Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, với nhịp độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam cũng tăng nhanh mỗi năm, đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xác định là giải pháp quan trọng giúp đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3). Chương trình đã và đang được Bộ Công Thương triển khai tích cực và đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019-2025 và từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019-2030.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra trong khuôn khổ VNEEP3 là Chương trình chuyển đổi thị trường hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng - Chương trình dán nhãn năng lượng; Mục tiêu của Chương trình là tới năm 2030, cả nước sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD), tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm khoảng 6.000 GWh/năm, tương đương hai nhà máy điện đốt than 500 MW.
Chương trình dán nhãn năng lượng được thực hiện thông qua việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm tiêu thụ năng lượng lớn trên thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn hiệu suất này là căn cứ để các doanh nghiệp thực hiện công bố hiệu suất năng lượng trên các phương tiện thiết bị, sản phẩm khi lưu hành trên thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng được định kỳ rà soát sửa đổi hằng năm theo quy định.
Chương trình dán nhãn năng lượng được bắt đầu triển khai từ năm 2008 theo hình thức tự nguyện đối với sản phẩm đèn chiếu sáng và bình đun nước nóng, sau đó bắt buộc thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 với một số phương tiện, thiết bị.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 07 năm thực hiện Chương trình dán nhãn đã tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ về hiệu suất năng lượng trên thị trường, gần 95% sản phẩm, phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng trong nhóm ngành hàng gia dụng, thương mại, công nghiệp đã được dán nhãn. Chương trình giúp nâng cao hiệu suất 06 loại sản phẩm tiêu thụ điện phổ biến gồm máy biến áp, điều hòa không khí, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt, đèn huỳnh quang ống, CFL; Trong đó hiệu quả sử dụng điều hòa không khí tăng 13% hàng năm, tiết kiệm khoảng 100 triệu kWh/năm.
Nhằm tăng tốc độ chuyển đổi hiệu suất năng lượng trên thị trường thông qua việc rút ngắn thời gian sửa đổi tiêu chuẩn hiệu suất, thay vì theo quy định định kỳ 5 năm sửa đổi tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng như trước, Bộ Công Thương tổ chức Lễ trao Giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020”, Mục tiêu của Giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đứng đầu có sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao cung cấp cho thị trường Việt Nam, khuyến khích xu hướng tiêu dùng xanh, hướng tới sử dụng các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng.
Thông qua việc chứng nhận các sản phẩm đạt tiêu chí hiệu suất năng lượng cao nhất hằng năm, tiêu chuẩn hiệu suất thực tế trên thị trường sẽ được xác lập liên tục theo thời gian. Đây được coi là động lực đề các cơ quan có liên quan chủ động cập nhất và ban hành các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng phù hợp và thúc đẩy thị trường sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao tại Việt Nam.
Các sản phẩm tham gia Giải thưởng sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020 được lựa chọn theo các quy định sau: i) sản xuất, gia công trong nước; sản phẩm nhập khẩu theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam; ii) đạt mức hiệu suất năng lượng cao nhất xác định theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc tế về hiệu suất năng lượng; iii) tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý chất lượng, an toàn và phòng chống cháy nổ; công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường; Sản phẩm có khả năng sản xuất và tiêu thụ phổ biến trên thị trường.
Với mỗi sản phẩm đạt giải, Bộ Công Thương sẽ cấp chứng nhận sản phẩm Hiệu suất năng lượng cao nhất và một mã QR để phân biệt với các sản phẩm tiết kiệm năng lượng thông thường trên thị trường. Nhãn Hiệu suất năng lượng cao nhất sẽ kèm theo mã QR được dán trên bề mặt sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, tra cứu thông tin sản phẩm bằng các thiết bị di động.
Mặc dù diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhưng Giải thưởng vẫn thu hút đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị năng lượng tham gia (12 doanh nghiệp tham gia cuộc thi với tổng số 184 sản phẩm, 54 sản phẩm đạt giải).
Danh mục đơn vị và sản phẩm tham gia giải thưởng 2020
Dán nhãn năng lượng là một biện pháp hữu hiệu, trực tiếp góp phần thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng thông qua việc giảm điện năng tiêu thụ trong thực tế sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội, tạo niềm tin cho khách hàng, nâng cao thương hiệu uy tín, tính cạnh tranh của sản phẩm sử dụng năng lượng trên thị trường
Theo nhận định của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, sức lan toả của Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020 là rất lớn. Giải thưởng đã thổi hơi nóng vào thị trường sản phẩm sử dụng năng lượng, dự báo Giải thưởng năm 2021 sẽ là cuộc đua quyết liệt giữa các thương hiệu để khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị năng lượng./.
Nguyễn Đình Hiệp
Phó Chủ tịch Hội KHCN Sử dụng năng lượng TK&HQ (VECEA)