Hóa chất Việt Nam: Biến sức ép thành động lực cải tiến khoa học công nghệ

Trong bối cảnh nhiều sức ép đang đặt lên một ngành công nghiệp đặc thù như hóa chất, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam khẳng định cần biến đó thành động lực phát triển thông qua ứng dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới khoa học công nghệ.

Sáng 31/5/2019 tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ năm 2019 nhằm điểm lại những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật hiệu quả của các doanh nghiệp thành viên trong thời gian qua, đồng thời đề ra nhiều định hướng, giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị Khoa học Công nghệ năm 2019 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Hội nghị Khoa học Công nghệ năm 2019 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Đại Quang - Phó Tổng Giám đốc Vinachem cho biết, trong suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, công tác khoa học và công nghệ, sáng tiến cải tiến kỹ thuật tại các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đã được chú trọng đẩy mạnh và phát huy vai trò tích cực.

Ngoài việc chủ động đầu tư và huy động các nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Tập đoàn cũng đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Ông Ngô Đại Quang - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Phó Tổng Giám đốc Vinachem Ngô Đại Quang khẳng định vai trò quan trọng của các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn

 

Theo ông Quang, các doanh nghiệp trong Tập đoàn thời gian qua đã đẩy mạnh tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, hiện đại nhằm tạo khả năng cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và trên thế giới.

Nhiều công nghệ, thiết bị tiên tiến đã được tiếp nhận chuyển giao thành công, được đưa vào khai thác có hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nâng cao tay nghề của công nhân, đặc biệt là tại các doanh nghiệp thuộc một số ngành quan trọng như phân bón, hóa chất cơ bản, điện hóa, cao su…

Ông Bùi Công Thản - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột giặt LIX

Ông Bùi Công Thản - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bột giặt LIX chia sẻ về cải tiến công nghệ sản xuất bột giặt phun sấy

 

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Bùi Công Thản - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột giặt LIX cho biết, hai điểm nổi bật trong hoạt động khoa học công nghệ của Công ty thời gian qua đó là làm chủ được công nghệ sản xuất và việc phát triển công thức sản phẩm được triển khai nhanh chóng, kịp thời.

Trong công nghệ sản xuất bột giặt phun sấy tại LIX, các nguyên liệu lỏng (30%) ở công đoạn nhận nguyên vật liệu đã được bơm chuyển tự động từ các bồn chứa lớn vào phân xưởng sản xuất, cùng với đó thiết bị trọng yếu ở công đoạn phun sấy cũng được mạnh dạn đầu tư đồng bộ hóa toàn bộ cụm thiết bị đến từ Italia, tạo nên điểm mạnh nhất về công nghệ của LIX, mang lại hiệu quả sử dụng ổn định và chất lượng cao.

Tuy nhiên, đại diện LIX cũng thẳng thắn nhìn nhận, công đoạn nhận nguyên vật liệu rắn (chiếm 70%) hiện đang chứa bao 25-50kg và 1.000 kg: đây là công đoạn sử dụng rất nhiều lao động để vận hành, và sử dụng mặt bằng kho bãi lưu trữ lớn. Để giải quyết vấn đề này, LIX cho biết sẽ đầu tư các bồn chứa 100-200m3 để chứa 2 nguyên liệu rắn chính là Soda và Sulphate So. (chiếm 90%), tương tự như nguyên liệu lỏng và dùng bơm hơi để thổi vào khu vực phối trộn. “Đây là giải pháp toàn diện về đảm bảo môi trường, không có bao bì chứa nguyên liệu phát thải, tiết kiệm năng lượng, mặt bằng và lao động”, ông Thản khẳng định.

Đồng thời, trong giai đoạn đóng gói cuối cùng, Công ty dự kiến sẽ đầu tư băng tải chuyển bột tự động vào máy đóng gói cũng như sử dụng cánh tay robot vào thùng và cán thùng tự động, bên cạnh đó cũng cân nhắc 1-2 line chủ lực đầu tư robot xếp thùng lên pallet để tiếp tục giảm lao động, tăng năng suất cho giai đoạn này.

Đáng chú ý, thành quả nổi bật trong công tác điều hành sản xuất của LIX thời gian qua là giảm được lượng Gas (khí CNG) tiêu thụ trong phun sấy bột giặt trung bình giảm 15%/năm, từ năm 2014 đến nay. Tương ứng chi phí sản xuất giảm được mức 9% (do tỷ trọng về nhiên liệu chiếm đến 60% cơ cấu chi phí sản xuất).

Đại diện Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng
Đại diện Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng nhấn mạnh lợi ích kỹ thuật và kinh tế mà đề án quy hoạch lại hệ thống cấp than điện đã mang lại

 

Ở lĩnh vực cao su, đại diện Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, thời gian qua Công ty đã triển khai đề án Quy hoạch tổng thể - thiết kế - chế tạo - lắp đặt hệ thống cấp than điện tại Nhà máy sản xuất lốp DRC. Trong đó, để hạ độ ẩm trong kho chứa than từ 70% hiện nay xuống mức mong muốn là 50-55%, DRC sử dụng thiết bị tách ẩm để tách được hơi ẩm trong không khí. Đồng thời thiết kế, chế tạo và lắp đặt hệ thống tự động đẩy than đen bằng khí nén từ nhà kho than đến 16 silo/ngày với công suất kiểm tra thực tế 9 tấn/giờ với lượng khí nén 24m3/phút, tiêu thụ 9 kWh, giảm tiếng ồn, giảm bụi, cung cấp đầy đủ than đen theo yêu cầu, giữ độ ẩm theo yêu cầu, đảm bảo mức độ tự động hóa cao phù hợp với việc vận hành sản xuất thông minh.

“Hệ thống mới được vận hành có năng suất vượt trội tăng gấp 7 lần trước đây, đảm bảo cấp đầy đủ than đen trong quá trình sản xuất”, đại diện DRC chia sẻ, “Sau khi lắp máy hút ẩm thì độ ẩm trong các kho chứa than đen giảm rõ rệt, luôn duy trì ở mức thấp hơn 50%, giúp đảm bảo quy trình công nghệ sản xuất các bán thành phẩm, nâng cao chất lượng lốp”.

Đặc biệt, cải tiến kỹ thuật mới đã giúp DRC giảm thiểu tiêu hao năng lượng, tiết kiệm hơn 947 triệu đồng mỗi năm.

Hội nghị
Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường phát biểu tại Hội nghị Khoa học Công nghệ năm 2019 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

 

Theo ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐQT Vinachem, ngành Hóa chất là một ngành công nghiệp có tính đặc thù cao và đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ kỹ thuật, công nghệ nhất định, do đó các sáng kiến, cải tiến khoa học công nghệ đóng có vai trò hết sức quan trọng trong sự ổn định, phát triển của Vinachem nói riêng và toàn ngành nói chung.

“Trong Tập đoàn có những đơn vị đóng góp tới 150 sáng kiến mỗi năm, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Nhiều sáng kiến, đề tài được đưa vào ứng dụng và nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, thể hiện đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ, của sáng kiến cải tiến kỹ thuật đối với hoạt động của Tập đoàn trong suốt bề dày xây dựng và phát triển”, Chủ tịch Nguyễn Phú Cường khẳng định.

“Trong bối cảnh hiện nay, sức ép về năng lượng, thị trường, trách nhiệm xã hội và môi trường buộc chúng ta phải thay đổi, phải cải tiến, phải tiếp xúc với các công nghệ mới”, lãnh đạo Vinachem nhấn mạnh cần biến sức ép thành động lực cho phát triển một cách thực tiễn, không tách bạch nghiên cứu vì khoa học công nghệ vẫn là một bộ phận, một công cụ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đổi mới khoa học công nghệ trong bối cảnh hiện tại
Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đổi mới khoa học công nghệ trong bối cảnh hiện tại

 

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường nhận định, giải pháp duy nhất là cần liên tục nghiên cứu, cập nhật và ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt tận dụng các nhân tố mới từ Cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng tới “bài toán hệ thống”, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và nâng cao năng suất tổng thể để đem về lợi ích tối đa cho toàn dây chuyền sản xuất.

Đại diện Vinachem cam kết, trong thời gian tới Tập đoàn sẽ tiếp tục khuyến khích, quan tâm và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thành viên tiếp cận những chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước như thuế, vốn nhằm không ngừng nghiên cứu, vận dụng các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thy Thảo