận

Tóm lại, việc áp dụng phương pháp học tập chủ động với sự hỗ trợ của các phương pháp như học tập theo nhóm, nghiên cứu tình huống và ứng dụng của công nghệ thông tin đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong giảng dạy kế toán. Các hiệu quả đó có thể tóm lược lại như sau:

Đối với tiến trình học tập của sinh viên, việc áp dụng các phương pháp tiên tiến này giúp tạo ra hứng thú cho sinh viên trong quá trình học tập, sinh viên không chỉ học được từ những trải nghiệm của bản thân mà còn từ trải nghiệm của bạn bè. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ nhận thức được trách nhiệm đối với tiến trình học tập của chính họ để chính bản thân họ nỗ lực nhiều hơn cho việc học. Ngoài ra, các phương pháp này còn cải thiện các kỹ năng của sinh viên như kỹ năng tìm kiếm thông tin, hệ thống dữ liệu, giải thích, trình bày, tóm tắt logic, giao tiếp, tư duy phân tích, tư duy phản biện, đánh giá - đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để người học có thể cạnh tranh và theo đuổi nghề nghiệp của mình. Bên cạnh việc tăng hiệu quả học tập và cải thiện các kỹ năng thì việc sử dụng các phương pháp mới và công nghệ thông tin còn tạo ra sự tiện lợi trong học tập cho sinh viên qua việc tăng sự linh hoạt khi sinh viên có thể học tập và tương tác với giảng viên, với bạn học mọi lúc mọi nơi, tự kiểm tra đánh giá khả năng nhận thức của mình.

Đối với sự chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai, khi sinh viên đã được đào tạo những kỹ năng này tại các trường đại học thì sẽ dễ thích nghi hơn với điều kiện làm việc đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều thành viên trong nhóm. Từ đó thích nghi dễ dàng với các thay đổi của nghề nghiệp kế toán. Bên cạnh đó, việc rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học và các kỹ năng khác là cầu nối giúp việc đào tạo kế toán sẽ tiến gần hơn với nhu cầu công việc trong tương lai ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Agnes Advensia Chrismastuti, St. Vena Purnamasari (2015), The Effectiveness of IT Usage in Accounting Education. International Journal of Humanities and Management Sciences (IJHMS) Volume 3, Issue 4 (2015) ISSN 2320-4044.

2. American Accounting Association (AAA), (1986), Committee on the Future Structure, Content, and Scope of Accounting Education (The Bedford Committee), future accounting education: Preparing Sterling R. (1980), Schools of Accounting: A look at the Issues, American Institute of Certified Public Accountants, New York.

3. Anthony R.N., Govindarajan V. (1998), Management Control Systems (9th edn), Irwin/McGraw-Hill, Boston.

4. Ballantine J., McCourt L. (2009), A critical anglysis of studentsperceptions of the usefulness of the case study method in an advanced management accounting module: the impact of releveant work experience, Ecounting Education 13, pp. 171-189.

5. Basioudis, I. G. and de Lange, P. A. (2009), An assessment of the learning benefits of using a webbased learning environment when teaching accounting, Advances in Accounting, 25(1), pp. 13-19.

6. Boyce G., Williams S., Kelly A., Yee H. (2001), Fostering deep and elaborative learning and generic (soft) skills development: The strategic use of case studies in accounting education, Accounting Education: an international journal 10 (1), pp. 37-60.

7. Carland, J. W., Carland, J. C., & Dye, J. L. (1994), Accounting education: a cooperative learning strategy. Accounting Education: An International Journal, 3(3), 223-236.

8. Collins, D., Deck, A., & McCricket, M. (2008), Computer Aided Instruction: A Study of Student Evaluations and Academic Performance, Journal of College Teaching and Learning, 5(11), 49-58. Retrieved from http://www.cluteinstitute-onlinejournals.com/PDFs/a607.pdf

9. Connolly, T. M., Boyle, E. A., MacArthur, E., Hainey, T., & Boyle, J. M. (2012), A systematic literature review of empirical evidence on computer games and serious games, Computers and Education, 59, 661-686.

10. Eison, J. (2010), Using active learning instructional strategies to create excitement and enhance learning, Jurnal Pendidikantentang Strategi Pembelajaran Aktif (Active Learning) Books, 2.

11. Facer, K. (2003), Computer Games and Learning. Future Lab, www.futurelab.org.uk

12. Hermanson, D. R. (1994), The Effect of Self-Generated Elaboration on Students Recall of Tax and Accounting Material: Further Evidence, Issues in Accounting Education, 9, (2), 301-318.

13. Ickes, W., & Conzales, R. (1994), "Social" cognition and social cognition: From the subjective to the intersubjective, Small group research, 25(2), 294-315.

14. Johnson, & Johnson. (1989), Cooperation and competition: Theory and research. Edina, MN, US: Interaction Book Company.

15. Jones, C.G. (2008), Student Perceptions of Web-Based Homework on Course Interaction in Introductory Accounting. Issues in Information Systems, 9(1), 223-230. Retrieved from http://www.iacis.org/iis/pdf/S2008 1116.pdf

16. Kapp, K. M. (June 2012), Games, Gamification, and the Quest for Learner Engagement, Training and Development, 66, (6), 64-68.

17. McConnell, C. A., & Sasse, C. M. (1999), An Anticipatory Case for Managing Teams and Team Projects, Issues in Accounting Education, 14(1), 41-54

18. Prince, M. (2004), Does Active Learning Work? A Review of the Research, Journal of engineering education, 93(3), 223-231.

19. Ramen. M, Moazzam and Jugurnath. B (2016), Accounting teaching techniques with the advent of technology: Empirical evidence from Mauritius, Proceedings of the Fifth Asia-Pacific Conference on Global Business, Economics, Finance and Social Sciences (AP16Mauritius Conference) ISBN - 978-1-943579-38-9 Ebene-Mauritius, 21-23 January, 2016. Paper ID: M625

20. Ravenscroft, S. P. (1997, Spring), In support of cooperative learning, Issues in ccounting Education, 12(1), 187-190.

21. Saunders M., Machell, J. (2000), Understanding emerging trends in higher ducation curricula and work connections, Higher Education Policy 13 (3), pp. 287-302.

EFFECTIVENESS OF UTILIZING ACTIVE LEARNING METHOD

IN TEACHING ACCOUNTING

● MA. NGUYEN THI HONG HANH

Faculty of Economics, Danang Architecture University

ABSTRACT:

The traditional method in teaching accounting has no longer been an effective method which helps students increase knowledge and improve essential skills to have a better chance of landing a position in a competitive job market. Therefore, this conventional method should be replaced by active learning methods. Consequently, students can acquire more knowledge and essential skills to be confident after graduating. This paper summarizes the effectiveness of utilizing active learning method in teaching accounting from the evidences of previous studies.

Keywords: Active learning, teaching accounting, effectiveness.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây