Hóa đơn điện tử - những thay đổi sau nghị định số 123/2020/NĐ-CP và thông tư số 78/2021/TT-BTC

ThS. TRẦN MINH NGỌC - ThS. HỒ THỊ BÍCH NHƠN - ThS. TRẦN ĐÌNH SƠN ANH MINH (Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu khái quát về hóa đơn điện tử, tổng quan về khung pháp lý cho việc ứng dụng hóa đơn điện tử; nêu bật những điểm mới trong quá trình chuyển đổi hóa đơn điện tử thông qua việc so sánh các điểm khác biệt giữa quy định cũ và quy định mới liên quan đến hóa đơn điện tử. Từ đó, giúp doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về nhưng thay đổi trong việc lập và xuất hóa đơn điện tử sau Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Từ khóa: hóa đơn điện tử, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

1. Đặt vấn đề

Ứng dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng rộng rãi trong giao dịch mua bán với sự hỗ trợ của máy tính, phần mềm. Bài viết ra đời trong thời điểm Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước; theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Khái niệm hóa đơn điện tử: Theo điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế, được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế.

2. Khung pháp lý cho việc ứng dụng hóa đơn điện tử

Để giúp đỡ các doanh nghiệp làm quen với hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hỗ trợ. Từ đây cho đến ngày 30/06/2022, các văn bản sau sẽ còn hiệu lực thi hành:

- Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP - quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

- Thông tư số 32/2011/TT-BTC - hướng dẫn khởi tạo, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

- Thông tư số 39/2014/TT-BTC - hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

- Nghị định số 04/2014/NĐ-CP - quy định về hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ.

- Thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung cho Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

- Quyết định số 1209/QĐ-BTC ban hành ngày 23/06/2015 - thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế.

- Thông tư số 37/2017/TT-BTC sửa đổi bổ sung cho Thông tư số 39/2014/TT-BTC và Thông tư số 26/2015/TT-BTC.

- Quyết định số 526/QĐ-BTC ban hành ngày 16/04/2018 - mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế.

- Nghị định số 119/2018/NĐ-CP - quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

- Thông tư số 68/2019/TT-BTC - hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về thực hiện hóa đơn điện tử.

Cuối năm 2020, Chính phủ đã xây dựng lộ trình chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử áp dụng bắt buộc cho tất cả các doanh nghiệp thông quan các văn bản sau:

- Quyết định số 1417/QĐ-TCT thông báo kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP tại 6 tỉnh, thành phố.

- Quyết định số 206/QĐ-BTC về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ.

- Thông tư số 78/2021/TT-BTC - hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý Thuế ngày 13 tháng 06 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

- Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021 của Tổng cục Thuế về Tiêu chuẩn định dạng hóa đơn điện tử của cơ quan thuế.

3. Điểm khác biệt giữa quy định cũ và mới liên quan đến hóa đơn điện tử

3.1. Phân loại hóa đơn điện tử

- Về hình thức hóa đơn:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế.

- Về các loại hình hóa đơn:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, hóa đơn khác (Tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền,…).

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Hóa đơn giá trị gia tăng (áp dụng cho DN kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ); Hóa đơn bán hàng (áp dụng cho DN kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp); Hóa đơn khác (Tem điện tử, Vé điện tử, Phiếu thu điện tử); Hóa đơn điện tử bán tài sản công; Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia. Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.

- Về phân loại hóa đơn:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Không có quy định đối với hóa đơn điện tử có mã và không có mã xác thực của cơ quan thuế; Tất cả các đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử đều là hóa đơn điện tử không mã.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Phân loại hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế và HĐĐT không có mã xác thực của cơ quan Thuế; Có quy định rõ ràng các đối tượng nào phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.

- Về định dạng hóa đơn điện tử:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: không có quy định về định dạng dữ liệu hóa đơn điện tử; chỉ quản lý về số lượng sử dụng, không yêu cầu gửi dữ liệu lên cơ quan thuế, do đó định dạng hóa đơn điện tử khác nhau cũng không ảnh hưởng đến dữ liệu cơ quan thuế (chỉ quản lý tình trạng sử dụng hóa đơn).

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Định dạng theo chuẩn dữ liệu do Bộ Tài chính quy định; sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML; Gồm 2 thành phần: Thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ HĐĐT và thành phần chứa dữ liệu chữ ký số/Mã cơ quan thuế (đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

3.2. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

Giữa các Nghị định và Thông tư cũ với Nghị định và Thông tư mới về đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đã có sự khác biệt ở 2 bước: Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC, doanh nghiệp phải lập thông báo phát hành hóa đơn, trong khi theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, doanh nghiệp không cần trải qua bước này; Còn theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, doanh nghiệp phải lập và nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và hủy hóa đơn, trong khi theo quy định cũ, doanh nghiệp không cần thực hiện bước này; các bước khác cũng có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể:

- Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC

Bước 1: Lựa chọn đơn vị cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử uy tín.

Bước 2: Khởi tạo mẫu hóa đơn.

Bước 3: Lập quyết định sử dụng hóa đơn: Hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử.

Bước 4: Lập thông báo phát hành hóa đơn.

Bước 5: Nộp hồ sơ cho cơ quan Thuế, gồm: Mẫu hóa đơn, quyết định sử dụng hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn. Sau 2 ngày làm việc (kể từ ngày nộp hồ sơ), nếu cơ quan Thuế không có ý kiến thì doanh nghiệp có thể bắt đầu sử dụng hóa đơn.

Bước 6: Lập hóa đơn gửi khách hàng khi bán hàng.

Bước 7: Cuối kỳ, doanh nghiệp lập báo cáo tình hình hóa đơn gửi cơ quan thuế. Định kỳ 6 tháng một lần, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử phải gửi Báo cáo về việc truyền hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế (theo mẫu số 3, ban hành kèm Thông tư số 32/2011/TT-BTC).

- Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC

Bước 1: Tiếp nhận thông tin từ cơ quan Thuế và phản hồi lại cho cơ quan thuế theo yêu cầu. Cơ quan Thuế thông báo chuyển đổi sang hóa đơn điện tử theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Bước 2: Nộp mẫu 01/ĐKTĐ-HĐĐT - phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (trang https://hoadondientu.gdt.gov.vn).

Bước 3:  Chọn hình thức hóa đơn (hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn không có mã của cơ quan thuế) khi khai báo thông tin trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Chọn loại hóa đơn cần phát hành khi khai báo thông tin trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký Hóa đơn điện tử cho Cơ quan Thuế (ký số điện tử). Trong thời gian 15 phút kể từ khi nhận được tờ khai đăng ký của người nộp thuế, Cổng điện tử sẽ gửi thông báo Mẫu số 01/TB-TNĐT về việc Tiếp nhận/Không tiếp nhận tờ khai đăng ký của người nộp thuế. Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày Cổng điện tử gửi thông báo về việc tiếp nhận Mẫu số 01/TB-TNĐT, cơ quan Thuế sẽ gửi thông báo về việc chấp thuận hay không chấp thuận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. (Mẫu số 2 ban hành theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP). Người nộp thuế được cơ quan thuế chấp nhận thông tin đăng ký sử dụng HĐĐT sẽ nhận được email thông báo tài khoản sử dụng Hệ thống hóa đơn điện tử, bao gồm tên tài khoản và mật khẩu đăng nhập.

Bước 5: Lập và nộp ngay báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo mẫu BC26/AC cùng thời điểm hủy hóa đơn cũ. Lập thông báo kết quả hủy hóa đơn theo mẫu TB03/AC và nộp mẫu này trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận thông báo chấp nhận hóa đơn điện tử theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Bước 6:

- Đối với hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế:

+ Lập hóa đơn điện tử, ký số/ký điện tử trên hóa đơn điện tử đã lập và gửi hóa đơn điện tử này đến cơ quan thuế.

+ Hệ thống cấp mã của Tổng cục Thuế sẽ tự động cấp mã và gửi lại hóa đơn cho doanh nghiệp.

+ Doanh nghiệp gửi hóa đơn cho người mua.

- Đối với hóa đơn điện tử không có mã xác thực của cơ quan thuế:

+ Lập hóa đơn điện tử, ký số/ký điện tử trên hóa đơn đã lập và gửi hóa đơn này đến cơ quan thuế.

+ Doanh nghiệp gửi hóa đơn cho người mua.

Bước 7:  Chỉ có hóa đơn điện tử không có mã xác thực mới phải gửi dữ liệu về cơ quan thuế. Gửi Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử theo mẫu 01/TH-HĐĐT ban hành theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để gửi cơ quan thuế cùng với thời gian gửi Tờ khai thuế giá trị gia tăng => Hình thức này áp dụng với một số lĩnh vực như: Bưu chính viễn thông; Bảo hiểm; Tài chính ngân hàng; Vận tải hàng không,… (Xem chi tiết tại Điều 22, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP).

3.3. Nội dung hóa đơn điện tử

Cụ thể:        

- Về mẫu số hóa đơn:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Mẫu số thường bao gồm 11 ký tự. Cụ thể: 01GTKT: hóa đơn giá trị gia tăng, 07KPTQ: hóa đơn bán hàng (dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan), 03XKNB: phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, 04HGDL: phiếu xuất kho gửi bán đại lý.

Ký tự thứ 7 thể hiện số liên hóa đơn. Ký tự thứ 8 là dấu/để phân biệt số liên với số thứ tự của mẫu hóa đơn. Ký tự thứ 9-10-11 thể hiện số thứ tự của mẫu hóa đơn

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Là ký tự đầu tiên trong chuỗi ký hiệu hóa đơn (gồm 7 ký tự). Cụ thể: 1 - Hóa đơn giá trị gia tăng, 2 - Hóa đơn bán hàng, 3 - hóa đơn điện tử bán tài sản công, 4 - hóa đơn điện tử bán tài sản dự trữ quốc gia, 5 - hóa đơn điện tử khác là tem điện tử, vé điện tử, phiếu thu điện tử,… 6 - Chứng từ điện tử như Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, Phiếu xuất kho gửi bán đại lý.

- Về ký hiệu hóa đơn:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Ký hiệu hóa đơn có 6 ký tự đối với hóa đơn do tổ chức, cá nhân đặt in/tự in và 8 ký tự nếu là hóa đơn do Cục Thuế phát hành.

Hóa đơn do tổ chức, cá nhân đặt in/tự in:  2 ký tự đầu để phân biệt ký hiệu hóa đơn, là 2 chữ cái trong 20 chữ cái in hoa của bảng chữ cái tiếng Việt. Ký tự thứ 3 là dấu “/” để phân biệt ký hiệu hóa đơn với phần còn lại. 2 ký tự tiếp theo thể hiện năm phát hành hóa đơn.  Ký tự cuối cùng thể hiện hình thức hóa đơn là Đặt in (P), Tự in (T) hay Điện tử (E).

Ví dụ: AB/18T - Hóa đơn tự in phát hành năm 2018.

Hóa đơn do Cục Thuế phát hành:  Thêm 2 ký tự trước 06 ký tự như trên, thể hiện hóa đơn do Cục Thuế nào phát hành.

Ví dụ: 03AB/18T - Hóa đơn do Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phát hành năm 2018.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Chuỗi ký hiệu hóa đơn bao gồm 7 ký tự. Trong đó ký tự đầu tiên dùng để phân loại mẫu số hóa đơn.

Ký tự thứ 2 dùng để phân biệt hóa đơn điện tử có mã xác thực hay không có mã xác thực của cơ quan thuế: C - hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, K - hóa đơn điện tử không có mã xác thực của cơ quan thuế.

2 ký tự tiếp theo thể hiện năm phát hành hóa đơn.

Ký tự thứ 5 thể hiện loại hóa đơn điện tử được sử dụng: T - hóa đơn điện tử do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký với cơ quan thuế,  D - hóa đơn điện tử đặc thù, hóa đơn điện tử bán tài sản công, hóa đơn điện tử bán tài sản dự trữ quốc gia, L - hóa đơn điện tử do cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh, M - hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền, N - áp dụng với phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, B - áp dụng với phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử, G - áp dụng với tem, vé, thẻ điện tử là Hóa đơn GTGT, H - áp dụng với tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn bán hàng.

Có 2 ký tự cuối cùng do người bán tự xác định căn cứ theo nhu cầu quản lý. Trường hợp không có nhu cầu quản lý thì để là YY.

Ví dụ: 1C21TAA - Hóa đơn giá trị gia tăng có mã của cơ quan thuế được lập năm 2021 và là hóa đơn điện tử do doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng với cơ quan thuế.

- Về số hóa đơn:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Ghi bằng dãy số tự nhiên liên tiếp trong cùng một ký hiệu hóa đơn, bao gồm 7 chữ số. Ví dụ: 0001234.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Số hóa đơn được ghi bằng chữ số Ả Rập, có tối đa 8 chữ số. Có tối đa đến 99 999 999 số.

Bắt đầu từ số 1 vào ngày 01/01, hoặc ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn và kết thúc vào ngày 31/12 hằng năm. Ký hiệu của HĐĐT sẽ tự động thay đổi khi sang năm mới, ví dụ năm 2021 là 1C21TAA thì sang năm 2022 sẽ là 1C22TAA.

- Về thông tin người bán:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Không có quy định cụ thể.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Trên hóa đơn phải thể hiện Tên, Địa chỉ, Mã số thuế của người bán theo đúng tên, địa chỉ, mã số thuế ghi tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế,…

- Về chữ ký người bán:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Không có quy định cụ thể.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Nếu người bán là cá nhân thì sử dụng chữ ký số của cá nhân hoặc người được ủy quyền. Nếu người bán là doanh nghiệp, tổ chức thì chữ ký số của người bán là chữ ký số của doanh nghiệp tổ chức.

- Về thông tin người mua:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Không có quy định cụ thể.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Nếu người mua là cơ sở kinh doanh, có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua theo đúng tên, địa chỉ, mã số thuế ghi tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.         Nếu người mua không có mã số thuế thì không cần phải thể hiện mã số thuế người mua trên hóa đơn. Nếu người mua là khách nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể thay bằng thông tin về số hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch.

- Về chữ ký người mua:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Không có quy định cụ thể.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Nếu người mua không phải là đơn vị kế toán thì trên HĐĐT không phải có chữ ký điện tử của người mua. Nếu người mua là đơn vị kế toán thì trên HĐĐT phải có chữ ký của người mua nếu không có các chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa người bán và người mua. Các chứng từ chứng minh, gồm: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán.

- Về ngưỡng phải lập hóa đơn:

+ Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Trên 200.000 đồng.

+ Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Không phân biệt giá trị từng lần bán hàng.

4. Kết luận

Bài viết đã khái quát khái niệm về hóa đơn điện tử, khung pháp lý cho việc ứng dụng hóa đơn điện tử, chỉ ra các điểm thay đổi sau Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC nhằm giúp doanh nghiệp thấy rõ và biết cách ứng dụng thông tư và nghị định mới trong sử dụng hóa đơn điện tử đúng quy định pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2011). Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn khởi tạo, phát hành, sử dụng HĐĐT bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
  2. Chính phủ (2014). Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
  3. Bộ Tài chính (2014). Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
  4. Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung cho Thông tư 39/2014/TT-BTC.
  5. Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 37/2017/TT-BTC sửa đổi bổ sung cho Thông tư 39/2014/TT-BTC và Thông tư số 26/2015/TT-BTC.
  6. Bộ Tài chính (2015). Quyết định số 1209/QĐ-BTC ban hành ngày 12/06/2015 thí điểm sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan Thuế.
  7. Bộ Tài chính (2018). Quyết định số 526/QĐ-BTC ban hành ngày 16/04/2018 mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan Thuế.
  8. Tổng cục Thuế (2021). Quyết định số 1417/QĐ-TCT thông báo kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP tại 6 tỉnh, thành phố.
  9. Bộ Tài chính (2022). Quyết định số 206/QĐ-BTC về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  10. Chính phủ (2020). Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ.
  11. Bộ Tài chính (2021). Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý Thuế ngày 13 tháng 06 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
  12. Tổng cục Thuế (2021). Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021 của Tổng cục Thuế về Tiêu chuẩn định dạng hóa đơn điện tử của cơ quan thuế.

E-INVOICE: CHANGES IN THE USE OF E-INVOICES

IN ACCORDANCE WITH THE DECREE NO. 123/2020/ND-CP

AND CIRCULAR NO. 78/2021/TT-BTC

Master. TRAN MINH NGOC

Master. HO THI BICH NHON

Master. TRAN DINH SON ANH MINH

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This paper provides an overview of electronic invoices (e-invoices) and the legal framework for the application of e-invoices. This paper also highlights new points in the process of shifting to e-invoices by comparing the differences between old regulations and new ones on e-invoices. This paper is expected to help businesses have a clearer view of the changes in the e-invoice preparation and issuance when the Decree No. 123/2020/ND-CP and Circular No. 78/2021/

TT-BTC are enforced.

Keywords: electronic invoices, Decree No. 123/2020/ND-CP, Circular No. 78/2021/TT-BTC.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]