Hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp Việt trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Đánh giá cao những kết quả mà Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Hà Nội đã đạt được, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cách làm của Hà Nội là điển hình có thể nhân rộng cho các địa phương khác.

Nhiều hoạt động, hiệu quả lớn

 

Chiều 29/11/2018, Hội nghị kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) tại Thành phố Hà Nội đã được diễn ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tham dự và chủ trì Hội nghị.

Báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động trong năm qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành biết, trong năm 2018, xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Cuộc vận động, do đó, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đã chỉ đạo các sở ban ngành, các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền Cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đoàn viên, thanh niên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, treo băng rôn, áp phích, tổ chức các buổi tọa đàm hội thảo...

người việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, để Cuộc vận động có hiệu quả tích cực hơn nữa, Thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời kiểm tra giám sát các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Đặc biệt, trong năm 2018, công tác tuyên truyền còn hướng mạnh vào các doanh nghiệp theo hướng động viên doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại hàng hóa có chất lượng, thương hiệu. Phát triển mạng lưới phân phối, hướng về thị trường nội địa, đặc biệt lưu ý khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi. Thông tin, quảng cáo để người tiêu dùng nhận biết về quy mô, năng lực sản xuất, chất lượng các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thay thế hàng nhập khẩu.

Cùng với công tác tuyên truyền, trong năm 2018, UBND Thành phố đã thực hiện Kế hoạch Cải cách hành chính Nhà nước, theo đó, 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố có thủ tục hành chính giao dịch với tổ chức và công dân đã xây dựng và ban hành Quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thực hiện cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp 3,4 trên nền tảng thống nhất, đồng bộ. Năm 2018, toàn thành phố có 689/1.923 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, chiếm 35,82% tổng số dịch vụ công trực tuyến của thành phố, giúp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Không những vậy, Thành phố tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư trên mọi lĩnh vực, trong đó chú trọng khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ. Thành phố đẩy mạnh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân. Ước tính, trong 9 tháng đầu năm 2018, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 18.680 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 204 nghìn tỷ đồng (tăng 1% về số lượng và tăng 39% vốn đăng ký so với cùng kỳ).

người việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Thu hút đầu tư trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp cũng là một trong những giải pháp đẩy mạnh hiệu quả của Cuộc vận động

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, nhằm đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng, Thành phố đã tổ chức 8.000 điểm bán hàng Việt Nam; 460 chuyến bán hàng lưu động; 13 hội chợ, phiên chợ Việt phục vụ Tết; thông tin 198 điểm bán các mặt hàng thiết yếu. Tổng giá trị hàng hoá các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố đã cung ứng cho thị trường Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 đạt gần 27,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với kế hoạch, trong đó tỷ trọng hàng hóa Việt Nam chiếm từ 80 - 95%.

Từ tháng 5 đến tháng 6/2018, các doanh nghiệp tổ chức thêm trên 80 chuyến bán hàng lưu động, kết hợp đưa hàng đến các đại lý tại khu vực ngoại thành; các doanh nghiệp kinh doanh, siêu thị tổ chức hưởng ứng bán hàng hóa trong Tháng Công nhân năm 2018 với giá ưu đãi cho người lao động và đoàn viên Công đoàn. Năm 2018, tổ chức 6 phiên chợ Việt, trên 380 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng đến đại lý khu vực ngoại thành trên địa bàn Thành phố.

Đáng chú ý, Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đã được duy trì hàng năm, được rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng. Đây là giải pháp tích cực và thiết thực trong thực hiện Cuộc vận động. Qua Chương trình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức và chủ động chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và bước đầu đã có những kết quả tích cực.

Trong năm 2018, Chương trình bình chọn đã thu hút 50.618 lượt bình chọn của người tiêu dùng. Kết quả, 133 sản phẩm, dịch vụ thuộc 12 ngành hàng của 74 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn và được Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố quyết định công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2018.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao những kết quả mà Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Hà Nội đã đạt được. Theo Thứ trưởng, cách làm của Hà Nội là điển hình có thể nhân rộng cho các địa phương khác.

Cuộc vận động chỉ thành công khi có sự vào cuộc của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp thấy được những lợi ích từ Cuộc vận động thì sẽ chủ động tham gia. Hiện nay, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhấn mạnh đến việc bảo về quyền lợi của người tiêu dùng trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong thời qua, hoạt động gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến trên địa bàn Thành phố. Theo Thứ trưởng, Hà Nội chỉ đứng sau Tp. Hồ Chí Minh về số vụ việc vi phạm, cụ thể, tính đến 19/10/2018, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 8.334 vụ, xử lý 7.931 vụ, tổng số tiền xử phạt hơn 118 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp là nòng cốt nhưng quyền lợi của người dân phải được ưu tiên

 

Chia sẻ trong Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương đã đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hà Nội thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các hoạt động được triển khai dày dặn, phong phú.

“Thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền cho các hộ kinh doanh tại các khu chợ truyền thống, để họ ưu tiên hơn trong sử dụng, kinh doanh hàng Việt Nam, tiến tới tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối này chiếm 70 - 80% hàng Việt. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần quan tâm, thu hút đầu tư phát triển hệ thống phân phối hiện đại để tăng lượng hàng hóa, sản phẩm Việt Nam có mặt tại đây.

Cũng theo của bà Lê Việt Nga, Thành phố Hà Nội cần gắn hoạt động du lịch với việc tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối cung cầu và đẩy mạnh xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam và xây dựng mô hình chợ thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành phố cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, phù hợp với những Hiệp định Thương mại tự do ta vừa ký kết, đặc biệt là Hiệp định CPTPP. Tiếp tục có cơ chế chính sách để đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại thay vì tổ chức các chuyến hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp.

Để Cuộc vận động có hiệu quả hơn nữa, thiết thực hơn nữa, đến gần với người dân hơn Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu, Thành phố Hà Nội cần xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, kiểm soát về chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái;xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị, Thành phố Hà Nội cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Gắn hoạt động của Cuộc vận động với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố, tập trung kết nối cung-cầu, đẩy mạnh liên kết giữa ba đối tượng: Nhà sản xuất-nhà phân phối-người tiêu dùng thông qua các cuộc Hội chợ, triển lãm.

Bên cạnh đó, Thành phố cần tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng.

Hạ Vũ