Tây Ninh là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất và chế biến tinh bột khoai mì. Có thời điểm, vùng nguyên liệu khoai mì ở Tây Ninh phát triển hơn 40.000 ha, với sản lượng hơn 1 triệu tấn củ tươi. Đây chính là lợi thế để các doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng nguồn nguyên liệu, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tận dụng ưu thế đó, đón đầu nhu cầu ngày càng cao của thị trường và chuyển hướng đầu tư chiều sâu, phát triển lâu dài, Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Sản xuất Hoàng Huy (ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền chế biến tinh bột mì, từng bước hiện đại hóa công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành của sản phẩm. Qua khảo sát, Trung tâm Khuyến công và Tư vấnphát triển công nghiệp Tây Ninh đã lập đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tách mủ mì bằng máy tách ly tâm” cho đơn vị thụ hưởng là Doanh nghiệp Hoàng Huy. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.150.500.000 đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 81.800.000 đồng mua sắm máy móc thiết bị, Doanh nghiệp Hoàng Huy đầu tư 806.495.500 đồng. Thiết bị là máy tách mủ ly tâm DPF550 DISC SEPARATOR DPF550-SM-01, công suất 3,4 tấn tinh bột/giờ, cắt bột ở chế độ tự động bằng thuỷ lực.
Nói về hiệu quả của việc lắp đặt máy ly tâm công nghệ mới, ông Nguyễn Văn Thành chủ doanh nghiệp cho biết: Trước đây, khi sử dụng quy trình chế biến tinh bột khoai mì bằng máng xi măng, mất từ 10 - 12 giờ mới cho ra sản phẩm. Với máy ly tâm hiện đại, chỉ sau 2 giờ đã cho ra sản phẩm. Vừa tiết kiệm thời gian, công suất hoạt động tăng lên 20%, tổng công suất đạt 120 tấn/ngày.
Một nhà máy mì được đầu tư công nghệ tiên tiếnCũng giống Doanh nghiệp Hoàng Huy, Cơ sở Sản xuất bột mì Diệp Minh Nhứt (xã Trường Đông, huyện Hoà Thành) cũng đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất. Thực hiện triển khai hỗ trợ ứng dụng thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất tinh bột mì, Trung tâm Khuyến công và Tư vấnphát triển công nghiệp Tây Ninh đã hỗ trợ Cơ sở Diệp Minh Nhứt 100 triệu đồng từ quỹ chương trình khuyến công để mua thiết bị tách ly tâm (tổng chi phí là 2,2 tỷ đồng). So với công nghệ cũ cơ sở sử dụng, việc ứng dụng thiết bị công nghệ mới được thể hiện như sau: Công suất sản xuất tăng từ 100 tấn tinh bột/ngày lên 200 tấn tinh bột/ngày; chất lượng bột cao hơn, màu bột trắng hơn; ít hao phí nguyên liệu đầu vào; tiết kiệm được lao động; tiết kiệm nhiên liệu; thời gian lưu kho và bảo quản lâu hơn; giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tương tự, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tây Ninh đã hỗ trợ Doanh nghiệp Tư nhân Hùng Vân (số 128, tổ 5, ấp Tân Trung, Xã Tân Bình, Thành phố Tây Ninh) đầu tư một máy ly tâm tách nước mới 100%, model DPF445/13H, công suất 40 m3/h, với kinh phí đầu tư là 579,15 triệu đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ là 200 triệu đồng. Máy móc thiết bị được lựa chọn hỗ trợ hiện đại nhất so với các cơ sở sản xuất cùng ngành trên địa bàn thành phố Tây Ninh hiện nay. Sau khi đầu tư máy tách nước ly tâm, thời gian sản xuất được rút ngắn so với quy trình sản xuất cũ, hạn chế sự lên men dung dịch sữa và giảm lượng thất thoát bột ướt; Lực ly tâm cao; Diện tích lắp đặt nhỏ; Vật liệu nồi quay có độ bền cao; Hoàn thiện được quy trình sản xuất; Nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự án đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân địa phương với thu nhập trung bình hàng tháng từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tây Ninh: Việc hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công để thực hỗ trợ cho những dự án ứng dụng thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất tinh bột mì thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với sự phát triển của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thêm nhiều thiết bị mới. Đây là bước đệm cho việc mở rộng sản xuất sau này, tạo ra thêm nhiều sản phẩm đạt chất lượng cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, cũng như xuất khẩu.